Câu 1. HIV/AIDS là gì?
Trả lời:
HIV
là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Human Immunodeficiency Virus) là
virus gây ra suy giảm miễn dịch ở người, làm suy giảm khả năng chống lại các
tác nhân gây bệnh cho cơ thể người.
AIDS
là chữ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh (Accquired Immunodeficiency Syndrome)
là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện
thông qua các nhiễm trùng cơ hội, ung thư và có thể dẫn đến tử vong.
Câu 2 Xin cho biết thế nào là HIV dương tính?
Trả lời:
Người có HIV dương tính có
nghĩa là kháng thể chống lại vi rút HIV được tìm thấy trong máu/dịch sinh học
của người đó. Xét nghiệm máu tìm
HIV có thể xác định được điều này.
Câu 3. Xét nghiệm HIV là gì? Trong thời gian bao
lâu thì biết được kết quả xét nghiệm?
Trả lời:
Xét
nghiệm HIV là việc lấy một mẫu máu/mẫu dịch sinh học và thực hiện các kỹ thuật
chuyên môn nhằm xác định có kháng thể kháng vi rút HIV trong mẫu máu, mẫu dịch
sinh học của cơ thể đó hay không. Nếu xét nghiệm dương tính với kháng thể HIV
thì có nghĩa là có HIV tồn tại.
Tuỳ
theo quy định từng cơ sở y tế, nhưng thông thường từ 3-10 ngày kể từ ngày lấy
máu xét nghiệm, trong trường hợp kết quả xét nghiệm HIV âm tính (không phát
hiện thấy có kháng thể) thì có thể được nhận kết quả sớm hơn. Để chắc chắn và
yên tâm hơn nếu kết quả âm tính, bạn vẫn nên đi xét nghiệm lại sau 3 - 6 tháng.
Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, trong thời gian này, bạn nên tiếp tục
thực hiện các hành vi dự phòng HIV thông thường như kiêng quan hệ tình dục,
chung thuỷ với một bạn tình và luôn sử dụng và sử dụng bao cao su đúng cách và
không dùng chung bơm kim tiêm…
Câu 4. Xin cho biết thế nào là giai đoạn cửa sổ?
Trả lời :
Giai đoạn "cửa sổ" là khoảng thời gian từ lúc cơ
thể nhiễm HIV cho đến khi cơ thể sinh ra kháng thể chống lại HIV (gọi tắt là
kháng thể HIV). Giai đoạn này xuất hiện vào khoảng 3 đến 6 tháng sau khi
nhiễm HIV. Trong giai đoạn cửa sổ, hệ thống miễn dịch chưa sản sinh ra được
kháng thể HIV hoặc chưa đủ số lượng kháng thể cần thiết nên các xét nghiệm để
tìm kháng thể HIV sẽ không phát hiện được và kết quả trả lời là "âm tính".
Đây là giai đoạn "nguy hiểm" bởi không phát
hiện được người nhiễm HIV qua các xét nghiệm tìm kháng thể HIV. Mặc dù thật sự
họ đã bị nhiễm HIV và họ hoàn toàn có thể "vô tình" truyền bệnh cho
người khác mà không hề biết.
Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng tuỳ từng
người. Vì vậy nên đi xét nghiệm máu lại sau 6 tháng để phát hiện tình trạng
nhiễm HIV.
Câu 5. HIV có thể
lây truyền qua những con đường nào?
Trả lời:
Virút HIV có mặt trong các dịch cơ thể và có thể truyền
từ người này sang người khác qua chất tiết, dịch âm đạo, máu bị nhiễm virút và
sữa mẹ. HIV chủ yếu lây truyền qua 3 đường: Quan hệ tình dục không được bảo vệ
với một người có HIV dương tính, dùng chung dụng cụ tiêm chính (bơm kim tiêm)
và lây truyền từ mẹ có HIV dương tính sang con.
1. Lây truyền qua đường tình dục
HIV có thể truyền qua đường âm đạo
hoặc hậu môn hoặc đường miệng khi quan hệ tình dục với người nhiễm HIV nhưng không dùng bao cao su
hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
như lậu, giang mai có thể làm tăng khả năng lây nhiễm HIV và làm suy yếu hệ
thống miễn dịch nhanh hơn (thúc đẩy nhanh quá trình từ nhiễm HIV sang giai đoạn
AIDS).
Làm
thế nào để dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục?
Nguyên tắc chung là thực hiện hành vi tình dục an toàn và
sử dụng đúng cách bao cao su khi có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn
và đường miệng.
