PV:
Thưa bà, để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia
Phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, nhiệm vụ đặt ra cho
Hội trong nhiệm kỳ này tập trung vào vấn đề gì?
PGS.TS Trần Thị Trung Chiến: Nhiệm
vụ chúng tôi đặt ra hiện nay là tích cực liên kết, quan hệ với các tổ
chức phi Chính phủ cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để
tuyên truyền, vận động tất cả cộng đồng xã hội cùng tham gia vào công
cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt phải tiếp cận nhiều hơn nữa với đối
tượng có nguy cơ cao và những đối tượng bị thiệt thòi, ảnh hưởng bởi
HIV. Hội đã tiến hành thực hiện thí điểm mô hình đào tạo người nhiễm HIV
còn sức khỏe, có trình độ văn hóa từ lớp 10 trở lên kiến thức chăm sóc
người nhiễm HIV, kỹ năng chăm sóc nhiễm trùng cơ hội, cách sử dụng
thuốc, tư vấn về phòng chống HIV... Sau khi đào tạo (trong 6 tháng),
những "nhân viên chăm sóc đồng đẳng” này có trình độ sơ cấp về điều
dưỡng trực tiếp tham gia chăm sóc cho những người nhiễm HIV/AIDS tại
cộng đồng, các khoa lây nhiễm và tại các gia đình có người nhiễm... Hiện
chúng tôi đã đào tạo được 4 lớp với 133 học viên ở TP.Cần Thơ, Hà Nội,
Hải Phòng, Quảng Ninh và hoạt động rất hiệu quả. Những "nhân viên chăm
sóc đồng đẳng” này có thể được kí hợp đồng lao động, được mua BHYT,
BHXH, được coi như một cán bộ y tế bình thường. Chúng tôi coi mô hình
này là một mục tiêu chống kì thị. Hiện mô hình "Nhân viên chăm sóc đồng
đẳng HIV/AIDS” đã được các đồng nghiệp, nhiều tổ chức trong và ngoài
nước, ban ngành ở địa phương, Trung ương và Bộ Y tế đánh giá cao và là
kinh nghiệm để bạn bè quốc tế tham khảo. Tới đây Hội phối hợp cùng Cục
Phòng chống HIV/AIDS, Vụ Khoa học-Đào tạo Bộ Y tế với sự tài trợ của Quỹ
Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS tiếp tục nhân rộng mô hình này và tiến
hành biên soạn hoàn chỉnh và xuất bản bộ "Tài liệu đào tạo nhân viên
chăm sóc đồng đẳng HIV/AIDS”.
Hiện nay mạng lưới tổ chức Hội Phòng, chống HIV/AIDS trong cả nước hoạt động ra sao, thưa bà?
- Hiện cả nước đã có 7 tỉnh thành
lập Hội Phòng chống HIV/AIDS là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang,
Cần Thơ, Cao Bằng và TP Hồ Chí Minh với trên 1130 hội viên. Cuộc vận
động " ba tự” (tự tin, tự giác, tự lập) không chỉ thu hút những người
nhiễm HIV thực hiện, mà còn lôi cuốn cả các cấp ủy Đảng, chính quyền và
các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đứng ra giúp đỡ
những người chung sống với HIV.
Thưa
bà, Hội HIV/AIDS Việt Nam cùng ngành Y tế thực hiện mục tiêu "3 không”
(không người nhiễm mới HIV, không người tử vong do AIDS, không còn kỳ
thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS) như thế nào?
- Có thể nói đây là mục tiêu quyết
liệt của Chính phủ, nhưng khi đưa vào triển khai thì không phải là dễ
dàng. Ví dụ như bây giờ chúng ta nói: không có người nhiễm, thì đến giai
đoạn nào chúng ta mới không có người nhiễm? và làm sao để không có
người nhiễm? Sau Đại hội này, chúng tôi sẽ có cuộc họp cùng ngành Y tế
và các đoàn thể liên quan đặt ra tiêu chí phấn đấu.
Được biết Hội vừa phối hợp thực
hiện Dự án hỗ trợ y tế 8 tỉnh miền núi Nam Trung bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam,
Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Vậy
sắp tới Hội có tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hoạt động cộng đồng ở
các tỉnh miền núi nữa không, thưa bà!
- Vấn đề này thuộc quyền quản lý
của Nhà nước và Bộ Y tế, còn Hội nếu vận động được nguồn tài chính sẽ
triển khai nhân rộng. Trong Dự án của 8 tỉnh miền Trung Nam Bộ mà Ngân
hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, ngoài đối tượng là cán bộ y tế và
nhóm đồng đẳng, chúng tôi còn tập huấn cho các công nhân tại các công
trường xây dựng để họ biết cách phòng tránh.
Xin cảm ơn bà.
ĐN(thực hiện)