Vài năm trở lại đây, sự gia tăng của những người thuộc “giới thứ 3″ xuất hiện ngày một nhiều. Không quá khó để có thể bắt gặp những cặp đôi gay (đồng tính luyến ái nam) hoặc lesbian (đồng tính luyến ái nữ) tay trong tay, đắm đuối vuốt ve, ôm hôn tình tứ trên đường phố hoặc những nơi công cộng. Thoạt trông, họ cũng giống như bất kỳ cặp tình nhân nào trên đời, họ cũng nũng nịu, âu yếm hoặc giận hờn…
Đến “ông tơ bà nguyệt” cũng… lắc đầu
Một gia đình êm ấm, một người bạn đời lí tưởng bên cạnh những đứa con ngoan là niềm mong mỏi của hầu hết chị em phụ nữ. Nhưng có lẽ, với một số người, thì điều đó vẫn chỉ là niềm mơ ước mà không thể thực hiện hay nói đúng hơn là không muốn thực hiện?
Lí do thật đơn giản, họ là những người đồng tính nữ, họ chỉ thật sự cảm thấy hạnh phúc và được là chính mình khi ở bên một người đàn bà chứ không phải với người đàn ông như quy luật vốn có của tạo hóa.
Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi đã có cơ hội “mục sở thị” cuộc sống của những người đàn bà thuộc “giới thứ 3″ ngay tại nhà của họ. Bề ngoài, họ cũng có cuộc sống rất bình thường như bao người phụ nữ khác. Nhưng, tất cả chỉ là vỏ bọc mà họ cố tình tạo ra để phần nào che lấp sự phê phán, bình phẩm của người đời.

Người đầu tiên tôi gặp trong chuyến đi “thực tế” này có cái tên khá ấn tượng Q.P - một trong những đàn chị ăn nhậu có tiếng ở Ngã ba Vũng Tàu. Qua lời kể của người bạn, tôi cũng biết đôi chút về quá khứ “oanh liệt” của chị.
Ngay từ nhỏ, P đã tỏ ra khá đặc biệt so với những người bạn cùng trang lứa. Cô không chơi với các bạn gái trong lớp mà thân thiết với các cậu con trai và luôn chơi những trò chơi thể hiện ta đây bản lĩnh không thua kém phái anh râu.
Đến khi trưởng thành, nhìn bề ngoài, Q P trông không khác gì nam giới. Nếu xét về mức độ chơi bời, đua đòi hay nhậu nhẹt thì khối “nam tử hão hán” cũng phải lắc đầu chào thua. Thế rồi, cô phải lấy chồng dù trong lòng không hề mong muốn! Chồng của P là một trong những chiến hữu luôn sát cánh bên chị trong những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Lấy nhau về, mặc dù cuộc sống không mấy dư dả nhưng họ vẫn sống như lúc còn độc thân. Vợ chồng vẫn mạnh ai nấy chơi, con cái đã có mẹ già chăm sóc. Nhiều khi, con ốm đến mấy ngày mà vẫn không thấy bóng dáng của bố mẹ.

Họ cứ sống với nhau như vậy cho đến một hôm người chồng tá hỏa khi đến ngày nhận tiền truy lĩnh thì kế toán nói rằng vợ mình đã tới nhận… giùm trước đó 2 ngày. Đến lúc này, như giọt nước tràn li, quá mệt mỏi với người vợ tính tình “không khác gì đàn ông”, thế là… đường ai nấy đi.
Sự ra đi của người chồng dường như không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của người đàn bà này. Cô vẫn chơi, vẫn vui với những thói quen nhậu nhẹt và cờ bạc của mình. Một lần trong cơn say, Phượng đã gặp và quan hệ với một người đàn bà. Điều lạ là sau khi quan hệ, cô không hề thấy ghê tởm mà trái lại còn cảm thấy hạnh phúc tột đỉnh bởi một cảm giác rất lạ mà từ trước tới giờ cô chưa từng có với người chồng cũ.
Bất chấp sự van xin, cầu khẩn của người mẹ già và những lời dị nghị của hàng xóm. Sau lần đó, Q P và người đàn bà đó chính thức qua lại với nhau và quan hệ chăn gối ngay trên chính chiếc giường hạnh phúc của vợ chồng chị ngày xưa.
Mái nhà tranh và hai trái tim… không bình thường
“Anh ơi, cơm nấu xong chưa, em đói quá. Em tắm cái rồi mình dọn cơm cho em ăn nhé”.

