Kỳ thị liên quan đến HIV/ADIS: Giới truyền thông không thể "vô can" (12-11)
Thu Phương
Đang có không ít biểu hiện kỳ thị, từ sự cô lập xã hội do nỗi sợ hãi bị lây nhiễm, sử dụng những ngôn từ mang tính khinh miệt và gây tổn thương, tới những hình thái nặng nề hơn, gạt người HIV/ADIS và gia đình họ ra lề xã hội, ngăn cản họ tiếp cận sự chăm sóc và hỗ trợ. Điều đó có nghĩa dịch bệnh sẽ lan truyền trong khi hoàn toàn có thể ngăn ngừa. Các thông điệp từ hội thảo "Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/ADIS" do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) tổ chức ngày 10-11 cho thấy có nhiều lý do để hy vọng tình trạng sẽ được cải thiện.
· Cội nguồn kỳ thị?
Vẻ bình thản kiên nghị, chị Phương Thanh ở nhóm giáo dục đồng đẳng Hoa Sữa (Hà Nội) không hề tỏ ra bối bối trên bục phát biểu. Chỉ cần nghe chị miêu tả nỗi bất bình khi đọc một bài báo gọi những người nhiễm HIV đã mang bản án tử hình, cũng đủ biết thông điệp tiêu cực từ các chương trình truyền thông đã tác động tới tâm lý tự kỳ thị, sự kỳ thị và phân biệt đối xử ra sao. Ý kiến của một người mẹ trẻ ở nhóm Hoa phượng đỏ (Hải Phòng) có con trai 2 tuổi, chị Kim Thị Hậu, lại cho biết cô giáo của con chị thông báo: Các phụ huynh nói rằng nếu con chị học cùng, con họ sẽ chuyển đi lớp khác, trường khác.
Sự mơ hồ lo sợ và hoài nghi về việc lây nhiễm HIV thông qua tiếp xúc thông thường hàng ngày với người nhiễm đã và đang dẫn tới việc người dân áp dụng những biện pháp, thường là không cần thiết và mang tính kỳ thị, mà tưởng rằng có tác dụng phòng tránh căn bệnh lây truyền.
Một nguyên nhân quan trọng không kém dẫn đến kỳ thị gắn với một thực tế là những phán xét từ khía cạnh đạo đức. Lãnh đạo cộng đồng, các cán bộ y tế cơ sở, và cả người dân thường nghĩ rằng HIV/ADIS liên quan chặt chẽ với nghiện chích ma túy và mại dâm - hai tệ nạn xã hội đáng lên án! Sự phán xét đạo đức đã lan từ nhóm này sang. Tác động không mong muốn của truyền thông cũng là một nguyên nhân không nhỏ.
Quan ngại trước nguy cơ kỳ thị là một trong những rào cản mạnh nhất đối với các chương trình về HIV/ADIS, làm tăng nỗi bất hạnh và sự đau khổ, trong khi sự hiểu biết về kỳ thị quá ít, và ít cả những hoạt động can thiệp giảm thiểu kỳ thị, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) đã tiến hành một nghiên cứu về vấn đề này, tại hai thành phố Cần Thơ và Hải Phòng, từ tháng 8-2002 tới tháng 1 năm nay.
· Không khai thác chiến thuật "gây sợ hãi"
Tác động không mong muốn của truyền thông có thể gây ra kỳ thị là có thực. "Truyền thông đại chúng cần tăng cường hơn nữa các thông điệp, sử dụng những hình ảnh tích cực của những người nhiễm HIV/ADIS" - PGS.TS Đào Duy Quát, Phó Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương phát biểu khai mạc hội thảo. Một điều rõ ràng là mặc dù có sự kỳ thị đối với căn bệnh, hầu hết những người có HIV/ADIS đồng thời cũng nhận được tình thương, sự hỗ trợ và chăm sóc của gia đình, và lòng trắc ẩn của người dân trong cộng đồng.
