Nhiều thách thức mới trong phòng chống HIV/AIDS (10/10/2012)
|
Công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ gặp nhiều thách thức khi các nguồn hỗ trợ quốc tế rút khỏi Việt Nam |
VH- HIV/AIDS ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế ngày càng cắt giảm. Do đó để bảo đảm chất lượng bền vững trong phòng chống HIV/AIDS khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm vẫn đang là một thách thức lớn đối với TP.HCM và các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Tỷ lệ nhiễm HIV vẫn ở mức cao
Những năm trở lại đây, mặc dù số lượng người nhiễm HIV đã xác định đang suy giảm tuy nhiên vẫn ở mức cao trong các nhóm có nguy cơ cao và có xu hướng tăng trong quan hệ tình dục đồng giới nam. Thêm vào đó, vẫn còn nhiều người sử dụng ma túy, nạn mại dâm cũng có xu hướng phát triển. Việc tích hợp phức tạp của sử dụng ma túy với quan hệ tình dục không an toàn và hành vi quan hệ đồng giới nam đang đặt ra một thách thức lớn với kế hoạch phòng chống HIV/AIDS.
Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay cả nước có khoảng hơn 200.000 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 21.000 người phải điều trị bằng ARV, tăng khoảng 5.000 người so với năm 2011. Những địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất là TP.HCM, Điện Biên, Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên… Dự báo đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 300.000 người nhiễm HIV, trong đó có 140.000 người cần được điều trị bằng ARV đến hết đời. Thêm vào đó trung bình mỗi năm cả nước có thêm từ 4.000 đến 5.000 ca nhiễm mới HIV. Đặc biệt hiện nay tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai đang có chiều hướng gia tăng.
Do đó nếu các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm thì Việt Nam sẽ không đạt được các mục tiêu mong muốn trong phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng, bà Hương cảnh báo.
Đối mặt với thách thức mới
Đại diện quỹ hỗ trợ quốc tế, bà Vivan Chao, điều phối viên Tổ chức PEPFAR, Hoa Kỳ - tổ chức hỗ trợ nguồn kinh phí lớn nhất trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cho biết: Khủng hoảng kinh tế thế giới cùng với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt mức trung bình nên quỹ PEPFAR trong thời gian tới sẽ rút dần ra khoảng từ 5 đến 10% mỗi năm từ năm 2013 trở đi. Dự kiến đến năm 2015, mức hỗ trợ chỉ còn khoảng 40 triệu USD. Tuy nhiên, trong năm 2012, PEPFAR sẽ giữ nguyên mức tài trợ phòng, chống HIV/AIDS là 82 triệu USD bằng với năm 2011.
Trước những khó khăn và thách thức mới, bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Phó Chánh văn phòng - Ủy ban Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM nói: Lâu nay, bệnh nhân nhiễm HIV chỉ đến khám bệnh và điều trị ở những trung tâm y tế của các tổ chức phi chính phủ hoặc các trung tâm tư vấn miễn phí. Tuy nhiên khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm thì không thể áp dụng một chính sách riêng cho phòng, chống HIV/AIDS mà phải sử dụng chính sách y tế có sẵn. Đồng thời phải áp dụng chính sách bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân HIV/AIDS. Do đó, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đưa danh mục thuốc điều trị HIV, các chi phí xét nghiệm vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế trong thời gian tới.
Hơn nữa hiện nay, phần lớn nhân viên được tuyển dụng làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS đều được trả lương bằng nguồn tài trợ quốc tế. Do vậy khi nguồn tài trợ bị cắt giảm thì nguy cơ thiếu hụt nhân lực cũng sẽ rất cao. Chia sẻ vấn đề này, bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân cho rằng, TP.HCM cần sớm chuyển các cán bộ dự án phòng, chống HIV/AIDS vào biên chế nhà nước được hưởng lương ngân sách để duy trì đội ngũ cán bộ nhân viên dự án. Đồng thời phải tính đến đa dạng hóa cán bộ, nghĩa là một bác sĩ phải kết hợp nhiều nhiệm vụ như vừa điều trị ARV vừa điều trị Methadone.
Tân Phong
Nguồn :
http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/48943.vho