  Danh hiệu: Thành viên danh dựMedals:  Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 25-06-2007(UTC) Bài viết: 6.076  Đến từ: Tp. Hồ Chí Minh Thanks: 175 times Được cảm ơn: 407 lần trong 310 bài viết
|
Vợ chồng có HIV có con được không?
Không riêng gì ở nước ta mà hiện nay trên thế giới nhìn chung đều kêu gọi tránh sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Với các hiểu biết và sự phát triển của y học hiện đại, nhiễm HIV được xem như là một bệnh lý truyền nhiễm mãn tính có thể kiểm soát được, bệnh nhân có thể tiếp tục sống một cuộc sống khoẻ mạnh lâu dài nếu tuân thủ các nguyên tác cũng như phác đồ điều trị bệnh.
Một trong những nhu cầu của người nhiễm HIV, nhất là phụ nữ đó là nhu cầu có con. Nhu cầu này nhiều khi còn bức thiết hơn cả người bình thường, vì đa số mong muốn khi mình chết đi thì một mầm sống khác từ chính huyết thống của mình sẽ còn lưu lại trên đời. Với nhiều phụ nữ nhiễm HIV, việc mang thai và có con giúp họ cảm nhận được quyền và chức năng thiêng liêng của người được làm mẹ. Thế nhưng, việc làm sao để phòng tránh lây nhiễm giữ vợ bị nhiễm với chồng không nhiễm và ngược lại, đồng thời đứa con sinh ra không bị nhiễm là vấn đề đặt ra. Khi có sự hiểu biết nhất định thì vợ chồng người bị nhiễm HIV sẽ phòng tránh đến việc lây nhiễm cho nhau, cho con mình và có quyết định đúng đắn khi chọn con đường có con hay không.
Lây nhiễm giữa vợ chồng và từ mẹ sang con
Nếu một trong hai người được phát hiện nhiễm HIV thì cách tốt nhất để không lây nhiễm cho vợ, hay cho chồng là dùng bao cao su khi quan hệ. Theo một khảo sát mới đây cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm đối với người dùng bao cao su là 0,9/100 người/năm; không dùng bao cao su là 6,7/100 người/năm. Trước khi có các thuốc kháng virus, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 25%. Nên lưu ý sự lây truyền từ mẹ sang con xảy ra chủ yếu là lúc sinh nở. Với sự phối hợp các phác đồ thuốc kháng virus và mổ lấy thai chủ động, tỷ lệ truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể, khoảng còn 2%.
Ở nước ta, nếu xét về khía cạnh y học và xã hội thì trường hợp chỉ có người chồng bị nhiễm (nhưng còn khoẻ mạnh) và người vợ không nhiễm muốn có con là khả dĩ hơn cả. Để điều này được thực hiện an toàn và hiệu quả thì tốt nhất vẫn là thực hiện thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh nhân tạo (TTNT)
Khoa học đã phát hiện ra rằng HIV chỉ có trong tinh dịch và các tế bào không phải là tinh trùng ở trong tinh dịch. Và người ta cũng chưa tìm thấy HIV tồn tại bên trong tinh trùng, vì thế để TTNT các bác sỹ chỉ cần lọc rửa lấy những tinh trùng sống, khoẻ mạnh nhất để bơm vào buồng tử cung của người vợ bằng dụng cụ chuyên dùng. Theo Thạc sỹ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh cho biết: “Cho đến nay, các báo cáo mà chúng tôi được biết về tinh trùng đã qua xử lý cho 2.000 lần TTNT với tinh trùng của chồng nhiễm HIV với 800 phụ nữ cho thấy: không có trường hợp nào bị lây nhiễm. Tuy nhiên vẫn có quan ngại là một số virus vẫn còn sót lại trong mẫu tinh trùng sau xử lý, người ta đã sử dụng thuốc kháng virus trong tinh dịch xuống thấp nhất trước khi tiến hành xử lý qua rất nhiều thao tác để có kết quả tuyệt đối an toàn”. Với kỹ thuật lọc rửa tinh trùng này, giá thành hiện nay dễ dàng chấp nhận được cho nhiều đối tượng: khoảng 700.000 đồng.
Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN)
Nếu TTNT, mẫu tinh trùng của người chồng bị nhiễm HIV đã qua xử lý được bơm trực tiếp vào buồng tử cung người vợ, thì với kỹ thuật TTTÔN, mẫu tinh trùng ấy, không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người vợ mà diễn ra bên ngoài cơ thể, việc lây nhiễm vì thế không có cơ hội xảy ra. Chỉ một ít tinh trùng được chọn lọc và cho tiếp xúc với trứng trong môi trường ống nghiệm, hoặc áp dụng kỹ thuật ICSI thì chỉ cần một tinh trùng bơm trực tiếp vào bào tương của trứng để tạo phôi, sau đó mới đưa ngược phôi vào lại buồng tử cung. Với phương pháp này, việc lây nhiễm được loại trừ hoàn toàn và nếu dùng kỹ thuật cao cấp nhất trong TTTÔN hiện nay là ICSI thì tỷ lệ thành công sẽ rất cao. Nhược điểm của kỹ thuật này là giá thành cao, khoảng gần 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc mong muốn có con đối với cặp vợ chồng nhiễm HIV ngoài việc thoả mãn nhu cầu được làm cha, làm mẹ như bao nhiêu người bình thường khác, bên cạnh việc hỗ trợ của các kỹ thuật hiện đại để vừa có con, vừa tránh được lây nhiễm còn là vấn đề cần được suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng. Khoa học ngày nay cho thấy, nếu người nhiễm HIV tuân thủ thức phác đồ điều trị có thể sống gần 20 năm, nhiều hơn nhiều so với ung thư. Tuy vậy, một công dân tý hon chào đời không phải là đã xong nhiệm vụ của khoa học mà còn tiếp tục cuộc sống của một con người với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Liệu có nên chăng - là câu hỏi đặt ra cả về mặt pháp lý cũng như đạo lý.
Hồng Liên
Tư vấn về cho nhận tinh trùng
NHS Nguyễn Thị Liễu
Chỉ định
Cho - nhận tinh trùng được áp dụng trong các trường hợp:
• Tinh trùng ít, yếu và dị dạng nặng, không đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra Uterine Insemination - IUI)
• Bệnh nhân không có khả năng về tài chánh để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (Invitro Fertilization – IVF)
• Sau khi mổ thám sát không có tinh trùng.
• Nhiễm sắc thể đồ của người chồng bất thường.
• Chồng bị nhiễm HIV
Tiêu chuẩn người cho
• Tuổi từ 20 đến 55.
• Sức khỏe: Tốt
• Trình độ học vấn: tối thiểu tốt nghiệp PTCS (lớp 9)
• Kết quả tinh dịch đồ bình thường (theo WHO 1999) và tỷ lệ tinh trùng sống sau rã đông ≥ 50%
• Các xét nghiệm sàng lọc:
+ HIV, HBsAg, HCV, BW: âm tính.
+ Nhiễm sắc thể đồ bình thường.
+ Xét nghiệm nhóm Rh dương, GS.
• Khi đủ điều kiện nói trên, theo đúng quy định người cho tinh trùng sẽ được hẹn ngày đến bệnh viện lấy 3 mẫu tinh dịch ở 3 thời điểm khác nhau (cách nhau 3-5 ngày) để lưu trữ.
• Ba tháng sau, kể từ thời điểm trữ mẫu lần 3, người cho sẽ được thử lại xét nghiệm HIV (để loại trừ trường hợp kết quả âm tính giả ở giai đoạn cửa sổ ở lần xét nghiệm trước).
• Sau khi có kết quả HIV lần 2, cặp vợ chồng hiếm muộn đã đủ điều kiện nhận mẫu khác từ ngân hàng tinh trùng và sẽ được tư vấn về cách điều trị.
Tư vấn ( có cam kết )
Người cho tinh trùng
• Nộp bản sao chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp cao nhất có công chứng (tối thiểu tốt nghiệp PTCS), giấy khám sức khỏe có dán ảnh và một ảnh 3 x 4.
• Cho phép cơ sở điều trị được quyền sử dụng nguồn tinh trùng đã hiến.
• Không được tìm hiểu về nhân thân, tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh… của người nhận tinh trùng cũng như em bé sinh ra sau này. Đồng thời, không có quyền lợi, nghĩa vụ gì đối với gia đình đứa bé sinh ra từ tinh trùng của mình.
Người nhận tinh trùng
• Đủ 20 tuổi và dưới 45 tuổi, có đủ sức khỏe mang thai và sinh đẻ.
• Trả 3.000.000 đồng cho một lần nhận mẫu tinh trùng ( bao gồm chi phí các xét nghiệm, bảo quản mẫu ).
• Cam kết có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đứa trẻ sinh ra sau này, không được tìm hiểu tên tuổi, địa chỉ, nhân thân người cho tinh trùng.
• Nếu cặp vợ chồng điều trị có thai ngay từ mẫu tinh trùng đầu tiên và em bé ra đời khỏe mạnh, bình thường thì 02 mẫu trữ còn lại sẽ được hủy.
• Cặp vợ chồng này về sau muốn điều trị có con nữa thì phải làm lại quy trình cho nhận tinh trùng.
Nguồn : Diễn đàn Hoanhiptim.vn
|
- Kiến thức cơ bản về HIV/AIDS là một trong những hành trang bạn cần đem theo, trong cuộc đời mình. - Với tình dục hãy sử dụng bao cao su đúng cách, đúng mục đích để phòng tránh nhiều hệ lụy. Trong số đó có những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. - Sử dụng ma túy không chỉ hủy hoại riêng bản thân mà là cả gia đình và xã hội của bạn. - Biết dừng đúng lúc trong mọi cuộc chơi, biết tạo cho mình thói quen sống lành mạnh, bạn thực sự là người chiến thắng. |