Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ phòng tránh HIV tỉnh Bắc Cạn. ảnh: D.A
Ngày 5.9, tại Hà Nội, APHEDA
tổ chức đánh giá dự án và chiến lược tương lai với sự tham gia của
UNAIDS, Cục Phòng, chống AIDS quốc gia cùng đại diện một số đoàn thể. Có
thể thấy gần đây, chương trình của APHEDA đã tập trung nhiều hơn vào
việc hỗ trợ CĐ nâng cao năng lực, hiệu quả trong việc thực hiện và cải
thiện cho các đoàn viên CĐ nhằm nâng cao các điều kiện sức khỏe nghề
nghiệp, an toàn và môi trường bao gồm ủng hộ việc bảo vệ NLĐ khỏi chất
amiăng, cấm sử dụng amiăng.
Đối với dự án “Xây dựng khả năng ứng phó
của cộng đồng địa phương trước đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam”, trọng
tâm tập trung đặc biệt vào dấu hiệu bệnh và giáo dục cộng đồng theo
hướng trọng tâm về quyền của người sống chung với HIV, bao gồm quyền có
việc làm. Ban đầu dự án được Olof Palmer Center (Thụy Điển) tài trợ,
nhưng hiện nay được Chính phủ Australia tài trợ.
Từ khi khởi động vào năm 2006 đến nay,
dự án đã thành lập được 9 câu lạc bộ tại Hải Dương, Bắc Cạn với trung
bình 50-60 người/câu lạc bộ. Thành viên là những người có HIV sẽ tham
gia truyền thông tại cộng đồng, diễn đàn về HIV, hoạt động hỗ trợ cải
thiện kinh tế cho chính các thành viên và tạo việc làm.
Qua trao đổi, những người nhiễm HIV cho
biết họ không còn bị kỳ thị như trước đây và đã nhận được sự cảm thông
chia sẻ của gia đình, hàng xóm, cộng đồng. Đặc biệt là họ luôn nhận được
sự chia sẻ giúp đỡ của những người cùng cảnh ngộ. Chị Hồng - người có
H, bị lây từ chồng nghiện ma tuý - tham gia câu lạc bộ cho biết, lúc đầu
chị bán bánh cuốn không ai ăn, từ 2009 có dự án người dân nhận thức
được nên đã đến ăn ủng hộ, tới giờ công việc của chị tiến triển tốt được
3 năm...
Người nhiễm vẫn có thể làm các công việc
LĐ, SXKD. Con cái của họ vẫn được đến trường học tập cùng các trẻ em
khác trong cộng đồng. Hơn thế, tính đến nay, dự án đã đào tạo nghề, tạo
việc làm cho 322 người nhiễm HIV, trong đó có 234 nữ. Tổng số tiền vốn
vay quy mô nhỏ để tạo việc làm không chỉ cho người có HIV, người thân mà
còn tạo việc làm cho cả một số người dân khác trong cộng đồng lên tới
218.500.000đ.
Một điểm quan trọng nữa là lãnh đạo, các
ban ngành đoàn thể nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của phòng
tránh HIV/AIDS đối với sự phát triển KTXH của địa phương. Nhiều ý kiến
cho rằng khi dự án mới vào địa phương họ còn lo ngại và hồ nghi về kết
quả của hoạt động dự án, nhưng sau khi tham gia dự án họ đã nhận thức
được làm tốt công tác phòng tránh HIV/AIDS là góp phần cho sự phát triển
KTXH của địa phương.
Từ thay đổi nhận thức này, lãnh đạo, các
ban ngành đoàn thể đã quan tâm và ủng hộ nhiều hơn cho các hoạt đồng
phòng, chống HIV/AIDS nói chung và đặc biệt là việc truyền thông phòng
tránh HIV/AIDS trong cộng đồng.