Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline Tình_ca  
#1 Đã gửi : 12/04/2010 lúc 02:39:15(UTC)
Tình_ca

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 09-03-2010(UTC)
Bài viết: 1.216
Đến từ: Quảng Trị

Cảm ơn: 34 lần
Được cảm ơn: 116 lần trong 86 bài viết










Ông Ba Oanh.
CAND online - 16:30:00 11/04/2010, cập nhật cách đây 3 giờ

Hiếm ai như ông, nghèo rớt mồng tơi nhưng đã giúp gần 1.000 áo quan và lo toan miễn phí cho ngần ấy tang ma. Vì "mắc nợ những vong hồn" mà ông gánh biết bao chuyện thị phi, nợ nần chồng chất và sự hao mòn sức lực. Mọi lúc, mọi nơi, hễ chuông điện thoại reo vang báo tin có xác chết cơ hàn cần được an táng là ông lại lê tấm thân còm cõi đến… "hiện trường".

Ý chí bắt nguồn từ nỗi đau

Sau 4 lần bị "thất hứa" vì có những tang ma đột xuất, đám này nối tiếp đám kia, tôi mới gặp được ông trong ngôi nhà tuềnh toàng ẩn sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4).

Chỉ tay vào chiếc áo quan do một Mạnh Thường Quân gửi tặng đặng lo hậu sự cho những xác chết cơ nhỡ nơi đầu đường xó chợ, ông tâm sự: “Tên đầy đủ của qua là Bùi Văn Oanh nhưng bà con quen gọi là “Oanh hòm” hay "Ba vong hồn". Ngày trước và bây giờ vẫn vậy, gia đình qua thuộc diện nghèo tại địa phương. Cuộc sống là những tháng ngày phải chật vật chạy ăn từng bữa. Bởi vậy qua không thuộc tuýp người sinh ra để làm chuyện ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Việc qua làm bắt nguồn từ nỗi đau khi cụ thân sinh qua đời vào năm 1979".

Ngày ấy vì quá nghèo, nhà chẳng có gì bán ra tiền lo cho đám tang cụ thân sinh nên Ba Oanh tính chuyện bán chiếc xe ba gác cà tàng "ba để lại". Giọng trầm ngâm, ông nhớ lại chuyện xưa: "Tính vậy thôi chứ có bán cũng chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, đó là phương tiện kiếm cơm duy nhất của gia đình nên qua không thể. Cả đời ba sống trong căn nhà lá tồi tàn, phải chật vật lặn lộn, phải gò lưng đạp từng cuốc xe giữa nắng mưa đổi lấy cơm gạo duy trì cuộc sống cho gia đình, vậy mà khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không được yên thân. "Không mả đẹp cũng phải mồ yên", vì suy nghĩ thế nên qua rao bán nhà. Những hàng xóm cũng nghèo tận cùng như qua biết chuyện khuyên nên vay chứ bán nhà rồi sẽ trú mưa, tránh nắng ở đâu? Nghe có lý, vậy là qua bấm bụng năn nỉ tìm người vay mượn nhưng do quá nghèo nên ai cũng khước từ".



Đội mai táng hiệp nghĩa do ông Ba Oanh thành lập.

Trong cảnh khốn cùng ấy, mấy anh em Ba Oanh "mừng húm" khi được một chủ trại hòm biết chuyện thương tình đồng ý bán nợ chiếc áo quan với yêu cầu sau 1 tháng phải trả. "Tổ chức tang ma cho người cha già trong căn nhà rách nát rồi ròng rã 3 tháng trời gù lưng đạp xe cả ngày lẫn đêm nhưng Ba Oanh vẫn không thực hiện được lời hứa trả nợ dứt điểm. "Đến xiết nợ, thấy cái chòi rách trống hoác, chủ nợ dọa sẽ kiện cho qua ngồi tù mọt xương. Chết thì qua không sợ, qua chỉ thương ông già vì vướng víu chuyện này khó mà nhắm mắt yên lòng… Năn nỉ riết rồi qua được chủ nợ đồng ý gia hạn cho một năm để trả nợ".

