Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline ptl  
#1 Đã gửi : 27/09/2008 lúc 08:31:30(UTC)
ptl

Danh hiệu: Thành viên mới

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 01-08-2008(UTC)
Bài viết: 35


  • Hỏi: HIV là gì?
    Đáp: HIV là vi rút gây ra suy giảm miễn dịch ở người. Sau khi xâm nhập cơ thể, HIV tồn tại trong các dịch như máu, tinh dịch, dịch âm đạo, sữa mẹ... HIV tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể (hệ thống tự nhiên bảo vệ cơ thể). Hệ miễn dịch được coi như là hệ thống giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
  • Hỏi: AIDS là gì?
  • Hỏi: HIV và AIDS có phải là một không?
  • Hỏi: Sau bao nhiêu lâu nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS?
    Đáp: Thời gian kể từ khi nhiễm HIV đến giai đọan AIDS khoảng từ 2 đến trên10 năm. Thời gian này khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, điều trị thuốc kháng vi rút có đúng lúc, phù hợp hay không và những hành vi an toàn cho sức khỏe của họ
  • Hỏi: HIV tồn tại bao lâu ngoài cơ thể?
    Đáp: HIV không tồn tại lâu được ngoài cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng HIV không thể tồn tại ngoài cơ thể quá 02 (hai giờ) do dịch có HIV bị khô đi. Do đó, về cơ bản, khi dịch cơ thể bị khô, nguy cơ nhiễm HIV là không có. Trường hợp nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm là do máu trong bơm kim tiêm không khô.
  • Hỏi: Hiện nay có thuốc điều trị AIDS không?
  • Hỏi: HIV lây truyền từ người này sang người khác như thế nào?
    Đáp: HIV có thể vào cơ thể qua đường máu (ví dụ như do tiêm chích ma túy), hậu môn, âm đạo, dương vật, miệng, các vết trầy, xước và vết thương. Những con đường lây truyền HIV từ một người sang người khác phổ biến nhất bao gồm: - Quan hệ tình dục (qua đường âm đạo, hậu môn hay miệng) với người bị nhiễm HIV. - Dùng chung bơm, kim tiêm với người nhiễm HIV. - Từ mẹ nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, trong khi sinh con, hoặc trong thời gian cho con bú. HIV cũng có thể lây truyền khi truyền máu và sử dụng các sản phẩm máu bị nhiễm HIV. Tuy nhiên điều này hiếm xảy ra vì máu được kiểm tra trước khi sử dụng.
  • Hỏi: Những dịch cơ thể nào truyền HIV?
    Đáp: HIV tập trung trong các dịch cơ thể sau đây: - Máu - Tinh dịch - Dịch âm đạo - Sữa mẹ - Các dịch cơ thể có lẫn máu. HIV cũng có trong nước bọt và nước mắt của một số người nhiễm HIV, nhưng số lượng rất nhỏ. Với một lượng dịch cơ thể có rất ít HIV, vi rút này có thể không lây truyền. HIV không tồn tại được trong mồ hôi của người nhiễm HIV. Tiếp xúc với nước bọt, nước mắt, hay mồ hôi không có nguy cơ lây nhiễm HIV
  • Hỏi: Tôi có thể bị lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục qua đường miệng không?
    Đáp: Có. Bạn có thể nhiễm HIV nếu bạn không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường miệng. Khả năng bị nhiễm HIV do quan hệ tình dục qua đường miệng thấp hơn so với quan hệ tình dục qua âm đạo hay hậu môn. Nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn nếu bạn có vết trầy, xước hay vết loét trong miệng làm cho vi rút vào cơ thể bạn dễ dàng hơn. Nếu lượng dịch (như tinh dịch, hay dịch âm đạo) của bạn tình tiếp xúc với miệng và họng của bạn càng nhiều thì nguy cơ lây nhiễm càng tăng. Nếu có máu lẫn trong những dịch này, khả năng lây nhiễm cũng sẽ cao hơn
  • Hỏi: Tôi có thể nhiễm HIV do quan hệ tình dục qua đường hậu môn không?
    Đáp: Có. Tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) qua đường hậu môn được coi là hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Những người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn đều có thể bị lây nhiễm HIV trong khi giao hợp. HIV có trong máu, tinh dịch, dịch dương vật, dịch âm đạo của người nhiễm HIV. Nói chung, khi có quan hệ tình dục qua đường hậu môn, người nhận tinh dịch có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn bởi vì niêm mạc trực tràng mỏng và dễ bị trầy xước, do đó HIV có thể vào cơ thể dễ dàng trong quá trình giao hợp. Tuy nhiên, người đưa dương vật của mình vào hậu môn của bạn tình cũng có nguy cơ nhiễm HIV bởi HIV có thể vào niệu đạo (phần mở ở đầu dương vật), hoặc qua các vết trầy xước, hay các vết thương trên dương vật. Những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn nên thường xuyên dùng bao cao su. Để tránh bao cao su bị rách, cần sử dụng chất bôi trơn có bán ở hiệu thuốc.
  • Hỏi: Tôi có thể bị lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục qua đường âm đạo không?
    Đáp: Có. Cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo. Đây là con đường lây nhiễm phổ biến ở Việt Nam. HIV có trong máu, tinh dịch, dịch dương vật và dịch âm đạo của người nhiễm HIV. ở phụ nữ, niêm mạc âm đạo đôi khi có thể bị trầy xước và qua đó, HIV có thể vào cơ thể. HIV cũng có thể xâm nhập cơ thể qua màng nhầy ngăn giữa âm đạo và tử cung. ở nam giới, HIV có thể vào cơ thể qua niệu đạo (phần hở trên đầu dương vật), hay qua các vết trầy, xước nhỏ, các vết thương trên dương vật. Nguy cơ nhiễm HIV tăng lên nếu bạn hay bạn tình của bạn bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu bạn quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hãy sử dụng bao cao su, để bảo vệ cả bạn và bạn tình của bạn khỏi bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bao cao su có tác dụng bảo vệ tốt nếu được sử dụng đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục
  • Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm HIV do bị cắn không?
