Ưu tư của một nhà khoa học
Tiểu sử: Tiến sĩ Lê Võ Định Tường - Sinh năm 1945 tại Hà Nội, là cháu ngoại của cố danh y Võ Hoành (Sa Đéc), từng bị Pháp kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo - Tốt nghiệp Khoa Sinh Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967 - Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y-dược học tại Học viện Quân y Hà Nội năm 1996 - Công tác tại Phòng Hóa hợp chất thiên nhiên, Viện Sinh học Nhiệt đới (TPHCM) từ năm 1996
Tiến sĩ Lê Võ Định Tường là tác giả của hai chế phẩm SH-1 và SH-2 điều trị HIV/AIDS được điều chế từ thuốc Nam. Vấn đề đặt ra ở bài viết này là cần một cơ chế thoáng và khoa học để các nhà nghiên cứu mạnh dạn, tự tin và có điều kiện để nghiên cứu thuốc điều trị HIV/AIDS - một đề tài mà các nhà khoa học thế giới đang chạy đua
Đọc được vài bài báo đăng trên một số tờ báo ở TPHCM về khả năng điều trị HIV/AIDS bằng một loại thuốc Nam (tác giả bài thuốc là tiến sĩ Lê Võ Định Tường ở Viện Sinh học Nhiệt đới), chúng tôi thật sự rơi vào một cảm giác đan xen - vừa thú vị, vừa hoài nghi.
Ông tiến sĩ và những người nhiễm HIV/AIDS “cùng đường”.- Trái với những gì chúng tôi nghĩ, TS Lê Võ Định Tường không “bốc” về mình, cũng không làm “rối” người đối diện bằng các thuật ngữ y dược học. Ông từ tốn trao đổi và lắng nghe. Chúng tôi tranh thủ đi ngay vào một số nội dung nhạy cảm trong hai chế phẩm SH-1 và SH-2 được điều chế từ hơn 30 cây thuốc Nam của ông. Ông cho biết đã bỏ ra hơn 10 năm để nghiên cứu các nhóm hoạt chất ức chế nhằm “đánh” vào HIV từ 4 hướng: Ức chế protease; ức chế men sao chép ngược; chống sự kết tụ của CD 4 (lympho bào T 4) theo kiểu “chia để trị”; phong tỏa thụ thể CD 4 không cho vi-rút bám vào. Toàn bộ công trình được đăng trong Kỷ yếu công trình của Viện Sinh học Nhiệt đới (tháng 2- 2002), nhưng chưa có phản ứng gì từ giới khoa học nước ngoài. Phản ứng chính thức trong nước cũng chưa. Chỉ có thêm hàng trăm người điện thoại cho ông hoặc tìm đến nhà riêng với nhiều hy vọng được cứu chữa. Ông cho biết mối quan hệ giữa bệnh nhân với ông là quan hệ tự nguyện hợp tác mà không có bất cứ sự ràng buộc nào. Tất cả đã đến với ông với tâm trạng của người “cùng đường” và muốn được giúp đỡ. Nhưng như ông nói, ông không kê toa, bán thuốc mà chỉ giúp cho khoảng 50 bệnh nhân (cả nhiễm HIV hoặc đã chuyển sang AIDS) một ít thuốc miễn phí. Bệnh nhân được dùng loại thuốc SH-1 hoặc SH- 2, mỗi lần ba viên, ba lần mỗi ngày và kéo dài suốt ba tháng. Theo đánh giá của ông, “sau ba tháng dùng thuốc, thể trạng của hầu hết bệnh nhân có cải thiện, tăng cân từ 0,3 kg đến 2,4 kg, ăn ngủ tốt hơn; một số triệu chứng của bệnh cơ hội bị chặn đứng. Đặc biệt, tế bào CD 4 qua xét nghiệm ở một số bệnh nhân có tăng lên”. Đây là ba tiêu chí rất quan trọng để đánh giá bệnh trạng, nhưng nó lại không được ông dẫn chứng cụ thể, bị nhập nhằng giữa tình trạng nhiễm HIV (hầu như không có triệu chứng rõ ràng) với bệnh AIDS (sụt cân, tế bào CD 4 giảm, xuất hiện các bệnh cơ hội...). Trong khi đó, một vấn đề quan trọng nhất, vốn thách thức các nhà khoa học thế giới suốt 20 năm nay, là xét nghiệm xem có giảm được nồng độ HIV trong máu hoặc ít ra vi-rút có bị khống chế không thì TS Định Tường chưa có câu trả lời. Chính ông cũng thừa nhận lẽ ra phải theo dõi trong vòng một năm (thay vì 3 tháng như hiện nay) và có thêm nhiều loại xét nghiệm như PCR (khoảng 100 USD/test) để đánh giá chính xác hơn. Ông cũng thận trọng cho rằng “CD 4 tăng là đáng mừng, nhưng có phải do thuốc không thì cần phải nghiên cứu nhiều hơn”
