"Cả khoa có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV"
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ BS Lương Quốc Chính cho biết: “Cách đây hơn 6 năm, chúng tôi từng cứu chữa cho một bệnh nhân nam hơn 20 tuổi vào viện vì sốc nhiễm khuẩn, suy thận và có HIV dương tính. Khi đó, chúng tôi đã tiến hành sử dụng các biện pháp tích cực, trong đó có biện pháp lọc máu liên tục”.
Bác sĩ Chính cho hay, đối với một bệnh nhân bình thường, việc lọc máu cũng phải diễn ra vô cùng cẩn trọng, thế nhưng khi lọc máu cho bệnh nhân nặng và có HIV thì lại vô cùng gian nan, đòi hỏi sự tập trung và quyết tâm của bác sĩ.
|
Ảnh minh họa
|
“Lúc đó, chúng tôi không còn đủ thời gian để chần chừ. Trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối cần sự sống và nếu như chúng tôi bỏ mặc, sợ bị lây nhiễm thì sẽ tước đi quyền sống của họ. Thế rồi, chúng tôi tiến hành cấp cứu và tiến hành kéo một lượng lớn máu ra ngoài cho bệnh nhân”, bác sĩ Chính chia sẻ.
“Lọc máu liên tục và thường xuyên, mỗi ca trực sẽ có rất nhiều bác sĩ cùng đội ngũ y tá thay nhau túc trực, điều trị cho bệnh nhân có HIV nên nguy cơ lây chéo cho cả khoa là rất cao. Lúc đó, chúng tôi chấp nhận chuyện mình có thể bị phơi nhiễm và chỉ nghĩ phải cứu chữa bằng được, làm bằng được và làm đủ mọi cách để cứu bệnh nhân đồng thời làm sao giảm thiểu vấn đề lây chéo đối với mình”.
“Ca điều trị đó kéo dài gần một tuần thì tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân được cải thiện. Các xét nghiệm về miễn dịch cũng được cải thiện thêm. Sau đó, chúng tôi chuyển cậu ấy lên phòng nhẹ hơn để tiếp tục điều trị và hẹn tới khám trong chương trình điều trị HIV miễn phí. Thông thường qua 6 năm nếu tuân thủ các quy định về việc uống thuốc cũng như điều trị thì bệnh nhân đó có thể sống bình thường”, bác sĩ Chính nói.