Lối về nhân ái
|
Lân chăm sóc một ca HIV/AIDS thời kỳ cuối - Ảnh: thanh đạm |
TT - Cướp giật. Đi tù. Ma túy. Nhiễm
HIV. Tuyệt thực để chết. Cánh cửa cuộc đời của Huỳnh Trọng Lân tưởng mãi mãi đóng chặt ở tuổi 28. Vậy mà...
Giữa đôi bờ tối - sáng
Một năm sau ngày bị trả về gia đình chờ chết, Lân dắt chiếc xe Chaly cũ của mẹ ra khỏi căn nhà cấp bốn trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Sau xe có một túi xách đựng thuốc, dụng cụ y tế và một cô gái. Đó là Liên - người bạn đồng hành và cũng là bạn đời hiện tại. Chiếc xe cà tàng nhỏ bé, đôi bạn cũng nhỏ bé giữa đường phố đông đúc. Họ lẫn trong dòng người hối hả. Họ đang âm thầm mang tình yêu bọc lấy sự đau đớn của quá khứ.
Chiếc xe rẽ vào một ngôi nhà trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Khánh Dư (Q.1). Quá quen thuộc nên Lân chỉ cần dựng xe, gật đầu chào gia chủ rồi đi thẳng vào nhà. Trong căn phòng trên gác, một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối đang thu lu chờ. Đó là một bệnh nhân nam, 26 tuổi, trong tình trạng nấm toàn thân. Khi bệnh phát nặng, cha mẹ bỏ rơi, bệnh nhân về sống với ông bà và họ hàng nhà ngoại. Trừ khi tiếp tế thức ăn, ít ai đặt chân vào căn phòng này. Trong khi đó Lân tìm đến...
Đây chỉ là một trong hơn 50 bệnh nhân mà chàng trai này đã tiếp cận, chăm sóc trong một năm qua. Ngoài giờ tư vấn về HIV - công việc có lương - người thanh niên ấy lại tự nguyện lặn lội đến những “hẻm đời”. Từ Q.1 đến vùng ven Q.8, huyện Hóc Môn rồi ngược về công viên 23-9 và không nhớ nổi mỗi ngày đi bao nhiêu cây số. Chỉ biết anh đi từ sáng sớm đến gần 23g đêm mới trở về.
Ban đầu, nhiều gia đình bệnh nhân nghi vấn về hành động “tốt một cách kỳ cục” của con người xa lạ này. Thậm chí có gia đình còn nặng lời, suỵt chó đuổi. Thế nhưng Lân không nhận một đồng lương hay bồi dưỡng nào cả. Anh chỉ muốn đến để sát trùng những vết lở, để xin giúp bệnh nhân AIDS thời kỳ cuối từng viên thuốc - việc làm mà chính người thân trong gia đình chưa dám làm. Hay đơn giản hơn là để cho người bệnh hiểu rằng họ không cô độc!
|
Nhỏ bé và lọt thỏm trên phố, họ trên đường đi chăm sóc người bệnh - Ảnh: thanh đạm |
Chết đi sống lại
Cha bỏ đi. Mẹ bận rộn với cuộc mưu sinh. Cậu con trai một Huỳnh Trọng Lân sớm biết đua đòi. Để có tiền phung phí vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, cậu bắt đầu biết giật đồ, cướp của. Đang học lớp 11 bị bắt ở tù 2 năm; ra tù Lân càng lì lợm rồi tập tành chơi ma túy. Sau khi đi cai một năm về, mẹ cưới vợ cho Lân và mong anh sẽ tu tỉnh làm ăn.
Không ngờ Lân chuyển từ hút sang chích ma túy. Tiếp tục vào trường cai nghiện để lại vợ con. Sau một năm ở trường, Lân phát bệnh lở loét khắp người. Bác sĩ nói sống ngày nào hay ngày đó. Trong lúc ấy ở nhà vợ đi lấy chồng khác. Quá tuyệt vọng, Lân tuyệt thực hơn mười ngày mong chết sớm. Khi quá yếu, trường cai nghiện trả về cho gia đình để chuẩn bị mai táng.
