Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline heo1980  
#1 Đã gửi : 29/05/2004 lúc 10:08:30(UTC)
heo1980

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 06-05-2004(UTC)
Bài viết: 1.458

Được cảm ơn: 6 lần trong 3 bài viết


Tiền thuốc lá: chống đói cho gần 16 triệu người/năm

(VietNamNet) - Trung bình mỗi năm, tiêu dùng cho thuốc lá ở Việt Nam tốn gần 8.500 tỷ đồng, tương đương 2,4 triệu tấn gạo - đủ nuôi gần 16 triệu người/năm.



Thuốc lá và đói nghèo, vòng luẩn quẩn

Nghèo đói → Nhận thức kém về tác hại thuốc lá → Hút thuốc lá→ Bệnh tật → Giảm năng suất lao động, tăng chi phí bệnh tật, giảm chi phí cho thực phẩm, giáo dục và y tế → Càng nghèo đói thêm.



Sáng 29/5, tại Hà Nội, trên 500 người thuộc nhiều đối tượng, đặc biệt là học sinh và sinh viên đã hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.

Trung bình, một người hút thuốc lá tốn khoảng 700.000 đồng/năm, gấp 1,5 lần so với chi tiêu giáo dục và gấp năm lần chi phí y tế bình quân đầu người ở Việt Nam. Một nghịch lý: Những người nghèo lại có tỷ lệ hút thuốc cao nhất trong xã hội.  

Còn trên thế giới, tỷ lệ người nghèo ở mức cao hơn 20% dân số sống dưới mức 1 USD/ngày: Khoảng 840 triệu người bị thiếu đói, 1/3 số trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, trong đó có việc sử dụng thuốc lá.



Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, ước tính mỗi năm ở nước ta có khoảng 30-40 ngàn người chết do thuốc lá. Mặc dù đã có những lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá nhưng số người sử dụng vẫn không giảm. Việt Nam sẽ có khoảng tám triệu người chết sớm bởi bệnh tật do thuốc lá gây ra.

Những người hút thuốc lá có tuổi thọ giảm từ 8-23 năm so với người không hút thuốc. Hậu quả của thuốc lá không chỉ dừng lại ở bệnh tật, vì đói nghèo cũng nằm trong đó. Chính vì vậy, thông điệp của Ngày Thế giới không hút thuốc lá (31/5) năm nay có chủ đề ''Thuốc lá và đói nghèo''.

Bộ Y tế đã chọn đối tượng thanh niên tuyên truyền cho Ngày này, bởi tỷ lệ thanh thiếu niên (15-24 tuổi) hút thuốc hiện nay vào khoảng 31%.

  • L. Hà

Sửa bởi quản trị viên 02/02/2012 lúc 02:47:02(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Quảng cáo
Offline heo1980  
#2 Đã gửi : 29/05/2004 lúc 10:09:04(UTC)
heo1980

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 06-05-2004(UTC)
Bài viết: 1.458

Được cảm ơn: 6 lần trong 3 bài viết
Nguy cơ từ thuốc lá: Đừng để giật mình vì quá muộn!

(VietNamNet) - Tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người thì ai cũng biết. Vậy mà chỉ đến khi sức khoẻ giảm sút, người ta mới giật mình nhìn lại thì mọi sự có khi đã quá muộn...

''Bỏ vợ, không bỏ thuốc''!

Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá

Giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới từ 50% xuống dưới 35% vào năm 2005, và dưới 20% vào năm 2010.

Giảm tỷ lệ nữ hút thuốc lá từ 3,4% xuống dưới 2% vào năm 2010.

Giảm tỷ lệ thanh thiếu niên (15-24 tuổi) hút thuốc lá từ 26% xuống dưới 15% vào năm 2005, và dưới 7% vào năm 2010.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 4,9 triệu người chết do thuốc lá gây ra. Nếu không hành động kịp thời, ước tính đến năm 2020, gánh nặng tử vong do thuốc lá sẽ tăng gấp đôi. Khoảng 70% các trường hợp tử vong trong số đó sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.

