Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline buituongvu  
#1 Đã gửi : 11/06/2004 lúc 03:24:22(UTC)
BuiTuongVu

Danh hiệu: Administration

Nhóm: Administrators
Gia nhập: 28-04-2004(UTC)
Bài viết: 567

Được cảm ơn: 34 lần trong 22 bài viết




"Ca sĩ" Trường 1 trước giờ biểu diễn - Ảnh: Thái Bình
TT - Bao giờ cũng vậy, mỗi khi Trung Hải, học viên cai nghiện tại Trung tâm (TT) Nhị Xuân, đĩnh đạc bước lên sân khấu và cất cao giọng hát thì tiếng vỗ tay bên dưới lại vang dài... Cũng như bao “đồng nghiệp tại chỗ” khác, chàng “ca sĩ” này hát bằng cả trái tim để sưởi ấm phận mình và phận người...

Giữa rừng có “sơn ca”

Ở TT Nhị Xuân, tất cả các đội quản lý học viên đều có nhóm ca sĩ không chuyên để “hát cho nhau nghe”, qua đó tuyển chọn và cung cấp “gà chiến” cho đơn vị. Với dàn “sơn ca” gần cả trăm người, các chương trình giao lưu văn nghệ tại đây bao giờ cũng gây ấn tượng mạnh.

Còn đội văn nghệ của TT Phú Văn (Bình Phước) không chỉ ca múa mà còn tự dàn dựng và biểu diễn các tiểu phẩm hài, phổ biến pháp luật, truyền thông phòng chống HIV/AIDS. Đội trưởng Nguyễn Đỗ Thuận cho biết: “Các tiết mục ca múa, tiểu phẩm phải được thay đổi luôn để tránh sự nhàm chán, ngoài ra cứ khoảng hai tháng lại cho ra lò một chương trình hoàn toàn mới”.

Ở thung lũng Đắk-ya (Đắc R’Lấp, Đắc Lắc), học viên Trường Giáo dục đào tạo - giải quyết việc làm số 1 quanh năm suốt tháng được sống trong bầu không khí lễ hội bởi lẽ hầu hết ngày lễ trong năm đều có phục vụ văn nghệ. Nhà trường cho lập hẳn một vũ đoàn mang tên T-One để múa minh họa các ca khúc.

Và cũng bởi ở rừng nên các tiết mục văn nghệ gây ấn tượng nhất của “ca sĩ” Trường 1 cũng đậm chất rừng, chẳng hạn như phần trình diễn cuồng nhiệt của bộ ba Thức Huy - Quốc Hùng - Vĩnh Oai trong ca khúc Ngọn lửa cao nguyên. Còn xem văn nghệ ở Trường 2 (Lâm Hà, Lâm Đồng) lại có sự thú vị riêng. Do ở vùng cao, khí hậu lạnh lẽo nên các chương trình về đêm luôn diễn ra dưới những cơn gió rừng sắc lạnh, khiến nhiều ca sĩ chuyên nghiệp đến giao lưu cứ run lập cập, trong lúc các “sơn ca” của trường quen chịu lạnh nên “hót” tỉnh queo.

Hát cho những phận người

Đằng sau mỗi giọng ca nghiệp dư ở các cơ sở cai nghiện luôn là một cảnh đời bất hạnh. Cặp “sơn ca” sinh đôi Ngọc - Ngân (TT Phú Văn) không may mắn được sống trong một gia đình hạnh phúc, vậy là trong một phút buông trôi đã rơi vào vòng vây ma túy dù khi ấy họ đã học tới lớp 12.

Khác với “đồng nghiệp” Tuấn Khôi làm quen với ma túy chỉ với lý do... học bị điểm kém, Trung Hải sa đà nghiện ngập bởi quá háo thắng trước mặt đám bạn nghiện: “Tôi sai lầm khi nghĩ rằng ma túy giống như thuốc lá, muốn bỏ là được, ai ngờ...”.

