 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
07:12 | 23/12/2010
Hiệu trưởng cũng kỳ thị trẻ có HIV
TP - Không chỉ vấp phải sự kỳ thị của phụ huynh học sinh có con học ở trường, ngay cả hiệu trưởng của một số trường cũng từ chối nhận trẻ có HIV.
 |
Bị kỳ thị, 16 trẻ nhiễm HIV ở mái ấm Mai Hòa phải học tại gia.
Ảnh: Q.Minh. |
Con đường gập ghềnh
Tại hội thảo về thực trạng trẻ nhiễm HIV đến trường diễn ra ngày 21-12 tại TPHCM, Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM cho biết, thành phố có trên 60 nghìn em nhiễm ảnh hưởng bởi HIV. Tuy nhiên con số các em đến trường vẫn còn rất ít…
Đã 3 năm trôi qua, những nỗ lực đưa 16 trong tổng số 20 em bị nhiễm HIV đến tuổi đi học của các thầy cô giáo ở mái ấm Mai Hòa, huyện Củ Chi vẫn chưa thành hiện thực. Lý do là sự kỳ thị quá lớn của rất nhiều phụ huynh có con khỏe mạnh đang học tại nơi mà số trẻ HIV được đưa đến. "16 em ở độ tuổi đi học nhưng chỉ được học trong mái ấm mà thôi"- đại diện mái ấm Mai Hòa nói.
Năm 2009, trong nỗ lực đưa các trẻ này đến trường, thầy cô và chủ mái ấm Mai Hòa đã "chịu thua" khi hơn 200 phụ huynh phản ứng rất dữ. "Họ đòi rút đơn không cho con của họ học chung trường với trẻ bệnh. Thế là chúng tôi đành thua"- xơ tên Bảo nói.
Không chỉ phụ huynh kỳ thị, theo Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM, cũng trong năm 2009, hiệu trưởng của một trường mẫu giáo ở quận 11 đã không chịu nhận trẻ vào học khi biết em này nhiễm bệnh. Trong khi đó, đầu năm 2010, hàng chục phụ huynh của một trường tiểu học khác ở huyện Nhà Bè đã phản ứng dữ dội khi biết có trẻ nhiễm HIV đang học trong trường. Ngay lập tức các phụ huynh này đã xin rút đơn để chuyển con của họ sang học trường khác.
Cơ sở Xuân Vinh đang chăm sóc cho khoảng 200 trẻ nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV, có hơn 10 trẻ phải đi học ở một trường rất xa do sợ kỳ thị.
"Cuộc chiến" còn dài
Một số ít trẻ được đi học nhưng các em đều phải giấu giếm tình trạng bệnh. Khi “bị” nhà trường phát hiện, một số trẻ phải chuyển đến địa phương khác để được đi học hoặc tìm đến các mái ấm, nhà mở để nương tựa - bà Trần Thị Xuân Hải- Hội Phòng chống HIV/AIDS cho biết.
Theo Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM, sau khi phát hiện một số trường từ chối nhận trẻ nhiễm HIV đến trường, nhiều tổ chức và ban ngành đã nỗ lực can thiệp. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa khả quan. Tại huyện Củ Chi, mặc dù rất nỗ lực nhưng theo bà Hải, cho đến nay các em ở mái ấm Mai Hòa vẫn chưa được hòa nhập cộng đồng để được đi học.
"Một số em học cấp 2, vì lo sợ sẽ xảy ra tình trạng kỳ thị của phụ huynh nên mái ấm đã chuyển các em lên học bổ túc tại quận khác, còn các em cấp 1vẫn tiếp tục học tại trung tâm"- đại diện mái ấm cho biết. Tại trường An Nhơn Đông- nơi các em được chọn để đi học, khi lấy ý kiến phụ huynh, chỉ có 5 trong số 29 người đồng ý cho trẻ ở mái ấm Mai Hòa đến trường.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em- Bộ LĐTB&XH, thực tế cho thấy chiến dịch vận động đưa trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV đến trường vẫn là cuộc chiến lâu dài.
Luật Phòng chống HIV/AIDS, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007 quy định cơ sở giáo dục không được: Từ chối tiếp nhận; Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV và yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học.
|
Lê Nguyễn
http://www.tienphong.vn/thoi-su/522822/tre-hiv-den-truong-hieu-truong-cung-ky-thi.html
|
|
|
|
|
|
 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
"Ngọc Hoàng ơi! Oan chúng con lắm...!"
