Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline na74  
#1 Đã gửi : 05/02/2010 lúc 07:09:16(UTC)
na74

Danh hiệu: Thành viên danh dự

Medals:Công trạng: Vinh danh vì bạn đã tích cực tham gia và có nhiều cống hiến với cộng đồng
Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 25-06-2007(UTC)
Bài viết: 6.076
Man
Đến từ: Tp. Hồ Chí Minh

Thanks: 175 times
Được cảm ơn: 407 lần trong 310 bài viết

Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Hoè

“Tôi hạnh phúc vì có khát vọng”

Bà từng ngủ ở gầm cầu thang hàng tháng và sân bay Mỹ cả tuần vì không có tiền thuê khách sạn, từng ở Mỹ hai tháng với 500 đôla trong túi nhưng chưa từng bị các nhà khoa học nước này coi thường. Bà là PGS.TS Nguyễn Thị Hoè, một trong số hiếm hoi các nhà khoa học kinh doanh được bằng những kết quả nghiên cứu của mình.



Hiện bà đang có 11 công ty với một gia sản không nhỏ. Thật đáng ngạc nhiên, khi một phụ nữ có ba con nhỏ và cũng chỉ 24 giờ đồng hồ mỗi ngày, lại làm được tất cả những điều ấy mà không thấy mình bận rộn, không thấy mình cô đơn và cần phải dựa vào ai đó.

Bà vừa trao giải thưởng Kova cho các tập thể, cá nhân có ảnh hưởng tốt tới cộng đồng và học bổng cho hơn 30 sinh viên nghèo. Ðiều gì đã khiến bà dựng lên một giải thưởng theo cách riêng của mình như vậy?

Giải thưởng này đã được tôi trao bảy năm liên tiếp cho những tấm gương toả sáng với cộng đồng. Thường hiện nay các giải thưởng sau khi trao người ta chỉ rủ nhau đi liên hoan một bữa là hết, nên tự nhiên ý nghĩa của giải thưởng không nhiều. Nhưng giải thưởng tôi trao cho sinh viên thì ngấm sâu vào từng em. Các em được tài trợ sẽ dùng tiền đó để học tiếp, không bỏ dở. Khi tổ chức ra giải thưởng này, đầu tiên tôi chỉ nghĩ được đến thế.

Nhiều giải thưởng hiện nay người giàu được nhận, còn người nghèo thì ít cơ hội. Bởi vậy tôi chọn người học giỏi mà quá nghèo. Các em dùng đồng tiền đó để học tiếp và sau này cống hiến cho xã hội. Tất cả các sinh viên tôi trao học bổng trong bảy năm qua giờ đều thành đạt. Bản thân tôi cũng xuất phát từ một sinh viên rất nghèo nhưng bây giờ tôi đã có tiền, số tiền đó sau này chết đi tôi cũng không mang theo được nên tôi dùng chia sẻ với mọi người, trong đó việc quan trọng nhất là giúp cho sinh viên nghèo. Giải thưởng này chú ý đến phụ nữ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có những em cha mẹ là tội phạm mà học giỏi thì vẫn được học bổng. Miễn là cá nhân họ tốt là được.

Sau khi trao học bổng cho sinh viên, tôi nhận thấy còn rất nhiều tấm gương sáng khác sống vì cộng đồng, như hai người nông dân vượt lũ dữ cứu được mấy chục người ở Quảng Bình, tập thể bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân AIDS… Tôi thấy cần phải khuyến khích những tấm gương như vậy. Sau đó tôi trao thêm giải cho những nhà khoa học, nhưng phải là các công trình nghiên cứu ứng dụng được trong cuộc sống, không phải lý thuyết một mớ. Ví dụ như người sáng chế ra máy tuốt lúa và mấy trăm sáng kiến cải tiến nông cụ giúp nông dân ở Tiền Giang, một ông ở Quảng Bình lắp hệ thống vô tuyến báo bão cho ngư dân… Những người đó đã làm được những thứ vô cùng vĩ đại, cứu được bao nhiêu người. Ðó là những công trình khoa học giá trị thực sự vì có ích cho người dân.

Giải thưởng này có tài trợ từ nước ngoài. Bà có gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục các đối tác nước ngoài chi tiền không?

