Sau một năm đi vào hoạt động (từ năm 2013), mô hình Quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma tuý, người sau cai tại Bắc Kạn đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận.
Quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma tuý, người sau cai thuộc Dự án phòng, chống HIV/AIDS khu vực châu Á tại Việt Nam (Haarp), do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai tại 3 tỉnh Bắc Kạn, Hoà Bình và Tuyên Quang.
Mục đích của quỹ này nhằm giúp người nghiện ma tuý, người sau cai và gia đình họ có vốn để sinh kế, ổn định thu nhập, tự chủ được cuộc sống của mình và không bị rơi vào ngưỡng đói nghèo. Bên cạnh vay vốn, mô hình còn tổ chức các cuộc sinh hoạt nhóm, giúp các đối tượng được tiếp cận, tham gia chương trình can thiệp giảm tác hại của ma túy, dự phòng lây nhiễm HIV, tái hoà nhập cộng đồng.
Nguồn vốn của mô hình Quỹ tín dụng vi mô tại Bắc Kạn là 540 triệu đồng, được triển khai tại thị xã Bắc Kạn và huyện Chợ Mới. Có 54 đối tượng được tham gia vay vốn với mức 10 triệu đồng/người, thời hạn vay 01 năm, lãi suất 0,65%/tháng. Thực hiện dự án này, các huyện, thị xã và các xã tham gia mô hình đã thành lập Ban quản lý quỹ tín dụng với sự tham gia của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện chính quyền và tuyên truyền viên đồng đẳng. Theo đánh giá của Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), sau 1 năm triển khai, cơ bản các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Hiện các địa phương đang hoàn tất công tác thu hồi vốn vay.
Tại xã Nông Hạ (Chợ Mới), thông qua nhóm Tự lực Hy vọng, tất cả người nghiện và sau cai nghiện trên địa bàn đã được giới thiệu về mô hình Quỹ tín dụng vi mô. Sau khi xét duyệt, 6 người có nhu cầu về vay vốn đã được tham gia dự án. Thông qua các buổi sinh hoạt, thành viên trong nhóm đã chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời họ cũng được tuyên truyền về cách phòng chống ma tuý, phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn gia đình và cộng đồng các nội dung về không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện, người sau cai nghiện và người nhiễm HIV. Qua 1 năm tham gia mô hình, đã xuất hiện nhiều gương điển hình sử dụng vốn hiệu quả.
Có thể nói, quỹ tín dụng vi mô là một trong những mô hình đầu tiên hướng tới đối tượng người nghiện, sau cai nghiện tại Bắc Kạn. Mô hình thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với người nghiện, sau cai nghiện và người nhiễm HIV. Từ đó góp phần giảm bớt khó khăn, động viên, khích lệ họ sống có ích và tích cực lao động.
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, thời gian qua, với sự hỗ trợ từ nhiều phía như ngân sách Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ (NGO), doanh nghiệp, hoạt động về vay vốn, tạo việc làm hướng tới nhóm đối tượng đích là người nhiễm HIV, người mại dâm, người sau cai nghiện ma túy đã hình thành một số mô hình có hiệu quả bước đầu. Thực tiễn các mô hình cho vay này là kinh nghiệm cho xây dựng chính sách và tổ chức cho vay vốn của Chính phủ đối với các nhóm người dễ bị tổn thương.
Theo thống kê của Bộ Công an, toàn quốc có hơn 171 nghìn người nghiện có hồ sơ. Số người được cai nghiện bằng nhiều hình thức mỗi năm là khoảng 40.000-50.000 người.
|
Nhật Thy