Nguy cơ lây truyền HIV có thể
giảm nếu bạn:
-
Không quan hệ tình dục khi chưa lập gia đình, hoặc
trì hoãn lần quan hệ tình dục đầu tiên; Thực hiện nguyên tắc chung thủy một vợ
một chồng;
-
Luôn sử dụng bao cao su và không quan hệ tình dục
với nhiều người hoặc giảm số bạn tình.
2.
Lây truyền qua đường máu
- HIV có thể dễ dàng lây truyền qua việc dùng chung các
dụng cụ bơm kim tiêm với người nhiễm HIV. Dùng chung các vật dụng sắc nhọn khác
(như dao cạo râu, bàn chải đánh răng ...) cũng có thể lan truyền HIV.
- Truyền máu và các chế phẩm máu có HIV (chưa qua xét
nghiệm sàng lọc HIV hoặc có sàng lọc nhưng còn trong giai đoạn "cửa
sổ").
- Sử dụng các dụng cụ tiêm, chích qua da đã có tiếp xúc
với máu/dịch nhiễm HIV mà chưa được vô khuẩn triệt để như: Bơm kim tiêm, kim
châm cứu, kìm nhổ răng, kim xăm, dụng cụ bấm lỗ tai, dao cạo râu hoặc những vật
sắc nhọn khác khi tiếp xúc không may gây chảy máu hay trầy xước da.
- Bị dính máu của người nhiễm HIV vào da, niêm mạc, nhất
là những nơi có vết thương hở hoặc xây sát là nơi HIV có thể xâm nhập trực tiếp
vào máu…
Trong các nguyên nhân nêu trên thì nguyên nhân bị lây nhiễm
do dùng chung bơm kim tiêm chích ma túy với người bị nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao
nhất trong việc làm tăng tỷ lệ nhiễm
HIV tại Việt Nam.
Biện pháp phòng, chống lây truyền HIV qua
đường máu:
-
Không dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da đã tiếp xúc với
máu và dịch sinh học;
-
Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người khác;
-
100% các túi máu, chế phẩm máu phải được xét nghiệm sàng lọc HIV;
-
Thực hiện nghiêm công tác vô trùng, tiệt khuẩn các dụng cụ y tế theo quy định.
3. HIV lây từ mẹ sang con như thế nào và cách dự
phòng?
-
Mẹ nhiễm HIV có khả năng truyền cho con trong thời gian mang thai, trong khi
sinh hoặc cho con bú. Truyền từ mẹ sang con là đường truyền phổ biến nhất gây
ra nhiễm HIV ở trẻ em. Mẹ truyền HIV cho con trong giai đoạn mang thai (trong
tử cung), trong cuộc đẻ (khi bào thai tiếp xúc với máu và nước ối của mẹ trong
khi đẻ tự nhiên) và qua sữa mẹ.
-
Không phải bà mẹ nào nhiễm HIV cũng sẽ truyền vi rút cho con. Nếu không được điều
trị thích hợp khoảng 25-30% (một trong 3 hoặc 4) bà mẹ mang thai có nhiễm HIV
sẽ truyền vi rút cho con của họ. Rất may là hiện nay đã có thuốc kháng vi rút
hoạt động rất tốt nhằm ngăn chặn sự lan truyền vi rút. Nếu bà mẹ sử dụng các
thuốc này trong giai đoạn mang thai, sau khi sinh và con của họ khi sinh ra
cũng được dùng thuốc ngay thì tỷ lệ truyền từ mẹ sang con sẽ có thể giảm từ 25%
xuống còn khoảng 2% (ít hơn 2 trong 100 người). Thường xuyên xét nghiệm HIV cho
phụ nữ có thai và cho họ thuốc kháng vi rút nếu bị nhiễm có thể làm giảm một
cách đáng kể số trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV.
Câu 6. Xin cho biết khả năng tồn tại của HIV bên
ngoài cơ thể người như thế nào? Làm thế nào để xử lý an toàn đối với những vật
dụng có vi rút HIV?
Trả lời:
1. Khả năng tồn tại của vi rút HIV ngoài môi trường tự
nhiên:
-
HIV là một vi rút yếu. Nó không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể. Trong một số điều
kiện phòng thí nghiệm nghiêm ngặt và có kiểm soát, vi rút HIV có thể tồn tại
trong vài ngày thậm trí là vài tuần. Tuy nhiên HIV không thể nhân lên bên ngoài
cơ thể sống, ngoại trừ trong một số điều kiện hết sức hạn chế do đó nó không có
khả năng lây nhiễm khi ở ngoài cơ thể;
-
Nếu một vật dụng hoặc một bề mặt bị nhiễm hoặc dính với các dịch thể sinh học
như máu, thì có thể dễ dàng xử lý an toàn bằng các qui trình lý hoá như đun
sôi, hấp, sấy hoặc sử dụng các hoá chất diệt khuẩn.
