“Muốn chạy về ôm con cho đỡ nhớ nhưng không thể! Dù rất nhớ và
thương con nhưng mình không muốn con nhìn thấy mẹ trong hoàn cảnh này.
Mong đức ông chồng đừng sống buông thả để trẻ thơ đỡ tủi phận khi biết
cả cha và mẹ bị chết do nhiễm HIV”.
Đến
với bệnh biện 09-trên địa bàn huyện Thanh Trì – Hà Nội, nơi tiếp nhận
và điều trị những bệnh nhân bị nhiễm HIV giai đoan cuối chúng tôi không
chỉ ngạc nhiên trước sự tận tâm, nghị lực của đội ngũ y bác sĩ ở đây mà
còn bất ngờ, xót xa trước những tâm nguyện trước khi ra đi hết sức giản
đơn nhưng không mấy khi thành hiện thực của các bệnh nhân đang điều trị
tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.
Chị Nguyễn Thị T: "Chỉ mong muốn được về ôm con cho đỡ nhớ nhưng không thể!"
Buồng dành cho bệnh nhân nặng rất sạch sẽ, nhưng vắng lặng. 4, 5 con
người, mỗi người “ôm” lấy 1 giường, nằm co quắp, nhỏ bé. Những người nằm
chán, lại ngồi ủ rũ, lưng còng xuống đầy trĩu nặng. Một số khỏe hơn,
tìm đến khoa khác gặp bạn bè trò chuyện.
Những tâm nguyện giản đơn…
Tâm sự của chị Nguyễn Thị T 39 tuổi ở Phú Thọ khi nói về mong muốn
của mình bây giờ khiến cho chúng tôi không cầm được nước mắt! Cận kề
với cái chết nhưng ước muốn của chị không phải là được sống lâu hơn,
được chăm sóc tốt hơn mà chỉ có mong ước được gặp và ôm đứa con mà mấy
năm nay chị không dám ôm ấp, vỗ về nó. Mong cho đức ông chồng biết giữ
mình không phải vì sợ lây bệnh mà chỉ là để con đỡ tủi khi biết nguyên
nhân cái chết của cha mẹ.
Chi T cho biết: “Mình bị lây bệnh từ chồng, khi phát hiện bệnh là năm
2005, lúc đó con mới được 2 tuổi. Khi biết bị nhiễm HIV, mình cảm thấy
rất đau khổ nhưng không bằng việc lo cho con đến thắt ruột gan. Lúc đó
cháu còn nhỏ quá, không biết nó sẽ lớn lên thế nào khi cả 2 bố mẹ không ở
bên chăm sóc!
Không phải mong muốn nào của bênh nhân cũng đáp ứng được do điều kiện không cho phép!
Mấy năm trời 2 vợ chồng chữa trị mỗi người 1 nơi, con để ở nhà cho bà
chăm. Trước đây còn khỏe thỉnh thoảng còn về gặp con. Bây giờ sức khỏe
yếu và đang phát bệnh ở giai đoạn cuối nên người bị lở loét, không dám
về vì sợ con biết bệnh tình. Nhiều lúc nhớ con phát khóc mà không biết
làm gì! Cái chết đến bất cứ lúc nào, trước sau gì cũng chết nhưng…
Chị ngừng lại, quay đi quệt dòng nước mắt.
“Chỉ mong sao những đức ông chồng đừng buông thả, biết bảo vệ mình để
con cái không bơ vơ, hơn nữa chúng lớn lên không phải tủi hổ với bạn bè
vì cái chết của cha mẹ”, chị gửi lời nhắn nhủ tới đấng mày râu trong
nghẹn ngào nước mắt.
Kế bên giường đối diện, nghe xong lời nhắn nhủ của chị T, bệnh nhân
liền quay mặt vào trong tường giấu đi giọt nước mắt đang chực rơi xuống!
