Danh hiệu: MemberNhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 04-01-2007(UTC) Bài viết: 182
|
như tôi khi cd4 dưới 100 đúng là nhiều bệnh cơ hội, nhưngg ko phải ai cũng vậy . nhưng khi đã uống thuôc skháng vào thì tôi thấy mình rất khoẻ. tôi giờ hiện chỉ khoảng 130 vậy cũng khoẻ chang khác người thuơng và khi chưa bị H | con song con hy vong |
|
|
|
|
|
Danh hiệu: Thành viên gắn bóNhóm: Người điều hành chung, Tham vấn viên Diễn đàn
Gia nhập: 10-02-2008(UTC) Bài viết: 2.091 Đến từ: Ngày hôm qua.....
Cảm ơn: 349 lần Được cảm ơn: 895 lần trong 468 bài viết
|
Gửi các bạn tham khảo tài liệu về Phác đồ Lây truyền mẹ sang con mới nhất của Bộ Y Tế : Phác đồ LTMC mới nhất của Bộ Y tế | Lại một ngày nữa qua rồi....Em có hài lòng không ? |
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Cập nhật lúc : 4:18 PM, 08/12/2009
Hy vọng cho những người mẹ có HIV
|
(ảnh chỉ mang tính minh hoạ) |
(VOV) - Lần đầu tiên WHO khuyên nên sử dụng ARV cho mẹ hoặc cho em bé và cho phép mẹ có HIV vẫn có thể cho con bú bình thường. WHO cũng khuyến cáo các phụ nữ mang thai nên sử dụng thuốc ARV ngay từ tuần thứ 14 thai kỳ thay vì tuần 28 như trước đây.
Sử dụng thuốc ARV vẫn là lời khuyên chủ yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm chữa trị cho những người mắc HIV/AIDS. Đối với các bà mẹ có HIV, vào năm 2006, WHO khuyến cáo sử dụng ARV từ tuần thứ 28 thai kỳ để giảm nguy cơ lây nhiễm virus HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, theo chỉ định cũ, để phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con, đứa trẻ phải được sinh ra bằng phương pháp mổ đẻ và ngay sau khi sinh được nuôi dưỡng bằng thức ăn thay thế chứ không được bú sữa mẹ.
Đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay (1/12), lần đầu tiên WHO khuyên nên sử dụng ARV cho mẹ hoặc cho em bé và cho phép mẹ có HIV vẫn có thể cho con bú bình thường. WHO cũng cập nhật các chỉ định, theo đó, khuyến cáo các phụ nữ mang thai nên sử dụng thuốc ARV ngay từ tuần thứ 14 thai kỳ thay vì tuần 28 như trước đây.
Ông Hiroki Nakatani, Phó Tổng Giám đốc WHO phụ trách các bệnh HIV/AIDS, lao, tả và các bệnh nhiệt đới cho biết: “Những khuyến cáo mới được đưa ra dựa trên các nghiên cứu cập nhật nhất và sẽ giúp nhiều người ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS sống lâu và mạnh khoẻ hơn”.
Lời khuyên của WHO cho thấy hiệu quả ngày càng được khẳng định của thuốc ARV trong điều trị bệnh AIDS nói chung, trong phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con nói riêng. Sau một thời gian dài nghiên cứu, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống, điều trị căn bệnh thế kỷ, cũng như giảm phân biệt đối xử, kỳ thị đối với những người sống chung với HIV. Bước tiến nổi bật là cuộc thử nghiệm hồi tháng 9 tại Thái Lan, mở ra hy vọng có thể điều chế thành công vaccine chống HIV, rồi tiến tới sản xuất phổ biến đại trà. Phương pháp mới của WHO cho phép các bà mẹ có HIV vẫn có thể sinh con khoẻ mạnh và cho con bú là một thành công lớn về mặt khoa học cũng như nhân văn. Vấn đề là làm sao để những người phụ nữ có HIV có thể tiếp cận thông tin và nguồn thuốc cần thiết, để họ được các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng hiểu và thông cảm, không phân biệt đối xử.
Với những thành công mới trong cuộc chiến với bệnh AIDS, nhiều quốc gia đã đưa ra các chiến lược tham vọng. Đáng chú ý nhất là kế hoạch của Nam Phi đưa ra đúng ngày 1/12, theo đó mở rộng chữa trị cho tất cả trẻ em và phụ nữ có HIV trên cả đất nước Nam Phi. Kế hoạch khi đi vào thực hiện sẽ có thể cứu sống hàng trăm nghìn con người đang phải sống chung với HIV tại quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới này. Nam Phi có dân số 50 triệu người, nhưng có tới 5,7 triệu người nhiễm HIV.
Với việc chữa trị cho các em bé có HIV do lây nhiễm từ mẹ, Nam Phi sẽ cải thiện được tình trạng tử vong cao ở trẻ em do AIDS. Nghiên cứu của trường Đại học Havard cho thấy các chính sách như điều trị AIDS bằng ARV kết hợp các loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân có HIV như tỏi, củ cải đường... có thể cứu sống hơn 300.000 trẻ em khỏi lưỡi hái tử thần của căn bệnh thế kỷ./.
Hoàng Vân (Báo TNVN)
|
1 người cảm ơn Guest cho bài viết.
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Có thể giảm tỉ lệ lây truyền xuống dưới 2%
20/07/2010 10:48
Khi không được điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 30 trẻ bị nhiễm HIV. Nhưng nếu các bà mẹ này được điều trị dự phòng thì chỉ có từ 3-10 trẻ bị nhiễm HIV.
Dự phòng càng sớm, hiệu quả càng cao
Theo kết quả giám sát trọng điểm của Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai của cả nước đang có xu hướng gia tăng. Trong số phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nhiều người đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu là do bản thân thai phụ, phụ nữ nhiễm HIV thiếu thông tin, thiếu kiến thức, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi. Hầu hết số phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ. Do đó, rất khó khăn trong việc tư vấn xét nghiệm tự nguyện và quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS.
|
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: Chí Đại
|
Ước tính mỗi năm Việt Nam có từ 1 đến 1,5 triệu phụ nữ mang thai thì có khoảng 6.000 người bị nhiễm HIV/AIDS và gần 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ (chiếm 30% tổng số sản phụ nhiễm HIV). Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Khi không được điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 30 trẻ bị nhiễm HIV. Nhưng nếu các bà mẹ này được điều trị dự phòng thì chỉ có từ 3-10 trẻ bị nhiễm HIV tuỳ theo thời điểm bắt đầu dùng thuốc, việc tuân thủ điều trị và một số yếu tố khác. Điều trị dự phòng càng sớm sẽ càng mang lại hiệu quả cao.