Thực ra tôi không đi xin tiền cho giải thưởng. Những đối tác của tôi rất mê giải thưởng này nên họ tự nguyện. Họ hiểu tôi và hiểu giá trị những điều tôi đang làm. Thực tế có nhiều nơi muốn tham gia nhưng tôi không đồng ý. Tôi có lòng tự trọng của tôi. Tôi tổ chức ra giải thưởng thì tôi phải có đủ tiền để trao. Tôi trao giải một đồng thì phải chi ra ba đồng, từ tiền tàu xe ăn ở tới tiền đi thẩm định các cá nhân tại địa phương… Tôi làm không để quảng cáo. Tôi mong muốn các em nhận giải thưởng có động lực để phấn đấu, những người khác sẽ theo gương đó. Năm ngoái tôi trao giải cho tập thể bệnh viện Ðống Ða, Hà Nội do rất xúc động trước hình ảnh những bác sĩ bị bệnh nhân AIDS đe doạ chọc kim tiêm vào người nhưng vẫn phục vụ bệnh nhân hết lòng. Có những tấm gương sinh viên sáng đi học chiều nhặt rác để bán lấy tiền học, hay năm ngoái tôi trao giải cho một cậu sinh viên cả năm nằm dưới gầm giường bệnh chăm sóc người mẹ nuôi bị ung thư, trong khi ngoài xã hội đang có những đứa con ruột bỏ cha mẹ mình…



Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

“Tiến sĩ Hoè là người nhiều khát vọng cống hiến. Tôi bị thuyết phục bởi ý chí của em. Khi đất nước còn khó khăn, Hoè đã vươn lên và đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học. Quan trọng là những nghiên cứu của em bây giờ mang lại lợi ích thực sự cho sự phát triển đất nước”

Ông Rajeev Vaidya, giám đốc điều hành công ty Dupont Titanium Technologies (Mỹ):

“Tôi cùng tiến sĩ Hoè biết tới nhau đầu tiên qua nghiên cứu khoa học, sau đó chúng tôi hợp tác kinh doanh cùng nhau. Những câu chuyện về sinh viên nghèo vượt khó để vươn lên trong học tập, các nhà khoa học đã áp dụng kỹ năng và sự tận tuỵ của họ để cống hiến cho cộng đồng, nhiều người không ngại khó khăn để bảo vệ người khác… được tiến sĩ Hoè tôn vinh đã làm tôi bị thuyết phục.

Những gì nữ tiến sĩ  Hoè đã làm đem lại nguồn cảm hứng cho chúng ta, nhất là đối với các em sinh viên. Bà có thể là hình mẫu về ý chí vươn tới thành công"

Bà có nói là chỉ trao giải cho những phát minh sáng chế ứng dụng tốt trong thực tế. Vậy nói về khoa học một chút, hiện có nhiều công trình khoa học được đầu tư tốn kém nhưng không có giá trị ứng dụng. Theo bà cần phải làm gì để hạn chế sự lãng phí ấy?

Cách đây 17 năm tôi đã nói trước một hội nghị các nhà khoa học toàn quốc, rằng một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước có vai trò của các nhà khoa học chúng ta, nghĩa là có tôi trong đó. Bởi trong thực tế có đề tài Nhà nước cho một đống tiền, cử một đoàn đi vòng quanh thế giới năm nọ qua năm kia, tới khi về nước thì kết luận là đề tài không thể triển khai, trong khi tiền đã chi rồi. Tại sao chúng ta không khảo sát trước? Rõ ràng điều đó làm nghèo đất nước khi nhiều người dân còn đói và nhiều nhà khoa học khác không có tiền để nghiên cứu. Tôi cho sẽ là sai lầm, nếu kết quả trong phòng thí nghiệm mới chỉ thành công 10%. Sự thành công phải là các sản phẩm được sản xuất đại trà.

Bà thuộc nhóm hiếm hoi các nhà khoa học thành công cả trong kinh doanh. Ðâu là chìa khoá mang tới sự thành công ấy?

