 |
Người nhiễm HIV ở Vân Đồn say mê tập dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe. Ảnh do P.K Vân Đồn cung cấp |
Cần dưỡng sinh như cơm ăn, nước uống
Anh Nguyễn Văn Khánh (32 tuổi, ở xã Đông
Xá, huyện Vân Đồn) đã từng 2 lần tự tử vì bế tắc. Khi chuẩn bị lập gia
đình, anh biết mình nhiễm HIV và vì thế mà người yêu anh cũng “bỏ của
chạy lấy người”. Cú sốc với anh quá lớn, lần ấy anh uống hết cả lọ thuốc
ngủ và nằm lên giường, nhưng may gia đình đã cứu kịp.
Lần thứ hai, anh Khánh tuyệt thực, gia
đình tìm cách thuyết phục anh tham gia các nhóm tự lực của người nhiễm
HIV. Và từ đây - được các thành viên trong nhóm giới thiệu - anh làm
quen với chương trình điều trị và chăm sóc giảm nhẹ ở Phòng khám (PK)
ngoại trú Vân Đồn, tham gia lớp dưỡng sinh Tuna. Kết hợp với điều trị
tích cực bằng thuốc kháng virus ARV, sau 3 tháng, sức khoẻ tinh thần của
anh Khanh cũng đã cải thiện rõ rệt. Thấm thoắt đã sau 8 tháng kể từ
ngày anh Khánh nhất nhất đòi chết ấy, giờ anh đã lập gia đình. Hai vợ
chồng anh đều là người nhiễm HIV, cùng với niềm hạnh phúc gia đình bé
nhỏ, họ cùng tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Vân Đồn.
Cũng như anh Khánh, khi phòng tập mới
khai trương, 2 tuần liền, chị Thuỷ cứ đều đặn 3 buổi/tuần chăm chỉ tập
luyện dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Lúc đầu tập khó, về nhà cảm giác
như đau nhừ người, nhưng được gặp gỡ tập luyện với các bạn cùng cảnh
ngộ, cô giáo hướng dẫn tận tình, chị Thuỷ thấy rất thoải mái. Chị mượn
cô giáo cả đĩa tập về nhà để thao tác cho đúng. Khi chị Thu trả đĩa tập,
cô giáo như không nhận ra khuôn mặt với những nếp nhăn hằn sâu, u buồn,
hốc hác vì mất ngủ trước kia, thay vào đó là cái nhìn rạng rỡ. Gặp mấy
ngày mưa, chị ngại đến lớp, không ngờ chứng mất ngủ lại hành hạ.
Từ đó, chị có ý thức hơn hẳn, mỗi sáng
đều dành nửa giờ cho tập dưỡng sinh. Không ngờ, một công đôi việc, chị
không còn quanh quẩn với thời gian rỗi, rồi cả chứng táo bón cũng mất.
Ăn uống, tiêu hoá tốt, chị có da có thịt lên trông thấy.
Chăm sóc giảm nhẹ là nhu cầu lớn
Các nghiên cứu cho thấy, người nhiễm HIV
gặp các vấn đề phổ biến về sức khoẻ tâm thần như: 26% số người nhiễm
HIV bị chứng lo âu, 40% bị trầm cảm, 37% bị đồng thời cả lo âu và trầm
cảm. Ngoài mất ngủ, căng thẳng, ác mộng, họ còn gặp các vấn đề liên quan
đến táo bón, rối loạn tiêu hoá. Việc ăn uống không ngon miệng dẫn đến
gầy yếu, sút cân. Mặc cảm về bệnh tật, mất vợ/chồng và con cái, khó khăn
kinh tế và bị kỳ thị, nhiều người nhiễm HIV lâm vào sự khủng hoảng.
Từ cuối năm 2009, với sự giúp đỡ của Tổ
chức Sức khỏe gia đình và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển
cộng đồng, PK ngoại trú HIV - BV Đa khoa Vân Đồn đã triển khai dịch vụ
chăm sóc giảm nhẹ, trong đó ưu tiên các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo
âu. PK đang quản lý 200 bệnh nhân HIV thì đã có 150 được học và tập
dưỡng sinh. BS Nguyễn Xuân Sìu- Trưởng PK, đánh giá: “Ở bệnh nhân HIV,
đó không phải là bệnh lý tâm thần, mà mới là hiện tượng rối nhiễu tâm
trí. Họ không còn muốn sống, sợ mọi thứ, vì chưa biết làm thế nào để
chung sống với căn bệnh phải điều trị suốt đời, nỗi mất mát người thân.
Họ cần sự hỗ trợ tinh thần kịp thời để bình tâm lại và chuẩn bị cho cuộc
sống mới. Sau khi tập dưỡng sinh, tinh thần của họ tốt lên, và bản thân
họ cũng có ý thức tuân thủ uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị, nên
với nhiều bệnh nhân, đã như có một liều thuốc thần kỳ, đẩy lùi bệnh
AIDS”.
Theo ThS Nguyễn Đức Hùng - GĐ BV Đa khoa
Vân Đồn: Các bệnh nhân HIV/AIDS - cũng như bệnh nhân ung thư, giai đoạn
cuối 6 tháng họ thường ở tại gia đình. Và nếu được chăm sóc giảm nhẹ
đúng cách, họ sẽ tránh được đau đớn, và hơn nữa nâng cao chất lượng cuộc
sống. Những kinh nghiệm mà BV tích lũy được trong quá trình tiếp cận
với bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được bổ sung, hoàn chỉnh để có thể mở rộng mô
hình”.
Quang Duy