Bác sĩ trò chuyện
SGTT.VN - Stephen Hawking luôn tiến lên phía trước bất
chấp bệnh tật. Cơ thể càng suy yếu bộ óc càng chói sáng. Hình như bộ óc
che chở thân thể ông. Phải rồi bộ óc rất mềm dẻo.
Thật kỳ diệu!
Tháng 5.2010, Stephen Hawking 68 tuổi được tôn vinh ở
festival Khoa học thế giới tại New York về sự nghiệp đóng góp cho khoa
học. Quần chúng mê say đầu óc sáng chói khám phá vũ trụ bị gài trong
cơ thể tàn tạ.
Bị bệnh nơron vận động ALS, giáo sư Hawking mất gần hết
khả năng kiểm soát cơ bắp, rồi lần khai khí đạo cướp luôn tiếng nói.
Nếu ông sinh ra sớm hơn vài chục năm, loài người sẽ không có cách nào
bắt nhịp được bộ óc trời cho này. May mắn, máy nói điện tử đã giúp ông
và chúng ta. Woltosz thiết kế phần mềm Equalizer giúp ông đánh vần bằng
cách nhấp một cái nút, viết bốn chữ một phút. Đó là cánh cửa mở ra thế
giới bên ngoài.
Mason thiết kế máy vi tính giúp Equalizer hoạt động
trên xe lăn và chuyển bài viết thành bài nói. Nhờ vậy mà ông viết bao
nhiêu là sách và bài nói. Đến khi ông không còn kiểm soát được tay mình
thì Blackburn chế tạo máy nhạy cảm IR ghi nhận các co giật các cơ dưới
mắt. Chính các sản phẩm của bộ óc con người (phần mềm Equalizer, máy vi
tính của David Mason, máy IR) giúp bộ óc thiên tài tạo ra các sản phẩm
thần kỳ. Bệnh ALS là án tử, bác sĩ cho biết ông chỉ còn sống được vài
năm. Bất chấp căn bệnh, ông luôn luôn tiến lên phía trước. Gần nửa thế
kỷ sau, cơ thể càng suy, bộ óc càng sáng. Hình như là bộ óc trở nên kỳ
tuyệt mới che chở được cho thân thể ông. Chỉ có thể giải thích kỳ tích
Hawking bằng tính mềm dẻo của não bộ.
Bộ óc mềm dẻo
Não phình ra. Giữa thập niên 1990, các tài xế
taxi ở thành phố Luân Đôn mất gần hai năm để thuộc 320 lộ trình, bao gồm
khoảng 25.000 con đường trong chu vi 10km. Vùng hải mã sau của
não họ (có trách nhiệm về trí nhớ không gian) phình lớn ra so với nhóm
chứng. Vậy là bộ óc có đổi dạng do tập trung hoạt động trí não.
Lướt web khôn ra. Kết quả nghiên cứu của đại
học UCLA (2008): người trung niên và người nhiều tuổi chịu lướt web thì
não mạnh thêm và giúp ngừa xáo trộn nhận thức (như bệnh Alzheimer) về
sau. Máy MRI chức năng rà hoạt động bộ não thấy có gia tăng
hoạt động của vùng não hải mã.
Mềm dẻo bộ óc. Trước kia người ta cho rằng bộ
não chỉ mềm dẻo ở tuổi thơ, sau đó mọi việc được an bài. Mỗi người có
một số nơron nhất định, mất đi thì không có bù đắp. Già, óc cứng rồi.
Quan điểm lạc hậu rồi. Não có tính mềm dẻo, có khả năng thay
đổi suốt đời và sản sinh các nơron mới. Vài tuổi đầu đời bộ não lớn
nhanh. Mỗi nơron trưởng thành, đâm chồi nẩy nhánh thật nhiều làm tăng số
lượng synap (chỗ gặp gỡ của hai nơron). Lúc mới sinh, mỗi nơron trong
vỏ não có khoảng 2.500 synap. Não em bé 2 – 3 tuổi có số synap lên đến
khoảng 15.000/nơron. Ở người lớn theo năm tháng một số synap cằn cỗi rồi
lụi tàn. Người làm vườn cắt tỉa các cành lá khô héo để dưỡng cho cây
tốt. Bộ óc luôn cắt tỉa các synap cằn cỗi không dùng được và
tạo ra các nối kết nơron mới sởn sơ để thích ứng với môi trường chung
quanh. Tuyệt vời, tính mềm dẻo của bộ óc.
James Watson, Deborah
Norville và J. Craig Venter (7.11.2008)
|
Mỗi người một vẻ
Bộ óc nổi loạn từ trong gen. Craig Venter cho
giải trình tự genôm của mình từ năm 2003. Đây là genôm cá nhân người đầu
tiên đầy đủ gồm 6 tỉ mẫu tự, công bố vào 4.9.2007. Có vài chỗ liên hệ
với nguy cơ bệnh Alzheimer, bệnh tim mạch và thật thú vị có gen phản
kháng xã hội. Phải chăng Venter có bộ óc nổi loạn từ trong gen!