Có thể giảm tỉ lệ lây truyền xuống dưới 2%
Nhằm giảm thiểu lây truyền HIV, năm 2009, Bộ Y tế đã phát động và triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn quốc. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ có HIV. Mục tiêu của chương trình này đến năm 2010 là: 90% phụ nữ mang thai được tư vấn về HIV/AIDS và 60% số phụ nữ mang thai được tư vấn tự nguyện xét nghiệm HIV; 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ nhận được gói dịch vụ toàn diện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 90% bà mẹ nhiễm HIV và con của họ được tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau khi sinh. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2009, trên toàn quốc đã tiến hành tư vấn xét nghiệm HIV trước sinh cho 298.934 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện 453 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và 369 trường hợp đã được điều trị dự phòng.
Trong nỗ lực giảm thiểu tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện một số mô hình nâng cao chất lượng dân số như: Tư vấn, kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân, Sàng lọc trước sinh, Sàng lọc sơ sinh. Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ giải thích: “Việc chăm sóc, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS như là một cấu phần trong Đề án Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, tức là các cặp thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn, kiểm tra sức khỏe..., trong đó có việc vận động họ tự nguyện xét nghiệm HIV, viêm gan B để có chính sách chăm sóc và hỗ trợ. Đối với phụ nữ mang thai chúng tôi vận động họ tự nguyện xét nghiệm HIV với thông điệp “Xét nghiệm cho mẹ, sức khỏe cho con”. Nếu như chúng ta xét nghiệm sớm, điều trị sớm sẽ giảm tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con. Nếu bình thường, tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con trên 30%, nhưng nếu chúng ta dự phòng tốt thì sẽ giảm xuống dưới 10% hoặc dưới 5%, thậm chí dưới 2%. Chiến lược phòng chống HIV/AIDS của nước ta đến năm 2010 là giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con xuống dưới 10%. Nhưng thực tế, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh nhờ làm tốt công tác dự phòng, tỉ lệ này đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2007”.
Xuân Hương
|
1 người cảm ơn Guest cho bài viết.
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Phát hiện sớm để kịp thời can thiệp |
Thứ ba, 24/08/2010, 09:44 (GMT+7) |
Cầm phiếu trả kết quả xét nghiệm máu trên tay với dòng chữ in đậm “dương tính HIV”, chị H.Phương (ngụ quận 7, TPHCM) như ngất lịm. Chị thảng thốt nói với theo cô bác sĩ sau khi đã được tư vấn dự phòng: “Liệu con tôi có bị sao không bác sĩ. Nó có bị nhiễm như tôi không?”. Đó là một trong khá nhiều thai phụ nhiễm HIV mà BV Từ Dũ gặp phải trong thời gian qua. Tuy nhiên, không hẳn thai phụ nào cũng có ý thức chủ động xét nghiệm để dự phòng.
Thai phụ nhiễm HIV gia tăng
Vốn làm công nhân may mặc, chị Phương kết hôn với một tài xế xe tải đường dài. Chị rất ít có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, cũng như báo chí, sách vở. Do vậy, chị cũng không có kiến thức về mang thai, về những căn bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Mấy lần trước, đi khám thai ở các phòng mạch tư, sau khi được siêu âm và nghe tim thai, bác sĩ cho biết thai nhi phát triển bình thường. Gần đây, khi nghe chị em hàng xóm “mách nhỏ” tài xế đường dài dễ mắc HIV nên chị mới vào bệnh viện khám, xét nghiệm...
|
Chủ động khám thai, xét nghiệm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: CTV
|
Dọc hành lang phòng khám tư vấn của BV Từ Dũ, nhiều thai phụ khác cũng thấp thỏm âu lo. Chị Hồng, 25 tuổi, bồn chồn nói: “Em xét nghiệm nước tiểu rồi, chỉ chờ kết quả xét nghiệm máu. Không biết có bị sao không mà cả tiếng đồng hồ rồi chưa thấy gọi tên”. Qua tâm sự, Hồng thổ lộ đã từng làm gái mại dâm và trong một lần không dùng biện pháp tránh thai đã có bầu. “Em cũng muốn bỏ lắm nhưng nghe ba mẹ, bạn bè khuyên nhủ nên em giữ lại. Dù gì có đứa con vẫn hạnh phúc”, Hồng ngượng ngùng nói. Đã gần 4 năm hành nghề, Hồng mơ hồ hiểu về HIV. Còn chuyện sau khi bị nhiễm HIV rồi mang thai sẽ ảnh hưởng thế nào cho sức khỏe của con thì Hồng... mù tịt.
Theo thống kê của BV Phụ sản Từ Dũ, số thai phụ được tư vấn dự phòng HIV tăng lên mỗi năm. Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ cho biết, mỗi tháng BV phát hiện từ 28 đến 32 thai phụ nhiễm HIV đến khám hoặc sinh con tại bệnh viện. Tương tự, tại BV Phụ sản Hùng Vương, các bác sĩ tư vấn dự phòng HIV cho gần 800 thai phụ nhiễm HIV trong 3 năm qua.
Trong số đó, phần lớn phát hiện khi thai phụ đến khám thai và đáng lo ngại là đối tượng này ngày càng trẻ hóa. BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ sản, BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, số thai phụ được tư vấn dự phòng HIV đã tăng lên rõ rệt trong các năm qua, bình quân mỗi năm từ 100 - 200 trường hợp. Theo kết quả giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai ở VN đang có xu hướng gia tăng. Ước tính mỗi năm có khoảng 6.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, chiếm 0,25% trong tổng số phụ nữ mang thai.
Nguyên nhân do thiếu ý thức
Theo các chuyên gia y tế, hiện hầu hết phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện muộn trong giai đoạn chuyển dạ. Đây là điểm khó khăn trong việc tư vấn, chăm sóc theo dõi và điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con. Điển hình như trường hợp chị T.Q. vừa mới hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh tại BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM. Là cô gái tỉnh lẻ miền Tây lên TPHCM, Q. gặp H. - một công tử nhà giàu - và kết duyên. Tuy nhiên, khi đứa con trong bụng Q. thành hình hài, cô mới biết H. nghiện ma túy và nhiễm HIV. Do thai đã quá lớn không thể bỏ, Q. đành ngậm ngùi để vậy. Khi đến bệnh viện sinh nở, cô mới được thông báo cả mẹ và con đều nhiễm HIV...