''Cách đây vài năm, tôi đã từng tuyên bố với vợ mình như vậy. Giờ nghĩ lại thấy...'' - bác Trần Quang Hiệp ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã tâm sự như vậy. Khuôn mặt người nông dân 62 tuổi này trông già hơn tuổi rất nhiều, đang nằm điều trị tại Viện Lao và Bệnh Phổi Trung ương. Tháng trước, bác Hiệp có biểu hiện ho ra lẫn máu. Gia đình đã đưa đến BV huyện, tỉnh điều trị nhưng không đỡ. BV phải chuyển bác lên đây điều trị. Các bác sĩ của Viện kết luận: Bác Hiệp bị viêm phổi nặng và hen phế quản.

''Bác bắt đầu hút thuốc lá từ khi nào?'' - tôi hỏi. ''Năm 1964, tôi là anh lính trẻ mới 22 tuổi. Hồi đó, đơn vị chúng tôi phải hành quân qua nhiều mặt trận, chống chọi với những đêm mưa rét thấu xương thịt. Điếu thuốc lá làm bạn đã làm chúng tôi quên đi cái rét cắt thịt và nỗi nhớ nhà... Mỗi đêm, tôi đốt trung bình hết mười điếu thuốc, chủ yếu là thuốc tự cuốn chứ làm gì có đầu lọc như bây giờ...''.

Khi đó, bác có biết hút thuốc có hại cho sức khỏe không? Bác Hiệp đáp: ''Có chứ, nhưng nhiều nguyên nhân khiến tôi không thể bỏ được thuốc. Sau này, hút nhiều, cứ thấy nghiện như "thuốc phiện" ấy, không cưỡng nổi. Mỗi ngày, bình quân tôi hút hết gần bao thuốc Du Lịch. Có lần vợ tôi ném bao thuốc đi, tôi đã nói: ''Anh có thể bỏ em chứ không thể bỏ thuốc được''. Vậy mà bây giờ tôi phải chịu đầu hàng đấy...''.

Sau đợt này, bác có dám hút thuốc nữa không? ''Thôi, sợ lắm rồi! Tôi cũng đã khuyên con trai tôi nên bỏ thuốc. Tuy mới từ bỏ thuốc được hơn một tháng nhưng tôi thấy sức khỏe tốt hơn. Mỗi bữa ăn ba lưng bát cơm, chứ trước kia chỉ ăn miệng bát đã thôi'' - bác nói.

Còn đây là tâm sự của một nhà khoa học: ''Công việc của tôi là nghiên cứu, hay phải thức khuya nên đã nhiều lần tôi tính bỏ thuốc lá nhưng không làm nổi. Những lúc suy nghĩ căng thẳng, cách giúp tôi "thư giãn" tốt nhất là rít liền mấy hơi thuốc, thật sâu. Cách đây hai năm, tôi bị tràn dịch màng phổi, phải nằm viện hai tuần. Quãng thời gian đó không được hút thuốc, lúc đầu tôi thấy bứt rứt cả người nhưng khoảng một tuần sau thì đỡ. Ra viện, BS dặn không được hút thuốc lại, tôi cũng nghĩ chắc mình bỏ được. Không ngờ, khi thức khuya lại để làm việc, tôi bỗng cảm thấy thèm thuốc lá kinh khủng. Thế là phải trốn vợ để hút. Rồi thì tôi chẳng trốn tránh gì nữa, cứ hút bừa ra đấy. "Cơn nghiện" lên thì mọi hậu quả mình lờ đi hết…".

