Nhận thức rõ ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", Ðại úy Kha Văn Hợi luôn nỗ lực thực hiện nghiêm túc các quy trình điều tra tội phạm, thận trọng xác định tội danh, đánh giá chứng cứ để chứng minh hành vi của người phạm tội, từ đó hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Công việc của Ðại úy Kha Văn Hợi và đồng đội không chỉ phức tạp về địa hình rừng núi mà còn liên quan nhiều người nghiện ma túy, nhiều người nhiễm HIV/AIDS. Ðiều đó đã tạo ra sức ép rất lớn đối với Ðại úy Kha Văn Hợi cũng như các điều tra viên. Không quản khó khăn, vất vả, Ðại úy Kha Văn Hợi đã chỉ đạo đồng đội bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã xóa ba tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy. Xác minh, truy bắt năm đối tượng truy nã. Bình quân, Ðội cảnh sát điều tra tội phạm do Ðội trưởng Kha Văn Hợi phụ trách thụ lý từ 20 đến 30 vụ án/năm.
Ðại úy Kha Văn Hợi còn tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm huyện Tương Dương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; buôn bán, vận chuyển chất ma túy, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Hoàng Vinh
(Nghệ An)
Tận tụy với dân
Ðồng chí Ðào Xuân Duy là Chủ tịch UBND xã Cam Thủy (Cam Lộ, Quảng Trị). Từng là người lính trên các chiến trường lửa đạn, đồng chí Ðào Xuân Duy trở về quê hương sống cuộc đời giản dị. Phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" được đồng chí gìn giữ và phát huy. Ðồng chí được Ðảng và nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Cam Thủy. Ở vùng đất mà lúc mưa không biết đổ đâu cho hết nước, còn lúc hạn hán thì không biết lấy nước ở đâu, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo xã Cam Thủy huy động mọi nguồn lực xây dựng các công trình thủy lợi để chống hạn và chống úng cho hàng trăm mẫu ruộng. Trước đây, xã Cam Thủy có nhiều vùng đất đồi bị bỏ hoang do chất đất xấu, Ðảng ủy xã có chủ trương vận động bà con lên đồi trồng cao-su. Ðồng chí liên hệ mua cây giống, tổ chức cho bà con học tập kinh nghiệm trồng cao-su ở Nông trường Cồn Tiên. Chỉ sau năm năm, cây cao-su cho khai thác mủ. Hiện nay, có gia đình mỗi tháng thu tiền bán mủ cao-su từ mười đến 15 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của bà con được cải thiện. Nhiều gia đình mua sắm được vật dụng đắt tiền, đầu tư phát triển chăn nuôi đàn gia súc, có nhà nuôi tới 20 - 30 con trâu, bò. Không dừng lại ở đó, với mong muốn giúp dân nhanh chóng thoát nghèo, đồng chí bàn với tập thể lãnh đạo xã cho áp dụng rộng rãi mô hình vừa nuôi cá vừa cấy hai vụ lúa. Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, đồng chí cùng tập thể Ðảng ủy, UBND xã sát sao chỉ đạo xây dựng các mô hình trường học ở địa phương đạt chuẩn quốc gia.
Người dân nơi đây vẫn còn nhớ trận lũ lịch sử năm 2009. Gió bão gây đổ nhà, trốc mái, người già và trẻ nhỏ bị thấm nước mưa, rét lạnh, ngồi run rẩy trên các nóc nhà. Ðồng chí Chủ tịch UBND xã Ðào Xuân Duy trong đêm tối vẫn huy động mọi lực lượng đến ứng cứu bà con ra khỏi vùng nước xiết. Gió rét, lạnh buốt đến tận xương, nhưng đồng chí Chủ tịch UBND xã không ngần ngại ở lại cùng ăn gói mì khô, thức qua đêm với bà con.
Phan Vĩnh