Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline congtu_dangyeu259  
#1 Đã gửi : 10/09/2006 lúc 05:06:32(UTC)
congtu_dangyeu259

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 01-04-2005(UTC)
Bài viết: 2.261
Man
Đến từ: Thanh hóa

Thanks: 101 times
Được cảm ơn: 100 lần trong 83 bài viết

Những đứa con bị bỏ rơi (kỳ 1):

Tiếng khóc “con hoang”



TT - Đứa trẻ bị bỏ bơ vơ làm bạn với lũ côn trùng bên bãi rác, bờ sông. Đứa khác bị bỏ thoi thóp trước hành lang bệnh viện. Mới lọt lòng, nhiều đứa con bị chối bỏ phũ phàng. Vì nhiều lý do, người mang nặng đẻ đau đã bỏ số phận các em lênh đênh. Một thực trạng nhức nhối đang diễn ra làm dư luận xót xa.

Chưa hết bàng hoàng về đứa con của một nữ sinh được phát hiện sau vườn, những ngày qua nhiều người lại thảng thốt trước chuyện cô giáo vứt con trong nhà vệ sinh. Đó chỉ là hai trong hàng vạn số phận sơ sinh bị chính mẹ ruột từ chối. Phần lớn các em là “sản phẩm” của cuộc tình ngoài giá thú, những người mẹ là các cô gái còn rất trẻ.

“Trái đắng” tuổi học trò



Mới sinh ra, những em bé bị bỏ rơi được xếp nằm chung với bé còn cha còn mẹ. Nhưng chỉ vài ngày sau đó số phận các em đã khác... - Ảnh: Y.T.

11g trưa, phòng chăm sóc đặc biệt của khoa điều trị sơ sinh Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.HCM), những chiếc lồng trắng toát xếp liền kề, thẳng hàng. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng đang cho một bé gái bú bình. Nhìn bề ngoài, em bé không khác gì các em nơi này.

Điều khiến em khác các bạn trong căn phòng này mà chính em cũng chưa biết, đó là từ lúc ra đời em chưa một lần được hưởng hơi ấm từ vòng tay mẹ.

Mẹ của em đã bỏ em lại BV sau khi sinh. Phía trên lồng có dán một tấm giấy nhỏ ghi ngày em chào đời và tên người mẹ: N.T.N.H.. “Tên người mẹ là manh mối duy nhất mà người mẹ vừa học hết lớp 11 này để lại cho con.



Những người mẹ tuổi vị thành niên không còn là chuyện hiếm thấy tại các BV phụ sản. Giám đốc BV Hùng Vương Vũ Thị Nhung cho biết: “Đa số những người mẹ bỏ con còn trẻ. Có em làm mẹ khi còn cắp sách đến trường, có bà mẹ chỉ mới 13-14 tuổi. Các em thường không biết mình có thai. Một số hoảng sợ gia đình và thầy cô nên len lén đẻ con rồi len lén bỏ con. Một số khác gia đình biết và bắt tuyệt tình. Sinh xong rồi trốn đi “gửi” con trong BV còn đỡ, thương tâm nhất là những trẻ bị bỏ ở ngoài đường. Khi được phát hiện đem vào BV, trẻ tím tái vì lạnh, có khi bị kiến bu đầy người. Nhiều bé không qua nổi và từ giã cuộc  đời”.

Tại BV Hùng Vương, mỗi năm có 60-70 trẻ bị bỏ rơi. Tại BV Từ Dũ, trung bình cứ ba ngày có hai trẻ bị bỏ rơi. Tại BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, mỗi năm có gần 80 trẻ. Theo BS Cam Ngọc Phượng - BV Nhi Đồng 1: “Theo thời gian, chẳng những số trẻ bị bỏ rơi không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng”.

Nhưng cũng không rõ tên thật hay tên giả. Nghe nói cô bé là con ông chủ, lỡ mang thai với người làm công. Sau khi đóng viện phí, gia đình đã để lại bé và bỏ trốn”, chị Hồng ngậm ngùi.

Đây không phải trường hợp hi hữu. Mới đây, một phụ huynh còn đến “ăn vạ” tại Trung tâm Y tế Q. Phú Nhuận đòi “bỏ” cháu ngoại. Bà đã chia tay chồng và sống với con gái. Tối ngày bà vùi đầu vào buôn bán, mong muốn kiếm thật nhiều tiền cho con, nhưng đứa con mới học lớp 12 của bà đã trao thân cho một người hàng xóm lúc nào bà chẳng hay.

Đến khi thấy bụng cô bé đã to, người mẹ mới hoảng hồn dắt con đi khám: cô bé đã có thai con trai chín tháng. Không nén nổi tức giận và xấu hổ, bà yêu cầu các bác sĩ phải “thanh toán”, các bác sĩ không làm. Đứa bé ra đời nặng 3,2kg, rất khôi ngô. Nhìn con, cô nữ sinh bật khóc. Em tâm sự với các bác sĩ là muốn ôm con, muốn hôn con.