    Đáp: Người cắn: Cắn không phải là con đường lây truyền HIV. Thực ra, không có bằng chứng nào cho thấy HIV có thể lây truyền khi bị người cắn. Con vật cắn: HIV là vi rút chỉ lây truyền ở người, không lây truyền sang con vật. Do đó, HIV không thể truyền từ con vật sang con người do cắn, ví dụ như khi bị chó, hay mèo cắn.
  • Hỏi: Tôi có thể nhiễm HIV do muỗi đốt không?
    Đáp: Không. Khi côn trùng đốt người, nó không truyền máu của người, hay con vật bị đốt trước đó vào người bị đốt tiếp theo, mà thực ra nó truyền nước bọt. Tuy nhiên, HIV chỉ tồn tại được một lúc trong côn trùng và không sinh sản thêm hay tồn tại được trong côn trùng. Vì vậy, thậm chí nếu vi rút xâm nhập một con muỗi, hay côn trùng khác, con vật này cũng không bị nhiễm HIV và không thể truyền HIV sang người khi đốt
  • Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm HIV do truyền máu không?
    Đáp: Có thể không. Khả năng HIV lây truyền khi truyền máu rất hiếm xảy ra vì toàn bộ máu đều được kiểm tra trước khi sử dụng. Những cải tiến trong xử lý máu cũng làm giảm khả năng máu bị nhiễm vi rút do sử dụng máu. Hiện nay, nguy cơ nhiễm HIV do truyền máu cực kỳ thấp
  • Hỏi: Tôi có thể nhiễm HIV do xăm mình, hay xỏ khuyên tai không?
    Đáp: Bạn có nguy cơ bị nhiễm HIV nếu các dụng cụ xuyên, chích dính máu bị nhiễm HIV, không được làm tiệt trùng, hoặc được sử dụng không đúng cách khi dùng cho các khách hàng khác nhau. Để tránh làm lan truyền HIV, các dụng cụ xuyên, chích qua da chỉ nên dùng một lần, sau đó bỏ đi, hoặc phải làm sạch và khử trùng kỹ nếu dùng lại.
  • Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm HIV khi khám chữa răng không?
    Đáp: Có, nhưng trên thực tế, điều này rất hiếm khi xảy ra. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng các thao tác tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, bao gồm cả các biện pháp phòng ngừa chung, sẽ bảo vệ bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế khỏi bị nhiễm HIV tại các phòng khám chữa bệnh, trong đó có các phòng khám chữa răng
  • Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm HIV khi hôn không?
    Đáp: Hôn ngoài miệng - Không. Hôn má hoàn toàn an toàn. Thậm chí nếu người hôn có HIV nhưng da của bạn không có vết thương thì bạn cũng không thể lây nhiễm HIV. Hôn mở miệng (hôn sâu) – được coi là có nguy cơ truyền HIV rất thấp. Tuy nhiên, hôn sâu kéo dài có thể làm trầy xước miệng hay môi làm HIV truyền từ người nhiễm sang người kia và từ đó vào cơ thể họ qua các vết thương trong miệng
  • Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm HIV khi thủ dâm không?
    Đáp: Không. Thủ dâm là hành vi tự làm thỏa mãn về mặt tình dục. Thủ dâm hoàn toàn an toàn. Nếu nam và nữ có những hành vi như vuốt ve, động chạm, kích thích… để thỏa mãn nhau thì HIV cũng không thể lây truyền. Những hành vi này hoàn toàn an toàn bởi vì dịch cơ thể của bạn tình của bạn không xâm nhập cơ thể bạn. Nếu bạn tiếp xúc với dịch cơ thể của bạn tình, nhưng trên da bạn không có vết trầy, xước, hay các vết thương thì cũng không có nguy cơ lây nhiễm HIV
  • Hỏi: Có nguy cơ lây nhiễm HIV từ thức ăn không?
    Đáp: Không. Không có nguy cơ lây nhiễm HIV nào do ăn thức ăn, bao gồm cả gia vị. HIV không lây truyền qua không khí, hay thức ăn, và không tồn tại được lâu ngoài môi trường cơ thể. Thậm chí, nếu ăn phải một lượng máu nhỏ có HIV (với điều kiện trong miệng bạn không có vết xước, loét) thì a xít trong dạ dày cũng tiêu diệt HIV ngay. Do đó, không có nguy cơ lây nhiễm HIV qua thức ăn
  • Hỏi: Tôi có nguy cơ lây nhiễm HIV từ xét nghiệm máu, hay cho máu không?
    Đáp: Khi bạn đi xét nghiệm máu, nhân viên y tế sẽ lấy một lượng máu từ ven (mạch máu dẫn lên tim ở cánh tay), hay từ ngón tay của bạn. Theo quy định của ngành y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn, tất cả các dụng cụ y tế để lấy máu như bơm, kim tiêm, bông, băng…phải đảm bảo vô trùng và chỉ sử dụng một lần. Nhân viên y tế sẽ chỉ sử dụng dụng cụ mới để lấy máu của bạn. Do đó, bạn sẽ không phải lo lắng về nguy cơ lây nhiễm HIV
  • Hỏi: Tôi có nguy cơ lây nhiễm HIV không nếu bao cao su bị rách trong khi quan hệ tình dục với phụ nữ mại dâm?
    Đáp: Có. Phụ nữ mại dâm có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. HIV có trong máu và các dịch của cơ thể. Nếu bạn có quan hệ tình dục với một phụ nữ mại dâm và bao cao su bị rách, bạn có thể nhiễm HIV do bao cao su không ngăn được dịch sinh dục của bạn tình vào cơ thể bạn
  • Hỏi: Dùng chung dao cạo râu có thể bị lây nhiễm HIV không?