Qua ghi nhận cho thấy, nhiều thai phụ đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con mà nguyên nhân chủ yếu là do bản thân họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Mặt khác, các dịch vụ dự phòng chưa được cung cấp một cách rộng rãi. Điều đáng nói, hầu hết thai phụ chưa có ý thức dự phòng cho chính mình, nhất là những đối tượng được liệt vào danh sách có nguy cơ cao như gái mại dâm, nghiện ma túy, có chồng là lái xe tải đường dài... Khi đối mặt với HIV, thai phụ đứng trước lựa chọn sinh hay bỏ con (chỉ cho phép bỏ thai dưới 20 tuần tuổi). Nếu quyết định sinh con, sản phụ phải chấp nhận nguy cơ đứa trẻ có thể bị nhiễm và sẽ chết trong 2 năm đầu. Trẻ cũng có thể sống lâu hơn nhưng vẫn khó qua khỏi vì không đủ sức chống chọi với bệnh.
Nhân “Tháng 6 - tháng cao điểm phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cảnh báo, nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ lây truyền HIV cho con sẽ là 35%. Như vậy, mỗi năm sẽ có hơn 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng sớm thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ khoảng 5%, đồng nghĩa với việc có thể cứu được hơn 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ.
Chính vì vậy, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp phụ nữ mang thai phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV của bản thân để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng, hạn chế thấp nhất việc lây truyền HIV sang con. Do đó, các ban ngành đoàn thể và toàn xã hội tích cực hưởng ứng, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
TƯỜNG LÂM
|
http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2010/8/235131/
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Tránh lây nhiễm từ mẹ sang con
Thứ Hai, 25.10.2010 | 08:51 (GMT + 7)
(LĐ) - Mỗi năm nước ta có thêm gần 5.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu được can thiệp kịp thời, khoảng 1.500 trẻ được ra đời từ các bà mẹ này tránh được nhiễm HIV.
Bộ Y tế đặt ra đích năm 2015 sẽ không còn tình trạng lây nhiễm HIV mẹ - con. Đây thực sự là thách thức, khi mà trên thực tế, trẻ dưới 13 tuổi dương tính vẫn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Điện Biên - điểm nóng nhất về đại dịch HIV/AIDS hiện nay.
|
Tuyên truyền cách phòng, tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con tại Điện Biên. Ảnh: Q.D |
Không niềm vui nào hơn khi con "âm tính"
Chị Mai (ở xã Long An, huyện Long Ứng, TP.Điện Biên) chờ đợi đến ngày đứa con chào đời trong hy vọng mong manh nó không bị nhiễm HIV. Bác sĩ (BS) dặn chị không được cho con bú. Ngoài cho con uống sữa dinh dưỡng được hỗ trợ, hàng ngày, chị chắt thêm nước cơm cho con uống. Mười tám tháng chờ đợi để làm xét nghiệm dài dằng dặc. Những lúc con ho sốt, chị lại nghĩ sợ hai chữ “dương tính”... Cầm trên tay phiếu xét nghiệm bé Hoa có kết quả âm tính với HIV, chị trào nước mắt, mấy ngày chỉ ngắm nghía tờ giấy xét nghiệm cười một mình. Chị Mai là 1 trong 5 trường hợp bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm mẹ - con (DPLNMC) và con sinh ra đã có kết quả âm tính với HIV ở nhóm Hoa Hướng Dương, TP.Điện Biên.
Cũng như chị Mai, cách đây 2 tháng, chị Lò Thị Ngân ở thị xã Mường Lay cũng vừa được biết kết quả xét nghiệm âm tính của đứa con trai duy nhất 2 tuổi của mình. Chồng đã mất vì AIDS, nhưng con đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần, chị Ngân cũng như được sống cuộc đời mới.
Vẫn chỉ là muối bỏ biển
Nhưng ở Điện Biên - tỉnh đang dẫn đầu danh sách 10 tỉnh có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất cả nước, những bà mẹ dương tính có điều kiện tiếp cận với các DVLNMC chưa nhiều. Theo BS Vũ Hải Hùng, PGĐ Trung tâm Phòng, chống AIDS Điện Biên, tỉ lệ phụ nữ mang thai ở Điện Biên cao gấp 7,5 lần mặt bằng toàn quốc. So với ước tính 180 thai phụ nhiễm HIV, con số 38 bà mẹ đã được điều trị DPLNMC còn quá nhỏ nhoi. Năm 2015 là thời điểm thế giới và Bộ Y tế VN phấn đấu không còn lây truyền HIV từ mẹ - con nhưng dấu mốc này rất khó khả thi ở Điện Biên.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, có 17 phụ nữ HIV mang thai được phát hiện, nhưng chỉ có 12 bệnh nhân đăng ký điều trị DPLTMC, mặc dù họ sẽ được uống thuốc dự phòng, được tư vấn và cung cấp sữa nuôi con miễn phí tới khi con được 6 tháng tuổi. Người dân ở các nơi xa như huyện Mường Nhé, có thể phải đi hơn 100 cây số mới đến được nơi cung cấp dịch vụ. Đường đi khó, bụng mang dạ chửa, không phải ai cũng có đủ tiền và nghị lực để đi, dù họ có thể đã phần nào được nghe và hiểu về việc có thể tránh lây cho con.
Tỉ lệ lây HIV trong quá trình chuyển dạ về lý thuyết là khoảng 17%, nhưng với tập quán sinh tại nhà, điều kiện vệ sinh, vô trùng còn hạn chế, không loại trừ tỉ lệ lây trên thực tế ở Điện Biên cao hơn...
Bên cạnh đó, không thể không nói đến hạn chế lớn từ phía cán bộ y tế. Điện Biên mới chỉ có khoảng 15% cán bộ y tế làm về HIV được tập huấn, có kiến thức về DPLTMC.
