  Danh hiệu: MemberNhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 18-07-2012(UTC) Bài viết: 83 Đến từ: Tây Nguyên
Cảm ơn: 9 lần Được cảm ơn: 26 lần trong 17 bài viết
|
Bút ký người điều tra
Thứ ba, 16/10/2012 08:34
(Congan.com.vn) - Chỉ cần mua bán, vận chuyển và tàng trữ 600g ma túy, các đối tượng phải nhận án tử. Thế nhưng vì lười lao động, lại muốn kiếm tiền nhanh chóng nên nhiều kẻ đã bất chấp tất cả, kể cả hủy hoại chính đồng loại để đi gieo rắc “cái chết trắng”. Để khuất phục tội ác,
công an các tỉnh Tây nguyên đã “lâm trận” như thế nào?
XÓA LOÀI CÂY “GIẾT NGƯỜI”
Trong năm 2008, cùng với huyện Chư Sê (Gia Lai), huyện Đắk Min của Đắk Nông “nổi tiếng” cả nước với nạn trồng cây cần sa trong các nương rẫy. Từ nguồn tin cơ sở, các trinh sát phát hiện tại địa bàn có hiện tượng trồng cây chứa chất ma túy. Công an huyện Đắk Min nhanh chóng thiết lập chuyên án. Ngày 7-10-2008, trinh sát khám xét nhà Nê Thái Quang (SN 1973, quê Vĩnh Phúc) di cư vào Tây nguyên và thu giữ 20kg lá, hoa cần sa khô.
Qua khai thác, ban chuyên án còn tìm thấy tại rẫy của Quang có 100 cây cần sa đang mùa thu hoạch. Cộng với số lượng tịch thu tại nhà hai đối tượng còn lại của vụ án, Công an huyện Đắk Min thu giữ tổng cộng 36,5kg thân hoa lá cần sa khô. Mở rộng chuyên án, các trinh sát bắt thêm ba đối tượng khác, thu gần 400kg cần sa khô và tươi. Ngay sau đó, Cảnh sát ma túy phối hợp với Công an huyện Đắk Min tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy hết lượng cây cần sa trong rẫy. Đến thời điểm này, vụ án đang tiếp tục hoàn tất. Với lượng cần sa tàng trữ như trên, các đối tượng phải nhận án từ 20 năm cho đến tử hình.

Tiêu hủy cây cần sa
Một lãnh đạo Phòng CSĐTTP về ma túy nhớ lại: Trong năm 2008, Cảnh sát ma túy - công an tỉnh đã bắt 34 vụ với 82 đối tượng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 34 vụ, 72 bị can về tội mua bán trái phép chất ma túy. Số lượng heroin thu giữ 47,03g, cần sa 395,15kg, thu 29,2 triệu đồng, 32 ĐTDĐ, 9 xe máy. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 211 đối tượng bị nghiện, hiện cơ quan công an đang tích cực quản lý. Thành lập năm 2004, năm nào phòng chuyên đánh án ma túy cũng đạt danh hiệu Quyết thắng. Riêng trung úy Nguyễn Mạnh Hùng, đội trinh sát, đã nhiều lần được nhận bằng khen, giấy
khen của Tổng cục Cảnh sát, Ban giám đốc (BGĐ) CA tỉnh...
Bên cạnh các thành tích nêu trên, trinh sát ma túy Đắk Nông cũng gặp phải muôn vàn khó khăn. Tỉnh có hơn 130km2 đường biên giới với hai cửa khẩu Đắk Pơ (huyện Đắk Min) và Puprăng (huyện Tuy Đức) giáp với tỉnh bạn Mondonkri (Campuchia). Ngoài ra còn có nhiều đường tiểu ngạch (đường mòn) nên người dân hai nước thường xuyên qua lại gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý nhân khẩu. Cây cần sa thường trồng xen lẫn vào nương rẫy nên không dễ phát hiện. Đó là chưa kể tại khu vực thuộc dãy Nam Can, nơi đồng bào Dao di cư vào, việc đi lại của trinh sát luôn bị ách tắc
vì đèo cao, vực sâu.