    Đáp: Có, điều này có thể xảy ra nếu bạn cạo râu ở hiệu cắt tóc, nơi dao cạo râu thường được dùng chung. Khi cạo râu có thể bị chảy máu. Nếu dao cạo dùng cho người nhiễm HIV bị nhiễm máu của họ, rồi lại được dùng cho bạn, HIV có thể xâm nhập vào máu của bạn qua vết xước trên cằm, hoặc má. Do vậy, không nên dùng chung dao cạo râu. Lưỡi dao cạo chỉ dùng một lần rồi vứt đi
  • Hỏi: Kim tiêm, dao và các dụng cụ sắc khác có truyền HIV không?
    Đáp: Có. Bất kỳ dụng cụ nào gây xước da, hoặc đâm vào da đều dính một chút máu và có thể truyền sang người khác nếu dụng cụ sử dụng lại không được tiệt trùng. Tránh xăm mình, xỏ lỗ tai, châm cứu …nếu bạn không chắc các dụng cụ đó có tiệt trùng hay không
  • Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm HIV do chơi thể thao không?
    Đáp: Không, HIV không lây truyền khi mọi người tham gia các hoạt động thể thao. Không có nguy cơ nhiễm HIV đối với các hoạt động thể thao không xảy ra chảy máu. Nguy cơ lây truyền rất thấp và chỉ có thể nếu một người chơi thể thao bị thương và máu của họ xâm nhập cơ thể người khác qua vết thương, hay vết trầy, xước trên da họ. Nếu ai đó bị chảy máu, cần dừng hoạt động thể thao của họ cho đến khi máu ngừng chảy và được khử trùng sạch rồi băng bó
  • Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm HIV từ băng vệ sinh phụ nữ đã sử dụng không?
    Đáp: Băng vệ sinh đã qua sử dụng của phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ làm lây truyền HIV vì trong máu của họ có HIV. Nói chung, trong bất kỳ trường hợp nào, băng vệ sinh đã qua sử dụng cũng cần được bọc kỹ lại bỏ vào thùng rác để đảm bảo không ai có thể đụng vào
  • Hỏi: Với một phụ nữ đang có kinh nguyệt, nguy cơ nhiễm HIV có cao hơn không (đối với cả bạn tình và bản thân họ)?
    Đáp: Nếu người phụ nữ đã nhiễm HIV trước đó, trong thời gian có kinh nguyệt, HIV tập trung trong máu của họ nhiều hơn. Do đó, bạn tình của họ có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn khi giao hợp. Nếu người đàn ông nhiễm HIV thì nguy cơ nhiễm HIV đối với người phụ nữ không tăng lên do kinh nguyệt không phải là hiện tượng chảy máu do vết thương trong âm đạo
  • Hỏi: Vì sao nữ dễ lây nhiễm hơn nam?
    Đáp: Về mặt sinh học, do đặc điểm của bộ phận sinh dục, nữ dễ bị lây nhiễm hơn nam vì: - Âm đạo nhận và chứa tinh dịch. - Âm đạo dễ bị trầy xước khi quan hệ tình dục làm cho HIV dễ xâm nhập. - Diện tích tiếp xúc với dịch sinh dục của nữ lớn hơn. - Tinh dịch của nam chứa nhiều HIV hơn dịch âm đạo làm nữ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Về mặt xã hội, phụ nữ thường thụ động, yếu thế, không dám yêu cầu bạn tình sử dụng bao cao su, hoặc bị ép buộc không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Hỏi: Điều gì xảy ra đối với con của những phụ nữ nhiễm HIV?
    Đáp: Đứa trẻ sinh ra có thể sẽ bị nhiễm HIV. Người mẹ cũng có thể truyền HIV cho con trong quá trình cho con bú. Khoảng từ 20% đến 40% trẻ sinh ra nhiễm HIV do các bà mẹ nhiễm HIV. Một số trẻ sẽ bị AIDS ngay trong năm đầu tiên. Đa số trẻ nhiễm HIV không sống được quá năm thứ hai. Tuy nhiên, một số em sống được tới 7 năm, thậm chí lâu hơn. Xét nghiệm HIV chỉ cho kết quả tin cậy khi trẻ 18 tháng tuổi trở lên
  • Hỏi: Tôi là nam. Tôi có thể bị nhiễm HIV không nếu quan hệ tình dục với một bạn tình là nam?
    Đáp: Có. Bạn có nguy cơ nhiễm HIV khi quan hệ tình dục qua đường miệng hay hậu môn nếu bạn tình của bạn nhiễm HIV. HIV có thể vào cơ thể bạn qua các vết xước, hay vết loét trong miệng bạn. HIV cũng có thể xâm nhập cơ thể qua niêm mạc trực tràng vốn rất dễ bị tổn thương khi quan hệ tình dục qua hậu môn. Quan hệ tình dục qua hậu môn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn nhiều so với quan tình dục qua đường miệng. Hiện ngày càng có thêm nhiều ca nhiễm HIV mới do quan hệ tình dục đồng tính nam. Hãy luôn luôn sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục để phòng lây nhiễm HIV
  • Hỏi: Có phải HIV lây truyền là do người mại dâm và khách hàng của họ không?
    Đáp: Cũng như những người có nhiều bạn tình khác, người mại dâm và khách hàng của họ đều có nguy cơ lây nhiễm HIV do bạn tình của họ. Sau đó, họ có thể truyền HIV sang nhiều người khác. Nếu một người mại dâm luôn cương quyết yêu cầu bạn tình dùng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục, nguy cơ nhiễm HIV sẽ giảm đáng kể. Điều đáng ngại là khách hàng thường từ chối dùng bao cao su và người mại dâm thường khó thuyết phục được họ
  • Hỏi: HIV có lây truyền qua tiếp xúc thông thường với người nhiễm HIV không?
    Đáp: Không. HIV không lây truyền qua tiếp xúc thông thường. HIV không lây truyền qua giao tiếp hằng ngày tại công sở, trường học, nơi công cộng. HIV không lây truyền qua bắt tay, ôm, hoặc hôn thông thường. Bạn cũng không thể lây nhiễm HIV do dùng chung nhà vệ sinh (nhà tiêu, nhà cầu), vòi nước, bát, đĩa, cốc uống nước…
  • Hỏi: Điều gì xảy ra nếu tôi sống gần người bị AIDS?