Venter 63 tuổi đã nhận nhiều phê phán nặng nề cùng
nhiều khen ngợi tột đỉnh. Ông bị coi là ngạo mạn và dũng cảm, sáng chói
và ương bướng, thiên tài và ích kỷ, không chính thống và hay chơi trội.
Từ nhà sinh học bứt phá đến nhà doanh nghiệp gen và
thuyền trưởng phiêu lưu, J. Craig Venter được coi là một trong những nhà
khoa học đầu tàu mà cũng có thể là một trong những người bất trị của
thế kỷ 21. “Tôi nghĩ bất kỳ ai đẩy sự việc đến bờ mí cuối cùng trong bất
cứ lĩnh vực nào cũng đáng nhận lãnh các mô tả như vậy”. Đó là lời bộc
bạch của đầu óc quậy từ trong gen. Tay Venter này thật giỏi và
chịu chơi.
Bộ óc người không có màu. Đồng khám phá cấu
trúc xoắn đôi DNA, một trong những thành tựu ý nghĩa nhất của khoa học
thế kỷ 20 – cũng là người đoạt giải Nobel năm 1962 James D. Watson, 79
tuổi người Mỹ đã gây phẫn nộ. Đầu tháng 10.2007, trong một cuộc phỏng
vấn Watson nói về “tương lai ảm đạm của châu Phi” và người da đen không
thông minh bằng người da trắng. Dư luận truyền thông phản ứng gay gắt
quan điểm kỳ thị chủng tộc. Ngày 18.10, ông bị ngưng chức tại labô Cold
Spring Harbor. Hôm sau đưa ra lời xin lỗi, nói là rất cắn rứt. Cơn bão
phẫn nộ vẫn thổi, không chỉ từ châu Phi. Venter điểm tử huyệt Watson
“genôm người được giải mã xong không có chỉ dẫn nào về sự thông minh và
màu da”. Bộ óc đâu có màu!
Nhưng bộ gen của Watson có màu. Công ty 454 lifes
Sciences chỉ cần vài tháng giải xong trình tự genôm của Watson (tháng
4.2007), chỉ tốn 1 triệu USD. Ngày 9.12.2007, báo Sunday Times
thả bom tấn. Kari Stefansson thuộc deCODE Genetic công bố trên mạng cho
biết 16% vốn gen của Watson có nguồn gốc châu Phi và 6% gốc
châu Á. Như vậy ông bà cố của lão già bất trị Watson là người
châu Phi. Chúc mừng Jim có gen màu đen và trở về cội nguồn châu
Phi của loài người.
Giáo sư khoa học thần kinh Marian C. Diamond, đại học
Berkeley dặn phải biết nâng niu sự mềm dẻo của não dinh dưỡng lành, tập
thể dục tốt, nhận thách thức mới, theo đuổi mục tiêu mới (lý tưởng, hoạt
động) và nuôi dưỡng yêu thương.
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng
Vốn quý
nhất
Ba tầng của bộ não. Mới nhìn bộ
não thấy rối thấy sợ. Nhiều rãnh, nhiều cuộn. Theo dòng tiến hoá thì dễ
hiểu và hay vô cùng. Đây là vốn quý nhất của con người và của thiên
nhiên. Trong 500 triệu năm, ba tầng não lần lượt chồng lên nhau thành bộ
não nằm gọn trong sọ người. Não sau (não lớp bò sát) xưa nhất.
Ở người, tầng này tương tự não thằn lằn, rắn, cá sấu. Não giữa là tầng
xuất hiện ở các loài có vú đầu tiên. Não trước (vỏ não mới) ở
loài thượng đẳng, khỉ, tinh tinh và người. Con người có bộ não lớn nhất
tính theo tỷ lệ bộ não/cơ thể với hai bán cầu có vai trò nổi trội, sinh
ra ngôn ngữ con người, óc suy nghĩ trừu tượng và ý thức. Vỏ não thì mềm
dẻo và có khả năng học hỏi vô tận, phát triển văn hoá loài người. Ba
tầng hoạt động gắn bó nhịp nhàng.
Các nơron, các synap và các chất dẫn
truyền thần kinh. Não người cân nặng trung bình 1.300 – 1.400g,
chứa đến 100 tỉ nơron. Nơi nối kết các nơron gọi là synap. Não người
trưởng thành chứa khoảng 1.015 đến 5 x 1015 (100 – 500 ngàn tỉ) synap.
Có khoảng 50 chất dẫn truyền thần kinh, chuyển các tín hiệu từ một nơron
vượt qua synap đến nơron kế tiếp. Các synap và chất dẫn truyền thần
kinh giữ vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của não.
GS - BS Nguyễn Chấn Hùng