Không thiếu thuốc điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS
Ngày 27/5/2008. Cập nhật lúc 15h 3'
(ĐCSVN)- Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS-BS Bùi Vũ Huy- Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương về vấn đề này.-->
(ĐCSVN)- Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS-BS Bùi Vũ Huy- Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương về vấn đề này.
PV: Thời gian gần đây, số trẻ nhiễm HIV/AIDS đến khám và điều trị tại khoa Truyền nhiễm tăng mạnh dường như quá tải đối với khoa Truyền nhiễm?
TS- BS Bùi Vũ Huy: Tính trung bình một ngày cũng có khoảng 15-20 trẻ nhiễm HIV/AIDS đến khám và điều trị. Hiện nay, khoa đang chăm sóc và điều trị cho gần 400 trường hợp trẻ em nhiễm HIV/AIDS, hầu hết là bệnh nhân nhi điều trị ngoại trú. Trong khi đó số lượng y bác sĩ ở khoa không nhiều nhưng lại phải chăm sóc và điều trị nhiều chứng bệnh truyền nhiễm khác như bệnh chân tay miệng, bệnh tả, viêm não... Dạo đầu thì có vất vả nhưng nay, các y tá và bác sĩ ở đây quen rồi.
Ngoài việc điều trị cho các cháu nhiễm HIV/ADS, chúng tôi còn cắt cử y tá, hộ lý chăm sóc như một người mẹ: cho ăn uống, tắm giặt, ru ngủ, kể chuyện... Mấy năm gần đây, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, kể cả những người có H ở các nhóm đồng đẳng đã và đang sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia với chúng tôi trong công tác chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS tại khoa. Hằng ngày, một số bạn ở nhóm Hoa Hướng Dương (Trung tâm y tế dự phòng Q. Đống Đa, Hà Nội) đã tới khoa nhằm giúp đỡ, tư vấn, động viên, hướng dẫn làm xét nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc với các bà mẹ và gia đình có trẻ em nhiễm HIV/AIDS.
PV: Năm 2005-2006 chỉ có khoảng 100 bệnh nhân nhi được điều trị thuốc ARV. Nhưng nay, số lượng bệnh nhân nhi được chăm sóc và điều trị tại khoa tăng gấp 2-3 lần so với trước nên đã có nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng có thể không có đủ thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân nhi?
TS- BS Bùi Vũ Huy: Tôi xin khẳng định, không thể có tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân nhi nhiễm HIV/AIDS. Được sự quan tâm của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Ban Giám đốc Bệnh viện, các Quỹ Toàn cầu, Quỹ Clintơn và nhiều tổ chức phi chính phủ khác hỗ trợ thì các loại thuốc men điều trị cho bệnh nhân luôn có đầy đủ, từ loại vitamin, kháng sinh, thuốc chữa nấm... đến thuốc ARV chất lượng cao. Thuốc ARV của trẻ em khác với thuốc ARV của người lớn và giá thành đắt hơn, khó bảo quản hơn vì thuốc ở dưới dạng sirô. Công tác triển khai điều trị bằng thuốc kháng virus ARV cho bệnh nhân với mục đích là giảm tối đa và ngăn chặn lâu dài sự phát triển của virus, phục hồi chức năng miễn dịch cho trẻ, giảm tần suất mắc và tử vong do các bệnh liên quan đến HIV, cải thiện sức khỏe và kéo dài thời gian sống, giảm sự lây truyền HIV và ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV sau phơi nhiễm. Đã có không ít trường hợp vào viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, người gầy gòm nhưng điều trị thuốc ARV được 2-3 tháng, bệnh nhân đã khoẻ, ăn ngủ tốt và lên cân.
PV: Vậy BS có lời khuyên nào với các bà mẹ, gia đình có trẻ em nhiễm HIV/AIDS?
TS- BS Bùi Vũ Huy: Trong số bệnh nhân nhi nhiễm HIV/AIDS khám và điều trị tại đây có đến 84% vào viện trong tình trạng suy giảm miễn dịch nặng, hơn 70% trẻ vào viện mới biết nhiễm HIV và 33% trẻ dưới 12 tháng tuổi bị nhiễm HIV.
Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ngay trong mỗi gia đình, cộng đồng và trong các cơ sở y tế vẫn là rào cản khiến người mẹ và gia đình có trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS ngại tìm đến các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện hoặc từ chối làm xét nghiệm HIV hoặc nếu đồng ý xét nghiệm cũng không quay lại lấy kết quả gây khó khăn cho việc theo dõi và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV của đứa trẻ. Nhiều bà mẹ nhiễm HIV đã khai sai địa chỉ hoặc bỏ con tại các cơ sở y tế vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và vì sợ con mình cũng bị nhiễm HIV. Đó cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho ngành y tế trong việc tiếp tục theo dõi và chăm sóc.
Các bà mẹ và gia đình cần nhớ rằng, hầu hết các cháu nhiễm HIV/AIDS đều được khám và điều trị miễn phí, nếu làm theo đúng các quy định của Bộ Y tế. Nếu các bà mẹ, gia đình có nghi ngờ hoặc biết con mình nhiễm HIV thì đến các Trung tâm tư vấn, xét nghiệm HIV tỉnh để được tư vấn và xét nghiệm miễn phí. Kết quả dương tính với HIV sẽ được hướng dẫn khám và theo dõi ngoại trú tại các phòng khám ngoại trú dành cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại các địa phương, kể cả bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện nay, có 4 tỉnh thành có các phòng khám ngoại trú dành cho trẻ em ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên và Bệnh viện Nhi Trung ương. Tới đây, sẽ mở thêm các phòng khám ngoại trú dành cho trẻ em ở Lào Cai và Thanh Hoá.
Xin cảm ơn ông!
Tuấn Nghĩa (thực hiện)
Sửa bởi quản trị viên 19/08/2009 lúc 03:37:07(UTC)
| Lý do: Chưa rõ