Nhưng khi bầu sữa mẹ đang căng cứng thì bà ngoại lại ra “tối hậu thư”: cấm cho con bú! Bà sợ sợi dây mẫu tử thiêng liêng sẽ siết chặt đời con gái và đứa cháu oan nghiệt, hơn hết là bà muốn con gái cắt đứt quan hệ với cha đứa bé, muốn con gái xinh đẹp của mình cưới một người chồng khác để có tương lai hơn. Dù khóc lóc van xin nhưng người mẹ trẻ ấy vẫn không được phép nuôi con.

Nhiều bà mẹ đã bật khóc khi nhắc về trường hợp thương tâm của bé trai ở Quảng Nam được phát hiện sau vườn ngày 16-7-2006. Nếu mẹ em không phải là một nữ sinh chưa chồng, nếu mẹ em không phải giấu giếm ra sau vườn sinh con, nếu định kiến với những cô gái lỡ dại đừng quá nặng nề... thì có lẽ đứa bé sơ sinh kia đã không bị súc vật cắn mất một chân và bộ phận sinh dục, bị thương tật vĩnh viễn 75%.

Số phận “sản phẩm” ngoài giá thú



Những đứa trẻ bị bỏ rơi tại BV Hùng Vương - Ảnh: Y.T.
Trong khi tại các khoa hiếm muộn, nhiều cặp vợ chồng nhọc nhằn lắm mới kiếm được mụn con, thì ở nhiều BV có những bà mẹ không chồng len lén “vượt cạn” một mình, rồi sau đó dấm dúi bỏ con ở lề đường, cổng chùa, thậm chí ở nhà vệ sinh. Mới đây nhất là trường hợp bỏ con của giáo viên tiểu học tên V.T.H.T. ở Tuyên Quang.

Chị T. từng có hai đứa con, chồng đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Trong thời gian xa chồng, chị không giữ được lòng chung thủy và mang thai với một người khác. Sau khi sinh con, chị T. đã bọc con trong tấm giẻ lót và thả vào nhà vệ sinh công cộng ở trường.

Hình ảnh em bé được nhặt từ nhà vệ sinh cứ ám ảnh chị điều dưỡng Nguyễn Thị Rảnh (BV Nhi Đồng 2) gần ba năm nay. Chị P.T.H. - công nhân nông trường cao su xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - nhặt được bé trai ở nhà vệ sinh, người bé đầy phân và lúc nhúc dòi, đàn kiến cũng đã gặm nát hết mấy ngón chân bé. Thấy tình trạng nguy kịch, chị H. bồng bé đến BV trong tình trạng dây rốn lòng thòng. Cũng may sau đó BV giữ được mạng sống cho bé, nhưng những ngón chân bị kiến cắn buộc lòng phải bỏ đi. Không rõ mẹ bé là ai, cũng không biết tên bé là gì.

“Không chồng mà chửa”, người mẹ 20 tuổi khác phải một mình lê đến một trung tâm y tế ở nội thành trong tình trạng vỡ ối, người đầy máu. May mắn là em bé chào đời khỏe mạnh. Người mẹ trẻ đã khẩn cầu các bác sĩ hãy giấu biệt cháu đi để “giữ danh giá” vì cô chưa có chồng. Gia đình đến thăm cứ nghĩ cô bị bệnh đường kinh nguyệt. Vài ngày sau, người mẹ xuất viện với mong ước tìm một tương lai mới, trong khi đứa con được âm thầm chuyển cho trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi.

Không bỏ con ở xó chợ đầu đường, không cho trại trẻ mồ côi, nhưng có một bà ngoại đã rắp tâm bán cháu. Vài tháng trước, khi biết con gái 18 tuổi mang thai với người yêu, bà T.N.K. - tạm trú tại Q.7, TP.HCM - đã tính chuyện quy đổi cái hoang thai ra tiền. Khi đứa con gái xinh xắn chào đời, người mẹ trẻ khóc mướt đòi nuôi con. Sợ hai mẹ con quyến luyến, bà ngoại không cho bé bú, tách hai mẹ con xa ra.

Với lý lẽ chưa chồng có con sẽ bị họ hàng chê cười, bà không ngần ngại ra giá 10 triệu đồng, một phụ nữ hiếm muộn mua con với điều kiện giấy chứng sinh của bé phải để bà đứng tên là mẹ ruột. Tuy nhiên, BV không được phép thay đổi tên mẹ ruột. Vì vậy, sau vài lần kỳ kèo, bà ngoại đồng ý “hạ giá” đứa cháu sơ sinh còn 3 triệu đồng.

Những câu chuyện xót xa như vậy lại cứ xảy ra gần như hằng ngày...

Sửa bởi quản trị viên 23/07/2012 lúc 05:04:24(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Trên đời này không có tình yêu nào gọi là bất tử, sự "bất tử" nằm ở chính những gì mà người yêu nhau mang đến cho nhau.0945648158
Quảng cáo
Offline congtu_dangyeu259  
#2 Đã gửi : 10/09/2006 lúc 05:07:02(UTC)
congtu_dangyeu259

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 01-04-2005(UTC)
Bài viết: 2.261
Man
Đến từ: Thanh hóa

Thanks: 101 times
Được cảm ơn: 100 lần trong 83 bài viết

Những đứa con bị bỏ rơi (kỳ 2):

Tình mẫu tử mong manh

Một em bé bệnh vàng da bị cha mẹ bỏ rơi ở BV Từ Dũ - Ảnh: Y.T.
TT - Giận chồng: bỏ con! Nghèo khổ: bỏ con! Con dị tật nhẹ: cũng bỏ! Nhiều trẻ thơ vô tội gánh chịu bao oan nghiệt do người lớn gây ra.