2. Xử lý đối với những vật dụng có chứa HIV (ví dụ như trong
môi trường bệnh viện hay chăm sóc tại hộ gia đình):
Để
đảm bảo an toàn, bất kỳ dụng cụ hay bề mặt nào bị nhiễm HIV cũng phải được xử
lý bằng các chất diệt khuẩn có hiệu quả.
Bạn
có thể áp dụng một trong các phương pháp tiệt khuẩn dưới đây:
-
Luộc sôi trong thời gian 20 phút kể từ khi nước sôi;
-
Hấp ướt ở nhiệt độ 121oC, 2 atm. trong 20 phút;
-
Hấp khô ở nhiệt độ 170oC trong 2 giờ;
-
Ngâm 30 phút trong các dung dịch hoá chất diệt khuẩn sẵn có như dung dịch có
chứa Clo (Chloramin B 0,5%) cồn Ethanol 70% hoặc Betadine (Providon Iodin 2,5%).
Câu 7. Ăn ở, sinh hoạt thông thường hàng ngày với
người nhiễm HIV có bị lây nhiễm HIV không?
Trả lời:
HIV
không lây nhiễm qua sinh hoạt thông thường hàng ngày, trong giao tiếp, tiếp xúc
với người nhiễm HIV ví dụ như:
- Ôm hôn nhẹ nhàng, bắt tay, nói chuyện, ho, hắt hơi…;
- Tiếp xúc gần
gũi xã giao với người nhiễm HIV (không quan hệ tình dục);
- Ăn chung,
dùng chung bát đũa, cốc chén;
- Dùng chung
nhà tắm, nhà vệ sinh, mặc chung quần áo, ngồi chung ghế;
- Côn trùng
như ruồi, muỗi, chấy, rận… không phải là trung gian lây truyền HIV.
Câu 8. Có thể bị lây nhiễm HIV nếu bị phơi nhiễm
với HIV không theo các đường lây truyền đã đề cập ở trên không?
Trả lời:
Mặc dù không phải là phổ biến, nhiễm HIV thông qua
việc vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của cơ thể
người nhiễm HIV vẫn có thể xảy ra (HIV không thể truyền qua làn da khỏe mạnh
bình thường). Tuy nhiên các biện pháp thận trọng đơn giản vẫn được áp dụng trên
toàn cầu để có thể bảo vệ chống lại khả năng lan truyền này.
Lây nhiễm HIV trong cơ sở y tế có thể xảy ra khi làm
các xét nghiệm có liên quan đến máu và dịch thể sinh học của bệnh nhân nhiễm
HIV: khi làm các thủ thuật, phẫu thuật và khi chăm sóc. Do vậy cần phải thực
hiện các biện pháp dự phòng để tránh
lây nhiễm chéo HIV trong môi trường chăm sóc ở cơ sở y tế, cụ thể là:
+ Phải coi mọi bệnh phẩm có máu và dịch cơ thể đều có
thể có nguy cơ lây nhiễm HIV;
+ Luôn phải đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với
máu và dịch cơ thể bệnh nhân. Mang các phương tiện phòng vệ như kính, khẩu
trang, mặc áo choàng khi có nguy cơ bị máu và dịch cơ thể bệnh nhân bắn phải;
+ Nếu vết thương hở ở tay, chân hoặc có tổn thương da
rỉ nước, phải băng kỹ và tốt nhất không tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh
nhân cho đến khi tổn thương lành;
+ Khi trên mặt bàn, mặt sàn có máu hoặc dịch cơ thể
bệnh nhân, phải đổ ngập tràn chỗ có máu và dịch bằng các dung dịch sát khuẩn
như nước Javel, dung dịch có Clo..., để 20 phút sau đó dùng giẻ thấm khô rồi
rửa sạch;
+ Đối với các đồ vải thấm máu và dịch, phải dùng kẹp
để gắp cho vào túi riêng, nếu không có kẹp thì gấp phần có máu và dịch vào
trong để tránh cầm phải chỗ có máu, sau đó vận chuyển đến nơi huỷ hoặc nhà
giặt. Phải ngâm các đồ vải này trong các hoá chất sát trùng 20 phút trước khi
giặt;
+ Đối với các chất thải (đờm, nước tiểu, phân... có
máu hoặc các dịch cơ thể) cũng xử lý tương tự. Đổ ngập tràn vùng chất thải bằng
các hoá chất sát trùng để 20 phút trước khi đổ vào nơi thải chung;
+ Luôn rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đeo
găng, trước và sau khi thăm khám bệnh nhân, sau khi giúp bệnh nhân đi vệ sinh.