Trong 100 bà mẹ nhiễm HIV, có thể sinh 65 - 100 bé khỏe mạnh nếu mẹ được điều trị dự phòng trong khi mang thai, sinh đẻ và nuôi con theo hướng dẫn. Để giảm nguy cơ lây HIV cho con, điều quan trọng nhất là thai phụ cần tiếp cận đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện càng sớm càng tốt. Điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể bắt đầu trước tuần thứ 28 thai kỳ.
Sau khi sinh, bà mẹ và người thân trong gia đình có thể được tư vấn về nuôi con hoàn toàn bằng sữa bột tại 1/225 các điểm có dịch vụ DPLNMC. Nếu không đủ điều kiện cho con ăn hoàn toàn bằng sữa bột, các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn theo tư vấn của cán bộ y tế. Tuyệt đối KHÔNG cho trẻ vừa ăn sữa bột vừa bú sữa mẹ, bởi điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ.
(Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS)
|
Quang Duy
http://laodong.com.vn/tin-tuc/tranh-lay-nhiem-tu-me-sang-con/17833/
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Cứu 12 trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ
Tin từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng cho biết: 12 trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm HIV sau khi được can thiệp dự phòng kịp thời và làm xét nghiệm PCR đã cho kết quả âm tính hoàn toàn với virus HIV.
Đây là kết quả xét nghiệm do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thực hiện. 12 bà mẹ bị nhiễm HIV khi mang thai chủ yếu chưa được điều trị ARV nên phải dùng thuốc kháng virus.
Những bà mẹ này đã thực hiện đúng quy trình chăm sóc, phòng chống lây truyền từ mẹ nhiễm HIV sang con từ việc tham vấn, xét nghiệm cho bà mẹ, thuốc điều trị dự phòng cho bà mẹ khi mang thai, sử dụng sữa (thay thế sữa mẹ) cho trẻ trong vòng 6 tháng đầu cho đến việc chăm sóc, xét nghiệm và theo dõi điều trị cho trẻ sau khi sinh… Trẻ em thuộc nhóm đối tượng này sẽ được nuôi sữa ngoài miễn phí cho tới 12 tháng tuổi
|
|
|
http://cand.com.vn/vi-vn/khcn/2010/11/140515.cand
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
TP.Hồ Chí Minh:
Hàng năm chỉ còn 30-40 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ
- Trẻ nhiễm HIV/AIDS đã đến trường như trẻ bình thường
PN - Tổng kết 20 năm TP.HCM phòng chống AIDS (1990 – 2010) và nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1/12, ngày 28/11, cùng với UB Phòng chống AIDS TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP đã đi thăm và tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị AIDS tại BV Bệnh nhiệt đới và Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em (TT ND&BVTE) Linh Xuân.
Cùng ngày, tại buổi lễ mừng sinh nhật cho 117 trẻ nhiễm HIV, trong đó có 25 trẻ sơ sinh, tại TT ND&BTTE Linh Xuân, bà Nguyễn Thị Kim Tiên – Giám đốc TT cho biết, TT là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nhiễm HIV. TT hiện đang theo dõi và quản lý việc học văn hóa đối với 20 em đang học tại trường cấp I và cấp II. Trong đó có những em đã vào TT từ khi năm tuổi, nay đã theo học đến lớp 8 như những trẻ bình thường khác.
Từ tháng 5/2009, UB Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở GD-ĐT triển khai chương trình Chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nhằm đáp ứng sáu nhu cầu của trẻ: dinh dưỡng, giáo dục, tâm lý, y tế, pháp lý, nhà ở. Đến tháng 6/2010, 837 trẻ đã được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về y tế, giáo dục, pháp lý; 756 trẻ nhiễm sử dụng thẻ bảo hiểm y tế do Bộ Y tế cấp. Bên cạnh đó, nhờ chương trình can thiệp dự phòng mẹ con, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con trong sáu tháng đầu năm 2010 chỉ còn 4,5%. Bình quân hàng năm, TP.HCM chỉ có khoảng 30 – 40 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, thay vì 200 trẻ mỗi năm nếu không có chương trình can thiệp. Ước tính số lượng trẻ em nhiễm HIV mới từ năm 2006 – 2010 tại TP.HCM là 454 trẻ.
An Quý
http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/hang-nam-chi-con-3040-tre-bi-nhiem-hiv-tu-me.aspx
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
(ĐCSVN) - Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố 30/11/2009 thì những người nhiễm HIV nên được bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) sớm hơn so với hướng dẫn trước đây (của WHO) nhằm làm giảm nguy cơ tiến triển và tử vong của người bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Năm 2006, WHO đã đưa ra khuyến cáo thời điểm bắt đầu điều trị ARV cho phụ nữ mang thai lây nhiễm HIV là khi lượng tế bào CD4 xuống dưới ngưỡng 200/01 ml máu. Tuy nhiên từ đó đến nay, đã có một số nghiên cứu cho thấy việc bắt đầu điều trị sớm bằng ARV cho các bà mẹ trong quá trình mang thai và tiếp tục trong quá trình cho con bú là rất hiệu quả trong việc giảm lây nhiễm HIV hoặc giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ. Cho nên, trong thông báo mới, WHO khuyến cáo nên bắt đầu điều trị ARV vào thời điểm sớm hơn, gồm các khuyến cáo chính như sau:
- Đối với phụ nữ mang thai khẳng định nhiễm HIV, khuyến cáo bắt đầu điều trị khi lượng tế bào CD4 xuống dưới ngưỡng 350/1ml máu không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng của bệnh nhân.
- Thời điểm bắt đầu điều trị ARV ở phụ nữ mang thai không cần phụ thuộc vào tuổi thai, cần điều trị liên tục trong suốt quá trình mang thai, khi sinh và sau sinh, có nghĩa càng sớm càng tốt, sau khi bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị.
Làm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết. Ảnh: Internet
- Đối với phụ nữ mang thai có chỉ định điều trị ARV, phác đồ điều trị bậc một ưu tiên phải bao gồm AZT + 3TC làm trụ cột. Các phác đồ thay thế được khuyến cáo bao gồm TDF + 3TC (hoặc FTC) + NVP và TDF + 3TC (hoặc FTC) + EFV.
(Trong đó: AZT (zidovudine), 3TC (lamivudine), NVP (nevirapine), EFV (efavirenz), TDF( tenofovir), FTC (emtricitabine): là viết tắt các tên thuốc điều trị ARV).
- Trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đã được điều trị ARV, cần sử dụng NPV hàng ngày cho đến khi được 6 tuần tuổi (đối với trẻ bú mẹ). Sử dụng AZT hoặc NVP (đối với trẻ không bú mẹ).
Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV chưa có chỉ định điều trị ARV, cần được dự phòng hiệu quả bằng ARV để ngăn chặn sự lây truyền HIV cho trẻ sơ sinh, ngay ở tuần thai thứ 14, hoặc càng sớm càng tốt khi bà mẹ đến khám ở giai đoạn muộn của thai kỳ, trong lúc chuyển dạ hoặc trong khi sinh./.
|
Các từ khóa theo tin:
|
Tuyết Lê |
http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=437022&co_id=30085
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Sẽ không có trẻ nhiễm HIV nếu...
TP - Điều trị kháng vi rút (ARV) và hỗ trợ sau khi sinh đã giúp không ít bà mẹ có HIV sinh ra những đứa trẻ không nhiễm bệnh.
Mỗi năm có thể cứu được 1.500 cháu bé không bị nhiễm HIV
nếu triển khai bài bản chương trình phòng chống lây nhiễm
từ mẹ sang con. (Trong ảnh: Bé L. cháu bà P., học bài) .
Tuyệt vọng
Bà P. ở thành phố Điện Biên có 3 con trai. Con cả mắc nghiện và chết năm 2005, khi mới 32 tuổi, chưa lập gia đình. Con trai thứ hai và con dâu cũng mắc nghiện. Dẫu vậy, ngày biết tin con dâu có bầu, bà P. vẫn hy vọng. Nhưng đến khi con dâu vào viện sinh cháu, niềm hy vọng sụp đổ vì cả con trai và con dâu của bà đều nhiễm HIV.
Nỗi lo và sự đau đớn khi có thể mất thêm những đứa con chưa dứt thì 2 tháng sau khi sinh, tin cháu nội đầu tiên của bà cũng nhiễm HIV khiến bà suy sụp tinh thần. Không chỉ sử dụng ma túy, con trai và con dâu thứ hai còn mua bán chất ma túy. Khi họ nhận ra lầm lỗi của mình thì đã quá muộn. Mỗi khi ôm đứa con vào lòng, hai vợ chồng đều khóc trong tuyệt vọng. Anh con trai nhiều lần vừa khóc vừa nói với bà: “Con con nó vô tội. Sao phải bắt nó chịu tội?”.
Rồi, cả hai vợ chồng anh con trai thứ hai đều bị bắt. Bà P. đón cháu về nuôi. Chồng bà, ông L., bệnh nặng phải vào nằm viện. Rồi ông L qua đời. Hơn tháng sau, con trai, con dâu bà cũng chết trong trại giam. Trong hơn một năm, bà P. mất đi 4 người thân. Và đứa cháu gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ lại mang trong mình HIV luôn đối diện với mặc cảm.
Bây giờ, thời gian đã dần xóa nhòa những nỗi đau ấy, bà P. trở lại cuộc sống bình thường. Bà tham gia làm thành viên CLB Hoa Hướng Dương, nơi bà có thể được tư vấn, chia sẻ thông tin về HIV/AIDS cũng như cách chăm sóc, điều trị bệnh nhân... Tư vấn cho nhiều người nhưng bà P. lại xót cho chính mình: Giá mà con dâu bà được phát hiện sớm, được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con thì cháu nội bà đâu đến nỗi.
Buổi tư vấn chăm sóc cho người nhiễm HIV tại Bệnh viện Đa khoa
Điện Biên. Ảnh: Đỗ Sơn.
Hy vọng
Tại tỉnh Điện Biên, nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất cả nước, tỷ lệ bà mẹ mang thai có HIV chiếm tới 2%. Nhiều bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV khi chưa được tư vấn thường sống trong tâm trạng tuyệt vọng.
Vợ chồng chị Thành cùng bị nhiễm HIV. Khi chị Thành mang thai được 6 tháng, chị cảm thấy buồn và vô cùng thất vọng. Được các bác sĩ tận tình động viên, chị Thành chịu khó uống thuốc và tuân thủ những chỉ dẫn y tế.
Thời gian đầu mới sinh con, người mẹ nhiễm HIV không được cho con bú, mà điều kiện gia đình không thể mua sữa cho bé liên tục, nên cháu bé con chị Thành chỉ được uống sữa ngoài một tháng đầu. 18 tháng trôi qua, đến ngày bé đủ điều kiện đi làm xét nghiệm. Kết quả, cả nhà chị Thành mổ gà ăn mừng vì con chị thoát khỏi căn bệnh mà bố mẹ đang mang.
Chị Mai ở huyện Mường Phăng có chồng nghiện ma túy. Khi mang bầu, chị đi xét nghiệm HIV và có kết quả dương tính. Được các bác sĩ tuyên truyền viên tư vấn, chị yên tâm điều trị với thuốc AVR. Gia đình chị Mai ngày càng sa sút bởi ông chồng nghiện nặng hơn, nhà có gì cũng ôm đi đổi lấy thuốc hút chích. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra: Con của chị sinh ra đã có kết quả âm tính với HIV. Cháu bé còn được hưởng dự án hỗ trợ sữa thay thế đến hết 6 tháng.
Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nói: “Khi không được can thiệp, cứ 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV sẽ có khoảng 36 cháu bé bị lây nhiễm từ mẹ. Nếu triển khai bài bản chương trình phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm xuống 5%, thậm chí 0% vào năm 2015. Như vậy, mỗi năm chúng ta có thể cứu được 1.500 cháu bé không bị lây nhiễm HIV từ mẹ truyền sang”.
Ông Ân cũng cho biết, đã có 63/63 tỉnh, thành phố cung cấp miễn phí thuốc dự phòng lây truyền mẹ con. Năm 2009 có 762.323 bà mẹ được tư vấn trước sinh, 1.372 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV, tăng 2,8 lần so với năm 2006.
|
Đỗ Sơn
http://www.tienphong.vn/khoe-dep/521699/se-khong-co-tre-nhiem-hiv-neu.html
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Cập nhật lúc :9:03 AM, 20/12/2010
Bằng kỹ thuật lọc rửa tinh trùng, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương giúp những phụ nữ có chồng nhiễm HIV sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết vì nguyện vọng thiết tha từ phía gia đình bệnh nhân, bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ sinh sản giúp những cặp mà chồng dương tính và vợ âm tính với HIV.
