Họ, những người già trẻ khác nhau, nhưng đều có chung một nghiệp "đè đầu vít cổ" người và dân ta thường gọi nôm na là "bác phó cạo". Trước kia, ngoài việc phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh, phải tranh giành khách của nhau, có những lúc thấy mặc cảm và tự ti với cái nghiệp của mình, họ còn phải lo đối phó với cả các lực lượng chức năng. Nhưng giờ đây, mọi sự đã thay đổi. Nỗi lo mỗi khi thấy bóng dáng công an phường cũng không còn. Và thậm chí, họ còn có cả niềm tự hào trong mình khi được làm những người thợ cắt tóc... chống AIDS.
|
Nhóm TTV phòng chống AIDS
trước cổng Đại học Sư phạm. |
Mỗi khách hàng một... lưỡi dao cạo
Trước mắt chúng tôi là một dãy dài khoảng 10 ông thợ cạo, tất cả đều đang lúi húi chăm chú với công việc sửa sang sắc đẹp cho những đấng mày râu.
Nhìn lướt qua cũng có thể nhận thấy tất cả đều có những điểm chung: Cùng dùng một loại bạt che mưa, cùng loại ghế, cùng loại gương và cùng màu áo. Và trên tất cả những vật dụng này có những dòng chữ nổi bật với một chủ đề: Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Bởi họ không chỉ là những người thợ cắt tóc thông thường mà còn là những tuyên truyền viên (TTV) của một nhánh dự án "Can thiệp hỗ trợ nam giới phòng chống AIDS tại HN" do UBND TP HN chủ trì, mà mọi người vẫn quen mồm gọi là những "ông thợ cạo... chống AIDS".
Anh Nguyễn Thế Cường là nhóm trưởng nhóm thợ cắt tóc - TTV ở khu vực trước cổng trường ĐH Sư phạm (ĐH Quốc gia HN), phường Quan Hoa, Cầu Giấy. Trong nhóm anh có 10 TTV, già trẻ đủ cả. Có những người thâm niên cầm dao, cầm kéo đã hơn 10 năm như bác Hùng, anh Cường, anh Hà.
Cũng có những người chỉ mới vào nghề chưa đầy 3 năm như anh Tuyển, anh Hùng... Nhưng họ đều là những tay kéo có nghề, và đều rất yêu cái nghiệp cầm kéo. Anh Cường cho biết: "Tổ chúng tôi chính thức ra mắt tháng 8.2002 sau khi được tập huấn kiến thức cơ bản về phòng chống HIV/AIDS. Nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền cho các khách hàng về cách phòng chống AIDS, phân phát tài liệu, thậm chí cả bao caosu nếu khách hàng yêu cầu. Đối tượng chính của chúng tôi là lao động nam giới ngoại tỉnh, chiếm số lượng khá đông ở khu vực này. Đây là đối tượng ít có kiến thức về phòng chống AIDS, lại sống khá buông thả do phải xa gia đình, xa vợ lâu ngày nên nguy cơ bị lây nhiễm AIDS ở họ là khá lớn. Ngoài ra cũng phải kể tới giới SV ở các trường ĐH xung quanh đây".
|
Đồ nghề của mỗi TTV
đều có khẩu hiệu
phòng chống AIDS. |
Từ khi tham gia nhóm TTV, hầu hết các anh em trong tổ đều có thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với trước kia. Anh Cường nhẩm tính: Trung bình một ngày mỗi người ở đây có khoảng 10 khách, ngày nắng bù cho ngày mưa. Cắt tóc bình dân 5000đ/người, như vậy mỗi người trung bình có thể kiếm được từ 45.000 - 50.000đ/ngày.
Các thợ trẻ như anh Hà, anh Hùng có nhiều khách hơn vì cắt nhanh hơn, đẹp hơn. Nhưng nói chung, thu nhập của các tổ viên ở đây là tương đối... ổn so với những người thợ cắt tóc vỉa hè khác. Vì thế, anh em cũng yên tâm làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống AIDS".
Mỗi thợ cắt tóc khi trở thành TTV chỉ phải lo dao kéo, các vật dụng còn lại như ghế, gương, bạt che mưa, áo, túi đều được phát. Riêng số tiền đầu tư ban đầu này cũng phải lên tới vài trăm nghìn.
Bác Phạm Văn Hùng - 63 tuổi, quê ở Hà Nam lên ở trọ tại xóm Đình, Mai Dịch - là TTV lớn tuổi nhất ở đây. Bác Hùng cho biết: "Tôi cắt tóc ở Văn Miếu từ năm 1992, nhưng đói lắm, chỉ lo ăn thôi cũng chật vật. Rồi chuyển về dưới này cắt tóc được 4 năm, vẫn cứ lo ăn từng bữa. Rồi lại lo công an đuổi, thu giữ đồ nghề. Khi biết sẽ thành lập tổ TTV chống AIDS mà lực lượng chính là thợ cắt tóc, tôi liền xin tham gia. Thế là được tham gia lớp tập huấn kiến thức về AIDS để tuyên truyền cho những khách hàng của mình, được phát tài liệu, bao caosu... Nhưng quan trọng hơn cả là từ đó khách hàng yên tâm hơn và đến với mình nhiều hơn, thu nhập tốt hơn. Và cũng không còn lo bị CA phường dẹp nữa! Không chỉ có tôi mà tất cả các anh em ở đây đều thấy cuộc sống ổn hơn rất nhiều...".