Câu 9. Sau khi sinh con tôi mới phát hiện mình bị
nhiễm HIV. Tôi rất sợ mình đã truyền HIV sang đứa con mới sinh. Để yên tâm, tôi
muốn đưa cháu đi xét nghiệm HIV ngay có được không vì cháu mới được 01 tháng
tuổi?
Trả lời:
Xét
nghiệm HIV ở trẻ em dưới 18 tháng tuổi sẽ không cho kết quả chính xác. Vì vậy,
để có kết quả xét nghiệm chính xác, bạn nên đưa con bạn đi xét nghiệm HIV khi
con của bạn đủ 18 tháng tuổi.
Ở
một vài cơ sở y tế ở Việt Nam hiện đã có một loại xét nghiệm đặc biệt gọi là
xét nghiệm PCR có thể xác định nhiễm HIV khi trẻ chưa đến 18 tháng tuổi, bạn
hãy liên lạc với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tại địa phương mình để tìm hiểu
xem hiện xét nghiệm đó đã có ở nơi bạn sống hay chưa.
Câu 10. Xin cho biết, hiện tại đã có vắcxin và
thuốc chữa HIV chưa? Tôi nghe nói người nhiễm HIV có thể được điều trị bằng
thuốc kháng HIV (ARV). Vậy thuốc kháng HIV (ARV) là thuốc gì và hiệu quả của
việc điều trị ARV?
Trả lời:
1. Hiện tại vẫn chưa có vắcxin
và thuốc chữa HIV. Tuy nhiên, đúng như bạn hỏi, hiện người nhiễm HIV đã và đang
được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV). Thuốc kháng HIV (ARV) là thuốc đặc hiệu dùng cho người nhiễm HIV hoặc
bị phơi nhiễm với HIV để hạn chế sự phát triển của vi rút gây suy giảm miễn
dịch ở người hoặc dự phòng lây nhiễm HIV và không phải là thuốc điều trị các
bệnh nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV.
2. Thuốc ARV được sử dụng để điều trị cho
người nhiễm HIV theo chỉ định của thầy thuốc. Nếu tuân thủ nguyên tắc và quy
trình điều trị kết hợp với chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì thuốc ARV sẽ đạt được
những kết quả như sau:
- Tăng cường chất lượng cuộc
sống và tăng tuổi thọ;
- Giảm nồng độ HIV nhanh,
dẫn đến bệnh tiến triển chậm, nguy cơ kháng thuốc giảm, nguy cơ nhiễm trùng cơ
hội thấp, giảm mức độ lây lan cho cộng đồng;
- Tái tạo và phục hồi chức
năng của hệ thống miễn dịch.
Câu 11. Nếu tôi muốn đi xét nghiệm HIV thì liệu
tôi có nhận được tư vấn về xét nghiệm và về kết quả xét nghiệm hay không ?
Trả lời:
Có,
theo Điều 26 Luật Phòng,
chống HIV/AIDS năm 2006, khi bạn yêu cầu được xét nghiệm HIV thì bạn sẽ được tư
vấn trước và sau xét nghiệm. Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định như sau:
“1. Các trường hợp xét nghiệm HIV đều phải được
tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV.
2. Cơ sở y tế có trách
nhiệm tổ chức việc tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV.
3. Chỉ những người đã được
tập huấn về tư vấn vấn phòng, chống HIV/AIDS mới được thực hiện tư vấn trước và
sau khi xét nghiệm HIV”.
Câu 12. Xin cho biết có phải cơ sở y tế nào cũng
được xét nghiệm HIV và công bố kết quả HIV dương tính không?
Trả lời:
Không, xin khẳng định với
bạn là “chỉ cơ sở xét nghiệm HIV đã được
Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV dương tính mới
được quyền khẳng định các trường hợp HIV dương tính và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về kết quả đó” (Khoản 1 Điều 29 của luật Phòng, chống HIV/AIDS).
Câu 13. Xin cho biết việc xét nghiệm HIV trên cơ
sở tự nguyện hay bắt buộc? Khi tôi vào bệnh viện để khám và điều trị, bệnh viện
đã yêu cầu tôi làm một số xét nghiệm trong đó có xét nghiệm HIV. Xin hỏi, việc
yêu cầu xét nghiệm HIV đối với bệnh nhân khi khám và điều trị như vậy có đúng
không?