Dùng máy để "lọc rửa" tinh trùng
Dù biết chồng mình có HIV nhưng với tình yêu thương và sự khao khát có con, nhiều cặp vợ chồng “âm dương” đã tìm đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để nhờ cậy. ác bác sĩ làm việc tại khoa Khám bệnh và Trung tâm Hỗ trợ sinh sản cho biết, khi người bệnh có nhu cầu, bác sĩ ở phòng khám sẽ tư vấn cặn kẽ cho bệnh nhân về cách bảo vệ sức khỏe, giải thích những nguy cơ khi bệnh nhân có HIV/AIDS sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Nếu cặp vợ chồng nào vẫn tha thiết mong có con, bệnh viện sẽ chấp nhận lọc rửa tinh trùng cho người chồng và sau đó thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản IUI (tiêm tinh trùng vào buồng tử cung) giúp người vợ mang thai.
Sau khi khám và tư vấn kỹ càng, bệnh viện kiểm tra HIV/AIDS cho người vợ. Nếu người vợ hoàn toàn âm tính, bệnh nhân được về nhà, sinh hoạt vợ chồng phải sử dụng bao cao su. Sau ba tháng, người vợ đến tái khám, nếu vẫn âm tính thì lại về nhà thêm ba tháng nữa rồi đến kiểm tra lại. Việc kiểm tra kỹ càng này giúp loại trừ những trường hợp nhiễm HIV giai đoạn cửa sổ. Sau 6 tháng, nếu người vợ hoàn toàn âm tính với HIV, bệnh viện sẽ lấy tinh trùng của người chồng bằng phương pháp thủ dâm hoặc bao cao su chuyên dụng.
Nhờ kỹ thuật lọc rửa tinh trùng, nhiều cặp vợ chồng có HIV đã được hưởng niềm vui làm cha mẹ. Ảnh: P.Uyên.
Tinh trùng sau khi lấy được đưa ngay cho các bác sĩ trong vòng 30 - 60 phút. Tinh trùng này sẽ được đưa vào nuôi cấy, cho chạy ở máy ly tâm. Máy sẽ quét tinh trùng về một phía và tinh tương một phía. Về lý thuyết, virus nằm trong tinh tương nhưng cũng phải tính đến xác suất virus nằm trong tinh trùng. Chính vì thế, việc theo dõi sức khỏe cho người mẹ và em bé từ khi có thai đến hết ít nhất một năm sau sinh là vô cùng cần thiết.
Sau khi có tinh trùng của người chồng, bệnh viện sẽ tiến hành kỹ thuật cấy tinh trùng vào buồng tử cung cho nguời vợ. Người vợ được theo dõi theo đúng quy trình của một người thụ tinh bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Phải “hợp tác” chặt chẽ với bác sĩ
Đã có một số trường hợp mang thai và sinh con thành công nhưng một số ca đã hoàn toàn bặt vô âm tín sau khi sinh nở khiến các bác sĩ “bó tay” trong việc hỗ trợ người bệnh theo dõi sức khỏe và kiểm tra xem đứa trẻ sinh ra có nhiễm HIV hay không. Một bác sĩ tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản bộc bạch, nhiều bệnh nhân HIV khi đã được tư vấn và mang thai rồi thì “chạy trốn” bác sĩ, không cho người thân đẻ tại viện, không đưa con tới tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này khiến cả mẹ và em bé không được theo dõi về sức khỏe. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện trong suốt quá trình mang thai đến khi em bé hết một tuổi.
Điều cần lưu ý nhất với các cặp có chồng dương tính với HIV là trong điều kiện nào cũng nên tới bệnh viện khám và theo dõi sức khỏe theo đúng sự chỉ định. Việc theo dõi tại bệnh viện vừa an toàn vừa thiết thực cho gia đình người bệnh, bởi nếu có những rủi ro, bệnh viện sẽ hỗ trợ trực tiếp và can thiệp kịp thời.
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Người mang thai nhiễm HIV nên biết
Thứ Năm, 30.12.2010 | 15:11 (GMT + 7)
(LĐ) - Virus HIV có thể truyền qua bánh nhau của người mẹ khi có thai (5 - 10%), qua máu và dịch âm đạo khi chuyển dạ đẻ (10%), và trong quá trình cho con bú (10%).
Để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho con, điều quan trọng nhất là người phụ nữ mang thai cần tiếp cận đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện càng sớm càng tốt. Điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể bắt đầu trước tuần thứ 28 thai kỳ.
Sau khi sinh, bà mẹ sẽ tiếp tục được cán bộ y tế tư vấn về chăm sóc, điều trị hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là lựa chọn phương thức nuôi con thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện. Bà mẹ và người thân trong gia đình có thể được tư vấn về nuôi con hoàn toàn bằng sữa bột tại 1/225 các điểm có dịch vụ DPLNMC. Nếu không đủ điều kiện cho con ăn hoàn toàn bằng sữa bột, các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn với sự tư vấn của cán bộ y tế. Tuyệt đối KHÔNG cho trẻ vừa ăn sữa bột vừa bú sữa mẹ, bởi điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ. Cán bộ y tế sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ chuyển tuyến chăm sóc và hỗ trợ toàn diện, giới thiệu cặp mẹ con đến các dịch vụ y tế và hỗ trợ xã hội phù hợp…
(Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS, UNICEF - UNAIDS)
http://laodong.com.vn/tin-tuc/nguoi-mang-thai-nhiem-hiv-nen-biet/27277
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:
Đã có 233 điểm cung cấp dịch vụ
17/01/2011 06:48
(HNM) - Chương trình quốc gia dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến nay đã xây dựng được 233 điểm cung cấp dịch vụ, trong đó có 96 cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, 127 điểm cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV và dịch vụ chuyển tuyến cho phụ nữ mang thai.
Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm trước khi sinh, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị phòng lây từ mẹ sang con đã tăng đáng kể. Trong năm 2010, có gần 500.000 phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ trẻ em Đông Nam Á bị lây nhiễm HIV đã tăng tới 46% và chỉ có 1/3 số sản phụ có HIV được điều trị phòng ngừa lây lan. Tổ chức này cam kết phấn đấu loại trừ tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào năm 2015.
