Phát hiện hướng điều trị mới cho “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS
HIV là một loại virus có tính thay đổi cao, đột biến dễ dàng.
(Dinhduong.com.vn) Đại dịch HIV/AIDS đã giết chết hàng triệu người trên toàn cầu. Việc tìm ra phương thuốc chữa trị tận gốc căn bệnh này vẫn là nỗi đau đầu của các nhà khoa học trên thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Lund, Thụy Điển, họ đã tìm ra một phương pháp mới nhằm làm chậm sự phát triển sang AIDS ở bệnh nhân bị nhiễm HIV-1. Các tác giả hy vọng rằng nghiên cứu của họ, được công bố trên Tạp chí New England of Medicine, có thể cải thiện phương pháp điều trị và các biện pháp phòng ngừa để phòng chống đại dịch AIDS toàn cầu.
HIV là một loại virus có tính thay đổi cao, đột biến dễ dàng. Điều này có nghĩa là ngay trong cơ thể của một người bị nhiễm cũng có nhiều chủng HIV khác nhau.
Có 2 chủng HIV: HIV-1 và HIV-2. Cả hai dường như đều gây bệnh cảnh lâm sàng AIDS khá giống nhau, khó phân biệt. Tuy nhiên, có thể nói HIV-2 là thể nhẹ hơn bởi chúng không dễ lây như HIV-1, và thời gian kể từ lúc mới bắt đầu nhiễm cho đến khi xuất hiện bệnh dài hơn HIV-1.
HIV-1 là thể phổ biến nhất của virus gây bệnh AIDS. Trong nghiên cứu này, các chuyên gia theo dõi tình hình phát triển bệnh ở những người bị nhiễm HIV-1 và những người bị nhiễm cả hai chủng HIV-1 và HIV-2.
Joakim Esbjörnsson, một nhà virus học tại Đại học Lund, cho biết: "Tác động trung hòa của virus HIV-2 là cực kỳ mạnh mẽ. Thời gian để bệnh phát triển thành AIDS ở những người bị nhiễm cả 2 chủng là khoảng 50% so với những người chỉ mang vi rút HIV-1. Sự khác biệt lớn bất thường này khiến cho tôi, một nhà nghiên cứu, cảm thấy rằng đây có thể là một cách tiếp cận mới và quan trọng nhằm chống lại sự phát triển của đại dịch AIDS."
Một nghiên cứu độc đáo kéo dài 20 năm trên 4.700 bệnh nhân nhiễm HIV tại Guinea-Bissau, Tây Phi.
Điểm độc đáo ở nghiên cứu của họ, theo Hans Norrgren, bác sỹ truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Skane, đó là cuộc khảo sát của họ không chỉ được tiến hành trên 20 năm, mà còn tập trung theo dõi những người khỏe mạnh từ khi họ lần đầu tiên bị nhiễm HIV-1, hoặc cả 2 chủng HIV-1 và HIV-2. Thông qua tình hình phát triển của bệnh, cho phép các nhà nghiên cứu so sánh cơ chế lây nhiễm bệnh ở từng cá nhân.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có sự khác biệt trong sự đa dạng di truyền của HIV được liên kết với giai đoạn đầu của HIV. Trong suốt quá trình phát triển bệnh, các chủng HIV khác nhau đồng tồn tại, và khi càng gần hơn với giai đoạn AIDS, sự khác biệt di truyền giữa chúng càng lớn.
Tế bào CD4 + T, loại tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch bị phá hủy bởi virus HIV, cũng đã được tiến hành nghiên cứu. Kết quả chỉ ra rằng những bệnh nhân bị nhiễm cả 2 chủng virus HIV-1 và HIV-2 có số lượng tế bào CD4 + T cao hơn những người chỉ bị nhiễm HIV-1. Điều này có nghĩa các tế bào này sẽ bị tiêu diệt chậm hơn, dẫn tới mất nhiều thời gian hơn cho bệnh phát triển sang giai đoạn AIDS.
Giáo sư virus học tại Đại học Lund, Patrick Medstrand phát biểu với báo giới: “Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng HIV-2 có thể kích hoạt phản ứng của tế bào nhằm kiểm tra một cách tự nhiên sự phát triển của AIDS. Nếu chúng ta nắm giữ được cơ chế này, đây có thể là chìa khóa giúp làm chậm thời gian phát triển của bệnh. Về lâu dài, điều này có thể mở ra các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh mới."
Nam Hưng/Theo MedicalNewsToday