Trên chiếc Chaly cà tàng, người mẹ gần 60 tuổi ấy đi gõ cửa từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch đến các tổ chức từ thiện trong hi vọng mong manh. Còn Lân, anh không tin mình có thể sống thêm hơn một tháng.
Trong thời gian khắc khoải ấy, Lân gặp được nhóm Tình Bạn - một nhóm đồng đẳng hỗ trợ người nhiễm HIV. Chính những người bạn này hỗ trợ anh tiếp cận thuốc ARV điều trị HIV miễn phí. Đó là ngày 1-9-2006, Lân nhớ rất rõ. Với những bệnh nhân cùng giai đoạn như anh, 1/3 thường không “qua” nổi dù có sử dụng thuốc. Nhưng có lẽ do ý chí mãnh liệt và may mắn, cùng những người bạn như Sơn, Khoa còn bỏ tiền túi cho Lân uống kháng sinh. Ba tháng sau, điều kỳ diệu xảy ra. Con người chờ chết của mấy tháng trước dần hồi phục sức khỏe.
Còn một lối về
Sau một năm, giờ đây trước mắt tôi là một chàng trai tự tin. Lân tham gia nhóm Tình Bạn để tư vấn cho các bạn nhiễm HIV khác. Với công việc này, mỗi tháng anh nhận được mức tiền hơn 800.000 đồng, tạm gọi là lương. Ngoài giờ tư vấn, anh tự nguyện lặn lội chăm sóc người nhiễm thời kỳ cuối tại khắp hang cùng ngõ hẻm. Cứ nghe nơi nào có bệnh nhân cần giúp đỡ là anh đi, bất kể ngày đêm. Chẳng nhớ bao nhiêu lần người thanh niên nghèo ấy từ chối tiền bồi dưỡng của gia chủ. Hỏi tại sao, Lân cười hiền: “Lương đủ đổ xăng. Thuốc thì đi xin. Mình chỉ có công thôi”.
Nhiều người chứng kiến cảnh Lân đi năn nỉ nhiều gia đình để được chăm sóc con họ miễn phí đều cho rằng anh bị “hâm”. Thế nhưng trải qua sóng gió, con người này mới chợt thấm thía “cho cũng là nhận”. Làm công việc ấy, chính Lân nhận ra mình vẫn còn có ích cho xã hội. Anh thấy tự tin, yêu đời hơn. Và hơn ai hết, mẹ Lân không còn cúi mặt mỗi khi ra đường. Có lần họp tổ dân phố, việc làm thầm lặng của con còn được biểu dương. “Trời ơi, hạnh phúc đến ngất đi! Dù hạnh phúc của người mẹ có con nhiễm HIV không bao giờ trọn vẹn” - cô Huỳnh Thị Kim Hoa, mẹ Lân, xúc động kể.
Một món quà ý nghĩa với người thanh niên này là sức khỏe một bệnh nhân anh tiếp cận, giới thiệu điều trị đã dần khá lên. Sau khi hồi phục, chị này còn tham gia nhóm đồng đẳng, giúp đỡ lại những người cùng cảnh ngộ. Một tài xế, một thợ sửa xe gắn máy được anh giới thiệu điều trị cũng dần khỏe và đi làm trở lại.
Sau bao nông nổi, sóng gió, niềm hạnh phúc của người đàn ông - chàng trai 29 tuổi này là được sống trong căn nhà nhỏ cùng mẹ, con trai cùng Liên. Niềm hạnh phúc còn là ngày ngày đôi bạn động viên nhau sống tốt và chăm sóc những người khác. Năm vừa qua, Liên là đồng đẳng viên xuất sắc của thành phố, Lân cũng không kém. Nhưng anh tự nhận việc mình làm “bình thường thôi, không đáng kể”. Bởi vì phương châm sống của anh thật đơn giản: “Mỗi ngày sống là mỗi ngày làm người tốt hết mình”.
Sửa bởi quản trị viên 13/08/2009 lúc 05:42:14(UTC)
| Lý do: Chưa rõ