Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline BonghoaTruongsinh  
#1 Đã gửi : 09/12/2005 lúc 06:27:13(UTC)
BonghoaTruongsinh

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Tham vấn viên Diễn đàn
Gia nhập: 26-05-2004(UTC)
Bài viết: 1.234

Cảm ơn: 3 lần
Được cảm ơn: 16 lần trong 11 bài viết


Cửa biển sông Đốc

Đêm cửa biển Sông Đốc. Tàu câu mực, tàu lưới vây, tàu cào khơi… lần lượt vào bến ken cứng hai bờ. Lòng sông trở nên chật hẹp. Trên những con đường chạy quanh thị trấn Sông Đốc đông người đi lại, hàng quán chật khách.

Chợ tình nội ô thị trấn Sông Đốc

Tôi theo một tốp ngư phủ rời tàu lên con đò dọc làm bằng composite, gắn máy Honda đâm vào kinh Thầy Tư (khóm 4, thị trấn Sông Đốc). Anh lái đò quả quyết: “Tôi làm nghề này đã lâu và đi nhiều nơi nhưng chưa thấy “em út” nơi nào đông đúc cho bằng Sông Đốc. Nhất kinh Thầy Tư, nhì đê Trung ương... em út phục vụ từ trên bờ xuống tới biển luôn”!

Con đò ghé vào bờ, san sát một dãy nhà lá lúp xúp cặp theo mé kinh, cửa sổ treo vải màu phất phơ vẫy gọi. Một người đàn bà mập mạp, vàng đeo đỏ cổ, rọi đèn pin thẳng vào mặt tôi “tiếp thị” sát rạt: “Vô đây anh Hai ơi, vui vẻ thoải mái, có hàng mới xuống. Có hàng mới ngon lành luôn!”. Chúng tôi bước vào thấy chỉ có vài cái bàn nhựa, nền đất lồi lõm. Nhưng gió sông tràn lên mát rượi.

Dẫn đầu nhóm ngư phủ là D., một ngư phủ cứng tuổi quê ở Bến Tre. Lúc nãy còn ở trên tàu, D. tự giới thiệu với tôi: “Bọn em mùa Nam đánh cá ngoài biển Đông, mùa chướng đưa tàu về biển Tây, tấp vô cửa Sông Đốc. Vô hôm mùng 10, mấy ông có vợ về quê thăm, em và đám trai tơ ở lại giữ tàu, hàng đêm đi nhậu”.



Bữa cơm trên thuyền của ngư phủ

Chúng tôi vừa ngồi xuống, bốn cô gái cũng rất lẹ làng xáp vô và… ngồi xuống. Mồi màng, rượu chè chưa có, các cô tự giới thiệu và gọi luôn.

Trăng thanh gió mát, sóng vỗ bờ sông ràn rạt, quang cảnh hoang dã dễ gợi cho người ta những suy nghĩ buông thả. D. ngồi với một cô gái dường như đã quen biết từ trước, vừa uống rượu hai người vừa cười nói tíu tít.

Mới vài vòng rượu, D. và cô gái đã rút vô phòng phía sau quán từ lúc nào. Mấy chàng trai tơ cho biết, mỗi lần ra phía sau tốn năm chục ngàn đồng! Một lúc, D. quay lại bàn thì chàng trai khác đứng lên. D. hấp háy mắt nói với tôi: “Em xuống Sông Đốc mà gặp được em này thì như đã được về quê rồi”.

Đêm hôm sau, tôi theo tốp ngư phủ khác đi trên con đường phía bờ sông đối diện với bờ kinh Thầy Tư. Bên này có trụ sở UBND thị trấn Sông Đốc. Đi quá trụ sở một đoạn gặp ngã ba Sung Sướng, quán xá sầm uất và em út đông ngang ngửa bên kinh Thầy Tư.

Cũng trăng thanh gió mát, ngư phủ rám nắng biển và các cô gái thì chân còn đóng phèn. Anh lái xe ôm mách: “Dọc theo dãy hàng quán Đang Sung, rồi quẹo ra hẻm Hết Tiền”. Đến đây mà không “hết tiền” mới là chuyện lạ!

Quán và nhà trọ ở ngoại ô

Ngồi trên tàu đánh cá sau hai đêm lang thang hầu như không ngủ, tôi hỏi cánh ngư phủ trai tơ là như vậy thì có còn dành dụm được gì sau mỗi chuyến đi biển được chia món tiền không nhỏ? Các chàng trai cười khì thay cho câu trả lời.

Con mắt tôi nhìn thị trấn Sông Đốc sầm uất đã khác trước. Cuộc sống ở đâu cũng vậy, có đêm có ngày, có làm lụng có chơi bời nhưng ở nơi cửa biển tất cả những điều ấy nó phơi bày ngồn ngộn và mạnh bạo như nghề biển vậy.

