Chủ quan
Là thái độ không lường trước được sự việc, cả nội dung lẫn bản chất
của một vấn đề nào đó nên cứ vô tư. Hoặc thậm chí đã biết, được cảnh báo
về mức độ nguy hiểm của vấn đề nhưng ỷ lại vào sức mình, vào ai đó nên
vô tư, xem thường.
Lạc quan
Là thái độ của người có trí, có niềm tin và biết chấp nhận (khi đã
làm hết mình) về một vấn đề nào đó. Dẫu đó là sự việc mà với nhiều người
là “kinh thiên động địa” thì với họ nó vẫn có hướng đi nào đó, nhờ biết
tư duy tích cực. Hành giả lạc quan là người có khả năng nhận diện được
sự thật theo quy luật nhân quan, và không ứng phó với sự sự việc việc có
thể xảy ra với mình bằng cách lẫn trốn, sợ hãi hay phá bỏ mà tìm cách
khắc phục, quay về với niệm thiện, xin lỗi với những nhân xấu đã gieo
tạo!
Con đường của hạnh phúc
Hai biểu hiện trên (hay tạm hiểu như là định nghĩa một cách nôm na)
về trạng thái (hay là cách ứng xử) của con người với vạn vật, vạn việc
của cuộc sống tuy về nội dung thì có vẻ giống nhau. Nó đều dẫn đến hình
tướng vô tư của con người trước những biến cố, sự việc, bất trắc. Tuy
nhiên, có thể thấy, chủ quan là thái độ của người không có sự sáng suốt
hoặc không có định vị chính xác về những chuyện có thể xảy ra (do nhân
quả đến lúc biểu hiện hoặc do mình sắp xếp thực hiện). Ví dụ như khi
mình định làm một việc nào đó nhưng lại thiếu chuẩn bị nên công việc có
nhiều nguy cơ thất bại, song mình vẫn vô tư. Niềm tin lúc này thiếu cơ
sở nên khi thất bại mình sẽ rất chông chênh, dễ đổ vỡ. Hoặc, khi mình
đặt niềm tin sai chỗ, lầm người (do mình chưa đủ khả năng để nhìn người)
nên mình không lường trước sự trở mặt. Do vậy, khi người ta quay lại
“cắn” sau lưng mình, hành xử tệ hại với mình thì mới “hỡi ơi” muộn màng,
dù trước đó họ từng là thân tín, là người mình trút cạn bầu tâm sự,
tiết lộ nhiều bí mật quan trọng của cá nhân, tập thể…
Còn lạc quan, chính là thái độ của người biết chấp nhận (chấp nhận ở
đây không có nghĩa là cam chịu, mà là một sự đón nhận theo kiểu “tái ông
mất ngựa”). Cuộc sống là vòng tròn vay trả, khi nào ta nhận diện được
điều ấy và quyết tâm trả hết, không vay nữa thì mình sẽ lạc quan, thảnh
thơi đi tới. Con đường có thể có đầy những chông gai, đau khổ, nhưng
người ta biết rằng đó là “cái bẫy” mà mình đã “gài” (cho chính mình)
trước đó thì hà cớ chi không lạc quan?
Khi mình biết, con đường mình đi, đích đến thì dẫu có gió giông thế
nào mình cũng không sợ hãi, năng lượng vô uý trong mình lúc đó chính là
cái gốc của sự lạc quan. Tất nhiên, con đường và đích ấy phải là con
đường sáng, đích tốt đẹp, như là con đường từ bi, đích giác ngộ giải
thoát. Tôi gọi đó là con đường hạnh phúc, con đường của tình thương và
sự hiểu biết.
Rõ ràng, khi mình biết như thật vạn sự-việc, theo lý nhân quả thì
mình sẽ đi trúng con đường, sẽ không dính mắc. Để có được điều đó, theo
một vị thầy khả kính từng dạy rằng mỗi người hãy phát một lời nguyện căn
bản với nội dung: “Con nguyện, dù sinh ra nơi nào cũng gặp được con
đường sáng, nhớ được đích cao thượng mà đi, mà tới”. Và đương nhiên,
đích mà ta nói tới ở đây chính là đích đến của quả vị giải thoát, của
hạnh phúc miên viễn, của thế giới và tâm không phiền não!
Chúng ta đôi khi đã lãng quên hoặc chủ quan nên cứ thế trượt dài
trong những mê cung của khổ đau-oán thán! Và chúng ta chưa nhìn nhận
đúng bản chất của hai trạng thái sống nơi mình nên đôi khi chúng ta lầm
giữa sự lạc quan và chủ quan. Trong cuộc sống này, có rất nhiều lúc ta
lầm như thế, bởi vì ta chỉ thấy nội dung, thấy hình tướng mà chưa thấy
được bản chất, cái vô tướng và cả duyên khởi trùng trùng mà mình là tác
giả của nó trong nhiều đời, nhiều kiếp.