Trong chuyến đi từ
quê xuống Hà Nội hôm ấy, trời mưa tầm tã thật khủng khiếp. Mưa táp vào
mặt tôi ràn rạt. Mưa lớn đến mức tôi phải tháo kính ra, thà nhìn đường
bằng đôi mắt cận 4,5 độ còn hơn qua đôi mắt kính nhoè nước
Trên
trời những tia chớp thỉnh thoảng lại loé lên cùng những tiếng sét chói
tai, khiến tôi không thể ngừng lo lắng khi mình đang cầm lái một con
ngựa sắt! Đang ban ngày mà các xe phải bật đèn pha, đạp phanh để người
đi sau không tông vào người đi trước. Tôi đếm từng cây số mong cho
nhanh đến Hà Nội.
Nhưng chợt chiếc xe nghiêng ngả, rồi nặng trịch,
lượn xéo. Tôi dừng lại. Bánh trước đã lép xẹp. Mặt tôi lúc đó méo xẹo
vì trên đầu, trời vẫn dội nước xuống, hai bên đường vắng tanh vì đã qua
thị xã Phúc Yên, đoạn đường mới làm chắc đã giải toả hết nhà cửa xung
quanh. Tôi dắt xe lầm lũi đi trong mưa gió.
Đi được chừng hai trăm mét, qua một trạm kiểm soát
vé, tôi mừng như bắt được vàng khi thấy thụt sâu bên lề đường là một
hiệu sửa chữa xe nhỏ. Vào tới nơi thì đó là một cửa hàng tạp hoá nhỏ,
kiêm thêm bơm vá xe máy. Hai vợ chồng chủ hiệu còn trẻ, tôi thấy chị bế
một đứa bé chừng hơn một tuổi. Ngôi nhà nhỏ lợp tôn bên nằm nép bên con
đường cao tốc rộng lớn mới xong. Chị chủ đưa ghế cho tôi ngồi. Tôi e
ngại vì bỏ quần áo mưa ra lát nữa mặc lại thì mất công, mà ngồi luôn
xuống thì ướt ghế. Chị cười:
- Em cứ ngồi xuống, ghế nhựa ướt rồi lại khô! Đứng làm gì cho khổ!
Trong lúc ấy anh chồng chị moi từ trong gầm tủ ra bộ
đồ nghề, bưng thau nước ra và bắt đầu vá cho tôi. Anh tỉ mẩn bơm lên,
dìm săm xe vào nước để kiểm tra rồi lại tháo ra, thử lại lần thứ hai.
Vá xong, anh lần kĩ lốp xe xem có vướng vật nhọn sắc nào không. Tôi vừa
nhìn anh làm việc vừa nhìn ra ngoái trời mưa gió vẫn gào thét, trong
bụng nghĩ, dù sao thế cũng là may mắn cho mình rồi; người ta làm cẩn
thận thế thì có đòi giá cao cũng đáng thôi!
- Xong rồi em ạ!
- Anh cho em gửi tiền...
- 8.000 đồng em ạ.
Tôi tưởng mình nghe nhầm. Ngày thường tôi vá xe ở Hà
Nội cũng đã cao hơn giá đó. Trong lúc mưa to gió lớn, hai bên đường
vắng tanh, cửa hiệu cũng không có khách, anh chủ hiệu có ra giá 20, 30,
50 hay cao hơn thì tôi cũng đành cắn răng mà trả chứ biết làm thế nào?
Có đôi co cũng không được vì mình đâu có lựa chọn nào khác! Tôi rút
tiền trả, cảm ơn anh chị, rồi nổ máy, lao nhanh vào cơn mưa tầm tã...
Tôi vừa lái xe vừa miên man suy nghĩ. Học trường
kinh tế, tôi đã được dạy về "thặng dư tiêu dùng". Khi đi mua một món
hàng, chúng ta sẵn sàng trả cho nó 100 nghìn đồng nhưng thực tế chỉ
phải trả 80 nghìn; như thế chúng ta có một khoản thặng dư 20 nghìn. Có
lẽ cuộc sống nhiều bon chen, lừa lọc đã khiến đa phần chúng ta quen với
việc bị bắt chẹt, bị buộc trả nhiều tiền hơn so với giá trị thực. Thế
nên, khi được hưởng mức giá bình thường, chúng ta đã thu được "thặng dư
tiêu dùng" rồi.
Nhưng câu chuyện xảy ra trong cơn mưa ấy không chỉ
đem lại cho tôi niềm vui với mấy chục nghìn "thặng dư tiêu dùng" đó!
Điều khiến tôi thấy ấm áp trong lòng dù trên đầu mưa vẫn quất ràn rát
là "thặng dư tình người". Phải chăng vì tiếp xúc với quá nhiều loại
người nên tôi tưởng đa số con người ta đều chạy theo lợi nhuận, và tìm
cơ hội để bắt nạt người khác. Trong tình thế tôi hoàn toàn bất lợi ấy,
anh sửa xe hoàn toàn có quyền và có thế chèn ép tôi. Nhưng có lẽ, dù
không nhiều, nhưng số người tốt kia vẫn còn, vẫn đang sống tốt trong
cuộc đời nhiều bon chen này. Trong mười mấy phút ngắn ngủi, tôi hiểu ra
rằng cách sống bắt nạt kẻ yếu thế không phải là đúng cho tất cả mọi
người.
Tuyệt vời hơn, anh sửa xe kia chắc chắn không bao
giờ nghĩ vừa đem lại nhiều thặng dư như thế cho tôi. Anh chỉ đơn thuần
nghĩ đó là công việc và mức thù lao bình thường, hợp lý. Anh không tự
đặt ra mức giá mới vì trời mưa và cũng không nói một câu kiểu ban ơn -
"Chú là sinh viên nên anh lấy rẻ!" mà tôi vẫn được nghe (kèm theo một
cái giá không hề rẻ). Khi vẫn có những con người coi việc sống và làm
việc tốt là điều bình thường, là điều tất nhiên thì cuộc sống này không
đến mức xấu xa như chúng ta vẫn nghĩ.
Cuộc đời vẫn đẹp sao!
Theo Ngoisao.net