Như đã thông tin, ngày 22-9, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp (Cục) gửi thông báo đến bảy bộ và 13 tỉnh, thành đôn đốc thực hiện thông báo văn bản có dấu hiệu trái pháp luật vì cơ quan có văn bản bị “tuýt còi” hoặc không phản hồi, hoặc phản hồi theo hướng “bảo lưu quan điểm”.
Cấp đổi giấy phép lái xe phải xét nghiệm… HIV
Đầu năm 2008, tỉnh Nghệ An có Quyết định 07/2008/QĐ-UBND kèm theo quy định về quản lý hoạt động lái xe ôtô chở khách từ 10 chỗ ngồi trở lên trên địa bàn tỉnh. Văn bản này yêu cầu tiêu chuẩn đối với người lái xe ôtô vận tải hành khách phải “có thâm niên lái xe (tính từ ngày được cấp giấy phép lái xe) từ ba năm trở lên”. Đây là quy định không có trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 110/2006/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Chưa hết, quy định trên còn yêu cầu người lái xe ôtô vận tải hành khách phải “xét nghiệm HIV khi cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe vận tải hành khách…” và “… có xét nghiệm HIV đối với lái xe vận tải hành khách”. Cục cho rằng quy định xét nghiệm HIV là không phù hợp vì Luật Phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cấm bắt buộc xét nghiệm HIV trừ trường hợp cơ quan điều tra, VKSND hoặc TAND có trưng cầu giám định. Cục cũng viện dẫn: những ngành nghề yêu cầu phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng không thấy có nghề lái xe chở khách.
Một văn bản khác của Nghệ An bị Cục “tuýt còi” là Quyết định số 641/QĐ-UBND năm 2008 vì trong văn bản này, tỉnh cho phép Thanh tra đô thị TP Vinh được toàn quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà; lĩnh vực giao thông đường bộ; lĩnh vực bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị trên địa bàn TP Vinh.

Tài xế xe khách nếu đổi giấy phép lái xe ở Nghệ An thì buộc phải xét nghiệm HIV theo quy định của tỉnh này. Ảnh minh họa: HTD
Theo Cục, việc giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho Thanh tra đô thị TP Vinh là trái với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính - chỉ giao quyền xử lý vi phạm hành chính cho chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở trở lên. Cục cũng cho rằng Quyết định 641 của UBND tỉnh Nghệ An là văn bản có chứa quy phạm nhưng lại được ban hành dưới hình thức một văn bản hành chính là trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
Cả hai văn bản trên bị Cục “tuýt còi” từ đầu và giữa năm 2009 nhưng đến nay Cục chưa thấy phản hồi!
Quy định không phù hợp thực tiễn
Cục cũng có ý kiến về Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng văn bản quy định về thời điểm người lao động đủ điều kiện được hưởng lương hưu không thực tế, không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Thông tư trên quy định: Thời điểm được hưởng lương hưu là tháng liền kề sau tháng cơ quan, đơn vị, người lao động nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho tổ chức bảo hiểm xã hội. Cục cho rằng trên thực tế có trường hợp người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí theo quy định nhưng vì nhiều lý do, họ không biết hoặc không thể nộp hồ sơ ngay sau khi nghỉ hưu, hà cớ gì tước mất quyền lợi đương nhiên của họ?
Trong việc đóng góp của người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Quảng Bình cũng bị Cục “bắt giò” vì Quyết định số 562 của UBND tỉnh này quy định mức đóng góp cụ thể đối với người cai nghiện tự nguyện. Cục cho rằng quyết định của tỉnh Quảng Bình có dấu hiệu sai so với Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH. Thông tư 117 nêu rõ: “Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định mức đóng góp trên cơ sở bảo đảm đủ chi phí” trong khi Quyết định số 562 tự đưa ra mức đóng góp trong văn bản.
Tại các thông báo, Cục đều yêu cầu các bộ, tỉnh, thành “thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật” và thông báo kết quả xử lý cho Cục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Thế nhưng thực tế, cơ quan bị nhắc nhở hầu hết không phản hồi và những văn bản bị lưu ý đến nay vẫn chưa bị bãi bỏ, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung… Việc chậm trễ này dẫn đến những hậu quả không nhỏ: những quy định chỉ có “hiệu lực trên giấy” vì thiếu tính khả thi hoặc tùy tiện trong áp dụng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân.
Trong văn bản mới nhất, Cục tiếp tục yêu cầu các bộ và địa phương “thực hiện nghiêm túc việc tự kiểm tra, rà soát và xử lý ngay những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và báo cáo kết quả xử lý. Nếu không, Cục sẽ báo cáo bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản thông báo để cơ quan, người đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý. Nếu không xử lý hoặc cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả xử lý thì cục trưởng báo cáo bộ trưởng Bộ Tư pháp…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền:
- Kiến nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành;
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật do HĐND cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước;
- Đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ hủy bỏ, bãi bỏmột phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật do UBND cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước;
- Xử lý văn bản trái pháp luật khi được Thủ tướng ủy quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý.
(Trích Nghị định 40/2010/NĐ-CP)
|
ĐỨC MINH