Chuyện về một người phụ nữ nhiễm HIV là tình nguyện viên Liên Hiệp Quốc
(ANTĐ) - Tự mình vượt lên số phận, vượt lên những bi quan, người phụ nữ nhiễm HIV này đã tìm ra con đường đi đúng đắn cho mình, sống một cuộc sống lạc quan và có ích cho xã hội.
Người phụ nữ đó có cái tên thật đẹp Nguyễn Diệu Hằng. Mặc dù chưa đầy 30 tuổi nhưng cô đã trải qua nhiều sự đắng cay của số phận. Hằng kể chuyện về đời mình thật tự nhiên, không giấu giếm.
Đêm tân hôn chỉ có một mình
 |
Nhờ niềm lạc quan, cuộc sống của Hằng đã trở nên vui vẻ
hơn, có ích hơn |
Yêu và lấy chồng từ rất sớm, sau 4 năm yêu nhau thì lúc cưới Hằng cũng chỉ mới 23. Ngày cưới tưởng là ngày được gần nhau, được sống trong hạnh phúc thì cũng là lúc cô nhận ra một sự thật phũ phàng mà chưa bao giờ cô biết tới: chồng cô là một người nghiện ma túy.
Hằng kể, chuyện của Hằng như một câu chuyện cổ tích, chỉ khác ở chỗ chú rể không mất tích khi đưa đón dâu, mà anh ta mất tích khi dỡ dạp đám cưới. Mọi người thì nháo lên đi tìm chú rể và sự thật đau đớn là anh ta đang đi tìm… ma túy. Mất hút từ đó đến đêm, kết quả là cô phải trải qua đêm tân hôn… chỉ có một mình.
Hằng bồi hồi tâm sự, biết chồng nghiện hút, cô rất thất vọng và buồn tủi nhưng lại nghĩ vợ chồng với nhau một ngày cũng nên nghĩa, huống chi lại có cả thời gian 4 năm trời yêu nhau, những điều đó đã giúp cô có thêm nghị lực để vượt qua tất cả.
Hằng tâm sự với tôi về quá trình thuyết phục và giúp đỡ chồng để anh có thể “đoạn tuyệt” được với chất bột trắng kia – đó quả là quãng thời gian đầy nước mắt. Cô đã dùng rất nhiều biện pháp, có những lúc chị quyết tâm đến nỗi mua cả xích sắt về để cùm chồng. Thế nhưng đã bao lần như thế mà chồng cô vẫn không từ bỏ được ma túy, bao nhiêu cố gắng của Hằng coi như đổ xuống sông xuống bể.
Trong khoảng thời gian ấy, Hằng đã nghĩ có khi chỉ có những đứa con mới làm cho anh ấy tỉnh ngộ lại. Với suy nghĩ ấy vợ chồng cô quyết tâm có thai, “mong rằng đứa trẻ sẽ là nguồn động lực giúp “bố nó” thoát ra khỏi “cái chết trắng”.
Nhưng cuộc đời của Hằng không đơn giản như thế, những tưởng rằng chồng mình chỉ nghiện hút, có ngờ đâu rằng anh đã bị HIV và khi đi xét nghiệm máu thì kết quả là Hằng cũng dương tính với HIV.
Cô bảo, lúc ấy cô ngây thơ lắm, biết chồng nghiện nhưng cô không biết rằng sự nghiện ngập nó lại khủng khiếp và gây hậu quả nặng nề đến thế. Đến khi các bác sĩ đưa cho kết quả xét nghiệm, Hằng mới bàng hoàng. Và đau đớn hơn nữa là cô biết tin hài nhi trong bụng cũng đã dương tính với HIV.
Đón nhận đứa con gái đầu lòng ra đời mà lòng Hằng trĩu nặng nỗi buồn. Cô nói trong nỗi nghẹn ngào: “Nhiều khi nghĩ thấy thật có lỗi với đứa trẻ, sinh con ra mà không cho con cuộc sống”.
Con gái Hằng sinh ra nhỏ bé, tội nghiệp. Từ khi sinh ra, cháu đã phải chịu những cơn đau của người bị bệnh và được gần 2 tuổi thì cháu mất. Những lá thư Hằng viết cho con là những tâm sự của người mẹ có lỗi với con, sinh ra con không vẹn tròn, không được như những đứa trẻ bình thường khác.