  • Hỏi: Các hành vi có nguy cơ cao nhất là gì?
    Đáp: HIV có thể lây truyền từ người này sang người khác bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng những hành vi nguy cơ nhất là: - Dùng chung bơm kim tiêm với người tiêm chích ma túy. - Quan hệ tình dục qua đường hậu môn không sử dụng bao cao su. - Quan hệ tình dục qua đường âm đạo không sử dụng bao cao su. Bất kỳ hành vi tình dục nào làm bạn bị chảy máu
  • Hỏi: Tôi có nguy cơ lây nhiễm HIV không?
    Đáp: Có, nếu: - Bạn dùng chung bơm kim tiêm với những người tiêm chích ma túy. - Bạn quan hệ tình dục với nhiều người và không bao giờ dùng bao cao su. - Bạn quan hệ tình dục với nhiều người và chỉ thỉnh thoảng mới dùng bao cao su. - Bạn có quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) và không biết rõ tình trạng sức khỏe của bạn tình của bạn. - Bạn quan hệ tình dục không an toàn trong khi đã bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. - Bạn tình của bạn quan hệ tình dục không an toàn, dù đã bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. - Bạn thường đi uống rượu, bia với bạn bè của bạn, sau đó có quan hệ tình dục không an toàn. - Bạn có quan hệ tình dục không an toàn với phụ nữ mại dâm
  • Hỏi: Có phải một số người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn những người khác không?
    Đáp: Điều này phụ thuộc vào hành vi của mọi người. Một số hành vi có nguy cơ làm lây nhiễm HIV cao hơn những hành vi khác. Đó là: - Dùng chung bơm kim tiêm để tiêm chích ma túy. - Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình. - Quan hệ tình dục không an toàn khi đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Nếu bạn bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nguy cơ lây nhiễm HIV của bạn tăng lên rất cao vì vi rút này có thể xâm nhập dễ dàng qua các vết thương ở bộ phận sinh dục do các bệnh này gây ra. - Lạm dụng các chất gây nghiện bao gồm heroin, bạch phiến, thuốc phiện, cần sa, các loại thuốc lắc… (gọi chung là ma túy) và rượu, bia, làm mất khả năng kiểm soát hành vi. Điều này có thể dẫn tới quan hệ tình dục không an toàn, làm lây nhiễm HIV, hoặc truyền HIV cho người khác. - Quan hệ tình dục không an toàn với phụ nữ hành nghề mại dâm
  • Hỏi: Tôi có thể quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không lây nhiễm HIV không?
    Đáp: Nếu có quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV, không nhất thiết bạn sẽ nhiễm HIV, nhưng nguy cơ nhiễm HIV rất cao. Chỉ một lần thôi bạn cũng có thể bị nhiễm. Một lần bị nhiễm nghĩa là bị nhiễm mãi. Để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, hãy dùng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục để ngăn ngừa nhiễm HIV (dù qua đường âm đạo, miệng hay hậu môn)
  • Hỏi: Có phải quan hệ tình dục với nhiều người thì mới bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục không?
    Đáp: Không. Bạn chỉ cần quan hệ tình dục không an toàn với một người nhiễm HIV cũng đủ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên cùng với số lượng bạn tình và số lần quan hệ tình dục. Nếu một trong hai bạn tình bị nhiễm một bệnh lây truyền qua đường tình dục (ví dụ có mụn, nhọt ở vùng sinh dục), nguy cơ lây truyền HIV cũng sẽ tăng lên



  • Hỏi: Các triệu chứng của HIV là gì?
    Đáp: Khi HIV vào cơ thể, một số người không có triệu chứng rõ rệt, trong khi một số người có triệu chứng giống như cúm. Các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ra mồ hôi đêm và phát ban thường biến mất sau vài ngày. Những triệu chứng xuất hiện trong thời gian đầu nhiễm HIV thường dễ bị lẫn với triệu chứng của những bệnh khác. Những người có HIV có thể cảm thấy khỏe mạnh trong một thời gian dài, thậm chí rất nhiều năm. Cách duy nhất để biết họ có nhiễm HIV hay không là xét nghiệm HIV
  • Hỏi: Các triệu chứng của AIDS là gì?
    Đáp: AIDS không có các triệu chứng riêng. Các triệu chứng của AIDS là các triệu chứng của những bệnh cơ thể mắc phải khi khả năng chống đỡ bệnh tật bị suy yếu. Những dấu hiệu chung bao gồm tiêu chảy hơn một tuần trở lên, sụt cân, sốt kéo dài và các nhiễm trùng da
  • Hỏi: Có thể dễ dàng biết một ai đó nhiễm HIV không?
    Đáp: Không, bạn không thể nói một ai đó nhiễm HIV nếu chỉ nhìn bề ngoài của họ. Một người nhiễm HIV có thể trông hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng bất kỳ ai nhiễm HIV cũng có thể làm lây truyền sang những người khác, cho dù họ không có biểu hiện triệu chứng nào
  • Hỏi: Có phải mọi người có AIDS đều có các triệu chứng giống nhau không?
    Đáp: Không. Mỗi người mắc AIDS sẽ có những triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào loại bệnh mà người đó mắc phải và khả năng chống đỡ của cơ thể họ
  • Hỏi: HIV phát triển thành AIDS như thế nào?
    Đáp: HIV phát triển qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi HIV dương tính, người nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh và có thể không có triệu chứng gì. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến trên 10 năm. Tiếp theo là giai đoạn sớm của AIDS, khi hệ thống bảo vệ cơ thể bị tổn thương nhiều hơn. Lúc này, các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập cơ thể dễ dàng và gây ra nhiều bệnh khác nhau. Cuối cùng là giai đoạn khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nặng nề, người bệnh bị rất nhiều bệnh, dẫn tới tử vong

  • Hỏi: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?