Có nhiều nhà khoa học nghiên cứu được nhưng không có tiền để ứng dụng. Vay Nhà nước thì phải trả. Bản thân tôi từng đi vay 200 triệu đồng để ứng dụng đề tài đánh bóng bằng bột mài crôm, nhưng một năm phải trả ngay. Mình phải tự xoay xở để có tiền nghiên cứu và ứng dụng. Tôi sang Mỹ từng phải nằm sàn nhà sân bay một tuần vì không có tiền ngủ khách sạn. Ðó là đầu những năm 90, tôi nghèo lắm. Nhiều năm sau tôi có quen biết một số Việt kiều nên đến nhà họ ngủ nhờ. Tôi đi Mỹ, tự bỏ tiền mua vé máy bay, trong túi chỉ có 500 đô la để tiêu trong hai tháng. Tôi đã phải mang tới 20kg mì gói để ăn. Tôi ngủ ở gầm cầu thang, hết cầu thang nọ tới cầu thang kia trong hai tháng trời ròng rã và chỉ ăn mì. Có nhiều người mời ăn nhưng không phải ai mời tôi cũng ăn. Những ngày ấy tôi phải tiết kiệm như thế để nghiên cứu. Tôi nghĩ chính điều đó giúp tôi thành công như ngày nay.

Ðiều gì đã khiến một phụ nữ bé nhỏ như bà có được ý chí mãnh liệt để đạt nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học?

Lúc đó tôi nghĩ rất đơn giản, chỉ muốn vươn lên và thành công trong khoa học. Khi ấy tôi đang là cán bộ giảng dạy đại học ở TP.HCM và Cần Thơ, tôi có hướng dẫn nhiều sinh viên các đề tài nghiên cứu nhưng những đề tài đó không được thành công lắm. Ðến khi sang Mỹ, nhìn phòng thí nghiệm của họ tôi thấy choáng ngợp. Họ phân tích một mẫu chì chỉ hết 59 giây, trong khi ở Việt Nam là 4 tiếng đồng hồ! Lúc đó tôi có khát vọng là làm được như người Mỹ, chứ không nghĩ là mình làm để giàu.

Lý do nào bà đứng trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2005?

Ngày đó uỷ ban giải thưởng sang Mỹ, nghe tiếng tôi bên đó rất nhiều nên họ sang Việt Nam để điều tra, điều tra từ bộ Giáo dục và đào tạo đến TP.HCM… sau đó đưa tôi vào danh sách mấy chục ngàn người. Việt Nam lúc đó cũng có mấy người. Một năm sau, họ gửi cho tôi thông báo là tôi có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ trên thế giới được xem xét trao giải Nobel Hoà bình. Cuối cùng họ chọn ông chủ ngân hàng tại Bangladesh với mô hình tín dụng cho người nghèo. Tôi thấy ông ấy rất tuyệt vời và xứng đáng.

Nếu so sánh cái thời đi Mỹ với 500 đôla trong túi với bây giờ, lúc nào bà thấy hạnh phúc hơn?

Tôi không nghĩ là tôi hạnh phúc hơn ngày xưa. Tôi vẫn thế, vẫn rất tiết kiệm dù có nhiều tiền để làm mọi thứ. Tôi đi nhiều nước nhưng vẫn không phung phí vì tôi luôn tự nghĩ có nhiều người đang rất nghèo. Tôi không có được cái cảm giác hạnh phúc hơn ngày xưa, cũng có thể do đã nhiều tuổi. Ngày ấy tôi còn sung sức và tràn trề khát vọng. Ngày ấy tôi hạnh phúc vì tôi có khát vọng. Mỗi khi nghiên cứu thành công đề tài nào, tôi sung sướng tới mức không cần ăn. Bây giờ đôi khi còn cảm thấy mình không hạnh phúc bằng ngày ấy vì mọi thứ đã quá bão hoà. Chỉ khác biệt là bây giờ ốm đau bệnh tật tôi đã có tiền mua những loại thuốc tốt nhất, và giúp được cho nhiều người.

Trong quá khứ, đã bao giờ bà thấy mình thực sự chông chênh hay có cảm giác sụp đổ về một điều gì đó?