Đây đó trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, thường thấy những hình ảnh tiêu cực mang tính hù dọa về HIV/ADIS và người nhiễm. Những bài báo, câu chuyện, mô tả hành vi nguy hiểm của người nhiễm, những câu chuyện giật gân, bi thảm; trong khi thông điệp còn mù mờ, thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể. Nhiều bài gắn chặt tệ nạn xã hội với HIV/ADIS đến nỗi viết về HIV là chỉ tập trung vào đối tượng tiêm chích ma túy và mại dâm. Trong khảo sát nghiên cứu của ISDS, một phụ nữ mại dâm HIV ở Cần Thơ kể: "Em cũng coi trên vô tuyến Cần Thơ hôm thứ 2, thứ 5, có quay nhiều người bị siđa nhìn dơ lắm. Bị siđa coi trên vô tuyến mới đáng sợ, còn như em thế này có gì đâu mà sợ. Người ta nói ai bị siđa là bắt vô trong cái trại tập trung gì đó để sống chung với nhau, không để ở ngoài".
Hậu quả không mong muốn của truyền thông là đã làm tăng thêm sự kỳ thị, người dân sợ hãi, hoang mang, dẫn đến phòng ngừa quá mức và xa lánh, cô lập người nhiễm HIV và gia đình họ. Chưa kể điều đó còn gây ra ảo tưởng về "an toàn" bản thân hoặc ngược lại, nhiều người kém tự tin, ảnh hưởng đến đoàn kết cộng đồng.
Người nhiễm HIV bị kỳ thị thiếu hẳn sự chăm sóc và chữa trị trong gia đình, thiếu hỗ trợ của cộng đồng. Họ và gia đình không muốn tới các cơ sở y tế và cũng không muốn cán bộ y tế tới nhà. Tư vấn và xét nghiệm tự nguyện không có khả năng mở rộng. Dịch vụ điều trị có thể không được sử dụng rộng rãi. Người nhiễm sẽ mất các cơ hội trong cuộc sống, mất vị thế xã hội và không muốn bộc lộ tình trạng nhiễm của mình. Đáng sợ hơn, họ tự kỳ thị - xấu hổ, suy sụp, cô lập, hoặc có hành vi nguy cơ cao, làm tăng sự lây lan, hạn chế đóng góp cho các hoạt động cộng đồng.
· Bộ "Công cụ chống lại kỳ thị" sẽ có ở nước ta
Theo TS. Khuất Thu Hồng, đồng Giám đốc ISDS, thì cần và cần phải làm nhiều hơn nữa để đương đầu và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Giai đoạn tiếp theo, của nghiên cứu này sẽ điều chỉnh bộ "Công cụ chống lại kỳ thị" do Dự án CHANGE, ICRW và các đối tác ở 3 nước châu Phi thiết kế, cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
"Các chương trình cần được triển khai nhằm giảm nỗi sợ hãi lây nhiễm HIV thông qua các tiếp xúc thông thường, bằng cách chuyển tải những thông tin thực tế, rõ ràng về HIV/ADIS; về cách lây truyền, khi nào lây truyền và khi nào không lây truyền" - TS. Hồng nói. "Thêm nữa, cần có những nỗ lực được cân nhắc một cách thận trọng nhằm tách HIV/ADIS khỏi các tệ nạn xã hội trong các chính sách, văn bản pháp luật, chương trình và trong suy nghĩ của công chúng" - bà nói. "Chúng tôi kiến nghị truyền thông cần rà soát lại các chương trình về HIV/ADIS của mình nhằm mang lại những cách nhìn thực tế hơn, kể cả việc đề cập đến các phương pháp điều trị và các công nghệ phòng tránh mới. Sử dụng hình ảnh tích cực của những người có HIV trong trạng thái khỏe mạnh sẽ khuyến khích sự hiểu biết đầy đủ hơn về HIV/ADIS, rằng HIV không phải là án tử hình, rằng người HIV/ADIScó thể có cuộc sống hữu ích và đóng góp có giá trị cho xã hội, và sự chăm sóc hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng với họ. Thêm nữa, các thông điệp về chữa trị và về những công nghệ mới có thể thôi thúc hy vọng và sự vươn lên, đồng thời các chương trình giới thiệu về các mô hình can thiệp có hiệu quả nhất có thể chia sẻ kinh nghiệm các nước khác đã giải quyết tình trạng HIV/ADIS như thế nào".
(www.mattran.org.vn)
Sửa bởi quản trị viên 18/09/2009 lúc 01:55:56(UTC)
| Lý do: Chưa rõ