"Á!",
đang lui cui thu gom rác, chị Nguyễn Thị Xuyến, công nhân vệ sinh đường
phố, chợt giật nảy mình. Cúi xuống, chị hoảng hồn nhận ra một mũi kim
ghim vào gót bàn chân trái. Ý nghĩ mũi kim tiêm đó là của mấy "con
nghiện" vứt lại bên vệ đường khiến chị hoảng sợ.
Giẫm phải kim tiêm của người nghiện là nỗi lo sợ lớn
nhất của những người thu nhặt rác, công nhân vệ sinh đường phố như chị
Xuyến. Khi chẳng may bị kim tiêm đâm trúng, họ luôn nghĩ rằng thế là
hết, mình đã nhiễm HIV. Nỗi ám ảnh này khiến họ mất bình tĩnh. Thay vì
thực hiện sơ cứu rồi đến các cơ sở y tế kiểm tra, họ lại trở nên hoảng
loạn, mất phương hướng.
Điều đó thật sự đáng tiếc, bởi theo bác sĩ Trương Ngọc Tiến, Bệnh viện
Bệnh nhiệt đới TP HCM, nếu bình tĩnh và thực hiện việc sơ cứu vết
thương kịp thời, đúng cách, bạn sẽ không phải lo lắng về nhiễm HIV.
Trước hết, bạn cần bình tĩnh xem xét vị trí chính xác của vết thương,
nơi bị kim đâm. Sau đó, nên xối vết thương dưới vòi nước chảy. Bạn cần
để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn
bóp. Cuối cùng, bạn rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
Nhiều người dùng dây vải buộc chặt phần trên của vết thương nhằm tránh
sự lây lan của các virus vừa xâm nhập, nhưng điều này không cần thiết.
Ngoài ra, bạn có thể dùng dung dịch cồn để sát trùng vết thương.
Sau khi sơ cứu, bạn cần xét nghiệm máu nhằm giúp phát hiện và điều trị sự phòng việc phơi nhiễm HIV.
Sáu tuần sau, bệnh nhân sẽ được kiểm tra lại. Những lần kiểm tra kế
tiếp là vào ba tháng và 6 tháng tiếp theo. Thông thường, khi mới bị kim
đâm, các kết quả xét nghiệm sẽ không phát hiện được bạn đã nhiễm HIV
hay chưa mà phải đợi từ 3 tháng sau mới cho kết quả chính xác. Trong
thời gian này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để tránh
phơi nhiễm, lây lan.
Để bảo vệ mình, những người làm các công việc thường
tiếp xúc với kim tiêm, rác bẩn... nên cẩn thận đề phòng, luôn mang găng
tay và các phương tiện bảo hộ lao động khác khi làm việc.