Còn tại Phòng CSĐTTP về ma túy - Công an tỉnh Đắk Lắk, nhiệm vụ triệt xóa cần sa cũng diễn ra khẩn trương. Ngày 25-6-2006, trinh sát ma túy phát hiện tại vườn của ba hộ dân ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk trồng cần sa với diện tích 1.788m2, trong đó diện tích thu hoạch hơn 1.700m2. Cơ quan công an thu giữ 30kg bông lá khô và 0,44kg hạt giống cần sa. Qua công tác điều tra, cơ quan công an phát hiện hạt cần sa do Trịnh Thị
Thu Thủy từ Khánh Hòa đưa lên Đắk Lắk để trồng.

Tang vật của một vụ án
Năm 2008, Cảnh sát ma túy đã bắt giữ 69 vụ với 119 đối tượng. So với năm 2007 tăng 25 vụ và 26 đối tượng. Cơ quan công an cũng thu giữ 307,29g heroin, 2 viên ma túy tổng hợp, 46 ĐTDĐ, 20 xe máy các loại, 297 triệu
đồng.
Chủ động tấn công tội phạm, hơn 10 năm qua lực lượng CSĐTTP về ma túy đã có những chuyên án lớn, phá các đường dây ma túy liên tỉnh, liên huyện. Chiến công đầu tiên vào ngày 23-4-1998, đã phá đường dây mua bán vận chuyển ma túy từ Lai Châu xuống Gia Lai, Đắk Lắk do Hoàng Thị Thanh Mai
cầm đầu cùng bốn đối tượng, thu 1,35kg thuốc phiện.
TỔ QUỶ NGỤY TRANG
Địa bàn Đắk Lắk đồi núi xen lẫn rừng rậm, lại nằm giữa trung tâm cao nguyên nên thuận tiện cho việc mua bán, vận chuyển hàng hóa qua lại các nơi. Cửa hàng mộc của Bùi Trường Sơn (SN 1969, quê Nghệ An) ở đường Nguyễn Tất Thành, thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Búk lúc nào cũng tấp nập khách. Phải mất một thời gian, trinh sát mới phát hiện đây là ổ tàng trữ ma túy lớn do Sơn tổ chức. Cùng trong đường dây với Sơn còn có Trần Văn Ninh (SN 1974, quê Hà Tĩnh), ngụ thôn Thanh Bình, xã EaBlang, huyện Krông Búk, núp dưới vỏ bộc là thợ mộc tại gia đi đóng bàn ghế, giường tủ
khi “khách hàng” yêu cầu (thực chất là giao ma túy).
Sơn có đường dây đưa ma túy từ Nghệ An vào, sau đó Ninh cùng Hoàng Minh Hiếu (SN 1972, quê Thừa Thiên - Huế), nhân viên cửa hàng mộc, cất giấu và phân ra bán lẻ cho các con nghiện ở Krông Búk và EaKar. Chúng giấu ma túy trong các đống gỗ và mạt cưa ở xưởng mộc nhà Sơn và Ninh (nhà Ninh là điểm giấu heroin cho Sơn. Khi hết “hàng”, Sơn lại đến lấy bán hoặc điện thoại cho Ninh đi giao). Để mở rộng mạng lưới, băng của Sơn còn liên kết với anh em Hoàng Nghĩa Hùng (tự Chột, SN 1970) và Thái Văn Tùng (SN 1967, cùng quê Nghệ An, ngụ thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Búk) để trao đổi hàng qua lại. Những lúc khan hiếm Sơn đích thân ra Nghệ An lấy
heroin về bán.
Chính vào thời điểm này, lần theo dấu vết của Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1966, quê Hưng Yên) và Hoàng Thị Ánh Tuyết (SN 1973, quê Bình Định, ngụ thị trấn EaKar, huyện EaKar), là chân rết tiêu thụ hàng của Sơn, trinh sát lần ra một đầu mối bán heroin khác nằm ngay TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Do Nghĩa không chỉ lấy ma túy để bán mà còn là một con nghiện nặng, vì vậy khi Sơn ra Bắc cất hàng, Nghĩa bị vã không chờ hàng về mà tìm đến đầu mối khác mua và có hàng bán lại cho các con nghiện khác ở EaKar, Krông Pắk, Ma D,rắc... Đầu mối đó là Trần Thị Dung (tự Tùng, SN 1954,
quê Bình Định, ngụ P.Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột).
Đường dây bán ma túy của Dung tồn tại đã lâu nhưng với phương thức, thủ đoạn tinh vi và dày dạn kinh nghiệm đối phó, thị đã nhiều lần thoát được mạng lưới bủa giăng của CA. Dung có ba con (2 trai, 1 gái) đều buôn bán ma túy. Hậu quả là các con Dung sau đó nghiện nặng. Mạng lưới bán lẻ của Dung trải rộng từ TP. Buôn Ma Thuột, Krông Búk, EaKar đến cả Cư
M,Ga, CưJut, tỉnh Đắk Nông.

