 |
Chị Phạm Thị Huệ - người "Anh hùng châu Á" năm 2004 trong phòng chống AIDS. |
Giadinh.net - "Ngay sau khi biết vợ chồng tôi bị nhiễm HIV, mọi người xung quanh đều xa lánh. Ngay cả người cha ruột và những người thân thiết cũng chỉ biết khóc thương chứ không dám đến gần. Lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng chỉ có cái chết mới giải thoát được cho cuộc sống đau khổ và tuyệt vọng của mình".
Đó là một phần câu chuyện hơn 3 năm về trước của chị Phạm Thị Huệ - người được Tạp chí Time (Mỹ) bầu là một trong 20 “Anh hùng châu Á” năm 2004. Và còn đó rất nhiều nỗi ám ảnh buồn chất chứa của những người có H...
HIV/AIDS bị coi như “tệ nạn xã hội”
Tự nhận mình kém may mắn vì không được mọi người trong gia đình cảm thông, chấp nhận, chị L, một người có HIV xuất hiện trong cuộc gặp mới đây do Dự án Policy tổ chức với nhóm “Vì tương lai tươi sáng” (nhóm những người có HIV tại các tỉnh phía Bắc) đã một mực khẩn khoản mọi người: “Đừng đưa tên em nhé, kẻo không em lại không được về thăm con đâu”.
Trong gia đình, trừ bố chồng và cô em gái biết chuyện, còn cả nhà không ai hay cô bị nhiễm HIV dù chồng cô đã mất cách đây 2 năm do căn bệnh này, còn cô chỉ là một nạn nhân. Không hiểu rồi đây cô sẽ sống trong sự giấu diếm này được bao lâu, và khi “bí mật” lộ ra thì những ai sẽ thông cảm cho cô? Cô có còn được chăm sóc cho máu mủ của mình nữa không?...
“Khi biết tôi bị HIV, nhiều người coi tôi như vật thể lạ, họ không muốn ở cùng phòng với tôi. Chuyện xảy ra đầu năm 2003, khi tôi biết mình nhiễm HIV trong một lần khám thai định kỳ”.- Chị T.N.L một người có HIV ở nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” kể câu chuyện của mình. Rồi trong thời gian chị sinh con nằm viện, nhiều người tỏ ta khinh bỉ và lạnh nhạt với mẹ con chị.
Nén nỗi đau, chị trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, vượt qua mọi sự kỳ thị và mạnh dạn tham gia vào các hoạt động phòng chống AIDS tại địa phương. Câu chuyện buồn của chị được kể không biết bao nhiêu lần, như một minh chứng sống động rằng: Những người nhiễm HIV vẫn có thể sống mạnh mẽ và có ý nghĩa.
Sự kỳ thị vượt ra khỏi phạm vi gia đình, lan toả trong xã hội và đặc biệt là trong các xí nghiệp, nhà máy, nơi người có HIV đang lao động. Câu chuyện của chị T.H, thành viên của nhóm “Nụ cười”, TP HCM kể ra là một ví dụ điển hình.
Cách đây 2 năm, cũng nhờ mối quan hệ của mẹ mình, chị được vào làm nhân viên kiểm hàng tại một công ty thủy sản. Trong lần khám kết quả định kỳ, biết chị bị nhiễm HIV, người trưởng phòng tổ chức đã chuyển luôn chị xuống làm việc ở khâu dọn vệ sinh không một lời giải thích. Thực ra, một thời gian trước đó chị nghiện hút, nhưng chị đã đoạn tuyệt với ma tuý từ khi sinh con nên sức khoẻ hoàn toàn bảo đảm cho công việc. Không chịu đựng được trước những cái nhìn ghẻ lạnh của mọi người trong cơ quan, nhất là bất bình trước quyết định chuyển việc, chị đã xin thôi việc, mặc dù vừa được ký hợp đồng.
Cô lập và xa lánh để... “phòng ngừa”
Theo bà Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Xã hội (NC&PTXH) Hà Nội, những hình thái chủ yếu của sự kỳ thị và các biểu hiện của sự kỳ thị bắt đầu từ sự cô lập xã hội do nỗi sợ hãi bị lây nhiễm, tới việc sử dụng những ngôn từ mang tính khinh miệt và gây tổn thương.
Hơn thế là sự phân biệt đối xử và gạt người có HIV/AIDS và gia đình họ ra ngoài lề xã hội. Theo bà Hồng, nữ giới mắc bệnh này thường bị sự kỳ thị nặng nề hơn nam giới. Người ta thường quan điểm nam giới mắc vào chuyện này là chuyện chung của xã hội, còn người phụ nữ bị HIV thì không thể thông cảm được. Vì điều này thuộc về tư cách và đạo đức, nên khó có thể “dung tha”.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phân biệt kỳ thị đối với người có HIV là do nhận thức sai, thậm chí thiếu hiểu biết về lây nhiễm HIV/AIDS. Nghiên cứu của ông Lê Bạch Dương (Viện NC&PTXH) tại Hà Nội và TP HCM mới đây cho thấy, sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS ở nơi làm việc đang diễn ra khá phổ biến.
Một số nơi bắt buộc người lao động phải có xét nghiệm HIV trước khi được tuyển dụng. Một số nơi khác, người trúng tuyển có thể bị từ chối nếu có kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Ngoài ra, có 30% người được hỏi tán thành giải pháp vì sự an toàn của người khác nên phải cho những người nhiễm HIV/AIDS nghỉ việc; 70% (kể cả cán bộ y tế) đồng ý không nên tuyển dụng người nhiễm HIV.
Đảm bảo việc làm cho người nhiễm, bằng cách nào?
Ông Đặng Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính, Bộ Tư pháp, khẳng định, luật pháp hiện hành quy định rất rõ: Không được cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, không được chuyển những người bị nhiễm HIV/AIDS sang làm công việc khác nếu họ không có yêu cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức. Ông Sơn cho rằng, cần phải quy định rõ các mức phạt đối với cá nhân, cơ quan phân biệt và kỳ thị đối với người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, cần xem lại cách dùng từ “tệ nạn xã hội” trong các tài liệu pháp lý và xử lý tách biệt giữa HIV/AIDS khỏi những hành vi như nghiện ma túy, mại dâm.
“Phải có sự thay đổi đồng bộ, nhất là những quan niệm về tệ nạn”- ông Đặng Hòa Ái, Vụ Truyền thông Phòng chống AIDS và các tệ nạn xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói. Ngay trong việc xét chọn, bình bầu thi đua cho xí nghiệp thì đơn vị đó vừa phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng lại phải không để xảy ra các tệ nạn xã hội. Vì thế, việc các cơ quan từ chối nhận người có HIV, vào làm việc cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, chẳng có quy định nào buộc các xí nghiệp, đơn vị phải tuyển dụng những người có HIV nên không ít đơn vị sẵn sàng đưa ra lý do về tính chất công việc không thể nhận những người không đảm bảo về sức khỏe.
Theo ông Ái, về lâu dài rất cần sự nỗ lực của cộng đồng, tạo cơ hội cho những người nhiễm được đối xử công bằng như tất cả mọi người. Ngoài ra, việc biểu dương và coi việc tiếp nhận những người có HIV vào làm việc của các doanh nghiệp là thành tích - một biện pháp cần tính đến trong tương lai, để xoá dần đi sự bất công trong lao động với người có HIV.
Trung Dũng
|