 

Muốn bỏ là bỏ!

17 tuổi, N.N.M. mang thai với bạn trai cũng chỉ mới 18 tuổi. Khi phát hiện, gia đình đành lòng chấp nhận tổ chức một lễ hỏi. Lúc thai bảy tháng, có lần hai vợ chồng trẻ gây gổ to tiếng, M. quyết định “giết” con từ trong bụng để hù dọa chồng. Trong khi gia đình không hề hay biết, cô đi phá thai. Phá ra, đứa bé không chết! Quá hoảng sợ, M. trốn biệt xứ. Em bé sinh non tháng được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng sức khỏe yếu.

Những câu chuyện “thúc” sinh sớm, sinh non mới nghe ai cũng cảm thấy nhức nhối. Nguyên nhân thường do người mẹ không chồng biết có thai khi đã quá muộn hoặc vì mâu thuẫn gia đình. Mới đây, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị một trẻ sinh non tháng là kết quả của một mối tình vụng trộm. Khi thai được tám tháng, người mẹ vì giận chồng nên đã tự mua thuốc về uống để “thúc” thai ra nhanh với ý nghĩ nó sẽ chết sau đó. Nhưng đứa bé ấy đã là một con người oe oe cất tiếng khóc chào đời. Không đủ can đảm nhìn nhận con, người mẹ bỏ xứ ra đi.

BS Ngô Minh Xuân - trưởng khoa sơ sinh BV Từ Dũ - nói: “Khi chưa muốn có con, tốt nhất người mẹ nên dùng các biện pháp tránh thai. Khi có thai, người mẹ nên khám thai thường xuyên để khi phát hiện thai bị dị tật, bất thường thì có hướng xử lý sớm, tránh tình trạng sinh non hoặc sinh xong rồi bỏ. Dù không khuyến khích việc mang thai ngoài hôn nhân nhưng gia đình và dư luận cũng nên mở rộng vòng tay khi người phụ nữ trẻ lỡ lầm”.

Thỉnh thoảng người ta vẫn tìm thấy những xác thai nhi chết lạnh ở cầu thang, góc đường, trong nhà vệ sinh, dưới ống cống... Cô Bảo - chùa Diệu Giác (Q.2) - vẫn còn xúc động khi kể lại hình ảnh một đứa bé chơ vơ trong buổi sớm lạnh trước cổng chùa: “Tôi cứ tưởng đó là ổ chó, vì người ta vẫn thường bỏ chó, mèo dị tật trước cổng chùa. Nhưng không. Khi đến gần mới phát hiện đó là một em bé. Nó không khóc nổi. Toàn thân tím tái, run bần bật. Hơi thở yếu lắm. Nếu phát hiện chậm 15 phút nữa là nó không sống nổi”.

Mới đây, người ta đã tìm thấy một bé gái bên bờ kênh Tẻ. Khi đó nước đang mấp mé lưng bé, chỉ cần vài mươi phút nữa là dòng nước lớn dâng lên sẽ cuốn theo một đứa trẻ vô tội. Không biết mẹ bé là ai, chỉ biết bé được sinh chưa lâu, dây rốn lòng thòng chảy máu, kiến bu đầy người và bê bết đất. Người ta chỉ đoán mẹ bé là một công nhân vì khu vực này nhiều công nhân tạm cư sinh sống. Dấu vết duy nhất của người mẹ để lại cho con chỉ là những vết “gây” còn bám trên làn da non nớt của bé. Bé gái này đã may mắn được Trung tâm Y tế Q.7 cứu sống.

Nhưng trường hợp trẻ em được cứu sống khi cha mẹ đã cố tình “xóa” sự sống của đứa con không phải là nhiều. Nhiều đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn của cha mẹ trẻ, vì một lý do nào đó, vẫn phải gánh chịu số phận oan nghiệt mà kết thúc là cái chết. Trong cuốn sổ dày cộp ghi danh sách những đứa trẻ bị bỏ rơi của điều dưỡng Nguyễn Thị Rảnh ở BV Nhi Đồng 2 có một bé trai vô danh vừa chết. Không cha mẹ, không người thân, bé nằm năm ngày lạnh lẽo trong nhà đại thể.

Nụ cười của em bé khuyết tật đang lớn lên tại chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: Y.T.
Những đứa con lạc loài

“Trên cửa Phật con đã làm điều ác nhân. Cuối đời con bắt phải lầm lỗi, nhưng có lẽ trời Phật cũng hiểu bước đường cùng con đã làm, xin thầy cưu mang bé. Con ra đi không ngày trở lại. Đây là giấy khai sinh của cháu. Mong thầy tha thứ cho người mẹ ác tâm này…”, những dòng chữ nguệch ngoạc trên một tờ giấy bìa này là vật mà sư Thích Thiện Chiếu - trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp) - nhặt được trước chùa.

