Việc mua bán trên mạng đang rất phổ biến vì sự tiện
ích. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc mua bán online ở ta còn mới mẻ, việc
quản lý chưa chặt chẽ, nên tình trạng lừa đảo, bán hàng giả cũng rất
nhiều. Hàng loạt mỹ phẩm bán với giá “sốc” vừa bị các nhà cung cấp chính
hãng cho biết đó chỉ là là hàng nhái; vụ đổ bể của nhóm muaban24 đã
thêm một minh chứng về sự lừa đảo.
Với thuốc chữa bệnh, chắc chắn, không thoát khỏi vòng
xoáy đó. Có vô vàn trang web rao bán thuốc chữa bệnh, như muathuoc…,
vatgia…, thuoc115... với những lời “có cánh”…, nhưng không ai biết đích
xác, người bán là ai và việc quảng cáo đó có được cấp phép không? Bởi
việc đăng ký rao bán online cực kỳ đơn giản, chính ban quản trị website
cũng không xác định được hàng thật hay hàng giả.
Thế nhưng, nhiều người vẫn vô tư mua thuốc qua mạng,
vì ngại đi khám bệnh mất thời gian, hoặc vì mắc bệnh “khó nói”, nên muốn
có thuốc ngay, đỡ phải đi lại và giá lại rẻ hơn ở nhà thuốc. Nhất là,
họ tin vào những lời quảng cáo đường mật của các trang mạng, mà không
biết rằng, đó là sự đùa giỡn với chính sinh mạng mình.
 |
Chỉ nên mua thuốc ở các nhà thuốc đủ tiêu chuẩn hoạt động. |
Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, giảng
viên chính Trường Đại học Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thuốc chữa
bệnh phải được bán ở nhà thuốc do ngành Y tế cấp phép, còn khi bán trên
mạng với những lời quảng cáo vô tội vạ, thì không ai kiểm soát được, nên
người dùng dễ mua phải thuốc giả, thuốc quá hạn, thuốc chứa độc chất,
có thể dẫn đến tử vong.
Đó là chưa kể, nhiều loại thuốc cần phải quản lý chặt
chẽ, như thuốc an thần, thuốc rối loạn cương dương, chỉ sử dụng khi được
bác sĩ khám và chỉ định, hoặc phải làm test trước. Có 2 loại thuốc hiện
đang bị lạm dụng nhiều nhất là kháng sinh và Coerticoid (nhóm thuốc
chống viêm mạnh, chống dị ứng và ức chế miễn dịch).
Ở nhiều bệnh viện, đã có những tai biến nguy hiểm do
dùng thuốc Corticoid không đúng cách, thì việc tự ý dùng càng tiềm ẩn
nguy cơ cao vì sẽ hại nhiều hơn lợi, thậm chí, dùng sai có thể mắc thêm
bệnh khác. Bởi vì, thuốc thông thường như Paracetamol cũng có thể gây dị
ứng với người chức năng gan kém, hay có người dùng vitamin B1 cũng bị
sốc phản vệ.
Kết quả phân tích mới đây của Bệnh viện Da liễu TP Hồ
Chí Minh về các bệnh nhân bị phản ứng thuốc đã chỉ ra tới 65,8% trường
hợp do tự ý mua thuốc uống. Các loại thuốc gây phản ứng nhiều nhất gồm:
kháng sinh, đông y, an thần, thuốc trị sốt rét, tẩy giun, kháng sinh bôi
ngoài da v.v…
Theo TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Y tế:
Mua thuốc trên mạng, người mua hoàn toàn không biết ai bán, chất lượng
thuốc ra sao. Mà thuốc giả có thể không có hoạt chất cần thiết cho bệnh,
không đúng tình trạng bệnh, thậm chí, có những chất gây hại, phân lượng
hoạt chất không cân bằng v.v… đều ảnh hưởng tới sức khỏe. Một nghiên
cứu cho thấy, các loại thuốc tiêu thụ mạnh nhất là thuốc cương dương,
thuốc trị hói đầu, giảm béo, chống trầm cảm và an thần.
Việc phân tích nhiều loại thuốc giả mua trên mạng cho
thấy, chúng chỉ chứa rất ít dược liệu thật, thậm chí, chỉ toàn bột mì,
bột mực in, bột phấn, hay sơn và… thuốc diệt chuột với vài hương vị
không có dược tính.
Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho hay:
họ từng thử phân chất thuốc trị cúm Tamiflu của một công ty nước ngoài
thì chỉ thấy phấn rôm và acetaminophen, chứ không có hoạt chất
oseltamivir trị cúm. Đại diện của Công ty Pfizer ở Việt Nam cũng cho
biết, 50% Viagra mua trên mạng là thuốc giả.
Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi
hiểm họa do mua thuốc qua mạng, song, cũng đều thống nhất rằng, chẳng gì
bằng giúp cho công chúng có đủ thông tin và hiểu biết hơn!
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khuyên mọi người hết sức thận
trọng và phải có trách nhiệm với bản thân mình. Bệnh trạng mỗi người
khác nhau, vì thế, cần phải được bác sĩ trực tiếp khám và chẩn đoán để
kê đơn đúng. Không tự ý mua và sử dụng thuốc trên mạng, mà chỉ mua ở các
nhà thuốc GDP (đủ tiêu chuẩn hoạt động). Không nên ham rẻ, càng không
nên tin và mua thuốc ở nơi quảng cáo là “thần dược”, trị được bách bệnh.
Các cơ sở không số điện thoại và dược sĩ để liên lạc là dấu hiệu không
tin tưởng được. Không chỉ các thuốc đều có phản ứng phụ mà một số thuốc
có thể tương tác lẫn nhau nên rất nguy hiểm. Mua thuốc qua mạng, lỡ xảy
ra sự cố gì, “tiền mất tật mang” biết kêu ai?
Thanh Hằng