Phân biệt đối xử còn nặng nề
GiadinhNet - Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức Hội
thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống
HIV/AIDS”, Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức
Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống
HIV/AIDS”, trong đó tập trung chủ yếu nghe báo cáo và thảo luận về việc
huy động nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở
Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm
Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, dịch HIV/AIDS ở Việt
Nam vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng, trong khi đó sự đáp
ứng của chúng ta còn nhiều khó khăn. Ví dụ như mức độ tiếp cận dịch vụ
chưa cao; kỳ thị, phân biệt đối xử còn nặng nề; chính sách vẫn còn một
số bất cập, việc thực thi còn nhiều hạn chế; tài chính thì phụ thuộc
nhiều vào tài trợ quốc tế, trong khi nguồn tài trợ này đang ngày càng
suy giảm…
Bà Trương Thị Mai đề nghị các thành viên Ủy ban, các
vị đại biểu dân cử tiếp tục tìm hiểu, phân tích thông tin, dành sự quan
tâm đầy đủ hơn đến vấn đề đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động phòng,
chống HIV/AIDS trong quá trình phân bổ nguồn lực từ Trung ương đến địa
phương cũng như trong quá trình hoạt động giám sát của mình.
Kỳ thị và phân biệt đối xử đã và đang là rào cản làm
hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS trên thế giới, cũng
như ở Việt Nam. Năm 1987, ông Jonathan, Giám đốc Chương trình AIDS của
Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định: Đương đầu với kỳ thị và phân biệt
đối xử liên quan đến HIV/AIDS cũng là một trọng tâm nhằm đối phó với
chính bản thân dịch bệnh HIV/AIDS. 13 năm sau, năm 2000, Giám đốc Chương
trình phối hợp phòng chống AIDS Liên Hợp Quốc Peter Piot tiếp tục nhấn
mạnh: Kỳ thị là một thách thức ngăn cản sự phối hợp của cộng đồng quốc
gia và quốc tế. Ngày 1/12/2002 WHO phát động chiến dịch toàn cầu xóa kỳ
thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS với khẩu hiệu “sống và
hãy cùng sống”.
Trong bài phát biểu tại kỳ họp cấp cao của Đại hội
đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) ngày 2/6/2006, Phó Thủ tướng Phạm
Gia Khiêm khi đó cam kết tiếp tục tăng cường nỗ lực để xóa bỏ kỳ thị và
phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, đảm bảo sự bình đẳng trong điều
trị, tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội cũng như các chính sách hỗ trợ
của nhà nước cho những người nhiễm HIV/AIDS. Do đó, các việc cần làm để
từng bước xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS
bằng cách trang bị kiến thức liên quan về HIV/AIDS, để mọi người biết
cách phòng ngừa theo đúng chuẩn mực của nó. Truyền thông cho cộng đồng
cùng hiểu để cùng có cái nhìn đúng đắn khi đối diện với căn bệnh
HIV/AIDS; đồng thời chung tay hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ động viên, tư
vấn, chăm sóc, tạo việc làm sẽ giúp người nhiễm HIV/AIDS tự tin quay về
cuộc sống bình thường như các thành viên khác trong cộng đồng.
Anh Phương
Nguồn :
http://giadinh.net.vn/20...t-doi-xu-con-nang-ne.htm