Và hậu quả là đây: Ông đang phải nằm điều trị tại BV K (Hà Nội) vì căn bệnh ung thư phổi. Nghe BS bảo khối u của ông phát triển nhanh quá, hai năm trước, khi ông bị tràn dịch màng phổi, chụp X-quang còn chưa thấy gì… "Giờ thì nhìn thấy thuốc lá, tự nhiên tôi thấy sợ… Nhưng có lẽ muộn rồi!" - ông nói.

Tiếp xúc với chúng tôi, BS Đào Bích Vân, Viện Lao và Bệnh Phổi cũng cho biết: ''Chồng chị hứa bao lần rồi cũng không bỏ được. Vợ làm bác sĩ của Viện Lao - Phổi mà cũng không sợ. Ông ấy làm phóng viên, chẳng biết còn tuyên truyền cho ai...''.

Hút thuốc liên quan đến nhiều bệnh

Ngay từ cổng vào BV K, đập vào mắt mọi người dòng chữ "Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư". Thế nhưng bao nhiêu người ý thức được điều này? Không ai kiểm chứng được. Chỉ có một sự thật là những căn bệnh liên quan đến thuốc lá đã cướp đi sinh mạng 4,9 triệu người/năm trên thế giới và 30.000-40.000 người mỗi năm tại Việt Nam.

 Bên cạnh bệnh tật, thuốc lá còn làm tăng tỷ lệ đói nghèo.

Mỗi năm, số tiền chi cho thuốc lá ở Việt Nam có thể đủ mua lương thực cho khoảng 10,6 triệu người ăn trong một năm.

Số tiền dành cho thuốc lá ở Việt Nam gấp khoảng 1,5 lần so với chi tiêu cho giáo dục, và gấp khoảng 5 lần so với các chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ bình quân theo đầu người hàng năm.

Trên thực tế, thuốc lá không chỉ gây ra bệnh phổi mà còn rất nhiều bệnh khác như ung thư miệng, họng và thanh quản; ung thư thực quản; ung thư phổi; ung thư tuỵ; ung thư bàng quang; ung thư cổ tử cung và nhiều loại ung thư khác... Ngoài những tác hại bệnh tật giống như nam giới khi hút thuốc, phụ nữ khi mang thai dù hút thuốc chủ động hay bị động đều gây ảnh hưởng đến thai nhi như: dễ sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non... Tuy nhiên, bệnh nhân mắc các bệnh khác do hút thuốc lá chưa nhiều và chưa biểu hiện rõ, mà chủ yếu còn tập trung vào hệ hô hấp.

PSG TS Đinh Ngọc Sỹ, viện trưởng Viện Lao và Bệnh Phổi trung ương, cho biết: "Hút thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút thuốc mà còn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ những người phải “hút thuốc thụ động”. Đối với những người hút thuốc, căn bệnh liên quan nhiều nhất là hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ưng thư phổi... Theo số liệu điều tra của chúng tôi, 15-50% người hút thuốc bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; tử vong nơi người hút cao gấp mười lần người không hút thuốc".

Liệu có thể giảm tỷ lệ thanh thiếu niên (15-24 tuổi) hút thuốc lá từ 26% xuống dưới 15% vào năm 2005?

Mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng số người hút thuốc vẫn không giảm, thậm chí còn tăng mạnh ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo nghiên cứu của tổ chức PATH Canada, tỷ lệ thanh niên hút thuốc tăng lên nhưng số điếu hút bình quân một ngày của đối tượng này lại thấp hơn người lớn. Trung bình một ngày ở nhóm tuổi 25 là 9,5 điếu, trong khi con số này ở nhóm người 25-34 tuổi lên đến 12,2. Thanh niên hút thuốc đắt tiền hơn so với người lớn. Điều này có thể giải thích thanh niên lại hút ít hơn.