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Trẻ em không nhiễm HIV từ mẹ vẫn dễ bị tử vong
15/02/2011 | 15:29:00
Các bà mẹ và trẻ em dự lễ phát động chiến dịch khu vực không có truyền nhiễm HIV từ mẹ sang con tại Kenya. (Nguồn: THX/TTXVN)
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, trong 12 tháng đầu đời, những trẻ sơ sinh may mắn không bị nhiễm HIV từ mẹ vẫn có nguy cơ tử vong cao hơn gấp bốn lần so với trẻ em bình thường do khả năng bị mắc các bệnh truyền nhiễm.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu 100 bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Nam Phi, sau đó so sánh mức độ kháng thể giữa những đứa trẻ sinh ra đã có HIV và những đứa trẻ không bị nhiễm bệnh.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ may mắn không bị nhiễm HIV từ mẹ lại cho thấy khả năng kháng các bệnh ho, uốn ván, viêm phổi kém hơn. Mặc dù những căn bệnh này đã có vaccine phòng chống, nhưng đối với những nước nghèo, việc tiếp cận với phương pháp phòng ngừa này vẫn còn khá xa xỉ đối với người dân.
Những nỗ lực nhằm hạn chế khả năng truyền nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giúp số lượng trẻ sơ sinh dương tính với HIV ngày một giảm đi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhưng thực tế, mỗi năm vẫn có gần 6 triệu trẻ em tử vong do các bệnh truyền nhiễm và chúng vẫn là nguyên nhân chính cướp đi sinh mạng của trẻ em ở độ tuổi dưới 5.
Trước khi tìm ra lời giải đáp triệt để cho vấn đề này, các nhà khoa học cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa kháng thể và tỷ lệ tử vong cao ở trẻ, đồng thời, phải tìm ra giải pháp nhằm cung cấp đủ vaccine cho người dân các nước nghèo./.
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Giảm thiểu, ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con
Cập nhật lúc : 9:18 PM, 22/02/2011
Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai hiệu quả việc giảm thiểu, ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con.
Tại buổi làm việc với Cục phòng chống HIV/AIDS và Trung ương Hội nhà báo Việt Nam ngày 22/2 về công tác phòng chống HIV/AIDS, báo cáo của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết có 14 trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV nhưng không bị lây nhiễm.
Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai hiệu quả việc giảm thiểu, ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con. Nhiều hoạt động được Đà Nẵng triển khai nhằm phát hiện sớm các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ lây nhiễm cao; tiêm thuốc kháng vi rút (ARV) cho mẹ và bé trước và sau khi sinh; hướng dẫn cách chăm sóc và nuôi con cho các bà mẹ nhiễm HIV/AIDS; phát sữa miễn phí trong 18 tháng đầu đời thay thế sữa mẹ./.
TTXVN
http://vovnews.vn/Home/Giam-thieu-ngan-chan-lay-nhiem-HIVAIDS-tu-me-sang-con/20112/167478.vov
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Kon Tum: Triển khai Tháng cao điểm chiến dịch “dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”
|
18:20 | 03/06/2011 |
|
Ngày 2/6, Sở Y tế Kon Tum đã triển khai Tháng cao điểm chiến dịch “dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2011 với sự tham dự của gần 100 đại biểu trong toàn tỉnh.
Theo đó, từ nay đến hết tháng 6/2011, ngành Y tế Kon Tum tiếp tục tăng cường sự phối hợp và huy động các ngành, các cấp và toàn thể xã hội, đặc biệt là những phụ nữ trong các nhóm đối tượng tác động chính. Ngành tổ chức các buổi tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, nhất là phụ nữ nguy cơ lây nhiễm cao; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra đến ít nhất 6 tháng tuổi. Các cơ sở y tế tổ chức các hoạt động giới thiệu dịch vụ, xây dựng quỹ thời gian, thủ tục, tinh thần, thái độ tiếp đón nhằm đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng tiếp cận dịch vụ; đảm bảo đầy đủ vật tư, thuốc sinh phẩm, phương tiện tránh thai… để phục vụ người bị nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các buổi nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, truyền thông lưu động, khẩu hiệu…nhằm khuyến khích trực tiếp những người phụ nữ thuộc các nhóm đối tượng khác nhau tham gia hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
|
Các từ khóa theo tin:
|
(Theo TTXVN) |
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Mỗi năm có khoảng 7.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV
20/06/2011 06:45
(HNM) - Bộ Y tế cho biết, đến nay hầu hết các địa phương đã triển khai tháng cao điểm chiến dịch phòng lây truyền HIV từ
mẹ sang con (tháng 6 hằng năm).
Với chủ đề "xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con", mục tiêu của chiến dịch là tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, từ đó giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tiến đến loại trừ tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
Theo kết quả giám sát trọng điểm của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai trên cả nước đang có xu hướng gia tăng. Ước tính mỗi năm có 7.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS và khoảng 3.000 trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh sau
sinh.
Nguyên nhân chính là do người mẹ nhiễm HIV không tiếp cận được các thông tin, dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây nhiễm... Đáng lưu ý, nhiều sản phụ đến lúc chuyển dạ mới biết mình đang bị HIV. Mặc dù vậy, nếu các bà mẹ tuân thủ việc khám thai định kỳ để các bác sỹ khám, theo dõi, phát hiện sớm bệnh từ đó hướng dẫn cách dự phòng lây nhiễm sẽ hạn chế được tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ
mẹ.
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?
Thứ ba, 21/6/2011, 8:22 (GMT+7)
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường lây nhiễm của HIV. Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ: mang thai, khi sinh và cho con bú.
Khi mang thai
HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên người ta nhận thấy tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai tương đối cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh rau. Tuy nhiên tỷ lệ này có thể tăng lên, hay nói cách khác, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua bánh rau sang thai nhi tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng hoặc khi mang thai rồi mẹ mới bị nhiễm HIV. Vì khi đó, nồng độ HIV trong máu rất cao. Tương tự như vậy, người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn, tức là đã ở giai đoạn AIDS mới mang thai thì nguy cơ này cũng tăng lên.
HIV xâm nhập qua nhau thai vào thai nhi.
|
Khi sinh
Cho dù có một tỷ lệ nhất định trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ khi còn nằm trong tử cung nhưng rất nhiều nghiên cứu cho rằng sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thường xảy ra muộn vào thời kỳ chuyển dạ, hoặc khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài khi trẻ đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc máu của mẹ hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ. HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào đứa trẻ. Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ xâm nhập qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Người ta cũng cho rằng các cơn co tử cung mạnh cũng có thể đẩy HIV từ máu mẹ vào tuần hoàn của thai nhi.
