Thêm nắng cho Hướng Dương
TT - Theo dõi hoạt động của Thư viện sách nói dành cho
người mù nhiều năm, chưa khi nào chúng tôi nhận được nhiều tin vui như
thời gian gần đây. Cứ vài ngày, vài tuần lại thấy tiếng Hướng Dương reo
vui trong điện thoại thông báo có trụ sở mới, có phòng thu mới, thêm
chương trình trợ sức...
 |
Chị Hướng Dương (áo đen) cùng ban quản trị Quỹ từ thiện sách nói cho người mù hát với các em học sinh mù trong lễ ra mắt - Ảnh:
Quân Nam
|
Sáng 15-10, sự phát triển của thư viện thật sự bước
sang một bước ngoặt mới với sự ra mắt của Quỹ từ thiện sách nói cho
người mù. Nhìn ban quản trị quỹ rỡ ràng ra mắt, Hướng Dương ngồi dưới
cười mà rớm nước mắt. Từ nay Thư viện sách nói sẽ không còn đơn độc,
gánh nặng hơn mười năm của Hướng Dương đã có người chung vai.
Huân chương Lao động hạng 2 đặc cách
Ngay dịp Thư viện sách nói dành cho người mù làm được bước phát triển vượt bậc này, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Hướng Dương Huân chương Lao động hạng 2, đặc cách vượt qua hạng 3, như một sự ghi nhận những giọt mồ
hôi của chị.
|
Chung tay thắp ánh sáng
Ban quản trị quỹ không phải ai xa lạ.
Là ông Lê Hiếu Đằng, người đã hết sức ủng hộ việc Thư
viện sách nói “ra riêng” để phát triển, đã đi lên đi xuống với những
giấy tờ, thủ tục để thành lập quỹ.
Là ông Lê Quốc Ân, dù bận rộn với việc điều hành Tập
đoàn Dệt may Việt Nam nhưng vẫn sát cánh với thư viện từ những ngày đầu
thành lập, đủ mười năm ngược xuôi vận động các nhà tài trợ để Thư viện
sách nói dù chưa có cơ sở pháp lý độc lập giữ quỹ vẫn có thể chắt chiu
từng thùng băng đĩa gửi đến các cơ sở người mù cả nước.
Là bà Tuyết Ngọc, người mẹ thương yêu đã tình nguyện
làm đôi chân của Hướng Dương suốt bao năm để trở thành một cây trụ chính
của Thư viện sách nói.
Có một người lạ: ông Ngô Mạnh Hân, giám đốc Công ty
TNHH Miền Đất Hoàng Thịnh Phát, người đã cam kết cho mượn miễn phí khu
nhà hơn 200m2 ở ngay mặt tiền quận 1 suốt ba năm liền để thư viện có địa điểm hoạt động thoải mái, thuận tiện hơn.
Hoàn toàn không có duyên nợ gì với người mù, chỉ vì
“trót” có liên hệ với Hướng Dương, tất cả đã đồng lòng chung tay san sẻ
gánh nặng biến thanh âm thành ánh sáng với chị. Tất cả đã sẵn lòng chắt
chiu từng giọt thời gian quý giá và dành cả tấm lòng hướng thiện của
mình cho những học sinh mù.
Phía dưới, gương mặt các em học sinh mù sáng bừng,
ngước lên sân khấu. Các em không thể nhìn thấy khuôn mặt của những người
đang tận tâm tận sức vì tương lai của mình nhưng lại cảm rất rõ nguồn
năng lượng ấm áp đang lan tỏa từ những giọng nói, tiếng cười, những cái
nắm tay thật chặt. Có lẽ các em cũng chưa thể hình dung được những khó
khăn mà chị Hướng Dương và các cô bác đã phải xoay trở để giúp mình học
và cảm nhận thế giới, nhưng em nào cũng có thể kể ra rất nhiều những gì
mà sách nói đã mang lại cho mình.