Đó là một buổi sớm lạnh căm, khi vừa mở cổng chùa, thầy nghe tiếng khóc yếu ớt vọng lại. Nhìn về hướng tiếng trẻ khóc, thầy phát hiện một đứa bé nằm gọn trong chiếc khăn. Bên cạnh bé là túi quần áo, giấy khai sinh và “bức tâm thư” trên.

Có giấy khai sinh, có tên mẹ ruột, em bé này may mắn hơn hàng trăm em khác ở đây. Cổng chùa này cũng là nơi chứng kiến rất nhiều cuộc đoạn tuyệt tình mẫu tử. Có em được mẹ sắp vào hộp cùng bình sữa, kèm tờ giấy nhàu nhè đẫm nước mắt: “con nghèo khổ quá không nuôi nổi cháu”, “con là một người mẹ tội lỗi nhưng con không thể chịu được đòn roi dư luận”, “con là một người mẹ đau khổ, chưa kịp khai sinh cho con, mong thầy thương nuôi bé nên người”... Có bé chỉ nằm trơ trọi trên đất, không tông tích người thân. Có bé khi được phát hiện đã nhiễm lạnh, cổ cứng đờ. Thương tâm nhất là trường hợp một bé trai bị bỏ bên bãi rác trong tình trạng sắp qua đời.

Nhiều người bỏ một lúc cả hai đứa con song sinh. Riêng tại chùa Kỳ Quang 2 hiện đang nuôi dưỡng ba cặp, tất cả đều bị bỏ trước cổng chùa, trong đó hai cặp hoàn toàn khỏe mạnh. Gần mười năm nhận nuôi các cháu bị bỏ rơi, sư Thích Thiện Chiếu không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu trẻ nằm bơ vơ trước cổng chùa. Chỉ biết con số ấy vẫn không hề giảm đi. Bệnh tật, tâm thần gì thầy cũng nuôi, tổng cộng thầy đã nuôi sống trên 200 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Trong đó đến phân nửa trẻ bị mù, 75 trẻ mắc các tật đủ loại: Down, não úng thủy, tâm thần.

BS Ngô Minh Xuân - trưởng khoa sơ sinh BV Từ Dũ - cho biết: “Cách nay mười ngày có một cô gái giọng rất trẻ gọi cho tôi nói là muốn cho con. Cô kể hoàn cảnh chưa chồng và đang chung sống với người yêu. Nhưng người yêu cô cũng không phải tác giả bào thai. Vì vậy, cô đành cho con khi nó chào đời”. Theo BS, ngoài những thai đa dị tật phát hiện quá trễ không phá được, còn có những nguyên nhân do người mẹ mang thai hoang ngoài ý muốn, vừa mang tâm lý sợ sệt, vừa phải bó, nịt bụng nên thai phát triển không bình thường. Vậy nên nhiều trẻ bị bỏ rơi là trẻ dị tật, non tháng.

Những năm gần đây, số trẻ có cha mẹ bị nhiễm HIV, trẻ có những bệnh lý về thần kinh, não úng thủy... bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Nhưng xót xa nhất có lẽ là những gia đình hoàn toàn có đủ khả năng kinh tế nhưng vẫn bỏ con, dù trẻ bị bệnh tật rất nhẹ và hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Những trẻ bị sứt môi, không hậu môn thường bị cha mẹ chối bỏ như chạy trốn một món nợ từ “tiền kiếp”. BS Cam Ngọc Phượng cho biết những bà mẹ này tâm sự rằng điều mà họ sợ nhất không phải sự vất vả, tốn kém mà chính là sự ác miệng của người đời. Họ vẫn tin những người sinh con dị tật là “quả báo” của những người ăn ở ác nhân, nhưng điều đáng nói là họ lại không hề tin rằng có tình mẫu tử thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn trên đời.

Trên đời này không có tình yêu nào gọi là bất tử, sự "bất tử" nằm ở chính những gì mà người yêu nhau mang đến cho nhau.0945648158
Offline congtu_dangyeu259  
#3 Đã gửi : 10/09/2006 lúc 05:07:24(UTC)
congtu_dangyeu259

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 01-04-2005(UTC)
Bài viết: 2.261
Man
Đến từ: Thanh hóa

Thanks: 101 times
Được cảm ơn: 100 lần trong 83 bài viết

Những đứa con bị bỏ rơi (kỳ 3): Dưới cội từ bi

Chăm sóc trẻ tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM)  - Ảnh: L.A.Đ.

TT - Có người dứt núm ruột của mình ra đi, nhưng cũng có tấm lòng người dưng thầm lặng chăm sóc các bé nên người. Không chỉ nuôi sống một mạng người, họ còn tạo cho đứa trẻ ấy niềm tin về lòng nhân ái. Những mái ấm, nhà mở, nhà tình thương... ra đời đã chở che biết bao cuộc đời.

