Những người có H (cách gọi những người có HIV) tôi gặp đã nhiều. Họ có thể là chàng trai, cô gái chưa hoặc đã có gia đình. Nhưng mới đây trong chuyến công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã gặp đôi trai gái cùng có H, họ đều rất trẻ và đặc biệt hơn họ đã tìm thấy ở nhau sự đồng cảm để đi tới hôn nhân.
Khi mái ấm bị tan vỡ...
H. là cô gái mảnh mai xinh đẹp, có khuôn mặt thật ưa nhìn. Em mới 20 tuổi nhưng đã có “thâm niên” sử dụng ma túy tới 7 năm. Ngày ấy, gia đình em ở dưới quê, cuộc sống thật hạnh phúc. Rồi bố mẹ ly dị, mấy mẹ con trôi dạt về thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống. Mải bươn chải kiếm miếng ăn, mẹ lại có bồ nên ít quan tâm tới các con. Hai chị em buồn, rồi bỏ nhà, bỏ học, theo đám bạn rong chơi tập tành hút thuốc, rồi “chơi” ma túy và đều bị nhiễm H. Được thầy Hùng giúp đỡ, H. tham gia nhóm đồng đẳng, là giáo dục viên tuyên truyền về ma túy, về HIV/AIDS. H. đã bỏ được ma túy và trở thành tình nguyện viên chăm sóc, động viên những ca nhiễm H ở giai đoạn cuối để an ủi họ những giờ phút cuối đời.
Cũng giống H, K “đến” với ma túy trong cảnh gia đình ly tán. Năm 1998, sau lần cai nghiện tại Bình Triệu, K. được thử máu mới biết mình bị nhiễm H. Biết là vậy nhưng cơn đói thuốc đã ngấm sâu trong máu khiến K. không dễ gì từ bỏ được ma túy. Năm 2002, sau cơn bệnh nặng, K. quyết từ mỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Thời gian đầu cai nghiện ma túy quả là thử thách lớn với K. Nhưng nhờ bạn bè, thầy cô động viên giúp đỡ và K. nghĩ “họ cũng nghiện ma túy sao họ bỏ được. Chả lẽ mình lại khuất phục”. Cuối cùng thì K. cũng đoạn tuyệt được với ma túy và tham gia nhóm “Nụ cười”, giờ đã được 2 năm.
Tình yêu và hôn nhân
K. từ bỏ ma túy và tham gia nhóm đồng đẳng giáo dục, tuyên truyền về ma túy, về HIV/AIDS. K. còn là thành viên nhóm động viên, thăm hỏi, chăm sóc những người có H ở giai đoạn cuối. Cùng chung công việc nên K. và H. gặp nhau, thông cảm, sẻ chia và yêu nhau. Cuối tháng 1 vừa qua, đôi bạn đã tổ chức lễ thành hôn trong niềm hạnh phúc vô bờ. Một đám cưới của cặp vợ chồng cùng có H đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi gặp đôi bạn trẻ tại nhà riêng của H. trên đường Nguyễn Huệ. Chúng tôi đến gặp đúng bữa cơm. Mẹ H. - một thợ may - và đôi bạn trẻ tha thiết mời chúng tôi ăn cùng gia đình vì biết chỉ ít ngày nữa tôi sẽ trở ra Hà Nội, không có điều kiện dự lễ cưới của các con chị. H. và K. không giấu nổi niềm vui, cô bé H. luôn miệng kể về công việc tất bật chuẩn bị cho lễ cưới: nào là in thiệp, gửi thiệp, chọn món ăn v.v... và v.v... Đôi uyên ương cũng đã tới bệnh viện để được tư vấn bởi họ muốn có con.
Xong bữa, trò chuyện cùng tôi, H. cho biết em còn là nhà thiết kế những mẫu quần áo cho các vở diễn của nhóm “Nụ cười” nhằm tuyên truyền phòng, tránh ma túy và lây nhiễm HIV/AIDS. Những chiếc váy trắng được đính đầy bao cao su như lời cảnh báo về tình dục an toàn, những chiếc bơm kim tiêm còn nguyên trong bao ni lông được đính lủng lẳng vào áo như lời nhắc nhở mọi người hãy tránh xa ma túy... sẽ trở thành đạo cụ cho các vở diễn đầy ấn tượng. H. say mê với vai trò thiết kế bởi hơn ai hết, em hiểu ma túy là cạm bẫy đưa người ta đến với cái chết nhanh nhất, gần nhất. Điều này được minh chứng bởi chính cuộc sống của em. Cô bé còn quá trẻ, trông thật hồn nhiên, chỉ tiếc rằng em hiểu ra điều này khi đã muộn. Em cũng không ngần ngại nói với tôi: “Gia đình tan vỡ là nguyên nhân đẩy đứa trẻ vào những cạm bẫy của cuộc đời”. Em muốn nhắn gửi những bậc làm cha làm mẹ trước khi quyết định việc chia ly, cần nghĩ đến những đứa con vô tội.
Sửa bởi quản trị viên 10/01/2011 lúc 03:23:05(UTC)
| Lý do: Chưa rõ