Làm nghệ thuật với ma túy và AIDS
TP - Phạm Hoài Thanh chụp hàng nghìn bức ảnh về những con người trót lầm đường lạc lối. Anh bật mí về cuộc sống và nghề nghiệp với ma túy và HIV-AIDS.
 |
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng. |
Tính tôi cũng hơi hâm
Hồi cuối tháng 6 vừa qua, anh có “Đối mặt với ma túy” - triển lãm ảnh chính thức đầu tiên về cuộc sống của người sử dụng ma túy tại Việt Nam. Anh đến với đề tài này như thế nào?
Tôi bắt đầu công việc với vấn đề HIV cách đây 9 năm. Lúc đó, thông tin về HIV còn mù mờ lắm, cứ nghe đến HIV là người ta sợ hết cả hồn. Dạo đó tôi thường nhận được đơn đặt hàng thiết kế tài liệu về HIV nên có cơ hội cập nhật kiến thức về căn bệnh này. Sẵn còn dính tí máu của mấy năm lưu lạc làm nghề báo nên tôi nhận ra điểm yếu của hoạt động truyền thông lúc đó là thiếu bằng chứng người thực việc thực để chứng minh rằng người có AIDS là những người bình thường.
Tính tôi cũng hơi hâm nên dù chỉ làm thuê lấy tiền nhưng cứ hay chen vào góp ý với khách hàng. Cũng may là các bạn ở Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội không phật ý cho rằng mình dạy đời mà lại rất tán thành. Khoảng một thời gian sau thì chúng tôi nhận được sự đồng ý của bạn Phạm Thị Huệ, người mà sau này được biết đến là Anh hùng châu Á do sự dũng cảm này.
Bộ ảnh “Chuyện của Huệ” ra đời với hiệu ứng rất tích cực. Gần 3 năm sau, là triển lãm “Cuộc Sống Vẫn Tiếp Diễn”. Ba năm sau tôi lại thực hiện tiếp triển lãm “Cuộc Sống Vẫn Tiếp Diễn II” với các nhân vật cũ để khẳng định rằng bệnh nhân HIV có thể có cuộc sống lâu dài và thăng trầm cùng cả xã hội như những người bình thường.
Chắc chắn không dễ khi thuyết phục họ có mặt trong triển lãm?
Tôi đi khắp mọi nơi, từ Hải Phòng lên Bắc Cạn, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La rồi vào TP Hồ Chí Minh, xuống Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang… Muốn tiết kiệm thời gian và chi phí, tôi thường đi thành “từng cụm” ở một nơi, tìm kiếm nhân vật và dành thời gian lắng nghe họ trò chuyện. Thoắt một cái hết một năm.
Với những người bình thường mà quấy rầy họ một ngày thì cũng là phiền lắm, đây lại là những người có quá khứ đen tối, thậm chí có người vẫn đang sử dụng ma túy thì khó khăn thêm rất nhiều. Rất nhiều người khi tôi tìm đến họ từ chối rất quyết liệt. Nhưng cũng may là tôi đã tìm được những người mong muốn được góp phần vào công cuộc phòng chống ma túy bằng những gì họ có thể.
Anh từng có hai cuộc triển lãm trước đây “Cuộc sống vẫn tiếp diễn I và II” về những người bị nhiễm HIV. Nếu để so sánh các cuộc triển lãm với những đề tài khác nhau qua các thời kỳ khác nhau của cuộc sống, anh cảm thấy chụp khoảnh khắc nào khó hơn và đề tài nào gợi cho anh nhiều cảm xúc hơn?
So sánh thì thật khó. Tôi nhận thấy qua thời gian thì tôi tiệm cận gần hơn với những vấn đề của nhân vật. Thực ra quá trình tìm hiểu và diễn đạt các câu chuyện cũng là một quá trình tự thay đổi nhận thức về các giá trị và cảm nhận về con người.
Tôi chỉ luôn hướng tới hoàn thành nhiệm vụ của mình nên không nhớ được lúc nào khó lúc nào dễ hay cú bấm này khó hơn cú bấm kia. Có lẽ điều tôi cảm thấy khó khăn là khoảng cách để diễn đạt được sự phong phú và đa dạng của cuộc sống luôn còn ở quá xa.
 |
Phạm Hoài Thanh. |
Không nổi tiếng bằng chuyện khác người
Có nhiều nhà nhiếp ảnh lựa chọn một đề tài dễ tiếp cận hơn chẳng hạn như chụp phong cảnh, chụp người đẹp… Anh chọn một đề tài khó như thế để có thể nổi bật?
Tôi phải khoe rằng kỹ thuật nhiếp ảnh không phải xa lạ với tôi. Tôi cũng từng và đang chụp rất nhiều đề tài để kiếm tiền. Cũng phải khẳng định đây không phải là đề tài khó, đứng về kỹ thuật nhiếp ảnh. Đề tài này cho tôi cảm thấy mình làm việc có ích một cách rõ ràng và cụ thể hơn là các sáng tác nghệ thuật.
Còn về ý muốn nổi bật? Thực sự, để kiếm tiền thì có lẽ thiểu năng trí tuệ mới chọn công việc này. Để nổi tiếng thì chỉ cần làm vài chuyện khác người, gây vài vụ scandal sẽ thành công nhanh lắm. Có lẽ tôi giống một cậu bé học cách làm điều tốt để biết yêu cuộc sống.
Anh có thể kể vài câu chuyện anh đã gặp phải với những người được coi là “dưới đáy xã hội”?
