Bài giải Nhì trong cuộc thi viết về quyền
trẻ em của em Nguyễn Lê Hà Nguyên (Lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Trãi,
Thanh Xuân, Hà Nội)
Trong một
dịp mẹ tôi đi công tác, tôi đã được theo chân mẹ đến thăm gia đình chú
Thiên. Vượt qua một cánh đồng lúa xanh non, tôi bước chân vào một căn
nhà nhỏ, thấp và lụp xụp, đằng sau là cả một bãi ngô tươi tốt.
Mẹ tôi chính là người sẽ hỗ trợ cho gia đình này. Họ có hai người con
và thật tội nghiệp là mẹ của hai em đã ra đi mãi mãi. Bát hương là
một hộp sữa cắm một ít hương đang cháy. Người bố phải một mình gà
trống nuôi con. Trông người đàn ông ấy thật xanh xao, tiều tụy. Cô con
gái đầu kém tôi hai tuổi mà không được đi học, phải ở nhà trông em,
giúp bố. Nhìn sâu vào trong đôi mắt kia tôi tìm thấy những tia sáng
khao khát – được một lần đến trường.
Bảo vệ trẻ em khỏi những kẻ xấu là thể hiện tình yêu thương thiết thực nhất. Ảnh minh họa.
Còn cô em út mới 3 tuổi, tên là Thoa bằng tuổi nhỏ em tôi bây giờ
nhưng bé xíu. Bé cũng bị nhiễm HIV giống bố mẹ. Trông bé rất tiều tụy,
mệt mỏi, chỉ có thể nằm được một chỗ. Có vết loét sâu và dài ở chân
của bé. Tội nghiệp! Chắc chắn em đau lắm. Khi thấy đồ chơi mà mẹ tôi
mua cho, hai mắt bé sáng rực, bé nở một nụ cười như muốn nói lời cảm
ơn.
Tôi thầm nghĩ bụng: Tôi và nhỏ em của tôi thật là sung sướng làm sao!
Cô em tôi thì có hẳn hoi cả một căn phòng to đùng chất đầy đồ chơi,
lúc nào cũng quần áo, cặp sách mới, vui vẻ, hớn hở mỗi ngày đi học.
Tôi thì gọi là cái gì cũng có, cả một tầng ba to đùng, rộng lớn chỉ
dành cho riêng mình tôi. Vậy mà hai em nhỏ kia lại không có được những
thứ vật chất cần thiết cho cuộc sống. Các em cũng không được đến
trường, đi học như các em nhỏ khác. Không có trường mầm non nào dám
nhận bé vào học cả sau khi biết bé là người bị nhiễm HIV.
Mọi người trong xóm cũng kỳ thị với họ. Tôi và mẹ tôi đi ra ngoài để
mua bim bim cho hai em thì nghe tiếng mọi người trong xóm thì thầm với
nhau. Một bác nói: “Cái gia đình nhiễm HIV đấy thì chết quách đi có
khi đỡ khổ hơn, đằng nào cũng có sống được bao lâu nữa !”. Những người
khác cũng đồng tình: “Đúng đấy! Cứ sống mãi khổ quá mà có khi lại lây
qua cho người khác.”. Thì ra bao lâu nay họ kỳ thì với gia đình này
chỉ vì họ vẫn chưa thực sự hiểu được HIV là một căn bệnh như thế nào.
Họ tưởng là sẽ lây qua dễ dàng như bắt tay hay nói chuyện? Họ không
hiểu những người nhiễm HIV cũng là con người như chúng ta, họ cũng có
quyền được sống và làm việc.
Nhưng tội nghiệp nhất là những trẻ em bị nhiễm căn bệnh quái ác này.
Liệu những con người độc mồm, độc miệng kia có biết được rằng đằng sau
ánh mắt ngây thơ, non nớt kia là những trái tim vô cùng mỏng manh
khao khát được sống, được yêu thương và cắp sách tới trường. Tôi thầm
kêu tại sao trẻ em nhiễm HIV lại khổ vậy, bị xa lánh, ghét bỏ. Kể cả có
thể đến trường như các bạn khác thì các em vẫn bị các bạn khác hắt
hủi, không chơi cùng.
Tôi đã được học và hiểu rằng trẻ em là tương lai của mỗi dân tộc và
của toàn nhân loại. Các bé bị nhiễm HIV vẫn có quyền được đi học, được
chăm sóc, yêu thương, có quyền được bảo vệ, có quyền được bày tỏ ý
kiến, nguyện vọng của bản thân. Các em vẫn có thể cố gắng học tập, trở
thành một con người chân chính và góp phần xây dựng cộng đồng và xã
hội.
