CỔ TÍCH VỀ NGƯỜI NHIỄM HIV.
Xã hội giờ đây nghĩ như thế nào về người bị nhiễm HIV?
Cho tới giờ này thì đa số người vẫn còn kỳ thị, suy nghĩ không mấy thiện cảm dù người bị nhiễm vì nguyên nhân gì đi nữa. Chúng ta dễ nhìn thấy cách nhìn khác nhau của người ở thành thị và nông thôn, người có hiểu biết và người chưa hiểu biết về căn bệnh này. Tôi xin chia sẻ với bạn vài ánh nhìn của dư luận mà tôi đã thấy họ nghĩ về một người bị nhiễm HIV. Người tôi biết đó là một phụ nữ, người ấy sống lương thiện và chăm lao động, chưa từng có sai phạm trong cuộc sống vợ chồng nhưng không hiểu vì sao có một ngày bà ta ngã quỵ vì căn bệnh quái ác và trở thành nạn nhân của bao nhiêu ánh nhìn. Nơi bà ấy sống có đủ thành phần người: kẻ phố chợ, người nông thôn, người trí thức, người ít học, người thân và cả người dưng… Nhìn thấy thực tế xã hội yêu thương, kỳ thị con người tôi rất muốn làm một điều gì đó những mong cuộc sống này đẹp hơn, bớt khắc khe hơn với những mảnh đời phải mang hoàn cảnh nghiệt ngã.
Người đầu tiên trong lòng tôi có thiện cảm là nhân viên y tế. Ông nhiệt tình khuyên người bệnh hãy đi xét nghiệm tự nguyện và hướng dẫn tới trung tâm để được hỗ trợ kịp thời, đúng cách. Cũng chính nhờ ông người bệnh đã phát hiện ra bi kịch của cuộc đời mình, mặt khác ông đã giúp người bệnh giành lại mạng sống của mình đúng lúc, nếu không có ông chắc rằng bà ấy ( tôi gọi bằng cô Bảy) đã chết vì căn bệnh đường ruột và những cơn sốt chữa mãi không khỏi. Ông cũng hiểu miệng đời cai nghiệt lắm nên ông cũng khuyên cô Bảy đừng cho ai biết chuyện của mình ngoài chồng của cô để mà còn bán buôn kiếm sống. Ước gì xã hội này có thêm nhiều người nữa giống như ông và tất nhiên sức ảnh hưởng của họ đủ để bảo vệ những người bị nhiễm sống hoà nhập chứ không phải giữ kín bí mật của mình.
Người thứ hai ( không phải một mà là những người thân như chị em của cô ) tôi vừa thông cảm lại vừa không đồng tình. Họ có cảm giác bỏ thì thương, vương thì “sợ”, khi biết chuyện, họ có người đổ bệnh vì thương em, suy sụp hẳn tinh thần nhưng họ lại có cảm giác ngại ngần như sợ bệnh truyền nhiễm. Chính vì họ còn thiếu hiểu biết, trước giờ nghe truyền thông về căn bệnh này họ cứ tưởng bệnh đó là ở đâu đâu chứ bao giờ lại vướn vào người thân của mình. Giờ họ phải đối mặt với tình huống như vậy họ cảm thấy hụt hẫng, chưa chuẩn bị kịp tâm lý để mà chia sẻ. Mong rằng tình thân sẽ chiến thắng để họ kịp đưa tay ra mà cứu lấy một người đáng thương hơn đáng sợ ( thật sự chẳng có gì phải sợ). Chúng ta đều biết yếu tố tinh thần rất quan trọng, nó sẽ giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ và chiến thắng bệnh tật. Nghĩa là sự dè biểu, lạnh nhạt, khinh rẻ sẽ giết chết người nhiễm nhanh hơn cả vi rut đang tồn tại trong người.
Người thứ ba là những người mang theo những điều đó từ trong từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt nhìn. Tôi nhìn những người đó mà có cảm giác khó thở ( bởi tôi như vừa oán trách, giận hờn vừa như van xin), họ là ai? Họ tò mò hiếu kỳ săm soi đời tư cô Bảy, họ không đến chỗ cô Bảy mua hàng, họ cấm con cháu mình chơi chung với con của cô, thậm chí có người còn bảo khi đi đến chỗ của cô thì đừng bồng trẻ con theo….. và còn nhiều, nhiều nữa những cách nghĩ của người đời.
Tuy nhiên vẫn có một người, tôi không xếp người này vào thứ mấy hết, đây là người cho tôi sự khâm phục, niềm tin và sự kính trọng. Từ người này tôi biết cô Bảy sẽ được bảo vệ, sẽ có tinh thần mà tiếp tục cuộc sống. Đó là một người đàn ông bình thường, giản dị. Người này không có gì nổi bật, ông ta nghèo, làm nghề chạy xe ôm, đó là chồng của cô Bảy – tôi gọi bằng dượng Bảy.