"Mỗi khách hàng một... lưỡi dao cạo" - đây là điều kiện bắt buộc với những TTV và cũng chính vì điều này mà khách hàng thấy yên tâm hơn khi tới đây cắt tóc.
Anh Vũ Mạnh Hà, 50 tuổi, một thành viên của nhóm cho biết: "Ai cũng biết cạo mặt trong lúc cắt tóc nếu không cẩn thận cũng có thể làm lây truyền AIDS. Vì thế chúng tôi phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu "mỗi khách hàng một lưỡi dao cạo", giúp khách hàng yên tâm tuyệt đối khi cắt tóc, cạo mặt. Lúc đầu khi mới thành lập không ít người tưởng chúng tôi là những người bị AIDS. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ và biết được công việc của chúng tôi thì họ lại nhiệt tình ủng hộ, thì họ lại trở thành những khách hàng thường xuyên".
Anh Nguyễn Thế Lợi - công tác tại KS Thắng Lợi, một khách hàng khá thường xuyên của nhóm TTV - tâm sự: "Cắt tóc ở đây tôi cảm thấy yên tâm, vả lại giá cả cũng khá bình dân. Mà kể cả nếu như có chỗ khác cắt tóc rẻ hơn tôi cũng không muốn bỏ chỗ này vì biết đâu rẻ được hơn một vài nghìn mình lại phải trả một giá đắt?".
Lái xe buýt, taxi sẽ cùng sát cánh với thợ cắt tóc!
Để tìm hiểu thêm tường tận về công việc của những người thợ cạo... chống AIDS, chúng tôi đã tìm gặp BS Phạm Thị Hoàng Nga - Chánh văn phòng thường trực phòng chống AIDS (Sở Y tế HN). BS Nga khá hồ hởi khi được giải đáp những thắc mắc của chúng tôi: "Chương trình này do Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm TP phối hợp cùng Tổ chức Sức khoẻ gia đình thế giới (FHI - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ) tổ chức. Trong chương trình có một phần dự án với nội dung "Can thiệp giảm tác hại của AIDS trong nhóm nam giới lao động ngoại tỉnh ở HN".
Sau khi khảo sát cụ thể ở địa bàn TP, chúng tôi quyết định chọn các quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng làm thí điểm. Tại Hai Bà Trưng, mô hình này được triển khai sớm nhất tại hai phố Yécxanh và Nguyễn Công Trứ và ngay lập tức có những kết quả khả quan. Tuy nhiên sau đó, do Q.Hai Bà Trưng được chọn làm quận điểm về triển khai kế hoạch an toàn trật tự giao thông nên các nhóm TTV ở đây phải tạm thời ngừng vì không có địa điểm để hoạt động.
Giờ thì mô hình còn duy trì ở Cầu Giấy với 3 phường được chọn là Nghĩa Tân, Quan Hoa và Nghĩa Đô, vì đây đều là những nơi tập trung nhiều lao động nam giới ngoại tỉnh. Tổng số TTV hiện là 70 người và trong tương lai, chúng tôi dự định tăng thêm số lượng TTV và mở rộng địa bàn hoạt động".
Như để chứng minh những thành quả của các nhóm TTV, BS Nga đưa cho chúng tôi một bản báo cáo tóm lược của Văn phòng thường trực Phòng chống AIDS. Tuy vẫn chỉ là những con số khô khan nhưng với chúng tôi nó nói lên được khá nhiều điều.
Chỉ trong một thời gian hoạt động ngắn gần 4 tháng (từ đầu tháng 8 tới cuối tháng 12.2002), các nhóm TTV - thợ cắt tóc, ngoài tiến hành "công việc chuyên môn" cũng đã thực hiện việc tuyên truyền phòng chống AIDS cho 113.675 lượt người, phát 108.325 tờ rơi, sách hướng dẫn và cung cấp 52.012 bao caosu cho các khách cắt tóc, tư vấn về cách phòng chống HIV/AIDS cho 50.145 lượt người.
Đặc biệt, nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS - 1.12.2002, tất cả các nhóm TTV ở HN đã tổ chức 1 ngày cắt tóc miễn phí. Với số lượng TTV không nhiều, nhưng các nhóm cũng đã phục vụ cho 1.247 khách hàng trong ngày này cùng với việc cung cấp những kiến thức cơ bản về phòng và chống AIDS.
Với thành công bước đầu của mô hình này, BS Nga cho biết dự kiến sắp tới, khoảng giữa tháng 7, nếu không gặp phải quá nhiều những khó khăn về vấn đề kinh phí, Văn phòng sẽ triển khai mô hình TTV phòng chống AIDS đối với các lái xe taxi, lái xe buýt ở HN.
Và như vậy, sẽ có thêm những lực lượng mới sát cánh cùng đội ngũ thợ cắt tóc trong công cuộc chiến đấu chống lại AIDS - căn bệnh của thế kỷ.
Sửa bởi quản trị viên 07/04/2012 lúc 03:24:55(UTC)
| Lý do: Chưa rõ