Đêm nay, túi tiền đã vơi nên các ngư phủ không bao đò composite nữa mà lội bộ theo một con đường đất ra ngoại ô thị trấn. Ôi chao, vẫn gặp cơ man quán xá, trai gái tứ xứ hẹn hò. Tôi hỏi thăm thì biết con đường đang đi gọi là đường Sông Đốc- Rạch Ráng, xóm nhà lá Kinh Ranh đã thuộc xã Khánh Hải cùng huyện Trần Văn Thời.

Chúng tôi vào một quán lá thấp tè và chật chội. Các ngư phủ gọi cà phê, mỗi ly cà phê đá giá 3.000 đồng. Quán chỉ vỏn vẹn có một chiếc bàn, một chiếc võng. Cô chủ quán giới thiệu tên là Sáng 34 tuổi, da ngăm đen, thân hình mập mạp.

Cô nói rổn rảng: “Em ở Phong Lạc lên đây cất nhà ở đại, có xin giấy tạm trú nên không bị công an phạt. Ở đây cũng ít khi công an thị trấn Sông Đốc lên vì khác địa bàn, còn xã Khánh Hải thì xa lắm. Vả lại mấy ổng cũng biết rồi. Chỉ sợ cho mấy anh thôi, lỡ công an bắt mấy anh thì phạt 200.000 đồng, còn tụi em quen hết rồi, có kiểm tra sẽ có người cho hay”.

Uống cà phê sao lại “lỡ công an bắt”?-Tôi băn khoăn tuy nhiên im lặng không nói gì.

Uống hết ly cà phê thì các ngư phủ gọi rượu. Hóa ra ở đây quán giải khát kiêm luôn quán nhậu. Mồi màng chỉ vài ba thứ cóc ổi, khô khỏng. Mới vài ly trong làn gió chướng se se thấy cũng la ngà. Một ngư phủ đứng dậy đi sang gian quán bên cạnh, rồi ngư phủ tiếp theo... Sau đó, các ngư phủ bảo tôi.

Tôi vô thì hóa ra là căn phòng trọ. Nó cũng tí xíu vừa đủ trải chiếc nệm cũ, vài dụng cụ nhà bếp, bình nước lọc. Cô gái chủ phòng trọ mở lời: “Em mới thuê ở được vài tháng. Ai biết thì ghé chơi, khỏi đóng tiền phòng. Ai không biết, đến nhậu thì vừa mất tiền nhậu, vừa phải đóng cho bà chủ 20.000 đồng tiền canh chừng người lạ”.

Cô Phương có những nét xinh xắn, mộc mạc và cái vẻ dạn dĩ dường như không hợp với cô. Lại trong khung cảnh hoang sơ và cuộc sống hoang dã, sự dạn dĩ phong trần toát lên một vẻ tựa như là tội nghiệp.

Tôi đang nghĩ ngợi mông lung thì cô giục: “Anh có đi thì nhanh nhanh lên”. Không có bao cao su. Cô chủ cứ quả quyết: “Em đâu có bệnh đâu mà sợ!”, nhưng tôi mượn cớ chuồn lẹ khỏi “tổ quỷ”.

Tai họa chực chờ khắp nơi 



Kiên Giang: Ngư phủ nhiễm HIV/AIDS rất cao

Kiên Giang có trên 7.000 tàu thuyền với khoảng 40.000 ngư phủ.  Thống kê mới đây cho thấy Kiên Giang có 2.562 ca nhiễm HIV/AIDS, trong đó 548 người đã chuyển sang AIDS và ngư phủ là nhóm lây nhiễm cao chỉ sau ma túy và mại dâm. Đặc biệt trên các bến cảng, đảo như : Phú Quốc, Hòn Thơm, Hòn Ngang, Thổ Chu… gái mại dâm từ đất liền ra hoạt động gần như công khai, trong đó không ít gái mại dâm đã bị nhiễm bệnh từ đất liền. Tại Hòn Thơm đã có 2 trường hợp chết vì AIDS. Chương trình “Ngư phủ và bạn tình của họ” do một tổ chức nước ngoài tài trợ đã được triển khai nhưng hiệu quả  thì như “muối bỏ biển”.  

Hồng Lĩnh

Thế nhưng bữa sau làm việc với chính quyền thị trấn thì tôi được biết, Sông Đốc đã phát hiện 11 người dương tính với HIV/AIDS. Thực tế dĩ nhiên nhiều gấp mấy chục lần bởi các cô gái sinh sống không ổn định và rất khó động viên đi xét nghiệm.

Riêng khóm 4, thị trấn Sông Đốc nơi có kinh Thầy Tư nức tiếng ăn chơi đã phát hiện 7 người nhiễm HIV/AIDS gồm 3 cặp vợ chồng và một cô gái.

Chị N.T.H 38 tuổi, ly thân với chồng, mở quán nhậu. Chị đi bước nữa với ngư phủ ĐVT để nuôi đứa con hơn 3 tuổi. Trong lần trị bệnh ngoài da, cả hai vợ chồng đều được phát hiện nhiễm HIV/AIDS.