Đến thăm cô Bảy một buổi chiều, không gian bình thường của xóm chợ chiều thôi: bên bờ sông mùa nước nổi lấp ló những khóm lục bình trôi nhẹ, sân chợ không mấy sạch sẽ bởi những gì sót lại của người bán hàng sau khi tan chợ, không khí hơi oi bức bởi nắng hắt lên từ nền xi măng. Gian hàng của cô Bảy giờ thưa thớt hàng hoá, chưng dọn cũng không bắt mắt, phía trước còn mấy rổ khoai héo queo héo quắt có củ đã mọc mầm. Cô ngồi phía sau gian hàng ngủ gà ngủ gật nhìn mà ảo não quá. Tôi nhìn cô mà thấy tội quá, khác xa lần gặp cách đây vài tháng. Khi ấy cô vẫn có vẻ khoẻ lắm, còn vui tươi nói nói cười cười, da dẻ mịn màng ra dáng một người sống nơi phố chợ lắm. Cô nói giờ không buôn bán gì được, từ khi sức khoẻ suy yếu rồi mọi người biết chuyện họ không mua hàng nữa, chỉ thỉnh thoảng có người quen ghé ủng hộ, cô nghèo không có vốn lấy hàng thêm nên cố bán cho hết hàng này rồi chuyển sang làm việc khác. Thật tình nghe cô nói vậy tôi cũng hơi e dè cho sức khoẻ của cô, giờ đây cô yếu thế này thì làm gì được. Như hiểu ý tôi, cô kể tôi nghe về khoảng thời gian qua cô vật lộn với bệnh tật như thế nào, lúc này là sức khoẻ cô đã hồi phục rất nhiều, cô biết chắc mình đã được sống. Tất cả là nhờ chồng của cô - dượng Bảy. Những ngày cô bệnh không dậy nổi dượng luôn ở bên cạnh săn sóc thuốc thang, cuộc sống nghèo hai người tưởng như bế tắc rồi cô được giới thiệu đi xét nghiệm, lần này cảm giác như đất sụp dưới chân cô khi người ta thông báo cô bị nhiễm. Cô lần lại từng phút giây kiểm tra lại thời gian đã qua mình đã làm gì mà nhiễm bệnh, cô chưa bao giờ sai phạm với dượng trong cuộc sống vợ chồng, lẽ nào lại là những lần phun xăm thẩm mỹ? Câu hỏi này vẫn chưa trả lời được cô gác lại đó, điều đau khổ hơn giờ đây là cảm giác có lỗi với dượng. Cô và dượng đến với nhau muộn màng, cuộc sống vợ chồng dượng chịu nhiều thiệt thòi, từ khi lấy nhau dượng phải gồng gánh cho cô nhiều khoản nợ nần do vụn tính khi buôn bán, rồi nào phải thức khuya dậy sớm phụ giúp bán hàng, chăm nom khi cô đau yếu rồi giờ đây cô mang căn bệnh quái ác này, cô chỉ mang đến bất hạnh cho dượng thì mặt mũi nào nhìn dượng nữa đây? Rất nhiều lần cô định uống thuốc ngủ tự vẫn để mà kết thúc sớm sự đau khổ day dứt đó đi. Thế nhưng dượng xử sự điềm tỉnh vô cùng, dượng không hề oán trách gì cô mà còn cùng cô xét nghiệm, đưa đón cô đến trung tâm tập huấn và nhận thuốc định kỳ, mỗi ngày chăm cơm nước sao cho cô ngon miệng khiến nhiều hàng xóm phải ngưỡng mộ và ghanh tỵ , trước khi chạy xe ôm bao giờ dượng cũng nhắc cô uống thuốc xong rồi mới đi. Rất mai kết quả xét nghiệm của dượng là âm tính, cô khuyên dượng hãy rời xa cô đi để mà làm lại cuộc đời chứ cô giờ đây chỉ là gánh nặng. Dượng nói đến với nhau làm bạn là để khi cần những lúc đau ốm khó khăn, khi giàu sang khoẻ mạnh thì ai làm nấy ăn có gì mà quí, quí chăng là những lúc như thế này, bỏ nhau thì chân tình còn ý nghĩa gì nữa. Nhìn cô, nghe cô nói mà nước mắt chực rơi mà thôi, thân thể cô giờ gầy gò, nổi nhiều đốm hồng hơi sần sùi có vẻ ngứa lắm. Cô nói giờ cô đã hồi phục nhiều lắm rồi, những đốm hồng này đã lặn xuống và phai dần, theo như bác sĩ nói thì cô sẽ phục hồi trở lại và sống bình thường như mọi người nếu như uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Cô nói dượng còn hoạch định công việc buôn bán sắp tới nữa, tôi thấy nhẹ cả người, niềm tin cuộc sống đang quay lại với cô tôi thấy lòng mình sung sướng. Công lao này đáng ca ngợi không ai khác hơn là dượng Bảy. Dượng đã làm được một việc mà không ai thay thế được, đó là dìu cô Bảy bước qua bờ vực thẳm và nắm chắc tay cô để hoà nhập vào xã hội, dù rằng những bước đi đó dượng cũng bị va đập, vấp váp phải không ít những chông gai của miệng đời xung quanh. Nhưng tin rằng sẽ có không ít người như tôi và các bạn đều đồng cảm và ngưỡng mộ ánh sáng chân tình của con người này.
Tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu chia sẻ cũng như làm công tác xã hội, tự lòng mình tôi muốn góp chút ít gì đó để xoa dịu nỗi đau của những cảnh đời xung quanh. Thông điệp tôi muốn chuyển tới các bạn qua câu chuyện này không gì khác là đừng kỳ thị, chối bỏ những người bị nhiễm ra khỏi cuộc sống xung quanh ta, chỉ cần một ánh mắt chia sẻ, một nụ cười thân thiện hoặc một lời thăm hỏi chân tình bạn sẽ cứu sống được nhiều người, hãy tin bạn có thể góp phần làm cuộc sống đẹp hơn.
Trà Ôn, ngày 02 tháng 11 năm 2011
Người viết: Kim Hà