 

Cho em một vòng tay 

“Con ơi, con đang làm gì đó?”, nghe tiếng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng gọi, cậu bé quơ quơ bàn tay nhỏ xíu, cười toe. Ở Bệnh viện (BV) Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) dường như chưa bao giờ ngớt sự có mặt trẻ bị bỏ rơi. Khi thì 5, 10, có lúc lên đến 20 trẻ. Nhiều lúc đông quá, các bé lại tè hoài, thiếu quần áo mặc, các nữ hộ sinh lấy tiền túi mua cho bé cái quần, tấm áo, khi thì đồ chơi lúc lắc. Chị Hồng giải thích: “Trẻ sơ sinh chưa biết đòi “Cô ơi con đau!” hay “Cô ơi con sốt!” nên tự mình phải cảm nhận. Mình đút các em từng muỗng sữa nên nảy sinh tình cảm. Với các em bị dị dạng, sứt môi, mình lại càng thương nhiều hơn”.

Sau đi được BV nuôi khỏe mạnh, cứng cáp, một số đứa trẻ bơ vơ được chuyển về các nhà mở, mái ấm. Một số được những gia đình hiếm muộn nhận. Số khác lớn hơn về ở nhà tình thương của các hội từ thiện. Các em được lớn lên bằng tấm lòng nhân ái của hàng ngàn người.

Các bạn trẻ sau này lớn lên từ nhà tình thương Diệu Giác (Q.2) cứ nhắc mãi hình ảnh các cô tất tả đi bán đồ ăn chay mỗi sớm. Không quầy, không sạp, các cô cứ ngồi dưới lòng chợ. Khi nào bị đuổi thì ôm thúng chạy. Những đứa trẻ mồ côi lớn lên từ những đồng tiền nhọc nhằn ấy. Ngôi nhà chật hẹp ẩm thấp ở một quận vùng ven ngày ấy cứ ngày một đông trẻ bị bỏ rơi.

Mười mấy năm trôi qua, bên cạnh các cô, những thân phận không mẹ không cha lớn lên, trưởng thành nhờ hàng ngàn tấm lòng nhân ái. Đó là bác sĩ Hưng cùng nhóm y bác sĩ BV An Bình nhiều năm qua luôn giúp bữa ăn trưa thứ năm hằng tuần. Đó là bố Hoàng, là những hội từ thiện, nhà hảo tâm, đó là chợ cá... đã đi quyên góp, chắt chiu cho các em có bộ đồ đẹp, quyển tập mới. Hiện nay, nhà tình thương Diệu Giác đang nuôi dưỡng trên 120 em. Niềm vui lớn nhất của ngôi nhà chung này là năm học mới 2006-2007 có em trưởng thành từ đây đã thi đỗ đại học.

Không chỉ nuôi nhiều em lớn lên, dạy các em nên người, những cánh tay từ bi còn nâng các em dậy, cùng các em chiến đấu với tật nguyền. Thầy Thích Thiện Chiếu - trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q. Gò Vấp) - khoe với tôi: “Thêm một đứa được thấy ánh mặt trời rồi. Rồi sẽ còn nhiều em được mổ sáng mắt nữa. Kỳ diệu thật!”. Trên khuôn mặt của cậu bé bị bệnh não úng thủy (đầu nước) nở một nụ cười thật xinh khi tôi đến thăm. Khi tôi đi, cậu bé cứ dõi mắt nhìn theo, mắt ướt đẫm…

Khi biết các điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứ mỗi tối mang con mình về nhà để sưởi ấm và chăm sóc, một cặp vợ chồng đã khóc nức nở, cảm động và ăn năn. Hai vợ chồng vốn nghèo, đứa con sinh ra lại quặt quẹo đủ bệnh, suy đi tính lại họ đành bỏ con ở bệnh viện trong một lần điều trị rồi trốn về quê. Cứ đinh ninh con sẽ qua đời, không ngờ đứa trẻ dần khỏe mạnh trong sự đùm bọc của bệnh viện. Ngày nhận thông báo rằng bé đã khỏe mạnh, trái tim người mẹ hạnh phúc đến vỡ ra. Hai vợ chồng xin được rước con về nuôi, dù khốn khó thế nào.

Khát dòng sữa mẹ

“Dù được thương yêu, được ăn mặc đầy đủ, song bé sẽ khó phát triển bình thường nếu sống xa vòng tay mẹ. Bởi lẽ trẻ không chỉ lớn lên bằng sữa mà còn lớn lên bằng tình thương yêu”, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho biết. Có lẽ vì vậy mà phần lớn những trẻ bị bỏ rơi tôi đã gặp đều có đôi mắt buồn.

Lần gặp đầu tiên ở chùa Kỳ Quang 2, bé Đức bất ngờ đưa hai tay đòi tôi bế. 13 tháng tuổi, bé chưa biết nói nhưng gặp ai đến thăm bé cũng đòi bế, thích được hôn, được nựng, dẫu đó là những cử chỉ của người xa lạ. Không ai có thể từ chối sự vòi vĩnh đáng yêu ấy.

Bao nhiêu năm qua, thầy Thích Thiện Chiếu là người đã đi theo các em từng bữa ăn, từng giờ học hành. Tuy nhiên, vị sư già cho biết: “Thầy không thể cho các con tình mẫu tử. Thầy không thể quạt nồng ấp lạnh hơn 200 đứa con như một người mẹ chăm một đứa con. Nhưng các con còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát của chính mình”.