Cập nhật lúc 23/12/2010 05:15:00 PM (GMT+7)
- “Ngọc Hoàng ơi chúng con oan lắm, vì nhiễm HIV mà chúng con không được tới trường, không được chơi chung với các bạn” – tiếng kêu than của một em bé nhiễm HIV trong một tiểu phẩm xót xa vang thấu đến tận trời xanh.
Mẹ HIV nỗ lực để con được đến trường
Nhân vật đóng trong vở tiểu phẩm ra mắt nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS hôm đó là bé Trà My. Gia đình bé có hoàn cảnh vô cùng éo le, đáng thương nhưng bằng sức mạnh của tình mẫu tử, mẹ của bé đã thuyết phục được xã hội và cộng đồng cho con mình đến trường như bao trẻ bình thường khác.
Cha mẹ của bé Trà My làm trong một đoàn văn công của Hải Phòng. Vào năm 2001, cha bé phát hiện mình bị nhiễm HIV và đến năm 2003 thì anh qua đời.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, người vợ và đứa con gái cả trong hai bé gái song sinh cũng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ đó. Ngay khi cha mất, 3 mẹ con bé Trà My bị nhà nội đuổi ra khỏi nhà. Bằng sức mạnh phi thường và lòng thương con vô hạn, mẹ của Trà My tham gia vào câu lạc bộ Hoa Phượng Đỏ ở Hải Phòng, nơi tuyên truyền, giúp đỡ những người có H (nhiễm HIV).
|
Trẻ nhiễm HIV chơi chung với trẻ lành tại một trường học ở Củ Chi. Ảnh: Thanh Huyền |
Để con được đến trường, mẹ của hai chị em Trà My phải đến gặp, thuyết phục từng bạn học chung lớp với con mình, gặp từng phụ huynh trong lớp để tác động. Chính sự hy sinh cao cả vì con cái của chị đã khơi gợi lên tình thương đồng loại. Cha mẹ của những đứa trẻ kia sau nhiều tháng ngày ngờ vực, gây khó dễ nay đã bằng lòng chấp nhận cho hai chị em Trà My đến lớp.
Vì mẹ là văn công nên hai bé được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ, hát hay, múa đẹp, học giỏi và giành về cho trường nhiều huy chương vàng và thành tích.
Giờ đây, hai chị em Trà My đã học hết cấp 1. Con đường lên cấp hai là hai bé sẽ phải đối mặt với bao nguy cơ và khó khăn vì trường mới, bạn mới, thày cô mới. Và mẹ của các bé lại thêm một lần nữa kiên trì đi thuyết phục mọi người để con mình tiếp tục được đi học một cách bình thường.
Việc đến trường thành công của hai chị em bé Trà My ở Hải Phòng là một trong số những trường hợp điển hình vô cùng ít ỏi được xã hội mở lòng chấp nhận trên cả nước. Ai cũng phải công nhận đó là nhờ hai bé có một người mẹ vô cùng can đảm và hết lòng thương yêu con.
Bài học xót xa
Đa số trẻ em có H trên toàn quốc không được may mắn như chị em bé Trà My. Chúng gặp phải sự kỳ thị khốc liệt từ cộng đồng, phụ huynh, bạn bè, thậm chí nhà trường.
Người dân TP.HCM cũng như cả nước còn nhớ như in sự việc xảy ra vào đầu năm học 2009 – 2010. 15 em bé nhiễm HIV tại Trung tâm Mai Hòa, huyện Củ Chi háo hức tay trong tay, được các sơ dẫn đến trường tiểu học An Nhơn Đông để nhập học. Khi đến trường, những gương mặt vô tội, thơ ngây ấy đã nghẹn ngào thổn thức bởi các phụ huynh học sinh kéo đến phản đối, nhất quyết nếu nhà trường nhận 15 trẻ HIV này vào học thì hơn 200 học sinh trong trường sẽ nghỉ hết.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho ý kiến: “Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để các cháu nhiễm HIV học riêng”.
15 em bé của Trung tâm Mai Hòa đành lầm lũi ra về trong sự tức tưởi, tủi thân. Vậy mà nhiều bé trước ngày tựu trường đã vui sướng đến mức không ngủ được.
Không chỉ huyện Củ Chi gặp phải sự phản đối gay gắt về việc trẻ nhiễm HIV đến trường, mà các trẻ ở nhóm Xuân Vinh, quận 11, huyện Nhà Bè cũng gặp phải tình huống tương tự.