    Đáp: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục là các bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục như giang mai, lậu, hạ cam, sùi mào gà, héc pét,... Các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây nên các tổn thương trên bộ phận sinh dục, mở đường cho HIV xâm nhập vào máu
  • Hỏi: Những dấu hiệu nhận biết bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?
    Đáp: ở phụ nữ: - Ngứa xung quanh âm đạo, và (hoặc) chảy mủ, khí hư trắng đục, có mùi hôi và ngứa. - Chảy máu âm đạo bất thường, ngoài chu kỳ kinh nguyệt. - Đau khi giao hợp, đi tiểu và/hoặc trong vùng xương chậu, hay bụng. ở nam giới: - Chảy mủ từ dương vật. - Các vết loét trong họng đối với những người giao hợp qua đường miệng. - Đau ở hậu môn đối với những người giao hợp qua đường hậu môn. - Các vết loét đỏ không đau ở vùng sinh dục, hậu môn, lưỡi, hoặc họng. ở cả nam và nữ: - Nổi mụn, cảm giác đau, ngứa trong hay xung quanh dương vật, âm đạo, hoặc hậu môn. - Đi tiểu nhiều - Loét trong họng - Sốt, đau mỏi giống cúm. Lưu ý: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục không có triệu chứng rõ rệt, do đó phải luôn thực hiện tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su để phòng tránh lây nhiễm
  • Hỏi: Nếu bạn không có dấu hiệu hay triệu chứng nào của các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì điều đó có nghĩa là bạn không bị nhiễm. Đúng hay sai?
    Đáp: Sai. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục không thể nhìn thấy. Đặc biệt phụ nữ có thể bị một số bệnh lây truyền qua đường tình dục mà không có dấu hiệu hay triệu chứng nào
  • Hỏi: Bệnh lây truyền qua đường tình dục lây truyền như thế nào?
    Đáp: Quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su, hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách). Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người khác nhau và không biết rõ tình trạng sức khỏe của họ. Quan hệ tình dục không an toàn với người đã bị nhiễm bệnh
  • Hỏi: HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục liên quan với nhau như thế nào?
    Đáp: Bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng khả năng lây truyền HIV trong khi quan hệ tình dục. Các vết thương do bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra tạo điều kiện cho HIV xâm nhập vào máu. Một người bị nhiễm HIV, nhưng đồng thời bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, có nguy cơ làm lây truyền HIV sang người khác cao hơn qua quan hệ tình dục do trong dịch sinh dục của họ có nhiều HIV hơn. Người nhiễm HIV dễ bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục hơn do hệ thống bảo vệ cơ thể suy yếu

  • Hỏi: Tại sao dùng chung bơm kim tiên và các dụng cụ tiêm chích lại nguy hiểm?
    Đáp: HIV có trong máu của người bị nhiễm. Khi tiêm chích, máu có HIV đã dính vào kim tiêm và bơm. Nếu người khác sử dụng lại bơm kim tiêm đó để tiêm chích, HIV sẽ vào thẳng máu của họ. Tận dụng lượng thuốc thừa từ các bơm kim tiêm đã sử dụng để tiêm chích cũng nguy hiểm vì trong đó có thể đã có HIV. Ngoài ra, sử dụng lại bất kỳ dụng cụ nào khác đồ dùng để pha, nấu thuốc, thìa, đồ lọc…và nước dùng để pha thuốc cũng có nguy cơ làm lây truyền HIV
  • Hỏi: Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích như thế nào?
    Đáp: Những người tiêm chích ma túy cần thường xuyên được tư vấn để - Ngừng tiêm chích và sử dụng ma túy. - Được điều trị cai nghiện và ngăn ngừa tái nghiện. Nếu những người tiêm chích vẫn tiếp tục sử dụng ma túy, họ cần thực hiện các bước sau đây để giảm nguy cơ cho bản thân và cộng đồng: - Không bao giờ dùng lại, hoặc sử dụng chung bơm kim tiêm, nước, hay các dụng tiêm chích khác. - Chỉ sử dụng bơm kim tiêm từ các nguồn tin cậy (như hiệu thuốc, các điểm trao đổi bơm kim tiêm, các giáo dục viên đồng đẳng ). - Sử dụng bơm kim tiêm và các dụng tiêm chích mới, tiệt trùng. - Nếu có thể, sử dụng nước tiệt trùng để hòa ma túy; nếu không có thì dùng nước sạch. - Dùng đồ đựng và đồ lọc mới hay tiệt trùng. - Bôi cồn bằng gạc sạch lên chỗ chích trước khi chích. - Bỏ bơm kim tiêm sau khi sử dụng. Những điều khác cần lưu ý: - Người tiêm chích và bạn tình của họ cần sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục. - Những người tiêm chích ma túy cần định kỳ xét nghiệm HIV

  • Hỏi: Tình dục an toàn là gì?
    Đáp: Tình dục an toàn nghĩa là sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục. Sử dụng bao cao su giúp ngăn ngừa HIV lây truyền giữa hai người khi họ quan hệ tình dục. Bao cao su có tác dụng ngăn các dịch sinh dục của một người xâm nhập cơ thể của người kia. Tuy nhiên, bao cao su sẽ mất tác dụng nếu bị rách, hay dùng không đúng cách.
  • Hỏi: Những hành vi nào được coi là hành vi tình dục an toàn nhất?
    Đáp: Đó là các hành vi tình dục ngăn không cho máu, tinh dịch hay dịch âm đạo của bạn tình tiếp xúc với máu của bạn, và do đó ngăn ngừa được lây truyền HIV, bao gồm: thủ dâm, mát xa, cọ xát, ôm, sờ, vuốt ve bộ phận sinh dục.
  • Hỏi: Thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng cách nào?
    Đáp: Không quan hệ tình dục cho đến khi bạn đủ hiểu biết để quyết định về hành vi tình dục của mình. Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục để phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV. Nếu bạn bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn cần đến bệnh viện, hay các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không sử dụng ma túy và không lạm dụng rượu, bia để tránh dẫn đến tình dục không an toàn
  • Hỏi: Làm gì để phòng lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy?
