Những bé nhận báo tử sớm vì nhiễm HIV từ mẹ
 |
Mẹ nhiễm HIV trong thời gian mang thai có thể lây sang con nếu không được điều trị dự phòng. Ảnh: Corbis.com. |
Nghe bác sĩ báo cô con gái nhỏ bị nhiễm HIV, chị Thanh
(26 tuổi, Hà Nội) đứng chết lặng. Cũng từ đó, tai họa liên tiếp đổ
xuống. Chị, chồng và cả cậu con trai 5 tuổi với chồng cũ cũng không
thoát khỏi căn bệnh chết người này.
> Kỳ thị đẩy trẻ có HIV ra ngoài trường học / Mẹ nhiễm HIV có thể sinh con an toàn
5 năm trước, khi đang mang thai đứa con đầu lòng thì
chồng chị Thanh qua đời. Biết anh có sử dụng ma túy, nhưng chị không
nghĩ anh chết vì HIV/AIDS mà chỉ nghĩ đơn thuần là lao phổi. Gia đình
nhà chồng cũng không nói gì và có ý để chị đi bước nữa.
Thế rồi chị gặp và kết hôn với người yêu cũ từ hồi
cấp 3 và sinh được một bé gái. Cả hai vợ chồng chăm chỉ lo làm ăn,
không sống buông thả, bừa bãi gì. Một lần bé ốm, hai vợ chồng đưa con
lên Bệnh viện Nhi Trung ương làm xét nghiệm và phát hiện cháu có HIV.
Chị Nguyễn Thị Phương, tư vấn viên của Trung tâm tư
vấn và xét nghiệm tình nguyện Ngôi nhà tuổi trẻ (Thanh Xuân) cho biết,
có thể khẳng định chị Thanh đã bị lây nhiễm HIV từ người chồng trước.
Virus HIV đã lây sang cả con trai trong bụng chị lúc đó. Và sau này vô
tình lây sang cả người chồng hiện tại cùng đứa con nhỏ nữa.
Nếu mẹ nhiễm HIV mà không uống thuốc ARV dự phòng trong thai kỳ và trẻ dùng sữa mẹ trong 6 tháng thì khả năng trẻ bị lây nhiễm là 30%-40%. Trường hợp mẹ không uống ARV và trẻ không bú sữa mẹ
thì tỷ lệ lây cho con là khoảng 20%-30%.
Nhưng nếu mẹ và con uống ARV dự phòng và trẻ không dùng sữa mẹ hoàn toàn thì tỷ lệ lây nhiễm cho con giảm đáng kể, chỉ còn
2%-6%.
(Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS)
|
Tất cả những chuyện đáng buồn trên có lẽ đã không xảy ra nếu người dân có kiến thức nhiều hơn về HIV.
"Giá như người chồng cũ của chị Thanh không dùng
chung bơm kim tiêm? Giá như gia đình nhà chồng cũ cho chị biết tình
hình sức khoẻ của anh? Như thế chị sẽ được điều trị sớm và cậu con
trai, người chồng mới và cô con gái nhỏ cũng sẽ không bị lây nhiễm
HIV", chị Phương cho biết.
Những trường hợp mẹ nhiễm HIV sau đó lây sang con không còn là chuyện hiếm gặp, như chuyện của chị Hải (Cầu Giấy, Hà Nội).
Dù biết chồng là một người nghiện ma túy nhưng chị
vẫn lấy vì trước khi lấy nhau anh đã đi xét nghiệm HIV và thấy không có
vấn đề gì. Nhưng một năm sau anh qua đời vì chính căn bệnh thế kỷ này.
Điều không may là cả chị và đứa con nhỏ mới sinh đều bị nhiễm. Kỳ thực
người chồng đã mang trong người virus HIV, nhưng có thể thời điểm xét
nghiệm là giai đoạn cửa sổ nên không phát hiện được bệnh.
"Mình thì chả sao, chỉ thương con còn nhỏ mà đã mang
bệnh tật, suốt ngày phải uống thuốc. Nhiều lúc nghe con hỏi: 'Mẹ ơi,
sao suốt ngày con phải uống thuốc thế. Con chán lắm rồi' mà tôi thấy
như dao cứa vào lòng", chị Hải tâm sự.
HIV/AIDS tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng
trong nhóm người có nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm) nhưng đồng
thời cũng tăng trong nhóm không có nguy cơ cao. "Thực tế là số trẻ em
dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng, ước tính đến
năm 2012 hơn 3.700 trường hợp", tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng
Cục phòng, chống HIV/AIDS nhận định.
Theo ông nguyên nhân là ngày càng có nhiều phụ nữ
mang thai bị nhiễm HIV, phần lớn họ không nằm trong nhóm có hành vi
nguy cơ cao như mại dâm, nghiện ma túy, thường họ bị nhiễm HIV từ người
chồng. Cũng vì cho rằng mình không thể có khả năng nhiễm bệnh, nên rất
ít phụ nữ làm xét nghiệm trong thời kỳ mang bầu. Chỉ đến lúc gần sinh
xét nghiệm thì đã quá muộn.
"Điều này đặt ra yêu cầu mở rộng chương trình dự
phòng lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 40% phụ
nữ có thai nhiễm HIV nhận được điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc các
chăm sóc, điều trị khác", ông Long cho biết.
Nam Phương/Vmexpress.net
* Tên nhân vật đã được thay đổi.