Thật kỳ lạ là tôi toàn gặp chuyện vui với các nhân vật vì được họ yêu quý. Tôi vẫn luôn dõi theo các nhân vật của mình và cảm thấy sung sướng vì những thành công của họ. Đa phần họ đã có một cuộc sống bình thường.
Gọi điện thoại, lúc nào cũng thấy Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh đang ở một vùng đất xa xôi nào đó… Anh ghi lại những khoảnh khắc đẹp đáng nhớ của những số phận người nghiện, những kẻ nhiễm căn bệnh thế kỷ, nhiều trong số đó, có thể là những khoảnh khắc đẹp cuối cùng của cuộc đời họ.
|
Có những lần gặp lại mà tôi ngỡ ngàng vì sự đổi khác tuyệt vời trong cuộc sống của họ. Đôi chút có những lúc đáng buồn cho một vài người còn chưa thắng được các vấn đề của bản thân nhưng tôi nghĩ đó là chuyện không thể cầu toàn. Chuyện buồn lại đến từ những người không “dưới đáy xã hội”.
Tôi gặp vô khối sự ngăn cấm thậm chí dọa bắt giữ máy khi chụp những bức ảnh hiền từ theo đúng nghĩa như là phong cảnh, sinh hoạt. Lý do đưa ra đôi lúc thật đơn giản “Anh ở đâu đến đây? Anh chụp ảnh ở địa phương chúng tôi anh phải làm việc qua chính quyền chứ” hoặc “Đây là khu vực nhạy cảm” trong khi không có biển cấm. Cảm giác bị xúc phạm của tôi lúc đó bị chìm đi trong cảm giác xót xa mà bất cứ người làm nghề nào cũng có thể gặp phải.
Thực tình thì ngoài những sự phiền phức “lặt vặt” này, từ trước đến nay, anh đã phải hứng chịu những hệ lụy nào từ việc làm nghề chưa?
Hệ lụy lớn nhất là tôi tiêu quá nhiều thời gian vào việc đi và chụp ảnh, thứ hai là tôi tiêu phần lớn số tiền ít ỏi mà tôi kiếm được vào việc đi và chụp ảnh, thứ ba là tôi càng ngày càng bị nghiện cái công việc kiếm được ít tiền này. So sánh hơi khập khiễng nhưng nó khá giống với vòng quay của những người nghiện ma tuý.
Thậm chí, hồi xưa khi mải đi chụp người nhiễm HIV thì người ta bảo tôi chắc là cũng bị HIV. Giờ chụp người nghiện ma túy thì người ta lại nghi ngờ tôi… nghiện. Sắp tới, tôi đang dự định sắp tới sẽ chuyển sang chụp ảnh nhóm đồng tính. Không khéo, người ta lại bảo mình đồng tính mất. Nhưng tôi quen với những việc này rồi, chẳng ngại nữa và cũng không bao giờ chùn bước.
Anh là con trai cưng của hai nhà nhiếp ảnh nổi tiếng một thời chưa xa Phạm Tuệ - Đan Quế. Họ có những ảnh hưởng nhất định đối với nghề nhiếp ảnh của anh chứ?
Bố mẹ tôi là những người có quan điểm nhiếp ảnh truyền thống. Với một số người thì có thể gọi là bảo thủ. Nhưng cũng may mắn vì tôi được cầm chiếc máy ảnh từ năm 6 tuổi và suốt những năm trẻ tuổi tôi phải dùng nghề ảnh để kiếm tiền ăn học và bố mẹ tôi rèn rũa cho tôi đầy đủ mọi công đoạn và thủ thuật cơ bản của nghề ảnh để tôi kiếm tiền.
Vậy là rốt cục tôi có đủ kỹ năng để không coi kỹ thuật là đỉnh cao nghề nghiệp, không coi sáng tác ảnh nghệ thuật là con đường duy nhất mà một nhà nhiếp ảnh chân chính phải theo đuổi.
Xin cảm ơn anh!
Trải nghiệm cùng người “dưới đáy”
 |
Một trong số các nhân vật của Hoài Thanh. Ảnh: Phạm Hoài Thanh. |
Hoài Thanh say sưa kể về những cảnh ngộ mà anh đã tiếp cận trong suốt quá trình rong ruổi để chụp ảnh. Đó là một cậu bé hát rong chẳng dám ăn dám tiêu gì vì phải để dành tiền mua “thuốc” nhưng vẫn tự hào rằng “cháu không bao giờ ăn cắp nên mọi người cho phép sống lang thang ở bến xe” Niệm Nghĩa, Hải Phòng.
 |
Ảnh. Phạm Hoài Thanh. |
Một anh chàng cựu giáo viên ở Mường Ảng thì cười ha hả khi kể “Em mới cai có vài chục lần”, nhưng anh vẫn thấp thỏm hy vọng vợ con tha thứ và sẽ có lại hạnh phúc gia đình. Một cô diễn viên đánh mất sáu năm tuổi trẻ trong các trung tâm giáo dục lao động xã hội và trại cải tạo cố giành lại những gì đã mất bằng chấp nhận qua bữa bằng những gói mỳ tôm.
Một chàng trai trông ngầu hơn cả diễn viên phim hành động Mỹ chém vào tay để quên cơn thèm ma tuý. Một đại ca có “số má” khóc khi nhìn cảnh một gia đình quây quần bên mâm cơm trong buổi chiều tà ngày anh trở về từ trại cải tạo. Anh ngậm ngùi khi nói: đôi khi họ kể những câu chuyện đau lòng đó với giọng bình thản đến kỳ lạ.
|
Trần Hoàng Thiên Kim