Người nào không biết khi đứng trước cổng nhà chị H nếu vô tình nghe được những lời nói trên sẽ nghĩ rằng đó chắc là cặp vợ chồng mới cưới, đang còn trăng mật và người phụ nữ này thật có phước khi lấy được một người chồng biết yêu chiều vợ. Nhưng hỡi ôi! Những lời nói ngọt ngào đó lại dành cho một người… đàn bà.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, chị H đã có chồng nhưng chồng chị thường xuyên phải đi làm ăn xa, do buồn chán nên chị đã kết bạn với những người đồng tính. Đơn giản chỉ là để tạo niềm vui cho bản thân và tạm quên đi nỗi nhớ nhung khi chồng vắng nhà. Biết chuyện, chồng chị hết sức khuyên can, thậm chí dùng đủ mọi biện pháp kể cả đe dọa sẽ li hôn nếu chị vẫn tiếp tục có mối quan hệ cho dù chỉ đơn thuần là bạn bè với những người như vậy.
Khi thấy sự phản ứng quá gay gắt của chồng, ngoài mặt, chị H đồng ý làm theo nhưng mỗi khi vắng bóng ông xã, chị lại tìm đến họ để “giải khuây”.

Tâm sự với tôi trong nước mắt, chị nói: “Ban đầu, tôi thích chơi vì thấy họ vui, hơn nữa, tôi nghĩ mình đã có chồng, có con lại không có cái máu đó thì làm sao có thể nhiễm bệnh mà người ta gọi là đồng tính luyến ái được. Tôi cứ tiếp tục chơi với họ cho đến một ngày, một người bạn gái vô tình phát hiện chồng tôi có bồ và báo cho tôi biết. Lạ thay, lúc đó, tôi chỉ cảm thấy hơi buồn, thất vọng chứ không hề tức giận hay có cảm giác hờn ghen như khi trông thấy người bạn gái trong nhóm chơi đang thân mật với người phụ nữ khác. Từ đó, tôi lờ mờ nhận ra rằng, tôi bắt đầu thích người bạn gái ấy. Tôi cũng đã cố gắng thoát ra khỏi tình trạng trên nhưng tất cả đều vô nghĩa. Tôi “mắc bệnh” từ lúc nào mà không hề hay biết”.
Khác với H, N. H (Biên Hòa, Đồng Nai) đã gần 30 tuổi nhưng chưa từng có cảm tình với người con trai nào. Mối tình đầu của cô là một cô gái quê ở Tiền Giang, họ gặp nhau khi tình cờ cùng làm chung việc tại một xí nghiệp. Họ nhanh chóng lao vào nhau bất chấp sự ngăn cản từ phía hai gia đình. Để tiện cho việc gần gũi và tâm sự, họ thuê hẳn một căn phòng để có thể tự do chăm sóc cho nhau.
Họ sống với nhau, chăm lo cho nhau từng miếng ăn giấc ngủ, cũng giận hờn trách móc như bất cứ đôi tình nhân nào khác. Thế rồi một ngày, “vợ” H bị người nhà lên tận nơi bắt về quê, mẹ H ngã bệnh và qua đời sau khi không khuyên răn nổi đứa con gái của mình. Họ đành phải xa nhau. Nhưng khoảng cách địa lí và sự dị nghị của xóm làng không thể ngăn cản “tình yêu” đôi lứa. Sau khi mẹ qua đời, H đón “người yêu” về ở hẳn ngôi nhà của mình.

