<p class="title" align="center"><strong><font color="#800080" size="5">Điểm tựa ấm áp</font></strong></p> <p class="ngay">19-06-2007 09:26:19 GMT +7</p><span class="subcontent"> <div align="right"> <table style="BACKGROUND-COLOR: #ffffff" cellspacing="0" cellpadding="0" width="170" align="right" border="0"> <tbody> <tr> <td><img src="http://www.nld.com.vn/img/3999/12-chot.jpg" border="1" /></td></tr> <tr> <td class="commentimg">Bà Đỗ Thị Ngọc Loan, cán bộ quản lý Khu Lao động nữ, đang bế con một trại viên. Ảnh: B.HÀ</td></tr></tbody></table></div> <p align="justify"><strong><font color="#808080">Những ngày ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, chúng tôi hiểu thêm nhiều điều từ những người gắn bó hàng chục năm trời với mảnh đất xa xôi này cùng những phận người bất hạnh</font></strong> </p></span> <p align="justify"> <p align="justify"> <p align="justify"> <p align="justify"> <p align="justify">Anh Trần Quốc Dũng, sinh năm 1976, sau khi tốt nghiệp ngành xã hội học Trường ĐH KHXH & NV TPHCM đã về công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), đến nay đã gần 6 năm. Được phân công làm việc tại Phòng Quản lý người già, người tàn tật, anh được chứng kiến nhiều hoàn cảnh trớ trêu của những người làm cha làm mẹ, đến cuối đời vẫn cô độc, thiếu sự chăm sóc của những đứa con mà họ đứt ruột đẻ ra và nuôi dưỡng thành người. <p align="justify"><strong>Xót xa trước những bi kịch cuộc đời </strong> <p align="justify">Anh không thể giấu được nỗi chua xót khi kể cho chúng tôi nghe những trường hợp người cha, người mẹ phải sống cuối đời ở nơi xa xôi này vì bị con cái đối xử tệ bạc: “Phần lớn các cụ được tiếp nhận vào trung tâm do buồn con, buồn cháu. Các cụ bỏ đi lang thang, bán vé số, xin ăn rồi được đưa về đây và cũng có nhiều cụ tự nguyện đến đây vì không muốn làm phiền con cháu”. Theo Dũng, nhiều người sống ở đây mấy chục năm rồi, đến cuối đời muốn hồi gia, trung tâm gọi điện thoại đến nhà nhưng chờ mãi vẫn không có người lên đón. Dũng trầm ngâm hướng về khu người già, nơi các cụ đầu tóc bạc phơ ngồi trên ghế đá hóng gió, lập cập đi dạo bộ hoặc có cụ đang run rẩy thắp nén nhang cho một người bạn già vừa mới qua đời hôm trước... <p align="justify">Bà Đỗ Thị Ngọc Loan, sinh năm 1946, đã gắn bó với trung tâm này được 29 năm. Bà là cán bộ quản lý Khu Lao động nữ, một trong những khu vực phức tạp nhất của trung tâm này với 160 phụ nữ trong độ tuổi 16-55, bao gồm gái mại dâm, nghiện ma túy, nhiễm HIV, người tật nguyền, tâm thần nhẹ, trong đó có cả những người từng có “quá khứ lẫy lừng” ngoài xã hội. Bà từng chứng kiến biết bao cảnh đau lòng của giới trẻ ngay trong trại, hay cảnh những cô gái mới vừa đôi mươi hôm qua còn tươi cười chào hỏi cô, mà hôm nay đã ra đi mãi mãi vì HIV/AIDS. Trên đôi vai của bà, bao cô gái lầm lỡ đã rơi nước mắt... <p align="justify"><strong>Chia sẻ bằng cả tấm lòng </strong> <p align="justify">Một trong những cô gái được đưa vào trại mà bà Loan ấn tượng nhất là Nguyễn Thị Ngọc Th., 17 tuổi, khá xinh