Tôi chưa bao giờ có cảm giác ấy. Tôi lập gia đình sớm, có con sớm nên khi vào đại học năm 21 tuổi, tôi đã có ba con. Chồng tôi là người tốt, chăm chỉ làm ăn nhưng lại không muốn tôi làm khoa học. Anh ấy muốn tôi ở nhà, nuôi lợn, nuôi gà và trồng cây, nấu ăn… Chồng tôi đòi hỏi tôi phải là một người phụ nữ cổ điển phục dịch chồng con. Khi chúng tôi chia tay nhau, tôi thấy rất bình thường, không hề đau khổ. Tôi cũng thấy mình thật lạ, chưa bao giờ cảm thấy trống trải cô đơn. Có người nói tôi phải được nhận... huân chương vì sự chịu đựng trong cuộc sống gia đình, nhưng tôi nghĩ họ nhầm vì tôi đã có niềm đam mê khác, đó là khoa học.



Tôi thật sự vẫn day dứt vì nước mình vẫn còn nhiều người nghèo quá! Cứ đi quyên góp để ủng hộ người nghèo có lẽ không phải là cách tốt nhất

Bây giờ mối quan hệ của bà với chồng cũ thế nào?

Chúng tôi vẫn rất tốt với nhau. Chồng cũ tôi sau này có một trang trại ở Long Thành,  Ðồng Nai, tôi đã mua lại trang trại đó và biến nó thành vườn cây ăn trái sum suê. Tất cả khách dù là người quen hay lạ vào đó đều được ăn uống miễn phí.

Làm cách nào để một người mẹ có ít thời gian như bà có thể dạy dỗ con mình chu đáo và thành đạt như ngày hôm nay?

Tôi cũng ba chìm bảy nổi với con. Tôi sinh con dày quá cũng vất vả, ba năm ba đứa. Ðứa bé cứ đòi làm chị đứa lớn hơn. Ngày ấy ngoài nuôi ba đứa con nhỏ, tôi còn nuôi thêm ba con lợn, trồng rau, nuôi gà… đủ cả. Tôi cũng không có nhiều thời gian cho con, chỉ quan tâm chủ yếu tới việc học hành. Sau này khi con lớn lên, tôi luyện thi đại học cho con. Nhưng dẫu sao bây giờ tôi vẫn phải nói: cám ơn cuộc đời vì tôi đã có những đứa con ngoan.

Bà đã đạt được vị trí cao trong nghiên cứu khoa học và kinh doanh, vậy bà có thấy mình còn điều gì chưa làm được?

Suốt một chặng đường dài, tới thời điểm này tôi khá hài lòng về bản thân. Tôi đã từng trải qua cảm giác đói khát, chỉ thèm một miếng khoai khi ngồi trên giảng đường đại học, còn bây giờ tôi đã gây dựng được một sự nghiệp lớn, giải quyết việc làm cho mấy ngàn người, tôi có tiền để tài trợ cho những sinh viên nghèo…

Nhưng tôi thật sự vẫn day dứt vì nước mình vẫn còn nhiều người nghèo quá! Cứ đi quyên góp để ủng hộ người nghèo có lẽ không phải là cách tốt nhất. Một mình tôi không thể làm được gì. Tôi chỉ có thể giúp đỡ một số sinh viên nghèo, còn quá nhiều người tôi chưa thể giúp được họ. Làm cách nào để giảm nghèo nhanh hơn, giải quyết tận gốc vấn đề nghèo đói. Quan trọng là cách làm, mình làm chưa tốt thì có thể đi học. Và cơ bản, người ta phải có khát vọng làm bằng được điều đó.

thực hiện Tây Giang
chân dung hội hoạ
Hoàng Tường
(Sgtt.com)


- Kiến thức cơ bản về HIV/AIDS là một trong những hành trang bạn cần đem theo, trong cuộc đời mình.
- Với tình dục hãy sử dụng bao cao su đúng cách, đúng mục đích để phòng tránh nhiều hệ lụy. Trong số đó có những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
- Sử dụng ma túy không chỉ hủy hoại riêng bản thân mà là cả gia đình và xã hội của bạn.
- Biết dừng đúng lúc trong mọi cuộc chơi, biết tạo cho mình thói quen sống lành mạnh, bạn thực sự là người chiến thắng.
Quảng cáo
Offline vietnam_vn  
#2 Đã gửi : 09/02/2010 lúc 10:27:42(UTC)
vietnam_vn

Danh hiệu: Thành viên mới

Nhóm: Guests
Gia nhập: 09-02-2010(UTC)
Bài viết: 3
Đến từ: hanoi

khát vọng làm cho con người sống tốt hơn

Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.