“Tôi đang cảm thấy sức ép...”.- Thực chất, những gì ông đang theo đuổi có thể gọi là một “công trình tự xoay xở bằng tiền túi”. Bởi đề án nghiên cứu phòng chống AIDS giai đoạn 2001-2005 của ông (được Viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới - TS Nguyễn Tiến Thắng - ký tháng 10-2000) đã không đứng vững trước Hội đồng Thẩm định Sở KH-CN-MT TPHCM và sau đó là Bộ KH-CN-MT. Tiến sĩ Định Tường nói ông không rõ đề án thất bại do không bảo đảm tính khoa học, tính khả thi hay tính thực tiễn). Với vẻ ưu tư, TS Định Tường thổ lộ: “Tôi đang cảm nhận sức ép từ dư luận xã hội đối với các bệnh nhân đáng thương. Nhiều người đánh đồng 100% bệnh nhân HIV/AIDS với tệ nạn, với “bản án tử hình”, và còn đòi “cho chúng chết hết đi, cứu chữa cái nỗi gì”. Đồng nghiệp thì ngoài một số ủng hộ tinh thần, vẫn không ít người cho tôi là “hâm”, là vô bổ khi lao vào công việc mà những nhà khoa học vừa giỏi, vừa giàu như Mỹ vẫn loay hoay chưa có lối ra. Nặng nề hơn, có người cho rằng AIDS mới xuất hiện hai thập niên, y học cổ truyền biết gì về cơ chế sinh bệnh mà chữa, coi chừng thành lang băm...Tôi không trách họ, bởi chính cái tâm nguyện muốn giúp những người đang suy sụp, chờ chết thôi thúc tôi làm việc. Chỉ vậy thôi”. Ông cho biết Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 25 đang xin phép Bộ Y tế cho sản xuất thuốc của ông dưới cái tên Xuavir và cho thử nghiệm lâm sàng. Ông nói đó có thể là nỗ lực phối hợp cuối cùng nhằm giới thiệu một sản phẩm sau hơn 10 năm nghiên cứu.
Cần một cơ chế thoáng.- Khi chúng tôi thắc mắc làm cách nào có thể bù đắp những chi phí về nghiên cứu, sản xuất thuốc (tốn kém hàng chục triệu đồng mỗi năm) trong hoàn cảnh ông chỉ “biếu không” cho bệnh nhân, TS Định Tường nói: “Tôi có đất trồng cây thuốc và còn để cho thuê nữa. Tôi cũng bán nguyên liệu thô (dạng bột) cho các doanh nhân Nhật Bản, Đài Loan. Nói chung không đến nỗi quá thiếu tiền, nhưng để nghiên cứu và phát triển bài thuốc thật căn cơ thì phải có tiền tỉ”.
Sẽ là vội vã khi kết luận tốt, xấu về bài thuốc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS bằng cây thuốc Nam của TS Lê Võ Định Tường. Nó cần được giới hữu trách thẩm định và đánh giá đầy đủ, đặc biệt trong điều kiện việc điều chế và thử nghiệm lâm sàng còn bị giới hạn (yếu tố pháp lý, hiệu quả thử nghiệm khách quan...). Tại hội nghị quốc tế về hiện đại hóa y dược học cổ truyền tổ chức tại TPHCM từ ngày 30 đến 31-3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế - PGS-TS Lê Văn Truyền - đã không giấu nỗi lo: “Người xưa có nói “tri kỳ nhiên, bất tri kỳ sở hữu nhiên”, nghĩa là “biết là thế, nhưng không biết vì sao như thế”. Điều đó nói lên sự hạn chế của trình độ khoa học kỹ thuật đương thời. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là phải bằng khoa học kỹ thuật hiện đại để “tri kỳ sở hữu nhiên”. Vâng, có thể hiểu nỗi lo đó rằng, giới hữu trách cần có đủ lý luận, nắm vững bản chất vấn đề để tránh hai khuynh hướng: Một là quản lý hời hợt, để lọt những “ông lang băm” vào trận địa y học; hai là đừng vì thiếu phương pháp, kiến thức và công cụ thực nghiệm để chứng minh mà “nhát tay” với các đề tài y học cổ truyền, thiếu hỗ trợ thậm chí bác bỏ oan uổng những dự án giàu triển vọng. Mặt khác, cần có cơ chế quản lý đủ thoáng để khích lệ mọi người tham gia phòng chống HIV/AIDS - vốn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội - và rộng hơn, để chấp cánh cho nền y học cổ truyền VN bay cao.
