<span class="main_content" id="lbBody"><font face="Arial" color="#ff0000"> </font> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chị là Đỗ Thị Xuân Nương về làm dâu ở xã Tam Thái, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) năm 26 tuổi. Năm sau (2004), đứa con đầu 3 tháng tuổi của chị mất sau khi đau sốt liên miên kéo lê chị đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. </font></p> <p><b><font face="Arial" color="#ff0000">Đối mặt với khó khăn</font></b></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Năm sau, chồng đi đào vàng bị sụp hầm chết. Khăn tang chồng quấn trên đầu chưa kịp lấy xuống thì đứa con thứ 2 vừa chào đời cũng lại bỏ chị đi. Những đứa con đẻ ra là gắn liền với bệnh viện cũng như cái tang của chồng đã để lại cho chị những khoản nợ.</font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Tuy nhiên, nợ không "giết" lòng chị bằng cái hung tin từ các bác sỹ khi họ chữa bệnh cho đứa con thứ 2: Chị và các con đều có HIV.</font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Năm 2004, gia đình chị là những "ca" HIV đầu tiên của cả xã Tam Thái nên khỏi phải nói cũng biết làng xóm bàng hoàng như thế nào. Nhà chồng oán trách chị đã gieo bệnh cho con trai và các cháu. Chị trơ trọi trong cuộc sống, vật vã với bệnh tật của mình. Đến đám tang của chồng, con chị cũng không ai đến viếng. </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chịu đựng không nổi sự ghẻ lạnh, chị về bên mẹ (cũng trong một xã). Thế nhưng mọi con đường người có HIV đi đều bị cô lập. Thấy chị đi bên phải là mọi người dạt về bên trái, có người bụm mũi, có người chạy thật nhanh. Họ xầm xì với nhau mỗi khi thấy chị. </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chị mua hàng nhiều người không bán. Chị trả tiền, họ không cầm mà ra dấu bỏ xuống họ sẽ tự nhặt lấy. Chị đã trở thành một cái gì đó thật ghê sợ trong mắt mọi người. Sức khỏe, tinh thần suy sụp từng ngày. Chị tuyệt vọng. </font></p> <p><b><font face="Arial" color="#ff0000">Vượt qua</font></b></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Rất nhiều lần chị nghĩ đến sự giải thoát. Chị đấu tranh với sự cám dỗ đó mỗi ngày. Chị thương mẹ sẽ khổ, sẽ bị người làng dị nghị nếu như chị dại dột. Để cho mọi người thấy họ đã sai lầm khi nói mẹ đã nhốt chị, ngày nào chị cũng ra đường. </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chị chủ động chào hỏi mọi người chị gặp bất kể họ bỏ chạy hay bịt mũi. Chợ gần không bán chị đạp xe đi mua hàng chợ xa, có hàng rồi chị đạp quanh xóm, bất kể đường lớn, đường nhỏ. </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chính vì chị xuất hiện liên tục, lúc nào cũng tươi cười, lễ phép, nên lâu dần bà con thấy… quen, cảm giác gớm ghiếc nhạt phai dần. Rồi họ thấy thương chị, biết chị đang cố vui sống. </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Ngày giỗ chồng, con chị, đã có người đến viếng, hoặc gửi quà. Khi chính quyền phát động xây cho chị ngôi nhà tình thương để có chỗ riêng thờ cúng người thân, bà con hăng hái đóng góp.</font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Năm 2006, chị có một ngôi nhà tình thương, nhỏ thôi, nhưng là món quà quý giá của cuộc sống - nó biểu hiện chị đã được bà con chấp nhận. Cũng năm đó bên nội mang tặng chị những kỷ vật chồng để lại, nào mền, gối, tivi... </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Bây giờ, họ mới biết chính con trai mình mắc bệnh từ trước khi lấy vợ, chị và các con là nạn nhân. Giờ lòng đã lặng, chị nhớ lại mới hay, chồng chị đã biết mình mắc bệnh và lây cho vợ, con khi chị sinh đứa thứ 2. Lúc đó anh đối xử với vợ, con rất ngọt ngào. </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Thương vợ nợ nần túng bấn, anh đi đào vàng với ước mong kiếm chút ít, không ngờ… Chị không hề trách chồng. Những tấm hình của anh, chị trang trí thật đẹp và bày biện chung quanh buồng mình.</font></p> <p><b><font face="Arial" color="#ff0000">Không làm điều ác</font></b></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Rất nhiều người đã săn đón chị khi hay tin chị bị bệnh. Họ từ nhiều nơi, nhất là Hà Nội, đến năn nỉ, thuyết phục chị… đi bán ma túy. Họ nói: Đời em tàn rồi, dại gì mà không kiếm tiền để tung hê, phá phách, trả thù đời cho sướng! Rồi họ nói: Em bị bệnh, không ai dám bắt đâu(?), mà em cũng đừng sợ, em chỉ cần ngồi sau xe đi giao hàng thôi… </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chị tâm sự, nhiều lúc thấy buồn chán quá, cũng muốn gật đầu đi với họ cho khuây khỏa cuộc đời. Nhưng rồi nghĩ mình không thể làm điều ác, mình bị mình chịu, đừng bắt người khác phải khốn khổ như mình, đành thôi.</font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chị xin vay vốn Quỹ Hỗ trợ người nghèo về nuôi lợn, gà, rồi đi nhận hàng về may để kiếm sống. Khi nào chính quyền cần, chị đi làm tuyên truyền viên phòng chống HIV miễn phí, rồi chị tham gia sinh hoạt trong nhóm những người có HIV/AIDS của huyện… </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chị đã lấy tấm lòng và ý chí của mình ra nhen lại cuộc sống. Ngôi nhà tình thương bà con xây cho chị nằm khuất trong khu vườn, không có đường vào (phải đi băng qua nhà hàng xóm) nhưng không vì thế mà cô quạnh. Rất nhiều người bất hạnh vì dính đến căn bệnh nguy hiểm đã tìm đến để được nghe một lời động viên. </font></p> <p><font face="Arial" color="#ff0000">Chị đã không thèm để ý mình còn sống được bao nhiêu ngày tháng nữa, chị sống như mình... bất tử, với rất nhiều dự định cho cuộc sống của mình và các công tác xã hội<br /><br /><br /><a href="http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2007/12/80147.cand"><font color="#0000ff">http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2007/12/80147.cand</font></a></font></p></span>