Trong buổi họp về chủ đề đảm bảo quyền được học tập của trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS diễn ra ngày 22/12 tại TP.HCM, bà Cao Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nhận định, sự việc 15 trẻ HIV không được đến trường là bài học đắt giá không chỉ đối với chính quyền địa phương mà đối với cả công tác tuyên truyền phòng chống AIDS.
“Chúng ta sai lầm ở chỗ để cho các sơ dẫn 15 trẻ HIV công khai xếp hàng đi bộ đến trường. Khi thấy một số lượng trẻ có H quá đông học cùng trường với con mình thì đương nhiên sẽ gây cho phụ huynh tâm lý hoảng sợ” – bà Gái nói.
Cần thay đổi cách tuyên truyền
Theo bà Gái, người dân không đến nỗi ghét bỏ trẻ nhiễm HIV như mọi người vẫn lầm tưởng, mà do cách thức đưa các bé đến trường quá đường đột. Bà dẫn chứng: “Gần nhà tôi có một em bé bị nhiễm HIV đang học lớp 3. Em bé này sống chung với gia đình và láng giềng từ nhỏ. Tất cả mọi người đều biết em có H nhưng chẳng ai quan tâm, em bé vẫn sinh sống và đi học bình thường. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta nên chia nhỏ số trẻ nhiễm ra khi gửi chúng đến trường để tránh tâm lý hoang mang, hoảng sợ cho phụ huynh”.
Bà Gái cho rằng, sở dĩ người dân kỳ thị trẻ nhiễm HIV như vậy một phần là do lỗi của công tác truyền thông: “Chúng ta đã tuyên truyền thái quá về HIV/AIDS làm nó như một con quái vật ghê gớm. Từ đó, người dân hiểu về HIV như thần chết mà không nắm được cơ chế lây nhiễm của bệnh”.
Cũng trong buổi thảo luận, bà Hà Thị Dung, Vụ phó Vụ học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hơn ai hết nếu chính người thân của những trẻ em nhiễm HIV không lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi cho con, em mình thì xã hội, cộng đồng không thể thấu hiểu hết được.
Hiện nay, theo số liệu thống kê cho thấy, trên toàn quốc có tổng số 35.603 người nhiễm HIV còn sống. Trong đó có 4.121 trẻ em, 1.876 bé đang điều trị thuốc ARV. Dự tính, số trẻ em nhiễm HIV sẽ tăng lên 6.500 trường hợp vào năm 2012.
Thanh Huyền
|
|
|
|
 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Vì sao dịch HIV lây lan ra cộng đồng?
Thứ Tư, 29/12/2010 GMT+7
-
Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã trải qua chặng đường 20 năm, nhưng đến nay nhiều người có HIV vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
Tại một số trường học ở phía Nam, tình trạng trẻ em nhiễm HIV không được nhận vào học vẫn diễn ra. Đặc biệt, còn rất nhiều người nhiễm HIV không dám công khai danh tính để tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết...
- “Giờ, mỗi khi đi xin học cho các con, tôi đều không dám ghi rõ về tình trạng sức khỏe của chúng. Trước đó, tôi cũng kê khai rõ ràng lắm nhưng rồi cô hiệu trưởng gọi tôi đến trường, “động viên” tôi cho cháu bé nhiễm HIV của trung tâm nghỉ học vì sợ phụ huynh khác biết sẽ bài xích trường”, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, cho biết.
Bà Phố, giám sát viên chương trình "Tiếp cận cộng đồng phòng chống HIV/AIDS" thuộc dự án LIFE-GAP tỉnh Bình Thuận truyền thông cho bệnh nhân AIDS tuân thủ phác đồ điều trị. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
|
Rất bất bình vì ngay một cô giáo hiệu trưởng của một trường công lập cũng phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV, bà Đài đã phải dọa kiện nhà trường và yêu cầu sự can thiệp của Trung tâm y tế tỉnh thì cháu bé nhiễm HIV nọ mới tiếp tục được đến lớp. “Tôi biết cô giáo chủ nhiệm vẫn phải giấu thông tin về cháu bé bị nhiễm HIV.
Nếu biết, hẳn những phụ huynh khác cũng sợ vì e trẻ con nghịch ngợm rồi lây bệnh sang nhau... Nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị chính là do người dân thiếu hiểu biết về HIV”, bà Đài khẳng định.