Nhiều em quá nhỏ, cũng không hiểu khái niệm mẹ cha là gì. Đến chùa, mọi người hỏi con ai, các em đồng thanh trả lời: “Con thầy Cả”. Ai sinh con? “Thầy Cả”. Mẹ đâu? Cũng “Thầy Cả”. Mỗi khi thầy đi đâu về, các em lại hồn nhiên leo lên lưng, lên vai. Có em đòi thầy bóc kẹo, có em chui vào áo cà sa của thầy đùa giỡn. Có khách đến, dù chưa quen biết nhưng có em chạy đến bên khách, dụi đầu vào lòng khách nũng nịu làm quen.

Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM), vui đùa cùng một em bé bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng - Ảnh: Y.T.
Nỗi mất mát càng nhân đôi với những trẻ tật nguyền. Quanh năm ngồi trên xe lăn, trong giường sắt, các em thèm lắm một cái nắm tay, một nụ cười. Tôi nhớ mãi hình ảnh một bé gái chừng 7-8 tuổi ngồi trong giường đã nhổm người nhảy bằng mông khi thấy có khách đến thăm.

Không biết nói, không đứng lên được bằng đôi chân, nhưng em biểu lộ cảm xúc bằng cách giơ hai tay về phía trước. Khi bàn tay cong queo ấy chạm tay người khác, bé cười toe. Một bé khác bị liệt hai chân cũng trườn người đưa khuôn mặt cọ cọ vào tay người. Và khi bàn tay khách áp vào má bé, mắt bé nhắm thiêm thiếp, môi hấp háy cười.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng nói: “Những trẻ bị bỏ rơi dường như ngoan hơn, ít nhõng nhẽo hơn những đứa trẻ bình thường”. Lúc cao điểm, tại khoa có nhiều trẻ bị bỏ rơi nên các nữ hộ sinh vất vả nhiều. Lúc ấy chị Hồng vẫn dỗ các bé: “Bú khỏe. Bú ngoan. Hôm nay nhiều quá rồi, mẹ không có nhiều thời gian chăm con đâu!”.

Chẳng biết các bé có cảm nhận được không mà tất cả đều bú ngoan, ít quấy hơn thường ngày. Chị Hồng kể thường sau một vài tháng chăm sóc, số trẻ bị bỏ rơi tại BV sẽ được chuyển đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi một lần để chuẩn bị đón số trẻ mới. Trước khi đi một ngày, các nữ hộ sinh dỗ dành: “Thôi nghe. Tạm biệt nghe. Mai con đi rồi!”. Dường như hôm đó tất cả các bé đều không chịu bú.

Những đứa trẻ càng lớn, khát vọng được về bên cha mẹ càng thôi thúc. Có những đứa trẻ đã được trở về, thông cảm cho cha mẹ, vì hiểu rằng lòng cha mẹ cũng tan nát khi bỏ con bơ vơ.

Dù đi về đâu, những đứa trẻ bị bỏ rơi đều cùng mơ một ước mơ.

Kỳ tới: Khát vọng cội nguồn

Trên đời này không có tình yêu nào gọi là bất tử, sự "bất tử" nằm ở chính những gì mà người yêu nhau mang đến cho nhau.0945648158
Offline congtu_dangyeu259  
#4 Đã gửi : 10/09/2006 lúc 05:07:50(UTC)
congtu_dangyeu259

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 01-04-2005(UTC)
Bài viết: 2.261
Man
Đến từ: Thanh hóa

Thanks: 101 times
Được cảm ơn: 100 lần trong 83 bài viết

Những đứa con bị bỏ rơi (Kỳ 4)

Khát vọng cội nguồn

ẢNH: Y.T.
TT - Số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Dù các bé đi đâu, về đâu cũng đều có chung một ước mơ như bé Thiên Đức ở nhà tình thương Diệu Giác: “Lớn lên con sẽ xây một ngôi nhà nhỏ. Trong ngôi nhà ấy có cha, có mẹ - người đã sinh ra con”.

 

Những lá thư không hồi âm

“99% những lá thư gửi mời nhận con không có hồi âm” - giám đốc Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.HCM) Vũ Thị Nhung cho biết. Theo nguyên tắc, BV gửi thư mời nhận con ba lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Với những người mẹ đã có chủ tâm bỏ con, khi đi sinh tại BV, họ thường khai địa chỉ giả. Do đó hầu hết những lá thư đều bị trả về với dòng chữ “thư nhầm địa chỉ” hoặc “không có người trong thư ở địa chỉ này”. Sau ba lần gửi thư không người nhận, BV mới làm thủ tục cho trẻ hoặc chuyển về các trung tâm bảo trợ xã hội.