Còn Quang “Cali” (Trường 3) lại ngã ngựa bởi một lý do khác: “Tôi làm ra tiền rất sớm, thấy người ta chơi thì tôi chơi, cứ nghĩ chỉ là trò giải trí, nào ngờ lại là cạm bẫy chết người. Tiếc quá!”.

Cánh học viên cai nghiện gọi những người thường hát cho họ nghe bằng từ “ca sĩ” hẳn hoi. Điều đó buộc các “sơn ca” phải luôn trong tư thế “ngon lành” nhất khi bước lên sân khấu.

Bảo Ngân (TT Phú Văn) cho biết: “Trước mặt mình có đến hàng trăm khán giả, lôi thôi coi sao được. Thường tôi nghiên cứu kỹ giai điệu, ca từ, thậm chí cả bối cảnh sáng tác và tác giả, tập nhuần nhuyễn rồi mới dám biểu diễn. Ngoài ra còn phải bỏ công tập thêm bài mới, chứ chẳng lẽ cứ hát mãi một vài bài. Chưa hết, mỗi khi nhận được thư góp ý của khán giả thì phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để lần sau diễn tốt hơn”.

Riêng “ca sĩ” Mai Huyền (Trường 1) có thói quen đứng trước gương để sửa lại tư thế, động tác biểu diễn cho đến khi thành thục. Còn Trung Hải (TT Nhị Xuân) lại thường nhờ các học viên ở chung phòng “duyệt” trước khi đưa bài hát nào đó lên sân khấu.

Đời sống âm nhạc trong môi trường cách ly ma túy dường như giúp tâm hồn các “ca sĩ” trường cai nhạy cảm hơn với các mối quan hệ trong cuộc sống quanh mình, như lời bộc bạch của “ca sĩ” Tiến Thịnh (Trường 6): “Lúc trước tụi này chỉ nghĩ tới ma túy, làm sao thỏa mãn cho bản thân, giờ làm việc tập thể mới thấy chung quanh mình còn đồng đội thân thương”. Điều này cũng được Bảo Ngọc (TT Phú Văn) khẳng định: “Các bạn ấy giúp đỡ tôi khắc phục những điểm yếu, vượt qua khó khăn, lắng nghe tôi tâm sự, động viên tôi vui sống”.

Nhiều “ca sĩ” cứ thao thức mãi về một đoạn ca từ có ý nghĩa mà họ từng biểu diễn. Quang “Cali” nghẹn ngào đọc lời một bài hát mà bạn cho rằng rất giống phần đời mới vừa nếm trải: Tôi đến đây hình hài xanh xao gầy mòn. Chân bước như đi một mình vào cõi hư vô. Dang tay đón tôi là một màu áo trắng tinh khôi. Mang đến cho tôi một đời đầy sức sống tươi vui...

Mỗi ngày qua các “ca sĩ” trường cai lại mang niềm vui đến cho những người bạn đồng cảnh ngộ. Với họ, không còn niềm sung sướng nào hơn khi được hiên ngang đứng trước hàng trăm người để cất cao tiếng hát và đón nhận những tràng pháo tay tán thưởng. “Ca sĩ” H. nói như tiếc nuối: “Tôi nhiễm HIV đã lâu. Thời gian không còn nhiều nên tôi phải cố gắng làm điều gì đó có ích cho mọi người. Được như vậy tôi mới yên lòng nhắm mắt”.

Cũng như H., một số “ca sĩ” khác trong chuỗi ngày nghiện ngập đã lỡ mang trong người mầm bệnh chết người. Quen rồi, mỗi khi phát hiện một “ca sĩ” nào đó bỗng dưng quá lâu không thấy xuất hiện trên sân khấu nữa, các khán giả học viên phải tự hiểu rằng giọng hát đó đã “đi xa”...

THÁI BÌNH    Tuổi Trẻ Online - 18:39' 26/04/2004 (GMT+7)


Sửa bởi quản trị viên 22/09/2009 lúc 08:28:55(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.