Anh Nguyễn Văn Long, giáo viên Trường mù Nguyễn Đình
Chiểu, người mù đầu tiên lấy được bằng thạc sĩ, rưng rưng nhắc câu
chuyện cười dân gian thầy bói mù sờ voi: “Từ ngày xưa người ta đã quan
niệm người mù là tăm tối, ngu dốt, kiếm tiền bằng lừa gạt. Giáo dục đã
thay đổi số phận của người mù, thay đổi cả cách nhìn của mọi người với
người mù. Để tốt nghiệp được hai đại học, lấy được bằng thạc sĩ, tôi đã
thụ hưởng rất nhiều thành quả của Thư viện sách nói, lại còn thụ hưởng
hàng loạt học bổng hằng năm của thư viện nữa. Khi nào tới thư viện,
trong lòng tôi cũng nói lời tri ân. Tôi xin phép tất cả những người mù
để được đại diện nói lời tri ân đó...”.
Và người trước nhất mà anh Long nhắc đến để trao lời cảm ơn từ tận đáy lòng mình là chị Hướng Dương.
Phần thưởng 12 năm
Ban quản trị ra đời, Thư viện sách nói chính thức chia
tay, cởi bỏ chiếc áo đã chật của Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM. Bà Thu Nga,
phó chủ tịch hội, nói những lời chân thành: “Vậy là những ước mơ đau
đáu trong lòng Hướng Dương về một thư viện đàng hoàng hơn, to đẹp hơn,
rộng đường hơn đã thành sự thật. Mười mấy năm qua, nếu không có Hướng
Dương, không phải là một người trong sáng và quyết liệt như Hướng Dương
thì Thư viện sách nói chắc đã không thể tồn tại và phát triển được như
vậy”.
Bà đã không quá lời. Tham quan hai phòng thu mới rộng
rãi và hiện đại vừa khai trương hôm nay, thầy Nguyễn Thanh Tâm, hiệu
trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu, vẫn nhắc đến những ngày Hướng Dương đẫm
mồ hôi trong phòng học ở trường với chiếc cassette cũ và những cuộn
băng 90 phút cứ thu rồi xóa.
Từ đó đến nay, 12 năm nhắc lại như chớp mắt nhưng Thư
viện sách nói thật sự đã tồn tại và phát triển bằng từng bước chân gỗ
đau đớn, từng dòng mồ hôi ròng ròng trong phòng lạnh của Hướng Dương. Dù
đếm lại thì người góp sức, động viên cũng nhiều, người tin tưởng, chờ
đợi thì vô số, nhưng ai cũng phải công nhận rằng Hướng Dương đã duy trì
Thư viện sách nói bằng chính trái tim nóng tới ngàn độ và ý chí cứng hơn
sắt thép của mình.
“Nhắm mắt lại và nghĩ đến các em học sinh mù, ai cũng
sẽ làm được như vậy” - chị bảo thế. Nhưng trên thực tế không phải ai
cũng sẽ làm được như Hướng Dương.
Một lần nào đó Hướng Dương đã nói: “Không mong hoa,
không mong phần thưởng, không mong khen tặng, không mong cảm ơn, chỉ
mong mọi người chung tay giúp Thư viện sách nói. Các em học sinh mù cần
sách nói, không phải cần bản thân Hướng Dương”. Hôm nay, Hướng Dương
được nhận phần thưởng, nhận hoa và lại được cả sự chung vai vững vàng
của Quỹ từ thiện sách nói cho người mù nữa. Đó mới là phần thưởng chị
mong đợi nhất.
Những đóa hướng dương cần nắng để quay về phía mặt
trời, Hướng Dương và Thư viện sách nói dành cho người mù không thể đơn
độc. Sau 12 năm, không sớm nhưng cũng chưa quá muộn, với Hướng Dương,
hình như phần thưởng này đã đến đúng lúc.
20g tối nay (16-10), chương trình văn nghệ đặc biệt “Ánh sáng từ trái tim” do Quỹ từ thiện sách nói cho người mù tổ chức diễn ra tại Nhà hát TP.HCM và được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9. Trong đêm này, chị Nguyễn Hướng Dương - giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù - sẽ được trao tặng Huân chương Lao động hạng 2 của Chủ
tịch nước.
Trước đó sáng 15-10, tại Thư viên sách nói dành cho người mù, Quỹ từ thiện sách nói cho người mù do UBND TP.HCM thành lập đã ra mắt. Dịp này, thư viện khánh thành hai phòng thu hiện đại mới được
đầu tư.
|
PHẠM VŨ
Trang chủ
Họ đã sống như thế đó! 
Thật là hạnh phúc và cũng thực sự xứng đáng để mọi người bày tỏ lòng ngưỡng mộ! 