đẹp. Khi còn ở với gia đình, Th. quậy phá, trộm cắp, đánh nhau đến mức ba em không chịu được, phải đưa em vào đây. Khi vào, trên cánh tay em có 4 vết cắt sâu còn rớm máu, bà Loan đã dùng nghệ trị cho vết thương lành lại, nhưng được vài ngày, em lại lấy thuốc lá gí vào cánh tay. Giờ đây, trên cánh tay Th. có hàng chục vết bỏng, vết cắt đã thành sẹo. Hỏi ra mới biết, Th. đã từng chứng kiến cảnh mẹ mình dan díu với một người đàn bà khác. Và khi vào trại, ngoài sự ngang bướng, chán đời, cô bé này cũng có biểu hiện thích những người cùng phái. <p align="justify">Chúng tôi cũng đã gặp Trần Thị Ngọc M., trước khi vào trại, từng làm tiếp viên, rồi làm nhân viên massage, nghiện ma túy và nhiễm HIV lúc nào không rõ. Có lần trong cơn nghiện, Ngọc M. đã dùng thuốc phòng dại cho chó tiêm vào người, giờ đây, em có những biểu hiện bất bình thường và thường xuyên phải uống thuốc. Trong những lúc tỉnh táo, Ngọc M. tâm sự: “Giờ em chỉ nhớ đến con, mong được gặp nó. Con của M. giờ đang sống với bà ngoại, lâu lắm rồi họ cũng không vào thăm...”. Những cảnh đời như vậy, bà Loan gặp hằng ngày. Càng gắn bó với họ, lắng nghe, chia sẻ, bà càng hiểu và quản lý họ tốt hơn bằng tình thương chân thành. <p align="justify">Cùng với anh Dũng, bà Loan là 98 cán bộ, nhân viên khác âm thầm “bám” 32 trại của trung tâm này. 1.700 trại viên ở nơi đây đang sống phụ thuộc hoàn toàn vào tiêu chuẩn Nhà nước cấp với mức 180.000 đồng/người/tháng cho người già, tàn tật, thiếu nhi; 150.000 đồng/người/tháng đối với độ tuổi lao động. Còn cán bộ nhân viên, đời sống cũng rất khó khăn khi ngoài đồng lương, họ chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng. Đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thử thách, khả năng nhiễm bệnh cao, những người làm việc ở nơi đây vẫn kiên trì bám trụ, hằng ngày túc trực bên các trại viên. Họ là điểm tựa ấm áp của bao số phận hẩm hiu. <div align="center"> <table style="BORDER-COLLAPSE: collapse" bordercolor="#4169e1" cellspacing="0" cellpadding="3" width="90%" bgcolor="#f5f5f5" border="1"> <tbody> <tr> <td> <p align="justify"><strong>ÔNG TRẦN VĂN HÙNG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI CHÁNH PHÚ HÒA: </strong> <p align="center"><strong><em>Nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao </em></strong> <p align="justify">Ở đây tập trung nhiều đối tượng khác nhau từ trẻ em đến người già, người tàn tật, người trong độ tuổi lao động nên việc quản lý, đi vào nghiệp vụ rất khó khăn. Trung tâm lại nằm xa TP nên ít thu hút được sự quan tâm của các nhà hảo tâm. Chúng tôi cũng không có chức năng cho phép nhận con nuôi, trong khi nhiều trẻ em ở đây cha mẹ không có khả năng nuôi dạy, những người trong độ tuổi lao động cũng không được tổ chức sản xuất, đầu tư nhà xưởng để tạo thêm công ăn việc làm... Bên cạnh đó, các bệnh nhân lao, nhiễm HIV và một số bệnh lây nhiễm khác hiện vẫn phải sống chung với nhau trong một trại, nguy cơ lây nhiễm rất cao... </p></td></tr></tbody></table></div> <p class="author">THÙY VINH</p>