Tại các cơ sở y tế khác cũng gặp trường hợp tương tự. BS Cam Ngọc Phượng - trưởng khoa chuyên sâu sơ sinh BV Nhi Đồng 1 - nói: “BV thường tiếp nhận những trẻ bệnh, tật. Một số trẻ dị tật, sinh non bị cha mẹ bỏ bên ngoài, nhiều người nhặt được đưa vào BV. Dù gần đây có chế độ miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng một số phụ huynh vẫn bỏ trốn, bỏ mặc con cho BV sau một thời gian điều trị”. Sau khi BV chăm sóc 1-2 tháng, nhiều trẻ đã khỏe mạnh, BV phải năm lần bảy lượt gọi cha mẹ đến nhận con về, song chỉ có một số ít các bé may mắn được trở về trong vòng tay của mẹ. Nhiều cha mẹ để lại địa chỉ giả nên BV không thể mời được họ đến đón con về. Các em sẽ phải lớn lên ở các cơ sở nhân đạo, đau lòng hơn là một số em không qua nổi bệnh tật và từ giã cuộc đời ngắn ngủi trong khi môi vẫn khát dòng sữa mẹ.

Trong khi người mẹ cắt đứt tình thâm và liên lạc, không để lại dấu vết thì có những đứa con vẫn đau đáu câu hỏi về cội nguồn của mình. Cách nay vài tháng, một người mẹ nước ngoài đã dẫn đứa con nuôi về VN để tìm lại mẹ ruột. Hai mẹ con không muốn nhắc về quá khứ đau buồn, họ chỉ mong muốn được nhìn thấy mặt người mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hai mẹ con ấy đã tìm đến BV Hùng Vương - nơi đứa trẻ bị bỏ rơi ngày xưa - để tìm chút manh mối nhưng vô vọng. Lúc bỏ con, người mẹ này chẳng để lại một dòng địa chỉ cũng như manh mối nào.

Chị Nguyễn Thị Rảnh - điều dưỡng cao cấp BV Nhi Đồng 2 - lo lắng: “Những năm trước, sau những thông báo, các bé còn được cha mẹ đến đón về. Song những năm gần đây, số gia đình đến BV nhận trẻ về ít hơn. Từ đầu năm 2006 đến nay, trong số hơn 20 em bị bỏ rơi tại BV, chưa có em nào được gặp lại gia đình. Ngày càng nhiều trẻ khỏe mạnh, trẻ bị dị tật hoặc bệnh nhẹ cũng bị bỏ. Thay vì được gia đình chăm sóc để bù lại mất mát, những trẻ này lại bị phó mặc cho dòng đời đưa đẩy”. Ở chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp), chưa có trẻ nào may mắn được gia đình nhận về…

Chăm sóc trẻ tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: L.A.Đ.

Những người mẹ trở về

Một người may mắn trong hàng triệu trẻ bị cha mẹ bỏ rơi - Lê Long, 26 tuổi - kể: “Tôi không quên ngày được gặp cha mẹ ở sân bay. Vừa mừng, vừa tủi. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc!”. Dù còn cha mẹ, nhưng hơn 10 năm anh được các sư cô nuôi dưỡng trong chùa. Lê Long nhớ lại: “Hồi ấy, trong đầu tôi luôn đau đáu câu hỏi: Tại sao cha mẹ bỏ con? Nhìn các bạn có cha mẹ, tôi càng tủi thân. Tôi cứ hi vọng một ngày tôi sẽ được gặp cha mẹ. Nhưng hi vọng để rồi thất vọng. Ngày qua ngày, suy nghĩ ấy cứ đè nặng. Lúc ấy tôi oán giận ba mẹ tôi. Tôi nghi ngờ cuộc sống”.

Đó là chuyện của hơn 10 năm trước, còn bây giờ, Lê Long là một giáo viên và sống với cha mẹ ruột ở Mỹ. Gặp gỡ tôi sau một chuyến bay nửa vòng trái đất về thăm trẻ mồ côi tại nhà tình thương Diệu Giác (Q.2), Long tâm sự: “Nỗi oán giận đã xóa nhòa theo năm tháng. Càng lớn, tôi hiểu lòng cha mẹ cũng tan nát khi bỏ tôi ở lại bơ vơ”. Vừa nói, Long vừa ôm hôn đứa bé mồ côi: “Bây giờ tôi chỉ có một điều ước là sẽ có thêm nhiều trẻ bị bỏ rơi cũng may mắn được trở về với cha mẹ như tôi. Chúng ta có quyền hi vọng điều đó”. Dù số trẻ bị cha mẹ bỏ rơi được nhận về chỉ là 1% nhưng đó cũng là hi vọng!

Lê Long - cậu bé đã từng bị cha mẹ bỏ rơi hơn 10 năm trước - và một em bé mồ côi ở nhà tình thương Diệu Giác (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Y.T.
Một người mẹ từng sinh rồi bỏ con tại BV Từ Dũ trốn đi nhưng chỉ được ba ngày, khi bầu sữa mẹ đang căng cứng thì chị nghĩ đến cảnh con khát sữa. Dẹp bỏ sự xấu hổ vì không chồng mà có con, dẹp bỏ mọi định kiến chị nghĩ đang xoáy vào mình, tình mẫu tử đưa chị quay trở lại BV tìm con. Bên những chiếc lồng kính dành cho trẻ bị bỏ rơi ở BV Từ Dũ, nữ hộ sinh Vũ Thị Phương Nga - khoa sơ sinh - cho biết: “Có trường hợp trẻ bị bệnh, cha mẹ nản lòng bỏ, BV nuôi vài tháng lại khỏe mạnh. Nhiều người mẹ nhiễm HIV, vừa sinh con ra đã gói trong chiếc khăn bỏ trong phòng khám, nhưng sau một thời gian nuôi dưỡng, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ khỏe mạnh và không lây HIV từ mẹ. Một trong các trẻ này may mắn được gia đình đón về”.

