Lao động ngoại tỉnh và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS
Tính đến này, số lao động ngoại tỉnh đến Hà Nội kiếm việc làm đã lên tới hàng vạn người. Do tác động của các tệ nạn xã hội đã có hàng trăm người trong số lao động này bị nhiễm HIV/AIDS. Một dự án can thiệp hỗ trợ cho đối tượng này trước nguy cơ nhiễm HIV/AIDS đã được hình thành.
Nạn nhân của AIDS
Không ai có thể nghĩ rằng anh N.V.T ở xã Vũ Tây, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lại có kết cục đau buồn như thế. Cách đây 5 năm do cuộc sống quá khó khăn anh quyết định ra Hà Nội kiếm việc làm để cải thiện kinh tế gia đình. May mắn được tham gia trong đội quân xây dựng, anh T có việc làm đều đặn và thu nhập ổn định. Công việc tuy vất vả anh chịu đựng được nhưng vào buổi tối nhớ vợ, nhớ con anh cùng nhóm bạn giải sầu bằng chén rượu, đánh bài.
Trong một lần bị bệnh lâu ngày không khỏi, ông chủ đã cho anh một liều thuốc bột trắng. Bệnh khỏi rất nhanh nhưng sau đó anh luôn có cảm giác thèm và nghiện thứ thuốc đó từ lúc nào không biết. Làm được bao nhiêu tiền cũng không đủ cho mỗi lần lên cơn. Tiền gửi về nhà cho gia đình ít dần. Cuộc sống vật vờ nơi thành phố cứ thế trôi. Bệnh tật bắt đầu kéo đến, cơ thể gầy mòn.
Khi nhận được kết quả xét nghiệm máu của Bệnh viện Đống Đa anh đã không thể tin rằng mình đã mắc căn bệnh nguy hiểm HIV/AIDS. Trở về quê với thân hình tàn tạ và nỗi ân hận giày vò. Vợ anh, người phụ nữ quanh năm với công việc đồng áng cũng trở thành nạn nhân của căn bệnh chết người này. Làng xóm đã xa lánh họ, một thời gian sau anh T qua đời. Người vợ sống trong đau khổ nhưng vẫn phải sống để nuôi dạỵ hai đứa con. Một gia đình tưởng chừng như yên ấm bỗng chốc đã tan vỡ, rồi đây hai đứa trẻ sẽ sống ra sao khi không còn bố mẹ?
Xã Vũ Tây, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đến lúc này đang trở nên nổi tiếng bởi một làng quê có số người nhiễm HIV/AIDS nhiều nhất: 20 người. Họ đều là những nông dân chất phác phải rời bỏ cái cày để ra Hà Nội kiếm việc làm. Đã có không ít người đi làm thuê để có tiền cho con đi học đại học nhưng một số người đã sa ngã nơi đô thành và rơi vào bẫy của căn bệnh chết người HIV/AIDS. Đau xót hơn khi họ mang thứ bệnh nguy hiểm đó về quê nhà và người vợ, những đứa con họ cũng phải cùng chung số phận. Làng quê bình yên ngày nào đã không còn nữa bây giờ ma tuý, mại dâm rồi HIV/AIDS đã len lỏi đến và những con người vốn hiền lành đã trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội, của bệnh tật...
Chấp nhận mọi nghề
Hàng năm có khoảng 67.000 người lao động tự do đến Hà Nội tìm kiếm việc làm. Một số lượng lớn lao động tự do trẻ đến Hà Nội đều là thanh niên nam nữ trẻ tuổi. Qua điều tra, một nửa số lao động đến Hà Nội tìm được việc làm, trong đó chủ yếu làm nghề xe ôm, nhân viên nhà hàng, dịch vụ massage, karaoke...
Rời quê nhà ra đi với mục đích kiếm tiền nên họ chấp nhận mọi nghề. Hà Nội còn thiếu các phương tiện giao thông thì một đội ngũ xe ôm là những lao động tự do tự thành lập và hành nghề. Để có tiền họ cũng dễ dàng chấp nhận làm xe ôm cho gái bán dâm, bảo kê và nghiện ngập ma tuý. Khi các dịch vụ phát triển trong đó có cả sự phát triển của các điểm massage thì một số lượng rất đông các cô gái từ các địa phương đổ về Hà Nội hành nghề. Đã có hơn 800 cô gái làm nghề massage đăng ký làm việc tại Sở Du lịch và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội và họ được cấp chứng chỉ hành nghề tại các địa điểm massage.
Đầu năm 2004, Văn phòng thường trực phòng chống AIDS Hà Nội thông báo, số người nhiễm HIV là người ngoại tỉnh đang ngày càng tăng lên. Trong năm 2003 đã phát hiện 218 trường hợp nhiễm HIV là người lao động tự do đến từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hoá... Qua giám sát huyết thanh trọng điểm đã có tới 14,5% số người hành nghề mại dâm tại Hà Nội nhiễm HIV.
Cảnh báo trước nguy cơ này, Văn phòng thường trực phòng chống AIDS Hà Nội đã xây dựng dự án "Can thiệp và hỗ trợ nam giới tại Hà Nội" với sự tài trợ của Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế Hoa Kỳ (FHI). Mục tiêu của dự án là thông tin đến các đối tượng người lao động tự do các hành vi an toàn để chống lại sự lây nhiễm HIV/AIDS. Các công nhân xây dựng tự do và gái massage sẽ được chọn là những đồng đẳng viên và lái xe taxi, xe ôm là những tình nguyện viên của dự án. Họ sẽ được tập huấn và tiếp cận các đối tượng là lao động tự do để nói chuyện với họ về những hành vi an toàn tình dục, sử dụng bao caosu... nhằm tránh bị lây nhiễm HIV/AIDS.
(Lao động)
Sửa bởi quản trị viên 10/01/2012 lúc 11:21:45(UTC)
| Lý do: Chưa rõ