Tình hình thực tế các phòng xét nghiệm ở TP.HCM
Hiện nay, xung quanh mỗi bệnh viện, Trung tâm y tế (TTYT), các phòng khám có rất nhiều phòng xét nghiệm (PXN) vệ tinh, PXN tư nhân cùng hoạt động. Những PXN ấy đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải về xét nghiệm trong bệnh viện, giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Tuy nhiên chất lượng xét nghiệm và giá cả đang là mối quan tâm không chỉ của bệnh nhân mà còn của ngành y tế Thành phố.
Trước thực tế ấy, từ ngày 9 đến 20/7/2007 vừa qua, được sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do TS. David Browning hướng dẫn, Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm TP.HCM đã tiến hành khảo sát toàn diện các PXN trên địa bàn thành phố với mục tiêu nắm bắt thông tin, thực trạng PXN để tham mưu cho SYT trong việc xây dựng những cơ sở XN đủ tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với khả năng, qui mô của các đơn vị y tế. Sau khi phát phiếu trả lời và đi kiểm tra thực tế trên 30 PXN, đoàn khảo sát đã tổng kết và đánh giá được rất nhiều vấn đề còn tồn tại cần khắc phục. Điển hình như:
- Về chuyên môn: cùng một mẫu phẩm huyết thanh được đưa cho 30 PXN, sau khi phân tích và trả kết quả thì các số liệu hoàn toàn khác nhau. Những trung tâm, PXN lớn thường độ tin cậy cao hơn, sai số ít hơn những PXN nhỏ. Các PXN chỉ thường làm các mẫu ổn định, dễ phân tích để sớm giao kết quả, điều này đi ngược lại nguyên tắc của XN là cần tìm những mẫu không ổn định, khác thường để giúp BS điều trị tìm ra những bất thường trên lâm sàng của bệnh nhân
- Về đảm bảo chất lượng: hấu hết các PXN không quan tâm đến nguyên tắc nội kiểm tra (IQC) trước khi trả kết quả và ngoại kiểm tra (EQA) sau khi giao kết quả. Có đến 78,72% PXN không thực hiện IQC và 75,53% không thực hiện EQA, nếu có cũng chỉ tham gia với những mẫu sinh hoá, huyết học, miễn dịch, vi sinh… còn những mẫu không ổn định lại tránh thực hiện vì sợ cho kết quả xấu. Chính vì thế hầu hết các PXN đều không nắm được thông tin phản hồi từ BS điều trị, thực tế lâm sàng và nếu BS chỉ tin tưởng vào cận lâm sàng thì sẽ có hướng điều trị sai.
- Về trang thiết bị: nhiều cơ sở chưa quan tâm đầu tư máy móc hoặc nếu có lại mua những máy móc không đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, đặc biệt đối với những PXN tuyến huyện thiết bị còn lỗi thời hơn, không thể phù hợp nhưng vẫn phải sử dụng, các XN ký sinh trùng ở tất cả các PXN đều được thực hiện bằng tay, chỉ có 45,63% phòng dùng máy bán tự động và 21.88% dùng máy tự động để thực hiện XN sinh học (là loại XN được làm nhiều nhất trong các loại). Ngay cả trong các bệnh viện, trung tâm lớn do chưa đánh giá đúng tầm quan trọng nên vẫn chưa được đầu tư các thiết bị kiểm chuẩn IQC, EQA.
- Về hóa chất: việc sử dụng hóa chất có chất lượng thấp, hết hạn sử dụng vẫn phổ biến. Với các PXN công thì nguyên nhân hầu hết đều do cơ chế: kinh phí, chờ đấu thầu, không thể thanh lý….Với PXN tư nhân lại do cạnh tranh giá cả. Do vậy chất lượng XN, kết quả chênh lệch nhau là đương nhiên.
- Công tác chống nhiễm khuẩn là vấn đề đáng quan tâm nhiều nhất. Đúng ra PXN phải là nơi đảm bảo vệ sinh, vô trùng cao nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, các PXN tư nhân thì công tác chống nhiễm khuẩn lại ít được quan tâm hơn so với các PXN công. Có nơi PXN còn kiêm cả bếp, nơi ngủ trưa, treo quần áo và chỗ ăn uống, rác thải y tế thì không theo qui định. Nhân viên PXN đeo găng tay đi lại các phòng ban, băng ngang đường, thậm chí đeo cả găng tay rách trong khi làm việc. Tất cả những sai sót này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân viên, bệnh nhân và có nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.
Từ những đánh giá như trên qua quá trình khảo sát, TS. David Browning cho rằng: năng lực hoạt động PXN của TP.HCM khá mạnh, phát triển khá nhanh, đã giải quyết được phần lớn các yêu cầu XN, cân lâm sàng cần thiết phục vụ cho nhu cầu khám và điều trị. Tuy nhiên sự cách biệt khá lớn về chuyên môn, kỹ thuật, trình độ, chất lượng, trang thiết bị… cần phải được những nhà quản lý quan tâm khắc phục thông qua đào tạo, thống nhất chỉ số, sai sót, đưa ra chuẩn cho các PXN được phép hành nghề, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động, phân bổ các PXN trên các địa bàn cho hợp lý và không thể buông lỏng với công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện tại các PXN.
Huỳnh Nhân
Sửa bởi quản trị viên 17/01/2012 lúc 10:28:24(UTC)
| Lý do: Chưa rõ