Nhiều người mẹ quyết định bỏ đứa con ngoài ý muốn từ khi nó chưa chào đời, nhưng cũng có những số phận trẻ thơ cứ mãi bị bỏ lên bàn cân danh dự và định kiến. Như trường hợp đứa con ngoài giá thú của một giảng viên đại học và một sinh viên, người giảng viên ấy đã có vợ con riêng, cô sinh viên cũng không thể công khai bỏ học nuôi con. Sau nhiều lần suy tính, hai người quyết định để đứa con chào đời, song họ làm đơn đồng ý trao con cho một phụ nữ vô sinh. Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ kết thúc tại đó. Nhưng không, khi đứa con chuẩn bị nằm trong vòng tay một người mẹ khác thì cha mẹ ruột bé trở lại, cả hai người đều không nguôi nỗi mặc cảm và day dứt khi bỏ con. Họ quyết định bằng mọi giá phải nhận con về, người mẹ ruột chấp nhận tạm ngưng việc học để nuôi con.

Sư Thích Thiện Chiếu - trụ trì chùa Kỳ Quang 2 - nói: “Hạnh phúc chỉ đơn giản là khi cánh tay đứa trẻ bại não biết quơ tìm chạm tay người. Hạnh phúc là khi trong gốc cây sần sùi nẩy ra cái lộc, lộc ra cây lá, cây lá ra nụ, rồi hoa, rồi quả. Hạnh phúc là nuôi dưỡng sự sống”. Cũng như các em bé bị bỏ rơi và những tấm lòng chăm sóc các bé, tôi cứ hi vọng biết đâu mai này các em sẽ được cha mẹ đến đón về trong vòng tay hạnh phúc.

Mới đây, khi hay tin đứa con vừa chào đời đã bị bỏ ở BV Hùng Vương, anh T.H.T. tất tả từ miền Trung vào TP.HCM tìm con cho bằng được. Gia đình vợ ở TP.HCM chê anh chỉ là một công nhân nghèo nên không cho cưới hỏi, nhưng cô gái đã theo anh về quê. Có thai, cô gái xin về nhà mẹ ruột để tiện việc sinh con. Không ngờ, khi đứa trẻ chào đời cũng là lúc bà ngoại tuyệt tình, yêu cầu dứt đi đứa cháu. Vào TP.HCM, nhìn con nằm bơ vơ trong BV, anh T. đứt từng khúc ruột. BV không thể trả con khi anh không có một giấy tờ nào chứng minh mình là cha đứa trẻ ấy. Thấy cảnh người cha cứ đứng nhìn con gạt nước mắt, các BS khuyên anh nên thuyết phục ông bà ngoại và vợ. Nếu họ chịu chứng nhận đây là cha, BV sẽ đồng ý cho anh đón con về. Sau hai tuần van xin, anh mới có được chữ ký của nhà vợ. Đó là chìa khóa để cha con đoàn tụ. Đứa bé sẽ sống với cha, không có mẹ, dù sự đoàn tụ chưa trọn vẹn nhưng đứa trẻ cũng ít nhiều may mắn.

Trên đời này không có tình yêu nào gọi là bất tử, sự "bất tử" nằm ở chính những gì mà người yêu nhau mang đến cho nhau.0945648158
Offline peter  
#5 Đã gửi : 10/09/2006 lúc 11:17:12(UTC)
peter

Danh hiệu: Thành viên danh dự

Medals:Công trạng: Vinh danh vì bạn đã tích cực tham gia và có nhiều cống hiến với cộng đồngCông trạng: Vinh danh vì những đóng góp hữu ích của bạn với cộng đồng NCH
Nhóm: Administrators, Thành viên chính thức, BQT, Tham vấn viên Diễn đàn
Gia nhập: 06-03-2006(UTC)
Bài viết: 1.459
Đến từ: TPHCM

Cảm ơn: 74 lần
Được cảm ơn: 511 lần trong 232 bài viết

Chả biết thế nào!!! Bên Chùa Kỳ Quang lại gửi 1 em bé mồ côi và có HIV đi sang chỗ của tôi!!!
Offline congtu_dangyeu259  
#6 Đã gửi : 16/09/2006 lúc 12:33:41(UTC)
congtu_dangyeu259

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 01-04-2005(UTC)
Bài viết: 2.261
Man
Đến từ: Thanh hóa

Thanks: 101 times
Được cảm ơn: 100 lần trong 83 bài viết
peter cho tôi địa chỉ cụ thể của Chùa Kỳ Quang đi? Truờng hợp của peter có giải quyết đuợc không? Nếu không tôi có thể liên hệ đuợc cho đứa trẻ kia?
Thanks!
Trên đời này không có tình yêu nào gọi là bất tử, sự "bất tử" nằm ở chính những gì mà người yêu nhau mang đến cho nhau.0945648158
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.