Trả lời:
Không, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt đã được bộ Y tế qui định,
bệnh viện không có quyền đòi hỏi bệnh nhân phải xét nghiệm HIV nếu bạn không đồng
ý làm điều đó.
1. Theo quy định tại Điều 27 của luật Phòng, chống
HIV/AIDS việc xét nghiệm HIV phải dựa trên cơ sở tự nguyện:
“ - Người tự nguyện xét
nghiệm HIV phải từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự.
- Việc xét nghiệm HIV đối
với người dưới 16 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện
khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
2. Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng chống HIV/AIDS qui định
rằng:“Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc xét
nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị
cho người bệnh”.
Câu 14. Người có kết quả xét nghiệm HIV dương
tính có quyền giữ bí mật về tình trạng nhiễm HIV của mình không? Nếu phải thông
báo thì phải thông báo cho ai? Tại sao?
Trả lời:
Kết quả xét nghiệm HIV chỉ có thể được tiết lộ cho những
người được chỉ ra dưới đây. Những người được thông báo có nghĩa vụ giữ bí mật
kết quả xét nghiệm dương tính của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, để phòng, chống
lây nhiễm HIV sang cho người khác điểm b, Khoản 2 Điều 4 của Luật Phòng, chống
HIV/AIDS đã quy định Người nhiễm HIV có nghĩa vụ phải “thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc
cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết”.
Điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định việc
thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính như sau:
“ 1. Kết quả xét
nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho các đối tượng sau đây:
a) Người được xét nghiệm;
b) Vợ hoặc chồng của người
được xét nghiệm, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm là người
chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
c) Nhân viên được giao
nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho
người được xét nghiệm;
d) Người có trách nhiệm
chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế, bao gồm trưởng khoa,
trưởng phòng, điều dưỡng viên trưởng nơi người nhiễm HIV điều trị, nhân viên y
tế được giao trách nhiệm trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV tại
cơ sở y tế;
e) Người đứng đầu, cán bộ
phụ trách y tế, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khoẻ
cho người nhiễm HIV tại cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ
sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam;
f) Người đứng đầu, cán bộ,
công chức được giao trách nhiệm của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 28
của Luật này.
2. Những người quy định tại
khoản 1 Điều này có trách nhiệm giữ bí mật kết quả xét nghiệm HIV dương tính,
trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Câu 15.
Xin hỏi, có quy định nào về qui trình truyền máu để đảm bảo máu an toàn
và không nhiễm HIV khi truyền máu cho bệnh nhân không?
Trả lời:
Bạn yên tâm là pháp luật có quy định rất chặt chẽ và
nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người được truyền các túi máu và chế phẩm
máu không bị nhiễm HIV. Điều 31 của Luật Phòng, chống HIV/AIIDS đã quy định:
-
“Các túi máu, chế phẩm máu đều phải được làm xét nghiệm
HIV trước khi sử dụng kể cả trong trường hợp cấp cứu;
-
Việc xét nghiệm sàng lọc HIV phải được thực hiện bằng các
loại sinh phẩm chẩn đoán đã được Bộ trưởng Bộ Y tế cho phép lưu hành.
-
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể việc xét nghiệm sàng
lọc HIV, lưu trữ kết quả xét nghiệm, lưu trữ và tiêu huỷ các mẫu máu, túi máu,
chế phẩm máu, bệnh phẩm nhiễm HIV”.
Câu 16. Việc tuyên truyền, khuyến khích sử dụng
bơm kim tiêm sạch, bao cao su để dự phòng lây nhiễm HIV có vi phạm pháp luật
không?
Trả lời:
Không, Luật Phòng chống HIV/AIDS đã nhận thức tầm quan trọng của
giáo dục truyền thông trong dự phòng lây nhiễm HIV.
Theo quy định tại Khoản 15 Điều 2 về giải thích từ ngữ
của Luật Phòng, chống HIV/AIDS bao cao su, bơm kim tiêm sạch là một trong các
biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Do vậy, nhà nước
khuyến khích công dân tích cực tham gia công tác tuyền truyền này trong cộng
đồng, bao gồm: tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim
tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các
biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các
hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV. Theo quy định nêu trên thì hoạt
động tuyên truyền, khuyến khích sử dụng bao cao su và bơm kim tiêm sạch không
bị pháp luật nghiêm cấm.