Ngày thoát khỏi "án tù" vô hình, Ba Oanh sụt gần 20 ký. Ông trải lòng: "Từ những tháng ngày đau đớn, cơ cực ấy, qua cảm được nỗi đau của những người nghèo. Chạy xe khắp các hang cùng ngõ hẻm, qua đã chứng kiến quá nhiều cái chết, đám ma thê lương. Nhiều người khi trở về với đất không có được manh chiếu bó xác. Người được gói ghém như giò chả. Người đỡ hơn được an táng trong chiếc hòm đóng bằng ván ép cũ mèm… Ý nghĩ thành lập đội mai táng từ thiện trong qua lớn dần từ những điều trông thấy ấy!".

Người giàu làm từ thiện bỏ ra bạc trăm, bạc triệu nhẹ tênh, còn với Ba Oanh, lo chạy ăn từng bữa cho 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng vẫn dành dụm bạc lẻ "nuôi ước mơ" quả đúng là gánh nặng. Ông khoe: "Qua làm theo cách riêng, kiểu mưa dầm thấm lâu ấy mà. Giữa năm 1980 qua quyết định từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống cà-phê mỗi sáng, dùng tiền ấy bỏ heo. Sau 17 năm dành dụm qua tích lũy được một số tiền và tậu về 20 bộ quần áo cho các đạo tỳ làm lễ đưa ma".

Đội âm công từ thiện

Có phục trang, trống kèn rồi, Ba Oanh ra sức vận động những người đồng chí hướng cùng lập đội âm công chuyên lo tang ma miễn phí cho những người nghèo. Thành viên trong đội mỗi người một nghề, đều là dân lao động nghèo chạy xe ôm, bốc vác, phụ hồ, bán vé số… ở địa bàn quận 4 và các phường lân cận. Đó là ông Nguyễn Văn Long, sau hơn 30 năm gắn bó với nghề phụ hồ, sức khoẻ suy yếu, ông về làm bảo vệ cho một công ty ở phường 16, quận 4. Đó là anh Ít thợ hồ ở Xóm Miếu Bà Cố, là anh Bình (phụ vợ bán mẹt hàng tạp hóa lặt vặt), là anh Dũng bị khuyết tật bẩm sinh đi làm thợ đụng (đụng đâu làm đó) bữa đói bữa no… Ông Long tâm tình: "Thành viên cao niên nhất ở đội là cụ Nguyễn Văn Sổ, năm nay 79 tuổi, chuyên sống bằng nghề nhặt phế liệu, ở nhà thuê. Cực vậy nhưng không buổi "công tác" nào vắng mặt cụ".

Hôm chúng tôi đến thăm, cũng là lúc Ba Oanh và các thành viên trong đội mai táng từ Hậu Giang trở về. Đám tang ở sâu trong bưng biền, đường đến nghĩa trang đất lầy trơn trượt khiến đôi chân khẳng khiu của ông rã rời. "Nhà gì mà nghèo quá sá chú ơi!" - ông chặc lưỡi: "Nghèo đến độ cái bát cắm nhang cũng không có. Nghèo đến độ người vợ chỉ biết ôm xác chồng khóc đến lịm người. Nhiều hàng xóm vì ngại toàn thân người chết xì máu mủ tanh lòm nên không ai dám giúp".

- Chú có nhớ "ca" đầu tiên của đội không?

- Đó là tang gia của một người hàng xóm quê ở Hà Tĩnh vào đây ở trọ. Chồng bị tai biến mạch máu não nằm liệt một chỗ, người vợ kiếm sống nuôi cả gia đình bằng nghề rửa chén thuê. Chồng chết, không có tiền làm đám ma nên chị toan tính đau lòng, định bó chiếu chồng thả trôi sông. Biết chuyện, qua sang thăm, thấy chị ấy hoảng loạn, đau đớn, qua thương quá nên kêu gọi anh em mỗi người một tay. Ông Long nối lời: "Thấy chú Oanh qua nhà tắm rửa thi thể đầy máu mủ cho người chồng rồi tình nguyện đứng ra lo mọi chuyện, nhiều người đã phán chú ấy khùng"…

"Những phận người cơ hàn như thế nhiều lắm! Qua đã hàng trăm lần bắt gặp những xác chết nơi đầu đường xó chợ, những xác chết trôi sông, những người vợ, người mẹ ôm xác chồng con như điên dại vì lực bất tòng tâm trong việc lo hậu sự cho người thân... Với những xác chết vô thừa nhận, qua sẽ tổ chức tang ma ngay trên vỉa hè. Đám tang có kèn trống, có hương hoa đàng hoàng. Dù nghĩa tử là nghĩa tận, dù mai táng từ thiện những cũng phải đủ lễ nghĩa đàng hoàng".

