WC công cộng tấp nập khác thường. Người ta không vào một mình, mà đi đôi, ba người. Đặc biệt, khi có người mới vào, người bên trong vẫn chưa ra. Tốp nọ nối tiếp tốp kia. Họ dấm dúi chuyền tay nhau những gói nhỏ…
Từ tầng 2 một ngôi nhà ở phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, tôi quan sát một cái WC công cộng có từ thời bao cấp. Tôi đếm, từng tốp 4 - 5 người đi vào. Khoảng 15 phút sau những người đó đi ra và tốp khác lại vào.
Khác với các điểm WC công cộng bên đường phố có công nhân vệ sinh quét dọn thường xuyên, nơi đây gần như "vô chủ" nên rác rưởi, kim tiêm chất thành đống. Trong khi đang quan sát thì chị chủ nhà khẽ nhắc tôi cẩn thận kẻo bọn chúng phát hiện. Chị nhắc nhở như vậy cũng phải, bởi vì cánh cửa sổ này đã hai lần phải thay kính. Chẳng là bọn trẻ nhà chị tò mò ra đứng nhìn, con nghiện thấy đã ném gạch, đá vào trả thù.
Tôi còn nhớ Công an phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng đi "quét" con nghiện tại các WC công cộng trên địa bàn. Đấy là những đối tượng nghiện đã quá "bết". Họ không chỉ biến WC thành nơi hút, chích mà còn lên nóc nhà vệ sinh để ngủ. Dân nghiện từng cho rằng đó là kiểu sống: ngày ở trong "phòng khép kín", tối ngủ "khách sạn ngàn sao". Hôm ấy, hơn chục bộ mặt ngái ngủ, với quần áo nhàu nát, thân hình tiều tụy phải đến trình diện tại cơ quan Công an. Tại đây, họ khai tên tuổi, thân phận… Tất cả đều chung một điểm: nghiện quá nặng, bỏ nhà đi "bụi".
Chỉ cần đứng phía đối diện nhìn sang WC ở chếch khoảng 30 độ so với cây xăng ở dốc Hàng Bún, trên đường Yên Phụ, ai cũng thấy cái lạ ở đây: WC tấp nập khác thường. Nhìn qua cửa kính mờ mờ có thể thấy những bóng người bên trong. Cái lạ nữa là người ta không vào một mình, mà đi đôi, ba người. Khi có người mới vào, người bên trong vẫn chưa ra.
Một chị công nhân môi trường bảo: "Họ vào đây nhiều lắm, không thể nhớ hết tên, chỉ nhớ mặt thôi". Tôi để ý, cứ mỗi khi có người ra, chị lại xách chổi, thùng rác vào quét. Cái công việc này thường xuyên, liên tục đến nỗi chị không còn biết sợ. Chẳng thế mà Công ty Môi trường đô thị không còn biện pháp ngăn chặn nào khác, đành trang bị thêm mỗi toilet một sọt đựng kim tiêm.
Hỏi những người dân quanh đây đã có trường hợp nào bị chết hoặc sốc thuốc chưa, được biết "chết thì chưa nhưng sốc thuốc thì không hiếm". Tôi còn nhớ, bà con phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng đã phát hiện một con nghiện chết ngay trong nhà vệ sinh của khu tập thể.
Theo một người có “thâm niên” trong việc sử dụng ma túy, sở dĩ những đối tượng nghiện lại chọn các nhà vệ sinh công cộng là vì WC công cộng không chỉ kín đáo mà còn... kín gió.
Có thời điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng trăm WC "dã chiến" đặt trên đường phố như chúng tôi nêu ở trên. Chúng được bố trí ở các điểm công cộng, phục vụ người dân tiện ích nhất. Thế nhưng, các con nghiện đã biến nơi đây thành tụ điểm tệ nạn xã hội
|