BS Bùi Văn Doanh, Trưởng khoa Điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng thừa nhận rằng: “Bởi sự kỳ thị trong cộng đồng còn rất nặng nề, nên nhiều người nhiễm HIV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngại không dám tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tới nay, tại Vũng Tàu cũng chưa có một người nhiễm HIV nào công khai danh tính.
Việc thành lập các câu lạc bộ dành cho người nhiễm HIV đã được tính đến nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì số người tham gia rất ít và thiếu kinh phí...”.
Trong quá trình quản lý, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, một số bệnh nhân đã chia sẻ với BS Doanh rằng họ cũng có nhiều bạn nhiễm HIV muốn được điều trị, muốn được mọi người chia sẻ nhưng sợ bị kỳ thị nên không dám đến các cơ sở y tế. Hoạt động chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV sẽ đạt hiệu quả cao nếu họ được tư vấn, chăm sóc ở cả phòng khám lẫn cộng đồng.
Tại phòng khám, bệnh nhân sẽ nhận được tư vấn, nhận thuốc ARV - loại thuốc giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể (nếu đủ điều kiện). Khi về cộng đồng, họ sẽ tiếp tục được nhân viên y tế tại đây tư vấn, nhắc nhở tái khám... “Nhưng hiện tại, chúng tôi chỉ có thể làm tốt việc tư vấn và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV ở phòng khám.
Nguyên nhân chính là người nhiễm HIV vẫn rất sợ thái độ khinh rẻ của cộng đồng. Họ chỉ đồng ý khai điều trị với điều kiện là bác sĩ không được thông báo các thông tin đó cho cán bộ y tế địa phương”, BS Doanh cho biết.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng "ngại" lộ diện
Tại tỉnh Bình Thuận, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cũng diễn ra tương tự. Tại đây, cũng chưa có một câu lạc bộ nào dành cho người nhiễm HIV.
Ngay một số nhân viên tiếp cận cộng đồng (những người làm công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm đối tượng nguy cơ cao như người tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm), cũng không chịu lộ diện, yêu cầu phóng viên không chụp ảnh, ghi hình và không ghi rõ họ tên.
Theo một thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm của TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nhìn chung không có tỉnh phía Nam nào mà người nhiễm HIV vượt qua được sự kỳ thị, tự công khai danh tính để tiếp cận với các dịch vụ điều trị HIV (trừ TP Hồ Chí Minh). Và tỉnh Bình Thuận cũng không ngoại lệ.
Đối với bệnh nhân đến nhận thuốc ARV, cán bộ y tế phải thông báo xuống tuyến dưới là không hoặc hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân. Thực tế, đã có trường hợp không lâu sau khi các đoàn thể tới thăm, gia đình bệnh nhân HIV phải chuyển chỗ ở do sự khinh miệt của những người xung quanh.
Đến ngày 30/10/2010, lũy tích số nhiễm HIV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 4.174 trường hợp; trong đó số chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.713, chết do AIDS là 1.074 trường hợp. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là người nghiện chích ma túy với 47,55%. Đặc biệt, HIV cũng được phát hiện ở những nhóm người được xem là “ít có hành vi nguy cơ” như thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự (1,3%), người tham gia hiến máu (0,42%) và thai phụ (1,47%)...
|
Theo lời kể của người cán bộ này, cán bộ y tế có thể biết tại TP Phan Thiết đã có 114 người tử vong vì AIDS nhưng ngay chính những người thân trong gia đình những người đã tử vong này cũng ít hay biết.
Những người nhiễm HIV đến nhận thuốc ARV thì chỉ đồng ý tiếp xúc với bác sĩ, không đồng ý tư vấn nhóm do sợ lộ danh tính. Một số bệnh nhân thì không dám điều trị tại địa phương mà vào tận các cơ sở y tế TP Hồ Chí Minh để điều trị. Thế nhưng, ai dám chắc với chặng đường dài hơn 200 km từ Bình Thuận - TP Hồ Chí Minh, mọi bệnh nhân nhiễm HIV đều tuân thủ đúng phác đồ điều trị?
Rõ ràng, sự kỳ thị đã cản trở người nhiễm HIV/AIDS bộc lộ danh tính và ngăn cản họ tiếp cận với sự chăm sóc, hỗ trợ của các cơ sở y tế cũng như cộng đồng.