Thật đáng buồn là dù biết rất rõ về tác hại của thuốc lá nhưng nhiều người vẫn không đủ can đảm để rời xa nó. Và càng sai lầm khi ai đó cho rằng hút thuốc lá có thể giúp kiểm soát tâm trạng, giải tỏa stress, làm người ta trở nên “sành điệu”, hay "người lớn" hơn… Một bác sĩ trong BV K nói: "Nếu ai muốn biết thuốc lá gây hại kinh khủng như thế nào, xin mời đến BV K để được tận mắt chứng kiến nỗi đau của những người bị ung thư mà nguyên nhân có liên quan mật thiết đến thuốc lá. Có lẽ trăm nghe không bằng một thấy…".

  • Lệ Hà

Offline heo1980  
#3 Đã gửi : 29/05/2004 lúc 10:09:33(UTC)
heo1980

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 06-05-2004(UTC)
Bài viết: 1.458

Được cảm ơn: 6 lần trong 3 bài viết
Cảnh báo từ vỏ bao thuốc lá? Chưa thuyết phục!

(VietNamNet) - ''Thực sự tôi chưa thấy thuốc lá có hại như thế nào. Tôi nghĩ là ngành y tế, Chính phủ sẽ không cho phép sản xuất thuốc lá nếu nó có hại, như một dạo người ta cấm phẩm mầu ở thức ăn, hàn the ở bánh phở.'' - bạn Nguyễn Thanh T., 31 tuổi ở Hà Nội nói.

Những ý kiến như bạn T. không phải là ít, nhất là với những thanh thiếu niên đang tập làm người lớn với điếu thuốc. Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe đã được cảnh báo nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Lại có những người hút thuốc nhưng không thấy được tác hại như bác Lê Văn H., 53 tuổi ở Hà Nam: ''Tôi hút thuốc từ khi còn là sinh viên, thuốc không có đầu lọc như bây giờ nhưng nói chung chưa thấy gì, trừ thỉnh thoảng hay có đờm vào buổi sáng''.

36,8% người hút thuốc không quan tâm đến lời cảnh báo

Cảnh báo như thế nào đây, trên các vỏ bao thuốc lá?

Kết quả điều tra của TS Nguyễn Đức Chính và Trịnh Minh Hoan của Viện Lao và Bệnh phổi Trung ương mới đây tại Hà Nội và Hà Nam cho thấy cách trình bày, kiểu chữ, kích thước và nội dung lời cảnh báo "Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ" trên các bao thuốc có rất ít ảnh hưởng đối với người hút thuốc.

Lâu nay, theo thông lệ quốc tế về việc hạn chế hút thuốc lá, trên mỗi vỏ bao thuốc, nhà sản xuất đã dành một phần ''khiêm tốn'' cho lời cảnh báo ''Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe''. Thế nhưng người hút thuốc hầu như không quan tâm đến lời cảnh báo này. Phải chăng nó ''trú ngụ'' quá nhỏ bé ở phần người ta không nhìn rõ? 36,8% những người hút thuốc thường xuyên được hỏi đều cho rằng không quan tâm đến lời cảnh báo. 16% thậm chí không để ý đến lời cảnh báo này.

Theo báo cáo của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, ước tính mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 30.000 người chết do thuốc lá. Trong những năm tới, sẽ có "khoảng 8 triệu người chết sớm vì hút thuốc''.

Trên thế giới, thuốc lá gây ra cái chết cho 5 triệu người/năm. Dự báo đến năm 2030, thuốc lá sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 10 triệu ca tử vong mối năm, 70% trong đó là từ các nước đang phát triển.

Khi được hỏi: ''Bạn có biết trên mỗi vỏ bao thuốc đều có dòng chữ ''Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe'' không?''. Bạn Phạm Ngọc V., 36 tuổi ở Hà Nội cho biết: ''Tôi thấy dòng chữ hút thuốc có hại cho sức khỏe, chỉ một dòng câu duy nhất nên cũng không để ý nữa. Chúng tôi hay để ý thuốc đó sản xuất ở đâu hơn là hút thuốc có hại cho sức khỏe''.