    Đáp: Hãy dùng bơm kim tiêm mới khi tiêm. Bỏ bơm kim tiêm sau mỗi lần sử dụng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Hãy đến các điểm trao đổi bơm kim tiêm để được nhận bơm kim tiêm sạch miễn phí nếu tại địa phương bạn có các dịch vụ này
  • Hỏi: Làm thế nào để ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con?
    Đáp: Không phải tất cả phụ nữ có thai nhiễm HIV đều có thể truyền HIV sang con. Trung bình có 3 trẻ nhiễm HIV trong số 10 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIVnếu họ không được điều trị trước khi sinh. Nếu bạn có thai và nhiễm HIV, bạn cần được tư vấn và điều trị đặc biệt trước khi sinh để giảm nguy cơ truyền vi rút sang con
  • Hỏi: Bao cao su có tác dụng như thế nào trong việc ngăn ngừa HIV?
    Đáp: Bao cao su, khi được sử dụng thường xuyên và đúng cách, có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa HIV lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, bao cao su còn giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Cần lưu ý rằng bao cao su không phải là giải pháp tuyệt đối trong phòng chống HIV do bao cao su cũng có thể bị rách khi sử dụng
  • Hỏi: Sử dụng bao cao su đúng cách như thế nào?
    Đáp: Kiểm tra hạn sử dụng. Đẩy bao cao su về một phía, xé vỏ bọc và lấy bao cao su nhẹ nhàng, tránh làm rách bao. Không dùng răng hay vật sắc để cắt vỏ bao. Bóp đầu bao cao su để đẩy không khí ra ngoài. Chụp bao cao su lên đầu dương vật đã cương cứng. Vuốt nhẹ để bao che toàn bộ dương vật. Dùng bao cao su trong suốt thời gian giao hợp. Sau khi xuất tinh, lúc dương vật vẫn còn cương, giữ bao ở gốc dương vật, rồi từ từ lấy bao khỏi dương vật. Khi lấy bao tránh làm tràn tinh dịch ra ngoài. Thắt miệng bao cao su, gói vào giấy rồi bỏ vào thùng rác
  • Hỏi: Cần chú ý điều gì khi sử dụng bao cao su?
    Đáp: Luôn sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục. Bao cao su mất tác dụng bảo vệ nếu bị rách trong khi sử dụng, hay sử dụng không đúng cách. Một bao cao su chỉ sử dụng một lần. Bảo quản bao cao su ở nơi khô, mát. Không dùng bao cao su đã quá hạn sử dụng, hoặc khi vỏ bọc đã bị hở, rách. Chất bôi trơn làm bạn dễ chịu hơn. Nên sử dụng thêm chất bôi trơn mua ở hiệu thuốc cùng với bao cao su. Không dùng vasơlin, sữa tắm hay dầu ăn vì có thể làm rách hay thủng bao cao su
  • Hỏi: Thuốc tránh thai có giúp ngăn ngừa HIV không?
    Đáp: Không, thuốc tránh thai chỉ có tác dụng ngừa thai, nhưng không có tác dụng ngăn ngừa bất kỳ các bệnh lây truyền qua đường tình dục nào, bao gồm cả HIV

  • Hỏi: Nên làm gì nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm HIV?
    Đáp: Bạn phải xét nghiệm HIV! Hãy đến một trung tâm tư vấn và xét nghiệm tự nguyện để được tư vấn và xét nghiệm HIV. Bạn cũng có thể đến các trung tâm y tế quận, huyện, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh, thành phố nơi bạn ở để được hướng dẫn cụ thể. Nếu không xét nghiệm thì không có cách nào để chắc chắn biết được bạn có nhiễm HIV hay không. Hãy sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hay hậu môn
  • Hỏi: Các xét nghiệm HIV được tiến hành như thế nào?
    Đáp: Sau khi HIV xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch (hệ thống bảo vệ cơ thể) bắt đầu tạo ra các kháng thể để chống lại nhiễm khuẩn. Trong trường hợp có HIV, các kháng thể không thể chống lại nhiễm khuẩn, nhưng sự có mặt của chúng cho biết một người có HIV trong cơ thể hay không. Nói một cách khác, phần lớn các xét nghiệm HIV đều là để tìm kháng thể chứ không phải tìm kiếm HIV. Phần lớn các xét nghiệm HIV sử dụng máu để xác định tình trạng nhiễm HIV. Cũng có các xét nghiệm sử dụng nước bọt hay nước tiểu. Một số xét nghiệm mất vài ngày, nhưng xét nghiệm nhanh HIV có thể mất chỉ khoảng 20-30 phút. Tất cả các xét nghiệm HIV phải có các xét nghiệm tiếp theo để xác định kết quả dương tính (nghĩa là có HIV). Các kết quả xét nghiệm có mục đích khẳng định kết quả có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần
  • Hỏi: Các kháng thể là gì?
    Đáp: Hệ thống bảo vệ cơ thể (hệ miễn dịch) tạo ra các tác nhân chống lại bệnh được gọi là các kháng thể nhằm chống lại hay tiêu diệt các loại vi rút và các tác nhân xâm nhập cơ thể. Sự có mặt của các kháng thể nào đó trong máu của một người chỉ ra rằng người đó đã bị nhiễm khuẩn. Ví dụ, khi xét nghiệm máu phát hiện thấy kháng thể HIV có trong máu, điều có nghĩa là người đó đã nhiễm HIV
  • Hỏi: Sau bao lâu khi bị phơi nhiễm tôi cần đi xét nghiệm?