Sau bận đó, anh Đ.V.T bỏ nghề đi biển, làm thuê lòng vòng trong thị trấn. Quán nhậu bình dân của N.T.H có đến 5-7 tiếp viên. Các cô tiếp viên đã nhiễm căn bệnh thế kỷ hay chưa thì không biết vì các cô không chịu đi xét nghiệm mà suốt ngày lo tiếp ngư phủ, nhất là kỳ trăng sáng ì xèo suốt đêm.

Chị N.T.N 25 tuổi, có chồng là ngư phủ bị bệnh AIDS vừa mới chết ở tuổi 27. Chị bị tiêu chảy kéo dài, uống thuốc mãi không hết, khi lấy máu xét nghiệm thì phát hiện dương tính HIV/AIDS. Rồi cô N.T.T, 22 tuổi, vừa tiễn người chồng trẻ là H.V.H chết vì căn bệnh AIDS cũng đang bán quán.

Y sĩ Nguyễn Hải Tùng, phụ trách công tác phòng chống HIV/AIDS thị trấn Sông Đốc, phàn nàn: “Trình độ nhận thức của người nhiễm HIV/AIDS rất thấp, đời sống lại nghèo khó nên họ ít hợp tác. Chúng tôi vận động những người nhiễm HIV/AIDS vào nhóm đồng đẳng nhưng chỉ có 2 người tham gia. Trường hợp vợ chồng chị Ng.Th.H. là một ví dụ. Họ mang virut HIV/AIDS nhưng mở quán nhậu, có tiếp viên và rất đắt khách !”.

Tôi trò chuyện với lão ngư Đàm Văn Nguyên (Tư Nguyên), chủ 4 chiếc tàu đánh cá lớn với hàng trăm ngư phủ, vừa rồi thu lời mấy trăm triệu đồng. Ông nói ào ào như quát vào mặt tôi theo cách của người đi biển: “Đàn ông đực rựa đi biển suốt 20 ngày, cập bến, làm sao ngăn nổi tụi nó ?”.

Rồi ông nói về biển, về ngư phủ, tôi hiểu ông đang nói về chính cuộc đời của ông gắn bó nghề hạ bạc từ khi còn bé, cho đến lúc thành ông chủ tàu giàu có: “Thị trấn Sông Đốc sống chết gì cũng nhờ biển. Tàu vô, bán thứ gì cũng chạy bởi vậy ngư phủ có tiền, ăn chơi xả láng cho đã”.

Tôi lại đem chuyện nói với Thiếu tá Đào Minh Đằng, Phó công an thị trấn Sông Đốc. Thiếu tá Đằng bảo: “Vào dịp trăng sáng tàu về bến đông, mỗi đêm có vài ba vụ đánh nhau, công an phải can thiệp. Ngư phủ vào tạm trú sau chuyến đi biển có thể nói hầu hết là thanh niên trai trẻ, sung sức. Ở thị trấn này không có gì giải trí cả ngoài đến rượu và gái. Chúng tôi đã phát hiện trong quán nhậu có giường tầng, vách đôi, cửa lật để trốn tránh sự kiểm tra. Gần đây, nhà trọ, nhà cho thuê tháng phát triển nhiều đang hình thành những ổ chứa có bảo kê”.

Bác sĩ Phan Phương Đông, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực thị trấn Sông Đốc, bức xúc: “Năm 2003, chúng tôi nhận về 14.000 chiếc bao cao su để phân phát cho nhà hàng, khách sạn, nhà trọ và ngư phủ. Tuy nhiên kết quả rất hạn chế. Các tỉnh ven biển cũng đã có chương trình giáo dục sức khỏe “ngư phủ với bạn tình” nhưng chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn rồi bỏ”.

Thị trấn Sông Đốc có gần 6.000 hộ dân, 29.000 nhân khẩu, trong đó có 1.500 hộ với gần 5.000 nhân khẩu tạm trú. Mỗi kỳ trăng sáng, nhất là mùa gió chướng, cửa biển Sông Đốc đón 780 chiếc tàu của ngư dân địa phương và khoảng 300 tàu của các tỉnh bạn đánh bắt trên ngư trường Cà Mau - Kiên Giang với trên dưới 10.000 ngư phủ. Chưa có cấp, ngành nào quan tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của họ.

Với người đi biển thì về tới bến là thêm một lần được về với đất liền bình yên. Nhưng ở cái ngã ba “sung sướng” cuối trời Nam ấy đang chứa đầy hiểm họa chờ đợi họ sau những ngày vật lộn với biển cả.

Nguyễn Ngọc (11/2005)


Sửa bởi quản trị viên 31/07/2009 lúc 07:47:09(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Những bông hoa Trường sinh đã nở trong một ngày như thế. Và chú ong biết chắc rằng sẽ chẳng có ngày nào đẹp hơn thế trong suốt cuộc đời của chú...
Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.