Bác Trần Xuân Hồng, 48 tuổi ở Hà Nam đã không ngại ngần cho biết ý kiến của mình: ''Khi tôi thấy hay bị viêm phế quản, làm việc nặng mà mau mệt, tôi nghĩ có lẽ do hút thuốc nhiều. Chỉ khi đó tôi mới quan tâm đến loại thuốc và chú ý xem xét các tin tức người ta nói về tác hại của thuốc lá và cả lời cảnh báo trên vỏ bao''.

Thay đổi lời cảnh báo thường xuyên hơn? Không dễ!

Chính do những hiểu biết còn hạn chế về tác hại của thuốc lá mà Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá đã xây dựng hẳn một ngân hàng... lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá để sử dụng luân phiên trên các vỏ bao. Những lời này phải chiếm 1/3 tổng diện tích bề mặt bao bì nhằm gây ấn tượng mạnh tới người hút thuốc. BS Nguyễn Ngọc Khang, chuyên viên Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cho biết như vậy.

Cũng theo điều tra trên, 30% người hút thuốc và 57,6% vị thành niên được hỏi đều có ý kiến: Những lời cảnh báo phải cụ thể hơn, trình bày nổi bật để dễ đập vào thị giác của người sử dụng, như ''Thuốc lá là tác nhân gây ung thư phổi'', ''Hút thuốc gây bệnh phổi mạn tính'', ''Hút thuốc lá có hại cho thai nhi'', ''Hút thuốc lá giết chết X người mỗi năm''...

Tuy vậy, đại diện Vụ Công nghiệp tiêu dùng - Bộ Công nghiệp lại có ý kiến khác: ''Hiện tại, việc in nhãn mác thuốc lá được thực hiện theo các quy định hiện hành. Trong công tác tổ chức sản xuất của Tổng công ty Thuốc lá, Bộ Công nghiệp không có quyền ra lệnh cho nhà máy nào thay đổi việc in nhãn mác bao bì để thay đổi thường xuyên lời cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tiêu thụ sản phẩm của họ''.

Đại diện Vụ Chính sách - Bộ Thương mại cũng có ý kiến tương tự: ''Việc thay đổi lời cảnh báo trên nhãn mác liên quan nhiều vấn đề và nhất là ảnh hưởng đến dây chuyền công nghệ in vỏ bao, rất tốn kém và ảnh hưởng đến lưu thông''.

Lại một vòng lẩn quẩn về chuyện cảnh báo như thế nào qua vỏ bao thuốc lá, trong khi ngành công nghiệp thuốc lá vẫn được bảo vệ "vị trí" trong nền kinh tế do những đóng góp không nhỏ của mình vào ngân sách?

  • L.Hà

Offline heo1980  
#4 Đã gửi : 29/05/2004 lúc 10:10:04(UTC)
heo1980

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 06-05-2004(UTC)
Bài viết: 1.458

Được cảm ơn: 6 lần trong 3 bài viết
Gia tăng bệnh suy hô hấp cấp vì hút thuốc

(VietNamNet) - Số lượng bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do bệnh tắc nghẽn mạn tính (COPD) tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tăng dần theo từng năm, có nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân: Hút thuốc lá!

Thuốc lá gây bệnh thế nào?

Khói thuốc gây bệnh bằng nhiều cách:

- Trực tiếp bằng sức nóng, gây phỏng mạn tính, làm mất vị giác và tán trợ ung thư.

- Tác dụng trực tiếp trên đường hô hấp: Do tiếp xúc trực tiếp của khói thuốc trên niêm mạc hô hấp, do lắng tụ các chất lơ lửng trong khói thuốc.

- Do các chất độc thấm vào máu: Qua màng phế nang mao mạch, đi tới khăp cơ quan.

► Tác hại của các thành phần chính trong hơn 3.000 chất đã phân lập được từ thuốc lá:

- Hắc ín: Có tính gây ung thư và kích thích phế quản.

- Nicotin: Thấm qua máu rất nhanh, tác dụng trên tim mạch và thần kinh.