Mất con, không hy vọng gì ở người chồng nghiện ngập… Tưởng rằng với người phụ nữ chưa đến 30 tuổi này thế là hết tất cả. Nhưng không…
Ánh sáng ở cuối con đường
Hằng kể lại cho tôi quãng thời gian khi cô mang bầu. Khi biết tin có bầu, cô xin về nhà mẹ đẻ ở và khi sinh con xong sẽ về bên nội. Vì như thế sẽ tránh tâm lý bực bội mỗi lần nhìn thấy chồng hút chích, điều đó sẽ ảnh hưởng đến đứa con.
Quyết định sinh con là một quyết định quá táo bạo với chị vì cả nhà không ai đồng ý, kinh tế không có, bố mẹ hai bên đều là công nhân đã nghỉ hưu; còn người chồng hiện đang chạy xe ôm, số tiền anh ta kiếm được không đủ mua thuốc.
Tất cả chỉ trông chờ vào số tiền lương mà Hằng được hưởng từ công việc cô đang làm. Hiện nay cô đang làm việc cho tổ chức tình nguyện Liên Hiệp Quốc.
Hằng bảo lúc Hằng thông báo với chồng rằng mình có bầu, anh ta sung sướng lắm và hứa đi hứa lại rằng sẽ cai thuốc, thế nhưng chỉ được vài hôm, rồi đâu lại vào đó. Cô kể, có lần hai vợ chồng đưa nhau lên Sơn Tây cai nghiện, nhưng vừa làm thủ tục xong thì anh chồng nhất định đòi về, không cai nữa.
Nhưng điều quan trọng nhất đối với Hằng là đứa con. "Quyết tâm lắm mới dám có bầu ấy chứ. Sau khi đứa con gái đầu tiên mất, tưởng đời mình thế là hết. May sao lại có thêm một cơ hội nữa".
Khi có bầu đứa này, bên chồng nhất định không ai đồng ý, còn Hằng thì vẫn quyết tâm. Bây giờ hằng ngày cô uống thuốc, loại thuốc có tác dụng làm cho virus HIV ít có khả năng phát triển".
“Thế còn em bé thì tính sao?” - tôi hỏi, Hằng trả lời: "Thuốc cũng có khả năng ngăn chặn virus HIV lây từ mẹ sang con, và tỉ lệ thành công lên tới 80%. Điều làm Hằng lo lắng nhất bây giờ là mai sau cháu đi học... chỉ ngại một điều là nó sẽ bị xa lánh, kỳ thị".
Ngồi nói chuyện với tôi mà cô liên tục có điện thoại. Hằng bảo ngày nào cô cũng đi đến 7,8 giờ tối mới về nhà vì cứ khi nào bệnh nhân cần là cô có mặt. Trước kia cô làm việc trong nhóm Hoa Hướng Dương (nhóm những người có H (HIV), chuyên tư vấn và giúp đỡ những người bệnh nhiễm HIV.
Không chỉ tư vấn, xin thuốc miễn phí cho họ mà nhiều khi bệnh nhân từ các tỉnh lên Hà Nội, họ không thông thạo thủ tục hành chính, nhóm của Hằng còn cử nhau ra giúp đỡ họ, nhiều người bị bệnh nặng, nhóm phải chăm sóc họ, Bây giờ cô chuyển sang làm việc cho tổ chức của Liên Hiệp Quốc nên càng phải đi nhiều.
Tuy công việc vất vả nhưng cũng vui, vì những việc của Hằng làm đã giúp đỡ được nhiều người bệnh, không những chăm sóc họ, cô còn làm cho họ hiểu rằng, người bị HIV chưa phải là đã hết hy vọng. Như Hằng là một ví dụ, cô vẫn lạc quan sống, vô tư và yêu đời.
Hằng còn kể, nhóm Hoa Hướng Dương của cô có nhiều chị em cùng cảnh ngộ, lại cùng lứa tuổi nên rất thông cảm và thân nhau. Hằng còn tự hào: "Bọn mình chơi với nhau như khi còn là sinh viên ấy. Và thường xuyên đi uống cà phê với nhau, trò chuyện rôm rả lắm…".
Chia tay với Hằng, tôi chợt nhận ra, có lẽ, ở đời không bao giờ có con đường cùng, nếu quyết tâm và lạc quan, chúng ta sẽ tìm thấy ánh sáng ngay cả nơi tận cùng nhất. Chính công việc có ích, sự nghị lực đã làm thay đổi cuộc sống của Hằng. Nỗi buồn dường như không còn ở cô gái đầy nghị lực này.
Thu Hà
Sửa bởi quản trị viên 26/04/2011 lúc 08:20:40(UTC)
| Lý do: Chưa rõ