    Đáp: ở phần lớn mọi người, cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể trong vòng từ 6 đến 12 tuần kể từ khi bị nhiễm. Các xét nghiệm tiến hành trong vòng 3 tháng sau khi phơi nhiễm với HIV có thể cho kết quả âm tính vì có thể cơ thể chưa tạo ra được kháng thể đối với HIV. Bạn cần đến Trung tâm Tư vấn và Xét nghiệm Tự nguyện để được tư vấn khi nào nên xét nghiệm HIV. Bạn cũng có thể đến các trung tâm y tế quận, huyện, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh hay thành phố để được hướng dẫn cụ thể
  • Hỏi: Có thể phòng nhiễm HIV ngay sau khi bị phơi nhiễm không?
    Đáp: Có. Phòng nhiễm HIV sau phơi nhiễm (gọi tắt trong tiếng Anh là PEP) nghĩa là sử dụng càng sớm càng tốt các thuốc kháng vi rút (ARV) để ngăn ngừa nhiễm HIV sau khi phơi nhiễm với HIV. PEP cần được bắt đầu ngay sau khi bị phơi nhiễm, nhưng chắc chắn nhất là trong vòng 72 giờ. Việc điều trị cần tuân theo chỉ định của bác sĩ
  • Hỏi: Giai đoạn "cửa sổ" là gì?
    Đáp: Đây là giai đoạn cơ thể tạo ra một lượng kháng thể có thể đo đếm được sau khi bị nhiễm. Đối với HIV, thời kỳ này kéo dài từ 2 đến 12 tuần kể từ khi nhiễm HIV; thời gian này có thể kéo dài lâu hơn nhưng hiếm gặp. Giai đoạn cửa sổ có nghĩa là nếu xét nghiệm kháng thể HIV trong giai đoạn này thì kết quả xét nghiệm HIV sẽ là âm tính (không có HIV) do kháng thể chưa được tạo ra. Trong khi đó, trên thực tế người được xét nghiệm đã nhiễm HIV và có thể làm lây truyền sang người khác. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người được xét nghiệm cần được xét nghiệm lại khi cơ thể đã có đủ lượng kháng thể theo tư vấn của bác sĩ
  • Hỏi: Có trường hợp kết quả xét nghiệm là âm tính, nhưng thực ra lại đã nhiễm HIV?
    Đáp: Có, nếu bạn xét nghiệm HIV trong giai đoạn cửa sổ. Trong giai đoạn cửa sổ, kết quả xét nghiệm của bạn có thể âm tính, trong khi thực tế bạn đã nhiễm HIV. Do đó, nếu trước đó bạn có hành vi nguy cơ, hoặc phơi nhiễm với HIV, bạn cần được xét nghiệm lại theo hướng dẫn của cơ sở y tế
  • Hỏi: Nếu kết quả xét nghiệm của tôi là âm tính, điều đó có nghĩa là bạn tình của tôi cũng âm tính không?
    Đáp: Không. Kết quả xét nghiệm của bạn chỉ nói lên tình trạng của bạn. Kết quả xét nghiệm âm tính của bạn không cho thấy bạn tình của bạn có HIV hay không. HIV không nhất thiết lây truyền mỗi lần bạn có quan hệ tình dục. Do đó, không nên coi việc bạn xét nghiệm HIV là một cách để biết bạn tình của bạn có nhiễm HIV hay không. Hãy hỏi bạn tình của bạn xem họ đã xét nghiệm HIV chưa và họ thường có những hành vi tình dục như thế nào, cả hiện tại và trước đây. Tốt nhất cả hai cùng đi xét nghiệm
  • Hỏi: Làm gì nếu tôi xét nghiệm dương tính (có HIV)?
    Đáp: Xét nghiệm HIV với kết quả dương tính là một sự kiện có thể làm bạn cực kỳ bi quan. Tuy nhiên, bằng cách thực hiện các bước đi đúng sau khi được chẩn đoán, bạn có thể tác động tích cực lên tương lai sức khỏe và cuộc sống của bạn. Điều trị sớm và duy trì một lối sống lành mạnh là con đường tốt nhất, một khi bạn xét nghiệm HIV dương tính. Uống thuốc điều trị vào thời điểm thích hợp sau khi được chẩn đoán sẽ giúp bảo vệ hệ miễn dịch của bạn, giúp hạn chế tốc độ phát triển của HIV thành AIDS
  • Hỏi: Một người có thể sống được bao lâu kể từ khi phát hiện nhiễm HIV?
    Đáp: Nếu được điều trị đúng cách, một người nhiễm HIV trung bình có thể sống được thêm nhiều năm. Kể từ năm 1993, tuổi thọ trung bình của người nhiễm HIV tăng gấp hơn 3 lần từ 7 đến 24 năm do được điều trị và chăm sóc tốt hơn
  • Hỏi: Tôi bị nhiễm HIV, tôi có cần thực hiện tình dục an toàn không?
    Đáp: Tình dục an toàn là một trong những cách thức quan trọng nhất kìm hãm đại dịch HIV. Tình dục an toàn không chỉ cần đối với những người không nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV cũng cần thực hành tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su để ngăn ngừa lây nhiễm, tái lây nhiễm, và duy trì sức khỏe. Dưới tác động của thuốc điều trị, HIV có thể thay đổi hay biến chủng. Nếu một người bị nhiễm lại nhưng với một chủng HIV khác với chủng HIV đang tồn tại trong cơ thể họ do quan hệ tình dục không an toàn, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn và có thể mất tác dụng. Do đó, nếu bạn đã nhiễm HIV, bạn vẫn cần thực hiện tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su thường xuyên
  • Hỏi: Cả hai chúng tôi đều nhiễm HIV. Chúng tôi có cần phải sử dụng bao cao su không?
    Đáp: Quan hệ tình dục giữa hai người nhiễm HIV yêu cầu phải sử dụng bao cao su hơn cả vì HIV có thể lây truyền giữa hai người đã nhiễm HIV, khiến cho việc điều trị đối với từng người trở nên khó khăn hơn. HIV từ một người nhiễm HIV truyền sang một người nhiễm HIV khác làm cho người thứ hai bị tái nhiễm. Điều này có nghĩa là người thứ hai bị nhiễm chủng HIV khác với chủng hiện có trong cơ thể họ. Hãy nhớ rằng bao cao su còn có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Hỏi: Tại sao phụ nữ có thai nên được xét nghiệm HIV?
