Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) là một trong những biện pháp giúp người nhiễm HIV/AIDS cải thiện sức khỏe và kéo dài sự sống.
Nói đến việc chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS chính là nói đến những việc làm tổng thể về chăm sóc, hỗ trợ y tế, tâm lý, kinh tế xã hội, dinh dưỡng và điều trị ARV. Theo quy định thì phác đồ điều trị ARV nào cũng phải có ít nhất 3 loại thuốc phối hợp. Để điều trị ARV có hiệu quả và thành công, ngoài việc chăm sóc y tế, trạng thái tâm lý, chế độ dinh dưỡng... thì yếu tố quan trọng mang tính quyết định là người nhiễm HIV/AIDS phải luôn luôn tuân thủ sự chỉ dẫn của bác sĩ (tuân thủ điều trị). Nếu sợ quên thì phải ghi rõ ràng và để ở chỗ thường xuyên nhìn thấy.
Cùng với việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh nên nhớ rằng: Thuốc ARV chỉ có tác dụng ức chế sự sinh sản (nhân lên) của HIV chứ không hoàn toàn chữa khỏi, nên xác định đã điều trị là phải điều trị suốt đời. Đồng thời cần uống thuốc dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội để phục hồi miễn dịch cho mình.
Hiện nay, có tình trạng một số người khi biết mình bị nhiễm HIV/AIDS, đã vội vàng ra nhà thuốc (hiện giờ đã có một số nhà thuốc bán thuốc ARV) mua ARV tự uống mà không cần công thức, phác đồ, không cần bác sĩ điều trị. Việc làm này rất nguy hiểm vì họ không biết mình đang ở giai đoạn lâm sàng nào, chức năng gan, thận như thế nào, lượng tế bào TCD4 là bao nhiêu... Chính vì vậy, mới bị kháng thuốc và sức khỏe giảm sút nhanh.
Người nhiễm HIV/AIDS muốn được điều trị ARV phải được tập huấn và phải có bác sĩ điều trị quyết định thời điểm điều trị, theo dõi để thay đổi công thức khi bệnh nhân có chỉ số men gan cao, bệnh nhân đang điều trị lao, bệnh nhân thiếu máu, hay đang mang thai hoặc bị rối loạn thần kinh... (những điều này chỉ có thể được phát hiện qua thăm khám, xét nghiệm, tầm soát ).
Muốn điều trị ARV đạt hiệu quả cao, bản thân người nhiễm HIV/AIDS cần phải đi vào một quy trình (còn gọi là quy trình tham gia điều trị ARV). Đó là: Thực sự tham gia một cách tự nguyện, tìm đến các bác sĩ, các trung tâm hỗ trợ cộng đồng để được đánh giá tình trạng lâm sàng, phân loại giai đoạn, tầm soát lao, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh kèm theo. Nếu là phụ nữ, cần xác định có mang thai hay không. Khi cần làm các xét nghiệm để chọn phác đồ thích hợp cho việc điều ARV, nhất thiết phải có chỉ định của các bác sĩ.
Khi bắt đầu tiếp cận uống ARV, cần thăm khám 2 đến 3 lần/tháng đầu tiên để được điều chỉnh về sức khỏe, được chăm sóc, điều chỉnh thuốc khi có phản ứng phụ. Nếu sang tháng thứ hai, thứ ba, sức khẻo ổn định, tăng cân, ăn uống bình thường trở lại, thì nên thăm khám một vài lần để được củng cố việc điều trị và đánh giá về hiệu quả điều trị. Trong trường hợp uống thuốc mà cảm thấy mệt mỏi, chưa hiểu rõ về thuốc, khó khăn về kinh tế, tâm lý, dinh dưỡng, người bệnh cần thổ lộ, nói rõ cho gia đình, người thân, bạn bè, người tin cậy hoặc các tư vấn viên để được giúp đỡ. Từ đó việc điều trị ARV sẽ đạt hiệu quả cao.
Một điểm lưu ý là khi uống ARV sẽ có hội chứng phục hồi miễn dịch. Hội chứng này thường xuất hiện từ 2 đến 12 tuần sau khi bắt đầu uống ARV. Khi đó người bệnh không nên lo lắng, vì lúc này chức năng miễn dịch của cơ thể dần dần được hồi phục. Sẽ kèm theo những triệu chứng của lâm sàng trước đây tái hoạt động như: Lao, viêm phổi, viêm màng não, sốt, sưng hạch, mắt kém, bệnh ở mắt... Lúc này, người bệnh hãy tìm đến các bác sĩ để được tư vấn xem có tiếp tục điều trị ARV hay tạm ngưng. Để điều trị ARV đạt kết quả tốt, người bệnh không bao giờ được tự ý bỏ thuốc.
Khi người bệnh tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, uống ARV đúng liều, đúng giờ, mà vẫn không tăng cân, vẫn xuất hiện nhiễm trùng cơ hội, hoặc bệnh tăng lên ở giai đoạn 3 đến 4, lượng tế bào TCD4 giảm hơn khi chưa điều trị thì bạn cần thảo luận với bác sĩ để có thể được thay đổi phác đồ thích hợp. Khi uống ARV nếu có ảo giác thì nên uống vào giờ chuẩn bị đi ngủ.
Hãy duy trì chế độ thăm khám bác sĩ để được theo dõi, giám sát, điều trị và tuân thủ những quy định trong điều trị thì mới thành công.
Bác sĩ Lê Nhân Tuấn