Khoảng 50-60% số trẻ em bị lây nhiễm từ mẹ được cho là bị lây truyền trong khi sinh. Đối với những trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn thì nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ tăng lên. Vỡ ối sớm cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ này. Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng tăng lên, nhất là khi thời gian này kéo dài trên 4 giờ. Kết quả phân tích nhiều nghiên cứu của nhóm HIV chu sinh quốc tế cho thấy cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.
Khi cho con bú
Cho dù với nồng độ không cao nhưng HIV cũng có trong sữa mẹ nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ khi chúng bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ, tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ.
Nguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS (nồng độ HIV trong máu mẹ cao) hoặc mẹ mới nhiễm HIV sau khi sinh con hay vào thời kỳ cho con bú mẹ mới bị nhiễm HIV (vì trong thời kỳ mới nhiễm HIV, nồng độ HIV trong máu mẹ cũng rất cao); thời gian cho trẻ bú dài (càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV sang con càng cao); nuôi trẻ hỗn hợp: vừa cho trẻ bú mẹ, vừa cho ăn thêm ngoài (các thức ăn, đồ uống khác có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy làm tổn thương niêm mạc ruột. Điều này làm cho virút từ sữa mẹ dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ).
Vì vậy, để dự phòng và giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, người phụ nữ nhiễm HIV mang thai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn chăm sóc thai sản, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong quá trình chuyển dạ, cần tiếp tục hợp tác tốt với các bác sĩ sản khoa để giúp cho cuộc đẻ được thuận lợi và an toàn. Các bà mẹ cũng cần chủ động hỏi ý kiến các bác sĩ về cách nuôi trẻ sau sinh và tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị.
BS. NGUYỄN BÍCH NGỌC
http://suckhoedoisong.vn/20110619091236466p0c63/hiv-lay-truyen-tu-me-sang-con-nhu-the-nao.htm
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Dự phòng giảm nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ sang con
Thứ ba 26/07/2011 15:31
ANTĐ - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, mở rộng điều trị dự phòng cho trẻ được sinh bởi những bà mẹ nhiễm HIV-1 bằng nevirapine hoặc nevirapine kết hợp với zidovudine giúp giảm đáng kể nguy cơ trẻ bị nhiễm HIV-1 sau sinh.
Các số liệu từ phân tích mới này được lấy từ 5 thử nghiệm ngẫu nhiên gồm 5396 cặp mẹ con trong đó trẻ có xét nghiệm HIV âm tính khi sinh, các nhà nghiên cứu đánh giá hiệu quả của điều trị dự phòng bằng nevirapine ở trẻ để phòng ngừa nhiễm HIV-1 từ mẹ. Nhóm nghiên cứu đánh giá theo 4 phác đồ bao gồm nevirapine trong 6 tuần, 14 tuần, hoặc 28 tuần, hoặc nevirapine kết hợp với zidovudine trong 14 tuần.
Kết quả cho thấy nevirapine giúp giảm đáng kể tỉ lệ nhiễm HIV ở tất cả các phác đồ điều trị.
Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 về AIDS.
Liên Mai - Theo Medwire
http://www.anninhthudo.vn/khoe-dep/du-phong-giam-nguy-co-nhiem-hiv-tu-me-sang-con/408447.antd
|
|
|
|
Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Mẹ có HIV có nên cho con bú?
Thứ tư, 28/9/2011, 9:52 (GMT+7)
Hiện nay, nhiều bà mẹ mang thai khi biết mình nhiễm HIV vẫn muốn sinh con. Vậy phụ nữ nhiễm HIV nên cho con bú sữa mẹ hay cho ăn sữa thay thế?
Bà mẹ có HIV có nên nuôi con bằng sữa mẹ?
Dù với nồng độ không cao nhưng HIV cũng có trong sữa mẹ nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ khi bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ, tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ.
Tư vấn cho thai phụ có HIV tại Trung tâm phòng chống AIDS Thanh Hóa. Ảnh: Dương Ngọc.
|
Có nên vừa cho trẻ bú sữa mẹ vừa cho bú sữa ngoài?
Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú sữa mẹ vừa cho bú sữa ngoài vì như thế em bé sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm HIV. Việc làm này có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy, phá hoại ruột trẻ và làm virut HIV dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Tuy nhiên, trẻ có thể bị dị ứng với sữa bột với các dấu hiệu mẩn đỏ ở da, tiêu chảy, chướng bụng hoặc táo bón, vì vậy trong vòng 6 tháng đầu, cần tránh cho trẻ dùng những loại sữa đặc có đường, sữa gầy và sữa ít chất béo.
Nếu không có đủ điều kiện để cho em bé bú sữa ngoài hoàn toàn thì chỉ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vài tháng đầu và cai sữa cho em bé càng sớm càng tốt, cai sữa chậm nhất là khi em bé được 6 tháng tuổi. Sau đó tiếp tục nuôi em bé bằng sữa ngoài.
Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã đưa ra khuyến cáo người mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú vì HIV có trong sữa mẹ và có thể truyền sang con khi cho bú. Vì vậy, phụ nữ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế. Hiện nay thức ăn thay thế sữa mẹ hiệu quả là sữa bột; không được thay thế sữa mẹ bằng nước hoa quả, nước đường hoặc cháo hay bột.
Bên cạnh đó, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và xét nghiệm nhằm xác định sớm tình trạng nhiễm HIV, điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.
Với phụ nữ mang thai tốt nhất là xét nghiệm HIV trước 28 tuần tuổi thai (nếu nhiễm HIV sẽ được chăm sóc và điều trị kịp thời dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con). Hiện phụ nữ mang thai được tư vấn và làm xét nghiệm miễn phí toàn bộ tại các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Ngoài ra, tại các Trung tâm Y tế các huyện/thành phố đều có cán bộ chuyên trách về công tác phòng chống AIDS, các phụ nữ sẽ được tư vấn về vấn đề này và sẽ được giới thiệu đến các dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con.
|
Bác sĩ Hồng Nhung
http://suckhoedoisong.vn/201192895052536p45c51/me-co-hiv-co-nen-cho-con-bu.htm
|
|
|
|
Di chuyển
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.
|