Bởi hàng ngày, trên thế giới vẫn còn nhiều trẻ em ở lứa tuổi Nancy mắc vào căn bệnh vô phương cứu chữa này. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 10-12 triệu người trên thế giới đang mang trong mình căn bệnh HIV-AIDS thì có tới 30% ở lứa tuổi vị thành niên.
|
Bìa cuốn sách xuất bản tại Mỹ |
Để thêm một lời cảnh báo với lớp trẻ (và không chỉ lớp trẻ), nhật ký của một thiếu nữ tuổi 14 chết vì HIV-AIDS đã được giới thiệu rộng rãi với bạn đọc nhiều nước trên thế giới. Bản dịch tiếng Việt "Nhật ký Nancy" vừa được NXB Trẻ ấn hành nhân dịp khai giảng năm học mới.
Khởi đầu "Nhật ký Nancy" là tâm trạng bồn chồn, hồi hộp, mừng vui của cô bé 14 tuổi lần đầu tiên trong đời được đi xem biểu diễn ca nhạc. Mấy kẻ quấy rối đã bất ngờ phá ngang buổi biểu diễn. Trong cơn hoảng loạn, lạc mất bạn bè, người thân, cô bé được một chàng trai đẹp mã, lịch lãm đứng ra che chở, dỗ dành, như trong chuyện cổ tích. Trái tim thiếu nữ của Nancy đã ngân lên những cảm xúc đẹp đầu đời.
Và cô đã ước mơ chàng trai ấy sẽ có mặt trong suốt cuộc đời tương lai của mình. Nancy có hoàn cảnh gia đình giống như nhiều gia đình hiện đại khác ở các nước phương Tây, bố mẹ ly thân, cô sống cùng với mẹ. Nhưng mẹ cô suốt ngày lo công việc làm ăn và thường để con gái ở nhà một mình. Sau những lần gặp gỡ, làm thân, chàng trai lịch lãm, tinh tế ấy được Nancy mời đến nhà trong lúc mẹ của Nancy đi vắng.
Nào ngờ, con thú đã hiện nguyên hình. Nancy bị cưỡng hiếp. Sau buổi đó, mặc cô bé với nỗi lo lắng, kinh hoàng, kẻ thủ ác tìm đường lẩn trốn. Trước cơn chấn động đầu đời, vốn là một cô bé có ý chí, nghị lực, dám đương đầu với sự thật, mặc dù thể lực vốn không được khoẻ vì bệnh hen suyễn, Nancy vẫn tìm cách hoà nhập với bạn bè và tiếp tục việc học.
Nhưng Nancy không thể tiếp tục đến lớp học bình thường vì sức khoẻ giảm sút nhanh chóng. Chỉ khi đó, người mẹ mê mải kiếm tiền mới phát hiện ra tình trạng của con: Kẻ lưu manh đã không chỉ cướp đi sự trinh trắng của Nancy mà còn gieo cho em căn bệnh thế kỷ.
Rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, cô bé 14 tuổi đã dũng cảm chống chọi với bệnh tật bằng cách tìm hiểu và sử dụng các phương thuốc để bảo vệ cuộc sống mà em nhận thấy rằng "rất đáng yêu". Trong những ngày chiến đấu với bệnh tật, Nancy xem nhật ký như một người bạn thân thiết để giãi bày tâm trạng của mình.
Ngôn ngữ của cuốn sách tất nhiên là ngôn ngữ của một em gái vị thành niên. Dù vậy, trong từng trang nhật ký, ngoài những rung động ngây thơ, trong sáng của Nancy trước cuộc đời, còn là những suy nghĩ nghiêm túc, bộc lộ một tâm hồn thánh thiện của người viết.
Nancy không cố ý làm văn. Nhưng do thường xuyên quan sát và thể hiện trung thực những gì mình đã trải nghiệm với người bạn thân là cuốn nhật ký, Nancy phát hiện ra rằng cô có thể trở thành một nhà văn.
Nhưng, tất cả đã muộn mất rồi! Không có phương thuốc nào chữa khỏi bệnh cho Nancy. Một thông điệp thật đau xót. Với căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS, cho tới giờ phút này, mọi nỗ lực của người lớn vẫn chưa thể bảo vệ được các em. Chính các em phải học cách để tự bảo vệ mình. Sau một giấc ngủ vùi, cô bé Nancy có tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ của thiên thần, đã phải giã biệt cuộc sống mà em rất yêu.
Có một điều cần nói thêm ở đây, rằng dịch giả cuốn sách cảnh báo cho lớp trẻ này là một người mù. Ông là Trần Hữu Kham, vốn là một sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn những năm chống Mỹ, từng bị đày ở nhà tù Côn Đảo và bị kẻ thù tra tấn hỏng đôi mắt.
Không đầu hàng số phận, Trần Hữu Kham đã học ngoại ngữ không ngừng, với sự giúp đỡ của bạn bè, người thân. Ông đã dich hàng chục cuốn sách, chủ yếu là chuyện cổ tích thế giới cho trẻ em nước ta. Và khi dịch "Nhật ký Nancy", ông muốn gửi đến độc giả một thông điệp rằng, hãy bảo vệ trẻ em của chúng ta khỏi những nguy hiểm của đời sống hiện đại.
"Nhật ký Nancy", bằng câu chuyện cuộc đời cụ thể của một nữ sinh 14 tuổi chết vì HIV-AIDS là lời nhắc nhở các em học sinh tuổi vị thành niên và các bậc phụ huynh hãy luôn gìn giữ trang sách đẹp cho cuộc đời của thế hệ tương lai. Với một lời đề tặng rất ý nghĩa ở đầu cuốn sách, "dành cho tất cả các bạn trẻ nghĩ rằng bệnh HIV-AIDS không đến với mình".