Và cuộc sống của họ
Mặc dù không ngớt điều tiếng xung quanh cuộc sống, nhưng bất chấp dư luận, bất chấp luân thường đạo lí, họ vẫn ngang nhiên sống với hạnh phúc của mình. Điều lạ là họ cũng có sự phân biệt rõ ràng chồng ra chồng, vợ ra vợ. Để phân biệt ai là chồng không khó trong những cặp đôi đồng tính như thế, bởi những “bà chồng” này luôn ăn mặc giống như đàn ông, cũng phì phèo điếu thuốc lá trên môi và cũng gia trưởng ra trò. “Lơ ngơ không làm theo lời mà còn gân cổ cãi lại là ăn bạt tai như chơi”, vợ một “les” vừa cười vừa nói.
Hầu hết các cặp đôi mà tôi có dịp gặp gỡ đều không có công ăn việc làm ổn định. Người thì làm công nhân, người thì nhận đồ về nhà giặt thuê để kiếm sống. Ngoài những lúc phải lao động để kiếm sống thì phần lớn thời gian họ dành cho việc ăn nhậu. Năn nỉ mãi, cuối cùng tôi cũng được phép “tham dự” một buổi nhậu của họ. 8h sáng, tôi có mặt tại quán cháo lòng, bữa nhậu của họ thật đơn giản, chỉ có một đĩa lòng lợn tiết canh, mấy xị rượu, ấy vậy mà cũng nhậu ra trò. Nhìn họ uống, có khi các đấng anh râu chưa chắc đã là đối thủ, cũng “zô”, cũng cụng li trăm phần trăm và phì phèo điếu thuốc trên môi cho sành điệu.
Đến trưa, quán bán cháo lòng ăn sáng đóng cửa, nhưng nhậu chưa đã, họ lại lên đường tìm địa điểm mới để cuộc vui không bị gián đoạn. Địa điểm tiếp theo là một quán lá rất thơ mộng nằm sát bên một con sông mát mẻ, thoáng đãng. Tất cả lại tiếp tục nhậu cho tới khi một trong số bọn họ cao hứng, nhậu đã thì phải đi ca (karaoke) mới phê.
Tôi được phân công nhiệm vụ chở một les mới “vào nghề” tới một quán karaoke ngay gần đó. Bề ngoài, trông chị khá phúc hậu với khuôn mặt tròn trịa nhưng ánh mắt lại chứa đựng một nỗi buồn xa xăm, nhìn chị không ai nghĩ chị lại tên là Vui.
Thấy chị khá thân thiện, tôi đánh bạo hỏi chị về cảm giác khi gần gũi một người đàn bà. Câu trả lời của chị khiến tôi choáng váng: “Nó là một thứ ma lực không thể cưỡng lại được. Tôi từng có chồng, có con và hiện nay đã có cả cháu ngoại nhưng khi vướng vào rồi thì tình nghĩa vợ chồng cũng không có nghĩa lí gì. Nói thật, nhiều khi tôi cũng muốn thoát ra khỏi tình trạng này để trở lại làm một người bình thường nhưng không được. Vẫn biết rằng sẽ bị xã hội lên án, bị người đời chê trách và tôi cũng đã phải trả giá bằng chính hạnh phúc của mình, nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Tôi vẫn bị trượt dài và không thể dừng lại” - chị tâm sự.

… Trong tiếng nhạc chát chúa tại quán karaoke, tiếng khui bia lốp bốp và những điệu nhảy không giống ai của họ, tôi thấy mình ngạt thở. Khẽ đẩy cửa ra ngoài để hít thở chút không khí, hình ảnh hai cô gái mà nãy giờ tôi ngồi chung đang hôn nhau rất say đắm ngay cạnh chỗ để xe đập vào mắt tôi. Không thể tin nổi vào mắt mình, cực chẳng đã, tôi lại phải nhường lại không gian riêng tư ấy cho họ với nỗi khiếp sợ đang lan tỏa toàn thân.
Thay cho lời kết
Trước một vấn đề xã hội khá mới, đúng như nhiều bạn đọc băn khoăn: Xã hội sẽ hiểu như thế nào về hiện tượng này? không hiểu những người thân trong chính gia đình họ nghĩ gì khi tận mắt chứng kiến cảnh sống chung như vợ chồng của những con người đã nói ở trên?
“Có gì đâu, mỗi khi làm chuyện đó thì cứ thế mà khóa trái cửa phòng lại. Nhà còn mỗi ông bô già, anh em thì ai cũng đều có gia đình riêng rồi, có gì mà ngại. Với lại, nhà này là nhà của tôi, đố ai dám nói”, “les” N.H hồn nhiên nói.
“Xấu hổ lắm cô ạ. Nhiều khi tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong chuyện nhưng nghĩ đến hai đứa nhỏ, tôi lại phải cố. Mẹ chúng thì đã như vậy, lại suốt ngày chỉ biết ăn nhậu, không lo làm ăn. Tôi mà có mệnh hề gì biết lấy ai chăm lo cho chúng. Đành phải cố sống mặc dù muối mặt với bà con hàng xóm”, mẹ của một “les” nghẹn ngào nói trong nước mắt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lí học, bà Ly Thị Mai - PGĐ Công ty Ứng dụng Khoa học Hồn Việt cho biết: “Đối với hiện tượng đồng tính nữ nếu là bẩm sinh thì đây là bệnh không thể chữa. Còn nếu là đồng tính nữ nhưng theo xu hướng tình dục thì có thể điều chỉnh được. Hiện nay, không riêng gì Việt Nam mà rất nhiều nước tiến bộ khác trên thế giới cũng chưa nhìn nhận những hiện tượng như vậy. Mặc dù biết rằng, những người đồng tính đều có nỗi khổ tâm, xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn dành cho họ. Nếu đồng tính (bẩm sinh) nhưng những con người này vẫn có những phấn đấu, cống hiến tích cực cho xã hội thì chúng ta nên có cái nhìn động viên, trân trọng họ. Còn nếu vì sống buông thả, a dua theo xu hướng tình dục đồng tính thì đây là một vấn đề không thể chấp nhận được”.
Nếu như, vẫn chỉ là nếu như, những con người như họ có đủ bản lĩnh, tự tin trước những cám dỗ đi ngược lại với tự nhiên ấy thì có lẽ cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng tất cả vẫn chỉ xoay quanh chữ “nếu”…