Thực trạng này là một điều rất đáng lo ngại, nhất là đối với các tỉnh có nhiều khách du lịch như Vũng Tàu, Bình Thuận. Bởi lẽ, nhiều gái mại dâm tại đây cho biết việc dùng bao cao su hay không phụ thuộc vào khách hàng hoặc sự tin tưởng đối với bạn tình của họ. Ngoài ra, vì mưu sinh và cả vì trả thù... nên nhiều gái mại dâm đã giấu nhẹm về tình trạng bệnh tật của mình.
Vậy nên, việc tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền có lẽ là “vắcxin” hữu hiệu nhất hiện nay để xóa bỏ sự kỳ thị nêu trên. Chỉ khi nào sự kỳ thị được xóa bỏ, người dân có thái độ bao dung hơn thì người nhiễm HIV mới dám bộc lộ danh tính, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Có như vậy, mới góp phần chặn đứt được đường lây của dịch HIV/AIDS ra cộng đồng.
Phương Liên
http://baotintuc.vn/129n20101229095348606t129/vi-sao-dich-hiv-lay-lan-ra-cong-dong.htm
|
|
|
|
 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Đường đến trường của trẻ có HIV
|
Trẻ có HIV mong muốn được đi học như bao bạn đồng trang lứa khác - Ảnh: Nguyên Mi
|
(TNO) Trở lại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân (trước là Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vào một ngày cuối năm 2010, tôi bắt gặp những cô bé, cậu bé tuổi 13, 14 đạp xe đạp đi học về.
Đây là số ít trong những em nhiễm HIV có được niềm vui đến trường học bình thường như bao bạn đồng lứa không bệnh khác.
Đến trường vẫn là niềm mơ ước của các trẻ nhỏ tại nhiều trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có HIV.
Niềm vui đi học
Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân (sau đây gọi tắt là Trung tâm Linh Xuân) hiện đang nuôi dưỡng 118 trẻ em có HIV từ sơ sinh đến 14 tuổi.
Đây là lần thứ hai tôi đến Trung tâm Linh Xuân. Sau hai năm, tôi nhận ra H.D., P.D., N.T.M. nay đã ra dáng thiếu niên, thiếu nữ tuổi 13, 14. Bất giác, tôi nhớ đến câu nói của cô Tâm (một cô giáo của trung tâm) cách đây hai năm: “Các em đón thêm được sinh nhật tuổi nào là các cô mừng thêm tuổi đó…”.
Hiện nay, H.D., P.D., N.T.M. là những em lớn nhất tại Trung tâm Linh Xuân này.
Lứa của các em đã bước qua tuổi 14. Tức đã 14 năm qua, các em sống và vượt qua căn bệnh HIV đang mang trong người. Không như tuổi nhỏ, khi các em lớn lên, các cô còn nhiều điều để lo hơn. Mà điều cơ bản nhất là đảm bảo việc học hành, cho các em được đến trường, cho các em một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Khác với cái vẻ trầm trầm, ít nói mà tôi gặp H.D. cách đây hai năm, em giờ hoạt bát, lanh lợi và trò chuyện luyến thoắn, tự nhiên hẳn. Học chương trình tiểu học ngay trong trung tâm, đến lớp 6, H.D. và các bạn mới được các cô quyết định xin ra trường ngoài học. H.D. kể lại kỷ niệm của mình ngày đi học đầu tiên: “Khi mới đi học em lạ lắm! Nghe reng chuông giờ ra chơi mà cứ tưởng ra về. Thế là xách cặp ra về luôn. Bạn bè cười quá trời”.
P.D. trầm lặng hơn kể: “Lúc đầu cũng ngại ngại và không quen. Tụi em không chơi với ai nhiều. Nhưng giờ hầu như bình thường lắm. Mấy bạn chẳng có phân biệt gì cả”.
Cả H.D., P.D. đều đang học lớp 8. Trung tâm Linh Xuân hiện có 20 em đang đi học tại các trường trên địa bàn Q.Thủ Đức. Trong đó, có 9 em học trung học cơ sở, 11 em học tiểu học.
Cô Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Linh Xuân, cho biết cô muốn đưa các em đến trường học bình thường để hòa nhập cộng đồng, tiếp cận với chương trình giáo dục chung.
“Lúc đầu vận động đi học cũng khó khăn lắm. Trung tâm phải chuẩn bị tâm lý để nhà trường an tâm và lường hết các biện pháp bảo đảm an toàn cho các bé và bạn bè trong trường”, cô Tiên tâm sự.
