Tính xấu này là động cơ chủ yếu để phát triển những tính xấu khác (theo Wikipedia).
Nói đến tính ích kỉ, hầu như ai cũng thấy đó là một
tính xấu và người mang tính cách này khó mà chấp nhận được. Đó là với
tính ích kỉ nói chung, còn ích kỉ - một - cách -tích - cực thì sao?
Chưa hẳn đã là xấu đâu bạn ạ.
Vài ví dụ nè!
Bạn tớ, tên L đã giận tím mặt khi phát hiện ra bài
tập cuối kì môn Luật thuế của mình đã bị copy - paste ra thành gần chục
bản trong lớp. Thoạt đầu, cô bạn này chỉ send bài qua mạng cho một cậu
bạn trong lớp tham khảo. Không biết "tam sao thất bản" sao đó mà bài
làm này cứ thế bị lưu truyền đi, thành ra, cả lớp 60 người thì gần 10
người làm bài tương tự bài L. Khác chăng chỉ có mở bài, kết luận. Tệ
hơn, có người còn "bê nguyên xi", không thèm thay đổi cả mở bài, kết
luận. Điều quan trọng là bài làm này là sự cố gắng không mệt mỏi của L,
từ đi lấy tư liệu trên thư viện, đánh máy, tổng hợp kiến thức từ bao
nhiêu tạp chí chuyên ngành… Tất cả những việc đó đều do mình L làm hết.
Trước việc đã rồi, L chẳng còn biết làm sao, ngoài việc tự dặn lòng:
"Lần sau phải cẩn thận hơn khi cho ai tham khảo bài làm".
Khác với L một chút, là M (ĐH HCQG). Nhóm của M phải
làm bài tập nhóm. Ngoài phần việc như của các bạn ra , M còn cẩn thận
vẽ thêm một biểu đồ minh họa cho bài tập nhóm. Tất nhiên, biểu đồ này
chỉ là một ý kiến "mạo muội" của M, và may mắn là nó lại đúng. Thế mà,
khi cô giáo hỏi ai đã vẽ, M trả lời là mình vẽ và được cô giáo cộng
điểm thì cả nhóm M lại ngấm nguýt, cho rằng M ích kỉ, chỉ biết có mình.
Còn nhiều nữa, những trường hợp gần gần với thế. Rõ
nhất là trong những lần sinh hoat, làm việc chung theo hình thức đội,
nhóm. Sẽ có người được chơi dài, trong khi một số người khác lại ôm đồm
cả đống công việc. Thử lên tiếng "đòi quyền lợi" xem. Bạn sẽ bị gán
ngay 2 chữ "ích kỉ" cho mà xem.
Người trong cuộc nói gì?
"Ức không thể tả được" - L nói: "Cứ thử tượng tượng
mà xem, bao nhiêu công lao của bạn bị trộm cắp một cách trắng trợn, hỏi
ai mà chịu được cơ chứ?". Đó là ý kiến của L. Còn cô bạn tên M, người
đã vẽ biểu đồ minh họa cho bài tập nhóm thì: "Nếu đó là phần việc
chung, ai cũng như ai thì tớ cũng chẳng vơ vào làm gì. Nhưng đó là ý
kiến của riêng tớ, tớ có quyển được thể hiện nó ra và nhận lấy những gì
xứng đáng với sự cố gắng của mình chứ?"...
Ấm ức, không thoải mái là tâm trạng chung của những
người vô tình bị quy kết là ích kỉ. Nhất là, trong khi họ không hề ích
kỉ mà chỉ dám bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên,
đâu phải ai cũng thông cảm cho họ, trừ khi, chính bản thân người xung
quanh cũng rơi vào tình huống tương tự. Trong phòng kí túc của T, có H
là người hay bị cả phòng xa lánh nhất. Lí do là H không thích ai động
vào đồ đạc của mình. Nhiều lần đi học về, H thấy sách vở của mình bị
vứt lăn lóc trên giường, máy tính thì được bật nhưng chẳng có ai dùng,
thế là H cáu, nhắc mọi người hãy tôn trọng tự do cá nhân một chút. Từ
đó, cả phòng đều không đụng vào đồ dùng của H, song cũng nghỉ chơi với
H luôn. Lẽ ra T cũng thế, nếu một lần, T không đi học về và thấy đồ đạc
của mình bị quăng quật trên giường, bàn học. Lúc đó, T mới hiểu được
cảm giác của cô bạn kia.
Ích kỉ tích cực, có tốt không?
Nếu chỉ là ích kỉ, thì chẳng ai tán thành hay ủng hộ
rồi. Nhưng ích kỉ tích cực thì lại khác. Chỉ có ai nhận ra giá trị của
mình, quý trọng công sức lao động của mình thì mới có thể "xù lông
nhím" ra để bảo vệ, chứ không bao giờ để xảy ra tình trạng "cho không
biếu không". Đặc biệt, trong thời đại nền kinh tế tri thức như ngày
nay, với sự phát triển và ghi nhận các quyền về sở hữu trí tuệ thì
những trường hợp như của L sẽ còn là phạm luật ý chứ. Tuy vậy, ích kỉ
tích cực rất hay bị đánh đồng với tính ích kỉ nói chung, và khi đó thì
sẽ chẳng hay chút nào.Thế nên, nếu có ích -kỉ - tích - cực thì bạn cũng
nên khéo léo vào nhé! Nhẹ nhàng, kiên nhẫn giải thích với mọi người lí
do mình làm thế, đừng gây ra một không khí căng thẳng - không - đáng -
có, khi đó, mọi người sẽ hiểu và thông cảm với bạn ngay thôi.
Mai Hà Uyên
Nguồn : Tamsubantre theo Mực Tím.