Đấu tranh với đối tượng
Ngày 21-2-2008, kế hoạch phá án được thông qua, mục tiêu đầu tiên là nhóm của Bùi Trường Sơn tại Buôn Hồ, huyện Krông Búk. Là con cáo già nên Sơn luôn thay đổi địa điểm, thời gian, cách thức giao nhận hàng và
không trực tiếp lộ diện.
Ngày 17-3, trinh sát ập vào nhà Sơn. Tại phòng ngủ và dưới đống mạt cưa, trinh sát phát hiện heroin cùng những ống xi-lanh. Dù Sơn không khai nhận, nhưng qua chứng cứ đã thu thập, trinh sát tiếp tục bắt giữ Hoàng Minh Hiếu và Trần Văn Ninh. Sau khi nhóm Sơn ở Buôn Hồ bị bắt, quả nhiên nhóm Tuyết - Nghĩa ở EaKar chuyển hướng lên Buôn Ma Thuột để tìm mua hàng của Trần Thị Dung. Ngày 30-5, trinh sát đón lõng Tuyết khi thị từ nhà Dung ra và bắt giữ ngay trên chiếc xe đò về EaKar với gói ma túy trong người, sau đó tháp tùng Tuyết ngược trở lại đến nhà Dung ở đường
Nguyễn Tri Phương, TP. Buôn Ma Thuột.
Sau khi Sơn, Dung bị bắt, các tên đồng bọn liên quan như Nguyễn Thị Thùy Dung (xã EaĐa), Nguyễn Văn Hòa (Buôn Hồ), Sáng, Quí (xã EaTý), Huệ, Tuấn (Krông Pắk), Cường, Hùng (M,drac)... lần lượt xộ khám nhưng riêng nhóm của Thái Văn Tùng, anh em Hoàng Nghĩa Hùng vẫn hoạt động ráo riết vì lúc này không còn đối thủ cạnh tranh. Ngày 28-6, trinh sát ập vào nhà
Thái Văn Tùng bắt giữ y cùng Hoàng Nghĩa Hùng, kết thúc chuyên án.
Đắk Lắk là một tỉnh rộng, dân cư thưa thớt nên tội phạm dễ bề ẩn náu. Nhưng khó khăn ấy không cản nổi hành trình truy tìm tội phạm của lực lượng chống ma túy CA tỉnh. Trinh sát ma túy luôn đối đầu với những trận
chiến mà kết quả có thể hy sinh bất kỳ lúc nào.
NHỮNG TRẬN ĐÁNH VANG DỘI
Sinh năm 1981, quê ở huyện Chí Linh (Hải Dương), Nguyễn Trọng Hóa tốt nghiệp năm 2004 tại Học viện Cảnh sát ở Hà Nội. Sau đó Hóa được tổ chức điều động vào Đắk Lắk và gia nhập Đội 2 - chuyên điều tra các đường dây vận chuyển trái phép ma túy của PC17. Nhiều năm làm lính ma túy với những trận chiến sinh tử, trinh sát trẻ này đã được Tổng cục Cảnh sát,
UBND tỉnh, Giám đốc CA tỉnh... tặng nhiều bằng khen.

Đại úy Nguyễn Trọng Hóa
Cuối năm 2007, cả Đội 2 lúc ấy có bốn trinh sát, nhưng đội trưởng đang đi học cao cấp lý luận chính trị, một anh công tác TPHCM, chỉ còn hai người trong đó có Hóa nhận lệnh phải bắt nóng đối tượng tại Buôn Đôn, cách thành phố Buôn Ma Thuột 60km. Các đối tượng rất tinh ranh khi liên tục thay đổi địa điểm giao hàng khiến Hóa và đồng đội gặp vô vàn khó
khăn trong việc “giăng mẻ lưới lớn”.
9 giờ tối, tổ đánh án gồm ba người (hai trinh sát, một tài xế) có mặt tại điểm hẹn ở ngã ba Enhon, Buôn Đôn. Trời tối đen như mực, sau cuộc hẹn thành công, tổ phải tách Hóa vào vai người theo đối tượng đi mua hàng. Hóa “mua được” 3,5g heroin (khoảng 70 - 80 tép) với giá 200.000 đồng. Sau khi thử ma túy bằng cách ép vào tay, bột tan mịn (nếu đóng cục là giả), Hóa bí mật khống chế đối tượng bán hàng, còng tay hắn ngay tại trận và nhờ người dân trong một quán nhậu gần đó “giữ dùm” vì công an
xã ở quá xa, trời lại mưa nên không thể hỗ trợ kịp thời.