Được biết bệnh nhân đó là Nguyễn Văn H ở Hưng Yên, nhập viện cách đây 2
tháng do bị nhiễm HIV từ gái mại dâm và đang bị nhiễm trùng cơ hội
nặng. Anh yên lặng không nói lên mong muốn của mình. Có lẽ, giọt nước
mắt của sự ân hận đã quá muộn màng vào lúc này!
Chị T cho biết, vừa rồi có bệnh nhân mới chết là anh Trần Mạnh V, 51
tuổi ở Hà Tây. Trước khi chết anh có để lại số điện thoại của người thân
và dặn dò người bạn cùng phòng: “Khi tôi chết nhớ gọi điện đến số này
và bảo họ đến tiễn tôi”. Tuy nhiên… ước nguyện của anh đã không thực
hiện được!
Chị T cho hay: Ở cùng phòng với nhau, những người cùng cảnh ngộ nên
dễ hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Nếu giúp đỡ được gì thì mọi người đều
cố gắng. Có người dặn lại là phải thay quần áo mới, rồi cho tôi một
điếu thuốc, một hộp sữa…
Nhưng khó thành hiện thực!
Chi sẻ với PV, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Xuân, Phó khoa Hồi sức cấp cứu
bệnh viện 09 cho biết: Các bệnh nhân điều trị tại khoa này 100% là những
bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối và nguyên nhân nhiễm HIV khác nhau.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi đã vào đây thì hầu hết các
bệnh nhân sức khỏe đều rất yếu. Dường như họ biết số phận của mình nên
không có sự phản kháng nhiều.
Trước khi ra đi bên cạnh những biểu hiện bệnh lý thông thường thì họ
còn có những mong ước và tâm nguyện riêng. Tâm nguyện đó có khi được
chia sẻ với y bác sĩ cũng có khi là với những bệnh nhân cùng phòng.
Có trường hợp bệnh nhân muốn gặp người thân trước khi ra đi, có
trường hợp bệnh nhân muốn gia đình đến đón thi thể về. Cũng có những
bệnh nhân muốn uống sữa hoặc ăn món gì đó. Tuy nhiên, không phải mong
muốn nào cũng đáp ứng được do điều kiện không cho phép.
Bệnh viện hầu như không có sự giúp sức của gia đình bệnh nhân. Hơn
nữa, những đồ ăn thức uống mà bệnh nhân muốn không nằm trong những khoản
được bệnh viện chi trả. Do đó, có trường hợp các bác sĩ thương cảm mà
bỏ tiền ra mua.
Nói về những khó khăn này, bác sĩ Mai Thị Hường, Phó trưởng khoa Khám
bệnh Bệnh viện 09 cho biết: “Bệnh nhân được chuyển vào đây thành phần
rất đa dạng: gia đình bỏ rơi, bệnh nhân ở các bệnh viện chuyển về hay
đối tượng ở các trại giam và các trung tâm cai nghiện chuyển đến… có thể
có địa chỉ cụ thể hoặc không nên việc liên hệ với gia đình không phải
là điều dễ”.
Bệnh nhân vào đây được điều trị miễn phí hoàn toàn, có những bệnh
nhân có người nhà vào thăm nom hoặc mua đồ ăn cho nhưng số đó không
nhiều mà phần lớn là do các bác sĩ chăm sóc nên việc chăm sóc và điều
trị cũng gặp nhiều khó khăn.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, con người ta dù
đang khỏe mạnh nhưng có thể ra đi bất cứ lúc nào. Có những cái chết
không được báo trước nhưng cũng có cái chết biết là nó đang đến rất gần
nhưng không thể chống lại nó. Cái chết nào cũng thương tâm và đau xót cả
nhưng có lẽ, cái chết của những bệnh nhân tại Bệnh viện này để lại nỗi
ám ảnh và quằn quại trong tâm hồn người đang sống hơn hết thảy!
Nguồn"http://nguyentandung.org/tam-nguyen-don-gian-ma-xot-xa-cua-benh-nhan-hivaids.html"