- Khí CO (monoxyd carbon): Sinh ra trong quá trình cháy thiếu oxy, bám vào hồng cầu, khiến hồng cầu không thể lấy oxy được nữa.

- Ngoài ra, còn có aldehyd, acrolein, phenol đều là chất có tính kích thích.

Theo BS Nguyễn Hồng Đức, trưởng Khoa Khám và Điều trị của BV, năm 2002, bệnh nhân bị suy hô hấp cấp phải nằm điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu chỉ trên dưới 100 trường hợp. Đến năm 2003, con số này đã tăng lên 300. Hiện nay, BV đang quản lý trên 3.000 hồ sơ bệnh nhân bị bệnh COPD. Số người đến khám hàng tuần: khoảng 250-300 bệnh nhân, đa số trong tình trạng bệnh đang diễn tiến từ vừa tới nặng.

Bệnh COPD, mà nguyên nhân chính là do hút thuốc lá, diễn ra khi các phế quản bị teo hẹp lại, không khí trong phổi không thoát ra bên ngoài được, các phế nang bị dãn và vỡ, mạch máu bị tắc nên không có sự trao đổi oxy, CO2 giữa máu và không khí. Đây là một bệnh nan y vì đến nay vẫn chưa có thuốc chữa, chỉ điều trị nhằm cải thiện "tình trạng khổ sở" của bệnh nhân.

Một người suy hô hấp do tắc nghẽn mạn tính như "cây đèn hết dầu" dễ dàng "tắt phụt" (tử vong) nếu có một "cơn gió" (các cơn nhiễm trùng) thổi qua. Vì sau nhiều năm hút thuốc, phế quản của người hút bắt đầu bị viêm và hỏng dần đi. Lúc đầu, chức năng thanh thải các chất dơ lẫn trong không khí bị mất, đàm nhớt thay vì được đưa lên cổ họng để khạc ra hoặc nuốt xuống thì cứ ứ đọng lại trong phổi.

Người hút thuốc thường khạc đàm vào buổi sáng. Đó là khi các phế quản lớn trong phổi đã bị hỏng. Sau đó, người bệnh thấy khó thở, hụt hơi khi làm những việc thường ngày. Đây là lúc bệnh đã ở giai đoạn suy hô hấp, không còn hồi phục nữa. Các phế quản nhỏ và phế nang đã bị tổn thương, phổi đã bị tắc nghẽn. Triệu chứng khó thở ngày càng tăng, ngay cả khi làm những việc nhẹ như đánh răng, thay quần áo và ngay cả khi ăn uống. Lúc này, bệnh nhân đã tàn phế hô hấp, những biến chứng dồn dập xảy ra, bệnh nhân thường xuyên bị những đợt viêm phế quản nặng, rơi vào suy hô hấp cấp và tử vong.

Một bệnh nhân lớn tuổi bị COPD.

Bệnh cũng có thể gây biến chứng làm suy tim và cũng sẽ mau chết. Hiện toàn thế giới có hơn 600 triệu người mắc COPD và mỗi năm có trên ba triệu người chết vì bệnh này.

Để nhận biết một người bị COPD trong cộng đồng, ngoài các dấu hiệu khạc đàm và mệt mỏi, cần chú ý đến hiện tượng ngực căng to do phế quản tắc, không khí bị ứ lại phình ra. Các bắp thịt ở cổ nổi lên.

BS Nguyễn Hồng Đức cho biết: Dù vậy, sẽ hạn chế được nguy cơ tử vong do COPD nếu phát hiện kịp thời, chẩn đoán đúng, điều trị và theo dõi đầy đủ. Tuy nhiên, quan trọng hơn hẳn là phải hiểu và phải sợ những tác hại của thuốc lá để từ bỏ chúng, cho dù  bệnh COPD tiến triển âm thầm và lâu dài.

Vân Điển

Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (3)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.