Các đối tượng còn lại hẹn tiếp tục giao hàng cách đó khoảng 3km. Tổ làm án lập tức có mặt. Tại điểm giao hàng, bằng các thế võ nghiệp vụ, Hóa còng tay ngay một tên cao to hơn hẳn mình một cái đầu. Trinh sát còn lại cũng gặp phải đối tượng to lớn, chống trả quyết liệt nên phải vật hắn ngã từ trên đường lăn xuống rãnh. Do không nhìn thấy rõ mặt người nên Hóa lập tức còng tay cả hai người. Đến khi hô: “Giơ tay lên” thì anh mới xác định được đâu là đối tượng, đâu là đồng đội. Các đối tượng phải tra tay vào còng là Lý Văn On, Lương Văn Hải ở thôn Bãi Cháy, xã E,gio, huyện Cư M,gar (Đắk Lắk)... Vừa mệt, vừa mất sức, nhưng phải mở rộng chuyên án, sáng hôm sau tổ ma túy lên cổng trời (xã Tân Thành, huyện Krông Nô, Đắk Nông) để bắt giữ hai người Dao còn lại là Đặng Triều Phụng, Đặng Dao Phú. Trước đó, chiếc xe U-oát lên cổng trời suýt bị lật vì đường cheo leo. Đường đến nhà các đối tượng, Hóa và đồng đội phải lội bộ 3km. Chuyên án kết thúc thành công. Đó chính là cột mốc đáng nhớ của
một trinh sát ma túy trẻ như Hóa.
Sau đó vài ngày, nhận tin báo có các đối tượng thuê phòng 101, nhà nghỉ Thu Hà trên đường Ngô Quyền (P. Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bán ma túy, Hóa nhận lệnh vào cuộc. Qua nguồn tin, Hóa biết đối tượng có “hàng nóng”, chúng không cho biết địa điểm giao hàng cụ thể nên trinh sát gặp rất nhiều khó khăn. Hai đối tượng này là Nguyễn Văn Tuấn, nguyên là kĩ sư điện; tên còn lại Nguyễn Phi Hải, đã bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Bọn chúng rất xảo quyệt khi một kẻ nhận tiền xong mới dẫn khách đi tìm kẻ thứ hai để nhận hàng ở một nơi khác. Trong tay một kẻ nghiện nặng cần mua “hàng trắng”, sau hai ngày “tha thiết” với người bán, trinh sát Hóa nhanh chóng áp sát đối tượng đầu tiên. Đến tận 12 giờ trưa ngày thứ hai, Hóa phát hiện ra nơi cư trú của Hải và bắt quả tang y đang bỏ ma túy trong túi quần. Bằng các biện pháp đấu tranh, Tuấn ở cách đó 1km cũng phải khai nhận hành vi của mình. Khám xét người đối tượng, trinh sát thu
được 64g heroin.
QUYẾT TỬ TRÊN ĐỈNH ĐÈO TỬ THẦN
Ngày 9-1-2008, chuyên án ma túy dành cho kẻ cầm đầu Hà Văn Thuận đã có lời giải đáp thỏa đáng. Vụ án này nằm trong tháng cao điểm tấn công tội phạm bởi trong các ngày 3 và 6-1 trước đó, trinh sát đều liên tiếp lập
chiến công.
Đúng 8 giờ tối, các đối tượng hẹn người mua là trinh sát ma túy đóng vai trên ngọn đèo tử thần của huyện KrôngAna, giáp với huyện Eakar. Để tránh bị phát hiện, tổ trinh sát phải đi bộ vào nơi giao hẹn. Địa hình hiểm trở, hai bên là vách núi, lực lượng đánh án lại mỏng, nếu bố trí chặn hai đầu thì rất có thể sẽ sổng đối tượng. Hóa vào vai người đi mua
ma túy.