Các cô cũng lường trước những câu hỏi mà H.D. và các em có thể gặp phải như: nhà ở đâu, bố mẹ làm gì,…
“Lúc đó, tôi dặn các em trả lời một cách chung chung là ba mẹ làm cán bộ công nhân viên nhà nước, nhà ở Q.Thủ Đức này. Và lỡ nếu có bạn bắt gặp đi vào trung tâm thì nói tại mẹ làm ở đây”, cô Tiên kể. Mặt khác, các em được trang bị và nhắc nhở kỹ lưỡng về sinh hoạt của mình, cách xử trí khi có tai nạn trầy xước hay té ngã…
Thế nhưng, đến nay, H.D., P.D., N.T.M. và các bạn nhỏ ở Trung tâm Linh Xuân đã quen với trường lớp, bạn bè, tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt của trường giống như các bạn đồng trang lứa.
Đặc biệt hơn, giờ đây, có những ngày, cánh cửa Trung tâm Linh Xuân đã hân hoan đón chào chính các bạn trong lớp của H.D., P.D., N.T.M.,… đến “nhà” của H.D. để tập văn nghệ, tập múa trong những đợt chuẩn bị cho hội thi của trường.
Trẻ có HIV vẫn bị kỳ thị khi đến trường
Tuy nhiên, đến giờ, những trường hợp hạnh phúc như H.D., P.D.,… vẫn chỉ là số ít. Trẻ có HIV vẫn bị kỳ thị khi đến trường. Đó là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Điều phối hoạt động phòng chống HIV/AIDS do Ủy ban Phòng chống (UBPC) AIDS TP.HCM và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM tổ chức sáng 22.12 tại TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết: Trên địa bàn TP.HCM hiện có 4.121 trẻ em có HIV. Trong đó, có 1.876 em đang được điều trị ARV. Riêng 6 tháng đầu năm 2010 đã phát hiện thêm 312 em có HIV. Thế nhưng, khoảng 2/3 số trẻ đó không được đến trường bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV trong cộng đồng.
Nhiều sự việc kỳ thị đối với trẻ có HIV đã được bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Phó Chánh văn phòng UBPC AIDS TP.HCM dẫn chứng.
Trong năm 2009, 15 em ở Trung tâm Mai Hòa (mái ấm từ thiện dành cho những người có HIV giai đoạn cuối và những trẻ có HIV) được đưa đến trường Tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi) nhập học. Thế nhưng, các em đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đông đảo phụ huynh học sinh (PHHS) của trường. Trước phản ứng gay gắt đó, cô trò Trung tâm Mai Hòa phải trở về trong nước mắt.
Cũng trong năm 2009, một trường mẫu giáo của Q.11 cũng gặp phải trường hợp kỳ thị tương tự. Hiệu trưởng không nhận trẻ vào học khi biết trẻ có HIV.
Năm 2010, tại huyện Nhà Bè, phụ huynh học sinh một trường tiểu học đã phản ứng dữ dội khi biết có trẻ có HIV học trong trường. Các phụ huynh xin rút đơn để chuyển trường cho con.
“Ước mơ được đến trường của trẻ có HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi mà phải gánh chịu hậu quả do bố mẹ truyền sang. Vì vậy, các em rất cần sự chia sẻ, cần những bàn tay nâng đỡ của cộng đồng”, bác sĩ Vân nêu ý kiến.
Theo thông tin của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, số trẻ có HIV trong cả nước dự báo đến năm 2012 sẽ vào khoảng 6.500 em.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: Trẻ em có HIV hiện nay được điều trị bằng thuốc ARV, qua xét nghiệm không tìm thấy virus HIV trong máu. Bởi vậy sự lây nhiễm là hoàn toàn rất khó xảy ra. Hơn nữa, hiện nay ngành y tế, giáo dục luôn có đủ các biện pháp để đảm bảo cho trẻ không bị lây nhiễm bệnh ở trường, nhất là HIV.
“Để giúp trẻ có HIV có cơ hội tiếp tục học tập hòa nhập, phụ huynh học sinh và cộng đồng cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách để không có sự kỳ thị với trẻ nhiễm bệnh”, bác sĩ An nói về con đường đến trường của trẻ nhiễm HIV.
Nguyên Mi
|
|
|
|
Di chuyển
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.
|