-------------------------------------------------------------------
Nghiên cứu thuốc điều trị AIDS
Vắc-xin phòng chống AID Các chuyên gia về AIDS tin rằng một loại vắc-xin phòng chống AIDS là biện pháp duy nhất ngăn chặn cơn đại dịch AIDS trên toàn thế giới. Dù vậy, phải mất ít nhất một thập kỷ nữa người ta mới tìm ra được một loại vắc-xin phòng chống AIDS hiệu quả. Hiện Viện Nghiên cứu về dị ứng và bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIAID) đang tiến hành thử nghiệm trên con người một loại vắc-xin có tác dụng nhất định trong việc phòng chống AIDS.
Phục hồi lại khả năng miễn nhiễm của cơ thể
Một nhóm nghiên cứu tại Zambia đã phát hiện ra bệnh sởi có thể kích hoạt hệ miễn nhiễm hoạt động tạm thời kiềm hãm sự hoạt động của vi-rút HIV. Hiện các nhà khoa học kêu gọi mở rộng phạm vi nghiên cứu.
Thuốc hỗn hợp chống AIDS
Các nhà khoa học tại Đại học Toronto và Bệnh viện Đa khoa Toronto ở Canada vừa pha chế được một loại thuốc hỗn hợp chống AIDS mới có tên thương mại là Kaletra không những kiềm chế được sự phát triển của HIV mà còn có tác dụng tăng cường hiệu quả của các loại thuốc điều trị AIDS khác. Hiện Kaletra đã được chấp nhận sử dụng có điều kiện tại Canada và Mỹ trước khi Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng rộng rãi. P. Võ
--------------------------------------------------------------
Nhóm thực hiện đề án nghiên cứu phòng chống AIDS năm 2000
Nhóm các nhà khoa học tham gia đề án “Bước đầu nghiên cứu nguồn lợi sinh vật ức chế HIV ở Việt Nam và trên cơ sở nguyên lý của y học cổ truyền phương Đông chế tạo thuốc có khả năng hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV/AIDS” gồm có:
1- Lê Võ Định Tường - tiến sĩ, nghiên cứu chính - Viện Sinh học Nhiệt đới
2- Nguyễn Công Hào - tiến sĩ khoa học, PGS, Viện phó Viện Sinh học Nhiệt đới
3- Nguyễn Ngọc Hạnh - tiến sĩ, nghiên cứu chính - Viện Công nghệ hóa học
4- Nguyễn Trọng Giao - tiến sĩ, nghiên cứu chính- Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam
5- Nguyễn Quang Thiệu - dược sĩ, Phó Giám đốc Công ty Dược và Sản phẩm sinh học
6- Nguyễn Hữu Chí - bác sĩ, Trưởng Khoa Nhiễm Trung tâm Bệnh Nhiệt đới TPHCM; phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm Trường Đại học Y Dược TPHCM.
----------------------------------------------------
GS-TS Trịnh Văn Quỳ, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Bộ y tế,
thành viên chính trong các hội đồng thử nghiệm thuốc của Bộ Y tế:
500 triệu đến 3 tỉ đồng để thử nghiệm một bài thuốc
Theo quy định 371/ BYT-QĐ ngày 12-3-1996 của Bộ Y tế, việc thử nghiệm lâm sàng các bài thuốc y học cổ truyền buộc phải qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1, thử nghiệm trên 15 đến 20 bệnh nhân. Giai đoạn 2, thử nghiệm trên 30 bệnh nhân đến 50 bệnh nhân. Giai đoạn 3, thử trên 150 đến 200 bệnh nhân sinh sống ở 3 vùng sinh thái khác nhau. Các bệnh nhân được dùng thuốc thử nghiệm so với nhóm đối chứng dùng giả dược (placebo).
Tuy nhiên, trước khi thử nghiệm lâm sàng, bài thuốc phải được kiểm nghiệm tìm chất độc, đánh giá độc tính bất thường, độc tính cấp, bán cấp, bán trường diễn, liều chết, độ nhiễm khuẩn...Thời gian thử tiền lâm sàng do Viện Kiểm nghiệm tổ chức từ 3 đến 5 tháng, tuỳ loại thuốc.
Để đưa ra thị trường một loại thuốc có hiệu quả đặc trị thường mất khoảng 3 năm, có khi phải trên 10 năm. Đặc biệt, thuốc đó phải bao gồm 50 hoạt chất có tác dụng sinh học để từ đó tìm được từ một đến hai chất có triển vọng để thử lâm sàng. Có những khi mất rất nhiều công sức, tiền của nhưng không tìm ra hoạt chất chữa bệnh đó và vì thế, bài thuốc bị loại. Tại Việt Nam, việc thử nghiệm ước tính tốn ít nhất từ 500 triệu đồng đến 3 tỉ đồng. Do vậy hầu hết các chủ bài thuốc không có đủ kinh phí để thực hiện thử nghiệm này.
Xuân Hương ghi
Cao Tuấn (NLĐ)