Tận tay tắm rửa, an táng cho hàng trăm xác chết, một trong những kỷ niệm mà Ba Oanh nhớ mãi là lần giữa đêm ông nhận được một cú điện thoại từ Vĩnh Long nhờ bốc mộ. "Để di dời mộ theo lệnh giải toả của Nhà nước, nghe dân bốc cốt chuyên nghiệp ra giá 9 triệu đồng, gia chủ không có điều kiện đã nhờ qua giúp đỡ. 4 anh em đi trên chuyến xe đò bèo nhất, làm xong việc chỉ nhận đúng cây thuốc lá Khánh Hội cho gia chủ đỡ áy náy. Vui nhất là khi mình xuống, bà con xởi lởi, người nấu cơm, người chặt dừa mời mọc nhiệt tình. Xong việc, dù có nhiều lời mời ở lại chơi cho biết Vĩnh Long nhưng qua và anh em quyết định ra về. Mình đâu thể lạm dụng lòng tốt của bà con được".

Hành trình trĩu nặng nỗi niềm

Trên hành trình làm việc trượng nghĩa, Ba Oanh gặp không ít chông gai. Những gia chủ thấy ông nhiệt tình đứng ra tình nguyện lo hậu sự giúp gia đình sau phút ngạc nhiên đã  mắng ông "khùng" rồi đuổi ra khỏi nhà. Có người móc túi cho ông vài đồng bạc lẻ rồi vỗ vai van nài ông đừng làm cho gia quyến đau đớn thêm nữa. "Muốn quậy thì sang chỗ khác mà quậy" (?!). Cũng có gia chủ tưởng ông là "cò" của trại hòm đã thẳng thừng mời ra ngoài với lời nhắn "nhang đèn còn lo chưa nổi nói chi hòm cha ơi!".

Chừng biết ông xin cho người dưng nước lã, có chủ trại mắng xối xả "Hâm hay sao vậy cha? Hết chuyện làm rồi hả? Ai chết mặc họ liên quan gì tới ông?". Có chủ trại đặt nghi vấn "Nếu ông làm cò thì nói thẳng, tui trích phần trăm. Chứ còn xin cho thì đừng có mơ"…

Bỏ qua những điều vụn vặt đó, Ba Oanh tâm tình nếu không có tấm lòng của những Mạnh Thường Quân giàu nghĩa khí, đặc biệt là những chủ trại hòm tốt bụng thì đội mai táng từ thiện của ông đã phá sản từ lâu bởi "lấy đâu ra áo quan mà an táng cho người chết".

Trại hòm mà Ba Oanh lui tới làm phiền nhiều nhất là Nhà hòm Liên Đức Thọ do bà Hồ Thị Liên, sinh năm 1938, thường gọi là "má Tám Nghĩa" đứng tên kinh doanh. Nhận được câu nói từ má "Tụi bây thiếu gì cứ qua đây, má cho tất", Ba Oanh mở cờ trong bụng và liên tục gõ cửa xin hòm, xin  xe nhà đòn đi phụ giúp. Ấn tượng nhất là khi nghe Ba Oanh nói về Mạnh Thường Quân có tên Giang Kim Sơn ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.

Ông Sơn năm nay trên 70 tuổi, gia cảnh khó khăn, bản thân bị suy thận nặng nhưng với uy tín và tài vận động đã giúp hàng trăm áo quan cho người nghèo chết không có hòm chôn ở TP HCM và khắp các tỉnh miền Trung. "Khi biết chuyện qua làm, ổng đã cho người chở tặng 5 chiếc hòm. Hiện qua để nhờ tại trại hòm của má Tám. Ổng nói khi nào dùng hết, ổng sẽ giúp thêm. Gặp người cùng chí hướng, qua vui lắm!" - Ba Oanh bày tỏ




Nguyễn Thành Dũng


Em, Hướng Dương bị ánh sáng bỏ bùa
Người chăm chút vào em tìm sự thật
Những ánh nhìn dịu dàng và trong vắt
Xoay tròn theo từng sợi sắc mặt trời


Giữ vững quyết tâm phòng, chống Ma túy!
Giữ vững quyết tâm ngăn chặn AIDS!
Vì sự bình yên của gia đình và cộng đồng, toàn dân hãy tích cực tố giác tội phạm!
Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.