Điều này thật khó khăn khi bản thân tôi lại chứng kiến thêm một bé
gái nữa ở hoàn cảnh rất đáng thương. Cô Hường thường xuyên qua lại văn
phòng mẹ tôi là một người đã chịu biết bao gian nan, khổ cực. Cô chưa
đến 30 nhưng trông già và tiều tụy quá!. Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu
tiên tôi gặp cô. Dáng cô thấp và gầy. Khuôn mặt cô xanh xao, tái nhợt.
Mẹ tôi đã tâm sự với tôi về câu chuyện của cô ấy. Chồng của cô ấy bị
nhiễm HIV khá nặng. Sáng sớm nào cô cũng phải dậy thật sớm, mang rau
sang bán ở các xóm khác vì ở đây, mọi người đều biết gia đình cô nhiễm
HIV nên không mua rau cho. Bé Tâm, tên gọi ở nhà là Lợn phải ở nhà
chăm sóc cho bố. Nghe chuyện một em bé mới đầy 3 tuổi đã chăm sóc cho
bố có vẻ khó tin nhưng đó lại là sự thật. Cái nồi cơm ở nhà bé còn to
hơn cả người bé ý chứ! Một bé gái 3 tuổi tự xúc cơm cho bố ăn, chăm
sóc cho bố những lúc mẹ vắng nhà. Cả nhà bé chỉ ăn cơm với nước mắm mà
thôi. Thường thì nhà bé hay ăn nước mắm Nam Ngư. Hôm đó cả mẹ và bé
Lợn cùng lên Hà Nội và đến nhà tôi. Mẹ tôi có mua cho bé một ít đồ.
Dường như bé chẳng để ý đến mấy hộp sữa mà chỉ để ý đến chai nước mắm
Nam Ngư để trong chiếc túi nilon kia. Bé reo lên: “Mẹ ơi! Nước mắm!”.
Mẹ bé Lợn đã xin cho bé đi học ở nhiều nơi nhưng cũng chỉ nhận được ánh
nhìn ái ngại và những lời từ chối thẳng thừng của trường mầm non. Bé
buồn lắm! Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà vì ra ngoài thì các bé
khác cũng không chơi cùng và bố mẹ của các bé khác không cho chơi với
bé vì sợ bị nhiễm HIV.
Ở đâu cũng giống nhau, cũng đều hiểu lầm về căn bệnh này thì phải.
Trong lòng tôi nhói đau và cảm thấy thật tội nghiệp cho các em. Dường
như những lớp học dạy người ta về cách không phân biệt đối xử với
những người nhiễm HIV hay những chương trình tuyên truyền về HIV/AIDS
và cách lây truyền có vẻ chưa thực sự hiệu quả. Mọi người vẫn nghĩ đây
là một căn bệnh quái ác và xa lánh những người nhiễm HIV. Tội nghiệp
và đáng thương hơn cả vẫn là các em nhỏ không được đến trường và học
tập. Tại sao lại bất công đến thế?
Nếu tôi có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt nam
tôi muốn mọi trẻ em đều được chăm sóc, yêu thương và cắp sách đến
trường, cả các em bé nhiễm HIV nữa để cùng chắp cách cho những ước mơ
mai sau của trẻ em Việt Nam. Bản thân tôi sẽ cố gắng trước hết xin
phép cùng mẹ đi thăm, dành nhiều thời gian chơi đồ chơi, vẽ và đọc
truyện để động viên các em. Sau nữa, tôi có thể tiết kiệm số tiền tiêu
vặt của mình để mua bút vẽ, sách vở cho các em. Tôi sẽ chia sẻ những
suy nghĩ và cảm nghĩ của mình về trẻ em với HIV với nhóm bạn thân. Tôi
sẽ xin phép cô trao đổi, thảo luận trong giờ sinh hoạt cuối tuần ở
lớp và thứ hai đầu tuần với toàn trường. Tôi mong rằng mọi người hiểu,
cảm thông, đừng kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV để các
em được yêu thương chăm sóc như bao trẻ em Việt Nam khác.
Cám ơn các bác, các cô, các chú đã đọc bài của cháu.
Nguyễn Lê Hà Nguyên (Lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)
Bài giải Nhì trong cuộc thi viết về quyền trẻ em