    Đáp: Hiện nay đã có phương pháp nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ bà mẹ sang trẻ sơ sinh trước, trong và sau khi sinh. Xét nghiệm HIV và tư vấn mang lại cơ hội cho những bà mẹ có nguy cơ nhiễm HIV xác định xem họ có nhiễm HIV hay không và giúp họ được điều trị nhằm hạn chế lây truyền từ mẹ sang con. Đối với những người không nhiễm HIV, việc tư vấn giúp họ biết phòng ngừa lây nhiễm HIV
  • Hỏi: Xét nghiệm xem bạn có bị nhiễm HIV hay không rất khó khăn và đắt, đúng không?
    Đáp: Không. Xét nghiệm HIV không khó. Tại Trung tâm Tư vấn và Xét nghiệm Tự nguyện, bạn sẽ được xét nghiệm miễn phí, hoặc chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ. Dịch vụ được giữ bí mật. Bạn sẽ không phải khai tên cũng như các thông tin cá nhân. Nếu bạn cảm thấy bạn đã có hành vi nguy cơ, bạn nên đi xét nghiệm HIV. Nếu mọi người biết mình bị nhiễm HIV, họ sẽ thận trọng để không làm lây truyền sang những người khác. Họ cũng biết tự chăm sóc mình để kéo dài sự sống. Để biết tình trạng HIV của mình, bạn hãy đến Trung tâm Tư vấn và xét nghiệm Tự nguyện
  • Hỏi: Tôi có thể xét nghiệm HIV ở đâu?
    Đáp: Bạn có thể xét nghiệm HIV tại bất kỳ bệnh viện nào, tuy nhiên, nếu bạn đến Trung tâm Tư vấn và Xét nghiệm Tự nguyện, bạn sẽ không chỉ được xét nghiệm mà còn được tư vấn để có những quyết định và kế hoạch phù hợp cho cả hai trường hợp âm tính hay dương tính
  • Hỏi: Xét nghiệm HIV có cho kết quả tin cậy không? Tại sao xét nghiệm tại Trung tâm tư vấn và xét nghiệm tự nguyện chỉ mất nửa tiếng đồng hồ là có kết quả, trong khi bệnh viện lại hẹn một tuần?
    Đáp: Có hai loại xét nghiệm HIV: xét nghiệm (test) nhanh để sàng lọc và xét nghiệm ELISA (test chậm) để khẳng định cho kết quả sau 7 ngày. Do test nhanh có tỉ lệ dương tính giả cao (không có HIV nhưng xét nghiệm lại dương tính) nên chỉ áp dụng để sàng lọc tại cộng đồng và trong trường hợp cấp cứu. Test ELISA chính xác hơn, nhưng cho kết quả chậm hơn. Tất các trung tâm tư vấn và xét nghiệm tự nguyện đều tiến hành test nhanh. Tất cả các trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính đều phải làm test ELISA để khẳng định kết quả. Nếu bạn xét nghiệm ở các phòng khám hay các trung tâm tư vấn và xét nghiệm tự nguyện, kết quả của bạn sẽ được gửi đến các trung tâm xét nghiệm có thẩm quyền để kiểm tra lại. Trong qui định về chẩn đoán HIV/AIDS, chỉ khẳng định một bệnh nhân có HIV khi bệnh nhân làm xét nghiệm với kết quả dương tính sau ba lần xét nghiệm bằng ba phương pháp khác nhau. Những quy định này nhằm tránh việc khẳng định bệnh nhân nhiễm HIV trong khi họ hoàn toàn khỏe mạnh
  • Hỏi: Tôi có thể tìm hiểu thông tin về HIV/AIDS ở đâu?
    Đáp: Bạn có thể tìm thông tin về HIV/AIDS từ bất kỳ Trung tâm Tư vấn và Xét nghiệm Tự nguyện nào, các văn phòng dự án phòng chống HIV/AIDS, gặp gỡ các giáo dục viên đồng đẳng, xem các trang web về HIV, trang web giới tính dành cho tuổi trẻ như http://www.hoanhiptim.vn
  • Hỏi: Trung tâm tư vấn và xét nghiệm tự nguyện ở đâu?
    Đáp: Nếu bạn ở các tỉnh và thành phố ngoài Hà Nội, hãy liên hệ với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, trung tâm y tế quận/huyện, hay các giáo dục viên đồng đẳng tại cộng đồng để được hướng dẫn tiếp cận các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm tự nguyện tại địa phương. Hoặc, để được tiếp cận dịch vụ tư vấn HIV toàn quốc, hãy gọi: - 1800-1521 (tư vấn miễn phí) - 04-1088 (gọi bằng điện thoại di động) - 1900-5858-04 (gọi bằng điện thoại di động hay điện thoại cố định). Nếu bạn ở Hà Nội, hãy gọi 1800-1521 (miễn phí), 1088, hay 1900-5858-04.





  • Sửa bởi quản trị viên 31/05/2010 lúc 11:41:19(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

    Quảng cáo
    Offline delusion  
    #2 Đã gửi : 28/09/2008 lúc 08:11:32(UTC)
    delusion

    Danh hiệu: Thành viên mới

    Nhóm: Thành viên chính thức
    Gia nhập: 22-08-2008(UTC)
    Bài viết: 46

    Lâu rùi mới thấy anh ptl xuất hiện lại. Khỏe chứ ông anh. Còn "triệu chứng" gì hông?
    @: anh còn nhớ đã hứa gì với anh bạn minhtrung và tuandu hông?
     http://forum.hiv.com.vn/ShowPost.aspx?PostID=121136&PageIndex=2
    1 lần nữa thui ông anh, vì diễn đàn và thằng em thiếu kinh nghiệm này.

    I'm clean-handed
    Rss Feed  Atom Feed
    Ai đang xem chủ đề này?
    Guest
    Di chuyển  
    Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.