Các đối tượng buôn bán ma túy phải tra tay vào còng
Vừa gõ cửa, từ trong nhà xuất hiện ba đối tượng đi ra. Hai kẻ kè theo dao quắm, tên còn lại cầm đèn pin soi qua lại để tránh trường hợp bị “chèo” (công an) đánh úp. Hóa nhanh trí bảo các đối tượng ngồi xuống để mình xem hàng cho thật kĩ, nhưng đó chính là cách làm chúng sơ hở bỏ dao xuống đất và anh lập tức giả vờ ngồi đè lên để tránh thương vong trong
lúc khống chế.
Sau khi thử xong, biết là hàng thật, Hóa nhẹ nhàng bảo: “Anh cứ cất hàng trong túi đi, tôi đếm tiền để trả cho đủ nhé!”. Trước đó, theo kế hoạch nghe tiếng ho liên tục của Hóa là các đồng đội xông ra bao vây và bắt giữ bọn bán ma túy. Thế nhưng trời miền cao quá lạnh làm Hóa ho từ đầu đến cuối, khiến đồng đội không biết nên xuất hiện lúc nào. Đến khi phát tín hiệu bằng tay, tổ đánh án xuất hiện thì các đối tượng bỏ chạy tán loạn. Trinh sát trẻ Lang Nguyễn Anh Quý, vừa tốt nghiệp trung cấp cảnh sát mới về Đội 2 được vài tháng, trong khi truy bắt đối tượng đã bị vấp đá tảng, nhưng anh cũng kịp thời bắt giữ một tên. “Khi đó Quý không hề biết đau, bắt giữ xong chúng tôi chở em ra nhập viện thì mới hay em mất
quá nhiều máu” - đại úy Hóa kể lại trận đánh kỉ niệm nhất với anh.
Phần Hóa lúc ấy giáp mặt với tên giữ ma túy trong túi. Đối tượng chạy thục mạng và quăng cục ma túy vào bụi rậm. Bằng thế “liên hoàn cước”, Hóa dễ dàng song phi thẳng vào người hắn, bắt đối tượng tra tay vào còng. Trong đêm khuya khoắt, sau cả giờ tìm kiếm, tổ đánh án phát hiện cục ma túy nặng gần 100g trong một bụi rậm cao bằng người. Chuyên án cuối năm kết thúc trong niềm vui của cả phòng chuyên đánh án ma túy cũng
là lúc các anh đón bình minh trên cao nguyên.
------------------------------------------------------------------------------------
NHỮNG MỐC SON CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CHỐNG MA TÚY CA TỈNH ĐẮK LẮK
Chiến công đầu tiên là vào ngày 23-4-1998, CA Đắk Lắk phá đường dây mua bán vận chuyển ma túy từ Lai Châu, Thái Bình xuống Gia Lai, Đắk Lắk do Hoàng Thị Thanh Mai cầm đầu cùng 4 đối tượng, thu giữ 1,35kg thuốc phiện. Sau đó, ngày 30-4-2000, kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng, khám phá thành công chuyên án về đường dây mua bán vận chuyển ma túy từ Nghệ An vào Đắk Lắk, bắt hai cha con Thái Đại Phúc (SN 1957) và Phan Văn Tràng (SN 1975) cùng kẻ cầm đầu là Hoàng Nghĩa Lâm (SN 1963, ngụ Nghệ An) thu giữ 3,2kg thuốc phiện. Ngày 11-4-2003, khám phá đường dây vận chuyển ma túy từ Hưng Yên vào Đắk Lắk do Phạm Văn Khai (ngụ Hưng Yên) cầm đầu, bắt
bốn đối tượng, thu giữ 0,8kg thuốc phiện, 47,23g heroin.
Ngày 5-11-2006, khám phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Thái Nguyên vào Đắk Lắk, bắt kẻ tổ chức là Dương Văn Hùng (SN 1979), kỹ sư điện của Công ty Cô-vi-cô thi công công trình thủy điện ở Buôn Kuốp, TP. Buôn Ma Thuột, thu lượng heroin nặng 100g. Từ vụ án này, Ban chuyên án nhận định đã xuất hiện một đường dây kinh doanh “hàng trắng” bên cạnh “hàng đen”, triển khai các chuyên án phối hợp CA tỉnh Sơn La bắt Nguyễn Thị Viết, Nguyễn Thị Linh (ngụ EaKar, Đắk Lắk) thu 11 bánh heroin; phối hợp với CA Thanh Hóa bắt Vũ Đình Tuyên, Vũ Đình Trường (ngụ
EaKar, Đắk Lắk), thu giữ hai bánh heroin...
-------------------------------------------------------------------------------------
AN HÒA - GIA MINH
|